Nga giúp Trung Quốc có năng lực phòng thủ tên lửa (VOA, 05/10/2019)
Điện Kremlin nói hôm thứ Sáu 4/10 rằng động thái của Moscow giúp Bắc Kinh xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa cho thấy hai nước có mối quan hệ đặc biệt.
Moscow giúp Bắc Kinh xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các cuộc tấn công bằng tên lửa - Ảnh minh họa
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ Năm 3/10 cho biết Nga đang giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, một năng lực hiện chỉ hai nước Nga và Hoa Kỳ đang có ở thời điểm này.
"Đây là một thứ rất nghiêm túc sẽ làm tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Trung Quốc", ông Putin nói.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, từ chối cho biết khi nào hệ thống này sẽ hoạt động, nhưng ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại rằng động thái này nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc.
Mối quan hệ của Moscow với Bắc Kinh từng mang đậm sự cảnh giác lẫn nhau trong quá khứ và một số người ở Nga lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với miền đông nước Nga, nơi dân cư thưa thớt và giàu khoáng sản. Nga và Trung Quốc có chung đường biên giới dài 4.200 km.
Nhưng Nga đã xoay trục về phía đông sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow sau vụ sáp nhập Crimea vốn thuộc về Ukraine hồi năm 2014, và kể từ đó, quan hệ thương mại của Nga với Trung Quốc đã tăng lên nhiều.
(Reuters)
*****************
Mỹ thử tên lửa mới ở Thái Bình Dương cùng lúc Trung Quốc phô diễn vũ khí (VOA, 04/10/2019)
Vào lúc Trung Quốc phô diễn một số vũ khí mạnh nhất của họ trong lễ duyệt binh kỷ niệm quốc khánh lần thứ 70 hôm 1/10, Hải quân Hoa Kỳ đã thử nghiệm loại hỏa lực mới nhất của mình ở Thái Bình Dương.
Tàu USS Gabrielle Giffords, tháng 11/2016 (ảnh tư liệu)
Ở vùng biển ngoài khơi đảo Guam, tàu USS Gabrielle Giffords đã bắn đi một tên lửa tấn công hải quân (gọi tắt là NSM), là một tên lửa hành trình đối hải rất khó phát hiện trên radar và có thể cơ động để tránh hệ thống phòng thủ của đối phương.
NSM, cùng với nhiều loại vũ khí khác, đã được nhắm bắn vào một tàu khu trục bỏ đi của Hải quân Hoa Kỳ, chiếc USS Ford cũ, được kéo tới Thái Bình Dương để làm mục tiêu trong cuộc tập trận mang tên SINKEX.
Giffords là tàu Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên triển khai cùng với tên lửa tấn công hải quân (NSM). Các nhà phân tích nói rằng nó tạo lại thế cân bằng ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đã tăng kho vũ khí tên lửa của họ cả về lượng lẫn chất.
Trung Quốc hiện có lợi thế 3 chọi 1 về tên lửa hành trình so với Mỹ, nhưng tên lửa tấn công hải quân (NSM) rốt cuộc có thể "thay đổi cục diện", ông Carl Schuster, cựu hạm trưởng trong Hải quân Hoa Kỳ hiện là giảng viên tại Đại học Hawaii Pacific, nói.
Điểm trọng yếu của tên lửa NSM là tầm bắn của nó lên đến hơn 160 km, xa hơn 30% so với tên lửa Harpoon mà Hải quân Mỹ sử dụng lâu nay để chống hạm.
Khi hợp đồng tác chiến với máy bay không người lái dạng trực thăng, tàu chiến Mỹ sẽ có thể nhắm vào mục tiêu xa hơn cả tầm quét của radar trên tàu.
(CNN, Naval News)
******************
Trung Quốc khoe DF-41, Mỹ cho thử tên lửa lướt biển ở Guam (RFI, 03/10/2019)
Vào đúng lúc Trung Quốc khoe vũ khí mới tại Bắc Kinh nhân lễ quốc khánh hôm qua, 01/10/2019, ngoài khơi đảo Guam, Hải Quân Mỹ đã lẳng lặng bắn thử một loại tên lửa chống hạm tối tân được gọi là tên lửa "lướt biển", có độ chính xác cực cao. Đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ thử nghiệm loại vũ khí này ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Tên lửa lướt biển NSM được phóng đi từ chiến hạm USS Gabrielle Giffords nhân cuộc tập trận Pacific Griffin trên Biển Philippine ngày 01/10/2019.@us navy
Theo tờ Stars and Stripes của Quân Đội Mỹ ngày 02/10/2019, thì tên lửa đã được bắn đi từ chiếc tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords, nhân cuộc tập trận chung Pacific Griffin cùng với Singapore ở ngoài khơi đảo Guam.
Một thông cáo của Hải Quân Mỹ xác định tên lửa "lướt biển – skimming sea" là loại vũ khí tấn công chính xác "có thể tìm và tiêu diệt tàu địch trong phạm vi rộng đến 100 hải lý".
Tên lửa này vừa có khả năng bay là là trên mặt biển, vừa có thể điều chỉnh đường bay cho phù hợp với địa hình và sử dụng công cụ tìm kiếm nâng cao để nhắm thẳng vào mục tiêu một cách chính xác, và trong điều kiện tự nhiên khó khăn.
Hải quân Mỹ đã cho công bố một đoạn video ngắn cho thấy tên lửa được phóng đi như thế nào, nhìn từ ba góc khác nhau.
Hôm qua là lần bắn thử thứ hai của loại tên lửa có tên chính thức là Navy Strike Missile, nhưng là lần đầu tiên ở Châu Á. Cuộc thử nghiệm đầu tiên được thực hiện năm 2014, ngoài khơi miền Nam California. Tên lửa khi ấy đã được bắn đi từ tàu cận chiến duyên hải USS Coronado, và đã bắn trúng một mục tiêu di động trên biển.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 (hay Đông Phương 41), có khả năng mang đến 10 đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên đến 9.400 dặm
Vụ thử nghiêm tên lửa lướt biển lần này của Mỹ diễn ra cùng ngày với việc Trung Quốc phô trương tại Bắc Kinh tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 (hay Đông Phương 41), có khả năng mang đến 10 đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn lên đến 9.400 dặm.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, DF-41 là loại tên lửa có tầm hoạt động rộng nhất thế giới, trong lúc hãng tin Mỹ AP ghi nhận rằng với loại tên lửa này, Trung Quốc có thể tấn công lục địa Hoa Kỳ trong vòng 30 phút.
Điểm đáng chú ý là loại tên lửa lướt biển mới của Mỹ này, lại không phải là do chính Hoa Kỳ làm ra, mà là do công ty Na Uy Kongsberg Defense & Aerospace thiết kế, sau đó phối hợp với tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon nâng cấp và cải tiến cho thích ứng với loại chiến hạm LCS đời mới, và chiến đấu cơ F-35.
Trọng Nghĩa