Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/10/2019

Điểm báo Pháp - "cách mạng thuế" trên quy mô toàn cầu

RFA tiếng Việt

OCDE chuẩn bị "cách mạng thuế" trên quy mô toàn cầu

Thời sự nổi bật trên các báo Pháp hôm nay : Thổ Nhĩ Kỳ tấn công miền bắc Syria, bất chấp đe dọa nửa vời của Donald Trump ; tổng thống Mỹ từ chối hợp tác với Hạ Viện, để ngăn chặn thủ tục luận tội phế truất ; thăm dò dư luận tại Pháp : Đông đảo cử tri có thể bỏ phiếu chống hệ thống hiện hành. Đặc biệt đáng chú ý có việc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation de coopération et de développement économiques-OCDE) công bố dự án đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia. Dự án được coi là "cải cách thuế trên quy mô toàn cầu lớn chưa từng có", nhằm thiết lập một hệ thống thuế của thế kỉ 21, chống bất công nghiêm trọng hiện nay.

gafa1

GAFA nằm trong tầm ngắm của OCDE.Damien MEYER / AFP

"Bốn cuộc đối đầu lớn"

Nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay, trong mục "Quan điểm", giới thiệu nhận định của kinh tế gia Nourriel Roubini, với tựa đề "Kinh tế thế giới với cạm bẫy đối đầu giữa những cái tôi quá to". "Cặp đối kháng quan trọng nhất" là Mỹ - Trung, tiếp theo đó là Mỹ - Iran. Thứ ba là cuộc đối đầu giữa thủ tướng Anh và Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ Brexit. Và thứ tư là cuộc đối đầu giữa IMF – Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và chính quyền Argentina.

Nhấn mạnh đến "bốn cuộc đối đầu lớn" hiện tại, tác giả lưu ý : tương lai của kinh tế thế giới phụ thuộc rất nhiều vào việc lãnh đạo các cặp đối kháng này có thể tìm được "thỏa hiệp" hay không. Theo tác giả, kết cục của bốn cuộc đối đầu nói trên phụ thuộc lại rất nhiều vào tham vọng "cá nhân" của lãnh đạo mỗi bên. Kinh tế gia Nourriel Roubini được coi là người, mà ngay từ năm 2005, dự báo trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2007.

"Rùa chạy đua với thỏ" ?

Liệu kinh tế gia Nourriel Roubini lần này có tiên đoán đúng xu hướng của nền kinh tế thế giới ? Số phận thế giới có lẽ không đơn giản là phụ thuộc vào thái độ "bốc đồng" hay "độc đoán" của một vài cá nhân lãnh đạo cường quốc, mà là kết quả của những gì sâu xa hơn, của sự khủng hoảng nghiêm trọng của mô hình kinh tế ngự trị từ hàng thế kỉ nay.

Cộng đồng quốc tế không bó tay chờ đợi kết quả bốn cuộc đối đầu, mà kinh tế gia Mỹ dự đoán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế thế giới.

Theo Les Echos, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE) – bao gồm 134 quốc gia phát triển và đang phát triển – hôm nay công bố dự án chi tiết, khoảng 20 trang, về việc đánh thuế các tập đoàn tin học đa quốc gia, rất được nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ trông đợi (bài "Đánh thuế GAFA : Cương lĩnh cho một cuộc chiến quy mô toàn cầu đang định hình").

Les Echos so sánh nỗ lực của OCDE với "con rùa" trong cuộc chạy đua với "thỏ". Con rùa chậm chạp, nhưng kiên định, rút cục có thể đến đích trước những "con thỏ" của thời đại tin học.

Thay thế hệ thống thuế, tuổi đời hơn thế kỷ

Một tình trạng vô cùng bất công hiện nay là nhiều tập đoàn đa quốc gia, trong đó có các đại gia tin học thuộc nhóm GAFA (tức tên gọi tắt của các tập đoàn Google, Apple, Facebook và Amazon), thu được các khoản lời lãi khổng lồ, nhưng lại gần như tránh được việc nộp thuế, do các quy định lỗi thời, ra đời cách nay hơn một thế kỉ. Các quốc gia bị mất đi các nguồn thu rất lớn. Les Echos nhận định đây là dự án cải cách thuế "có tầm vóc lớn nhất và cũng nhiều thách thức chưa từng thấy" trên phạm vi toàn cầu.

