Nhà Trắng "giấu" đối thoại của Trump với Nga và Saudi Arabia (RFI, 28/09/2019)
Nhật báo Washington Post ngày 27/09/2019 tiết lộ Nhà Trắng đã can thiệp để giữ kín nội dung các cuộc trao đổi giữa tổng thống Trump với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, cũng như với hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence (trái), chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (phải) và tổng thống Mỹ Donald Trump (giữa) dịp ông đọc thông điệp Liên bang lần thứ hai trước Quốc hội lưỡng viện, Washington, ngày 05/02/2019. Reuters/Leah Millis
Cuộc điện đàm giữa nguyên thủ Mỹ và hoàng thái tử bin Salman đã diễn ra sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát tại tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tình báo Mỹ CIA cho rằng thái từ bin Salman đứng đằng sau vụ án mạng xảy ra hôm 02/10/2018 nhằm triệt hạ một tiếng nói đối lập.
Còn về các cuộc trao đổi giữa Donald Trump với chính quyền Nga, Washington Post trích dẫn lời ba cựu quan chức Hoa Kỳ xin được giấu tên, khẳng định, nhân một cuộc họp vào tháng 5/2017 với ngoại trưởng Lavrov và đại sứ Nga tại Washington, tổng thống Trump đã tuyên bố ông không quan tâm chuyện Moskva can thiệp vào bầu cử Hoa Kỳ năm 2016, bởi vì Washington cũng hành xử tương tự với các quốc gia khác.
Tại Mỹ, một số người yêu cầu Nhà Trắng công bố nội dung các cuộc trao đổi giữa tổng thống Trump với đồng nhiệm Putin. Tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua đã ngay lập tức bác bỏ đòi hỏi này.
Thông tín viên Murielle Paradon từ trụ sở Liên Hiệp Quốc cho biết :
Donald Trump đang trong tâm bão vì đã yêu cầu tổng thống Ukraine cho mở điều tra về đối thủ Joe Biden bin đảng đối lập Dân chủ, chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống sắp tới. Nhà Trắng đã phải công bố văn bản ghi lại cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Hoa Kỳ và Ukraine.
Thế nhưng chúng ta nghĩ gì nếu như nội dung các cuộc trao đổi giữa Donald Trump và Vladimir Putin cũng được công bố ? Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov với giọng điệu hóm hỉnh đã bác bỏ ngay kịch bản này.
Ông nói : "Liên quan đến việc cho công bố nội dung các cuộc điện đàm, mẹ tôi xưa kia đã dậy rằng đọc thứ của người khác là bất lịch sự, là vô lễ. Tôi đồng ý với điều ấy. Đó thư trao đổi riêng giữa hai vị tổng thống do dân bầu ra. Có những truyền thống, những cung cách ngoại giao đòi hỏi phải được bảo mật ở một mức độ nào đó".
Ngoại trưởng Lavrov bất bình với những cách hành xử như vậy và ông đã chỉ trích luôn cả các phương tiện truyền thông từ nhiều ngày qua liên tục đưa tin về vụ tai tiếng gần đây nhất liên quan đến ông Trump.
Thanh Hà
******************
Ngoại trưởng Mỹ bị 3 ủy ban Hạ viện buộc giao nộp tài liệu về Ukraine (VOA, 28/09/2019)
Phe Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ, hiện đang theo đuổi một cuộc điều tra luận tội nhắm vào Tổng thống Donald Trump, xúc tiến cuộc điều tra này vào ngày thứ Sáu với việc ra trát buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo giao nộp các tài liệu liên quan đến chính phủ Ukraine.
Ba ủy ban của Hạ viện ra trát buộc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giao nộp tài liệu liên quan tới Ukraine trong cuộc điều tra luận tội nhắm vào Tổng thống Trump.
Theo sau một đơn khiếu nại của người tố cáo nói rằng ông Trump, người theo Đảng Cộng hòa, đã yêu cầu sự trợ giúp chính trị từ tổng thống của Ukraine mà có thể giúp ông tái đắc cử, các nhà lập pháp đang điều tra những lo ngại rằng các hành động của ông Trump gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và sự toàn vẹn của các buộc bầu cử ở Mỹ.
Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Tình báo và Ủy ban Giám sát Hạ viện cũng lên kế hoạch lấy lời khai của năm quan chức Bộ Ngoại giao trong hai tuần tới, bao gồm Kurt Volker, đặc phái viên của ông Trump tại Ukraine. Ông Volker đã từ chức vào ngày thứ Sáu, theo các nguồn tin biết về sự việc.
Không rõ ngay tức thì lí do từ chức của ông Volker là gì. Bộ Ngoại giao không hồi đáp ngay lập tức yêu cầu bình luận về trát buộc giao nộp tài liệu hoặc việc ông Volker từ chức, Reuters cho biết.
Các ủy ban công bố trát buộc giao nộp tài liệu sau khi chính quyền Trump lỡ mất hạn chót hôm thứ Năm để cung cấp các tài liệu và thông tin về những liên lạc với các quan chức Ukraine, cũng như cuộc điện đàm vào ngày 25 tháng 7 giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Cuộc điện đàm đó là trọng tâm của cuộc điều tra luận tội mà bà Nancy Pelosi, chủ tịch của Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát, đã loan báo trong tuần này.
Cuộc điều tra luận tội lại phủ bóng đen nữa xuống nhiệm quyền tổng thống của ông Trump, chỉ vài tháng sau khi ông thoát khỏi cái bóng của điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về việc liệu ông có thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Ông Trump đã phản ứng đầy phẫn nộ về cuộc điều tra luận tội, cho rằng ông không làm gì sai trái và cáo buộc phe Dân chủ tiến hành một cuộc "săn lùng phù thủy" có động cơ chính trị.
Hơn 300 cựu quan chức an ninh quốc gia từ cả hai chính quyền Cộng hòa và Dân chủ vào ngày thứ Sáu đã công khai ủng hộ cuộc điều tra luận tội, nói rằng họ không phán xét trước kết cục mà muốn biết thêm các dữ kiện.
Các ủy ban cũng cho biết họ dự định lấy lời khai của Phó Trợ lý Ngoại trưởng George Kent, người giám sát chính sách Ukraine. Ông Kent là phó trưởng phái bộ tại Đại sứ quán Mỹ ở Kiev từ 2015 đến 2018, và phụ trách chính sách chống tham nhũng trong khu vực này trước thời điểm đó.
Vào ngày 4 tháng 10, Ủy ban Tình báo Hạ viện cũng sẽ nghe lời khai chứng trong một phiên điều trần kín từ tổng thanh tra của cộng đồng tình báo Michael Atkinson, người đã xác định rằng đơn khiếu nại của người tố cáo là đáng tin cậy.
*****************
Mỹ : Hạ viện tăng tốc thủ tục phế truất tổng thống Trump (RFI, 28/09/2019)
Đến lượt Bộ Ngoại giao Mỹ bị chất vấn về cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Hoa Kỳ và Ukraine. Ngày 27/09/2019, Hạ viện yêu cầu ngoại trưởng Mike Pompeo cung cấp tất cả những tài liệu cần thiết cho cuộc điều tra về khả năng Donald Trump đã gây áp lực với Kiev "nhờ" tổng thống Ukraine giúp triệt hạ đối thủ chính trị là cựu phó tổng thống Joe Biden.
Một người phản đối hành động của tổng thống Mỹ sau tiết lộ nội dung cuộc điện đàm Trump-Zelensky ("Không ai đứng trên pháp luật"), New York, ngày 26/09/2019. Reuters/Lucas Jackson
Ông Biden có nhiều triển vọng là đối thủ chính của tổng thống Trump, đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm 2020.
Các ủy ban điều tra của Hạ viện triệu mời năm quan chức trong Bộ Ngoại giao ra điều trần, trong đó có Kurt Volker, đặc sứ của tổng thống Trump về Ukraine, thế nhưng ông Volker vừa từ chức hôm 27/09/2019.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho rằng việc Donald Trump nhờ một quốc gia can thiệp vào chính trị của nước Mỹ đe dọa trực tiếp đến "an ninh quốc gia và tính trung thực của các cuộc bầu cử" tại Hoa Kỳ.