Trả lời báo Le Monde, ông Pascal Saint-Amans, giám đốc Trung tâm Chính trị và quản lý thuế của OCDE cho biết, với dự thảo chi tiết này, các đàm phán thực sự sẽ diễn ra, với nhiều cơ may, dự án sẽ thành công. Một trong những điểm thuận lợi của tiến trình là việc Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn thái độ, sẵn sàng hợp tác với quốc tế trong dự án đánh thuế nhằm vào nhiều đại công ty Mỹ.

Tối thiểu 13% doanh thu toàn cầu

Cho đến nay, dự án đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia rơi vào bế tắc, do mỗi quốc gia chủ trương một cách (Anh muốn giới hạn trong các tập đoàn kỹ thuật số hàng đầu, Pháp chủ trương đánh thuế rộng hơn, nhưng tập trung vào các đại gia tin học, trong khi Hoa Kỳ chủ trương đánh thuế tất cả…). Để tạo đột phá, tổ chức OCDE đề nghị một "tiếp cận thống nhất", có nghĩa là đối tượng đánh thuế bao gồm toàn bộ các công ty có tương tác với thị trường, với người tiêu thụ, tuy các công ty này không thiết lập cơ sở ổn định tại các thị trường liên quan. Tiếp cận của OCDE có thể nói là rộng hơn chủ trương của Anh và Pháp, nhưng hẹp hơn so với Hoa Kỳ.

Các đại gia tin học là đối tượng chính của dự án cải cách thuế. Dự kiến thuế đánh vào nhóm GAFA sẽ chiếm tối thiểu "13% thu nhập toàn cầu" của từng tập đoàn.

Tuy nhiên, theo OCDE, hiện còn quá sớm để đo lường được các hệ quả về tài chính của dự án cải cách đối với từng quốc gia. Cuộc cải cách thuế nói trên của OCDE được giới kinh tế theo dõi sát. Một thành viên của Ủy ban Độc lập về cải cách thuế quốc tế (ICRICT), kinh tế gia Pháp Thomas Piketty, cảnh báo nguy cơ là dự án này sẽ chỉ đi đến kết cục là "chuyển được các khoản lợi nhuận từ những thiên đường thuế về các quốc gia giầu có".

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Syria : Người Kurdistan bị "phản bội"

Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào vùng đông bắc Syria, do người Kurdistan kiểm soát, là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả chạy tựa trang nhất : "Đánh người Kurdistan : Cuộc chiến bẩn thỉu của Thổ Nhĩ Kỳ", ghi nhận định : ''lợi dụng thái độ lập lờ của Mỹ, Ankara đưa quân tấn công''.

Xã luận Libération, với tựa đề "Syria : Sự phản bội không giới hạn", nhận định : cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ để ngỏ viễn cảnh miền đông bắc Syria "một lần nữa rơi vào thảm họa", tiếp theo sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà Nước Hồi giáo, vừa tạm thời được dẹp yên. Chính quyền Ankara – quốc gia từng hứa hẹn giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, ổn định tình hình biên giới và tham gia vào việc xây dựng một Nhà nước Syria – đang trở thành "mối đe dọa trực tiếp".

Libération nhấn mạnh là người Kurdistan - một dân tộc bất khuất, đã có "nhiều thập niên nỗ lực tranh đấu và xây dựng một nền văn hóa chính trị độc đáo" – giờ đây đang phải hứng chịu một sự phản bội mới, không biết là lần thứ bao nhiêu. Cuộc khủng hoảng lần này làm nổi bật "sự bất lực" của các nước Châu Âu. Libération đặt câu hỏi : Lý tưởng quyền tự quyết dân tộc, khát vọng dân chủ còn có ý nghĩa gì không với các nước Châu Âu ?