Thông tín viên Anne Corpet từ thủ đô Washington phân tích :
Đây là hành động quan trọng đầu tiên trong tiến trình điều tra trong khuôn khổ đến thủ tục truất phế tổng thống, trực tiếp nhắm đến thượng tầng guồng máy ngoại giao Hoa Kỳ. Hạ viện gửi trát đến ngoại trưởng Mike Pompeo yêu cầu từ nay đến thứ Sáu 04/10, ông phải cung cấp tất cả các tài liệu liên quan đến cuộc điện đàm (hồi tháng 7/2019) giữa Donald Trump và Volodymyr Zelensky.
Ngay từ ngày 09/09/2019, lãnh đạo ba ủy ban tại Hạ viện đã yêu cầu ngoại trưởng Mỹ cung cấp một số tài liệu liên quan đến vụ này, nhưng đã bị từ chối.
Lần này, trong khuôn khổ điều tra luận tội và có thể dẫn tới việc truất phế tổng thống, Hạ viện dọa rằng nếu ông Pompeo không thỏa mãn đòi hỏi nói trên thì "đây là bằng chứng cho thấy Bộ Ngoại giao cản trở điều tra của Hạ viện".
Năm quan chức trong Bộ Ngoại giao được triệu mời ra điều trần trong hai tuần lễ sắp tới. Chủ tịch Hạ viện Mỹ sáng hôm qua cho rằng, "không nên kéo dài" chuyện này. Chủ tịch các ủy ban điều tra hiểu ý bà Pelosi và quyết định "hành động nhanh chóng và có phối hợp".
Thanh Hà
*****************
Chia rẽ ở Mỹ về điều tra luận tội Tổng thống Trump (VOA, 28/09/2019)
Công luận Mỹ đang bị chia rẽ giữa một bin là những người tán thành quyết định của đảng Dân chủ, điều tra luận tội Tổng thống Trump, và một đàng là những người không tán thành, với 49% ủng hộ, 46% chống, trong khi thành phần độc lập nói chung, không ủng hộ tại thời điểm này, theo kết quả một cuộc thăm dò mới do đài NPR / PBS NewsHour / Marist thực hiện.
Tuần hành đòi luận tội Tổng thống Donald Trump tại điện Capitol ở Washington ngày thứ Năm 26/9/2019. (AP Photo/J. Scott Applewhite)
Cuộc thăm dò được thực hiện vào đêm thứ Tư 25/9 bằng các cuộc phỏng vấn trực tiếp qua điện thoại, một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi loan báo tiến hành cuộc điều tra luận tội, nhưng trước khi công bố bức thư của một người tiết lộ thông tin, bày tỏ quan tâm về một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine, trong đó ông Trump ‘nhờ vả’ và áp lực nhà lãnh đạo Ukraine điều tra đối thủ chính trị của ông, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden và con trai ông là Hunter Biden. Hunter từng là thành viên hội đồng quản trị của một tập đoàn khí đốt Ukraine bị nghi ngờ có dính líu trong một vụ tham nhũng.
Làm như vậy, Tổng thống Trump được coi là đã mời gọi nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sắp tới, và lạm dụng quyền lực của mình nhắm phục vụ lợi ích chính trị cá nhân.
Vì vậy, các nhà thăm dò cảnh báo rằng những diễn tiến mới có thể thay đổi dư luận nhanh chóng, đặc biệt trong bối cảnh cứ 10 người thì có 7 người nói họ đang theo sát tin tức.
Ông Lee Miringoff, giám đốc Viện nghiên cứu công luận Marist, người đã tiến hành khảo sát 864 đối tượng, nói :
"Các đảng viên Dân chủ tại Quốc hội cần làm việc để thuyết phục mọi người về sự hữu ích của cuộc điều tra".
Người tiết lộ thông tin, hiện vẫn chưa lộ diện, còn tố các quan chức Toà Bạch Ốc là cố giấu nhẹm những trao đổi giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine bằng cách chuyển thông tin sang một máy tính khác, chứa thông tin mật, để ém nhẹm nội dung cuộc điện đàm.
Theo cuộc thăm dò của NPR/PBS/Marist, sự chia rẽ thể hiện những khác biệt về đảng phái, giới tính, trình độ giáo dục và nơi cư ngụ. Những người theo đảng Dân chủ ; là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có trình độ đại học ; và cư dân các Thành phố phần lớn ủng hộ cuộc điều tra luận tội.
Những người theo Đảng Cộng hòa, sinh sống ở nông thôn và thuộc phái nam phần đông không ủng hộ tiến trình điều tra luận tội.
Vẫn theo cuộc thăm dò này thi nhìn chung, 71% nói họ rất chú ý hoặc chú ý đáng kể đến tin tức liên quan tới vụ điều tra luận tội của Hạ viện về Tổng thống Trump.
Ba phần tư người Mỹ, kể cả đa số đảng viên Cộng hòa, nói người tiết lộ thông tin nên ra trước Quốc hội làm chứng. Đa số tin là cần điều tra về nội dung cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine, với 54% người được khảo sát gọi đây là vấn đề ‘rất nghiêm trọng’.
Một cuộc thăm dò do hãng tin Reuters và Ipsos thực hiện vào thứ Hai 23/9 và thứ Ba 24/9 cho thấy 37% số người được hỏi ủng hộ việc luận tội tổng thống so với 45% người phản đối. Con số 37% đã giảm từ 41% ba tuần trước và giảm xuống so với mức 44% hồi tháng 5, sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller công bố báo cáo của ông về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, các nhà bình luận lưu ý rằng trong quá khứ tỷ lệ các cuộc luận tội thành công không cao. Cho tới giờ, chưa có tổng thống Mỹ nào bị truất phế theo lối đó. Hơn nữa, mặc dù đảng Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát, sẽ cần đa số 2/3 số phiếu để bãi nhiệm tổng thống.
*******************
Nhà Trắng bị tố xóa dấu vết cuộc điện đàm Trump - Zelensky (RFI, 27/09/2019)
Tổng thống Donald Trump đã nhờ Ukraine "can thiệp" vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Volodymyr Zelensky. Sau đó, Nhà Trắng đã tìm cách để cuộc điện đàm trên được giữ bí mật.
Tổng thống Trump trả lời giới báo chí tại căn cứ Andrews, Maryland, Mỹ, ngày 26/09/2019. Reuters/Jonathan Ernst
Theo báo chí Mỹ, thông tin này được nêu rõ trong bức thư báo động từ một người làm việc cho Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), gửi đến Hạ viện và được công bố ngày 26/09/2019.
Tại sao Nhà Trắng tìm cách xóa dấu vết cuộc điện đàm trên giữa hai tổng thống Mỹ và Ukraine ? Từ San Francisco, thông tín viên RFI Eric de Salve giải thích :
"Đó là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump nhanh chóng hiểu ngay mức độ nghiêm trọng của cuộc trao đổi này, theo nội dung bức thư của người tiết lộ thông tin. Trong bức thư dài 9 trang, người này cho biết nhiều quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã ra lệnh rằng nội dung, từng từ một, của cuộc điện đàm giữa tổng thống Trump và đồng nhiệm Zelensky phải được xóa hết khỏi máy tính và phải được xếp vào hồ sơ mật.
Bà Nancy Pelosi bình luận : "Nhà Trắng đã cố tìm cách bóp nghẹt sự việc". Người đứng đầu đảng Dân chủ ở Hạ viện đã tiến hành thủ tục phế truất tổng thống sau khi có thông tin ông Donald Trump từng yêu cầu tổng thống Ukraine điều tra về đối thủ Joe Biden, thuộc đảng Dân chủ.
Trong thư, người tiết lộ thông tin cho biết "rất bối rối", "vô cùng băn khoăn" vì yêu cầu của tổng thống Mỹ. Người này viết tiếp là tổng thống Hoa Kỳ sử dụng chức vụ của mình để yêu cầu nước ngoài can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2020 và như vậy gây rủi ro cho an ninh quốc gia.
Lời cảnh báo này từng bị cấp trên của người tiết lộ ngăn chặn. Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia đã bị Hạ viện chất vấn sau khi bị cáo buộc ngăn cản việc công bố lời báo động. Việc nội dung bức thư được tiết lộ đang đẩy ông Donald Trump vào loạt khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông".
Thu Hằng