Libération thừa nhận cộng đồng Kurdistan nằm ở một vị trí bất lợi, tại một khu vực giằng xé giữa nhiều thế lực, thiếu đại diện tại phương Tây… Thế nhưng Libération cũng so sánh bầu không khí nhiệt huyết tại Châu Âu trong bối cảnh Liên Bang Nam Tư tan vỡ, nhiều quốc gia – dân tộc mới ra đời, với tình hình khá tương đồng tại Syria hiện nay nhưng Châu Âu lại chìm trong không khí thờ ơ, để phê phán thái độ nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Trump : Chính sách "nguy hiểm" và "ngây ngô"

Cũng Libération có bài phỏng vấn ông Mark R. Jacobson, cựu cố vấn bộ quốc phòng Mỹ. Ông lên án quyết định "hết sức nguy hiểm" của tổng thống Donald Trump, bỏ rơi đồng minh Kurdistan, một lực lượng chủ chốt – đổ nhiều xương máu – trong cuộc chiến tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo đáng sợ. Theo cựu cố vấn quốc phòng Mỹ, lẽ ra quân đội Mỹ phải làm nhiệm vụ làm tấm đệm giữa hai đồng minh của phương Tây (Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurdistan – Syria). Tuy nhiên, Mark R. Jacobson không hề ngạc nhiên trước thái độ của tổng thống Mỹ. Kể từ khi lên cầm quyền đến nay, thứ nhất Donald Trump liên tục khẳng định sẽ rút quân khỏi Syria, và thứ hai là ông Trump tỏ ra thiện cảm với các lãnh đạo độc đoán ở khắp nơi, từ Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ, đến Putin nước Nga, hay Kim Jong-un của Bắc Triều Tiên.

Về phần mình, nhật báo La Croix tố cáo "Chính sách ngây ngô" của tổng thống Mỹ. Về mặt thực tế, với quyết định rút quân khỏi miền đông bắc Syria, tổng thống Mỹ coi như đã thực hiện được lời hứa rút quân khỏi Trung Đông, mà ông coi việc can thiệp là một "quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ". Với quyết định này, ông Trump khẳng định : "Đối với chúng tôi, các cuộc chiến ngu xuẩn không hồi kết đã chấm dứt". Vấn đề là chiến tranh không hề kết thúc, quân Mỹ rút đi thì ngay lập tức quân Thổ Nhĩ Kỳ tràn đến đe dọa người Kurdistan, vốn là một lực lượng bảo đảm an ninh tại vùng Cận Đông, được Mỹ ủng hộ mạnh mẽ.

Mỹ : Trump phản công, cử tri ngày càng ủng hộ phế truất

Về chính trường nước Mỹ, báo chí Pháp nhất loạt chú ý đến đòn phản công mới của tổng thống Mỹ. Trước áp lực gia tăng của Hạ Viện, yêu cầu cung cấp thông tin cho các điều tra trong thủ tục luận tội phế truất (liên quan đến những mờ ám xung quanh cuộc điện đàm với nguyên thủ Ukraine), tổng thống Mỹ quyết định tuyên chiến. Les Echos khẳng định giờ là lúc Nhà Trắng và Hạ Viện, do đảng Dân chủ kiểm soát, trực tiếp đối đầu trong cuộc chiến không khoan nhượng.

"Tổng thống Trump tuyên chiến với Hạ Viện" là tựa đề của Le Figaro. Từ chối hợp tác với cơ quan lập pháp Hoa Kỳ trong điều tra đồng nghĩa với tuyên chiến công khai. Về phần mình, đảng Dân chủ tỏ ra không lo ngại trước quyết định bất hợp tác của người đứng đầu Nhà Trắng. Theo dân biểu Gerry Connolly, tiểu bang Virginia, Hạ Viện "đã có trong tay gần như toàn bộ tài liệu cần thiết, và việc tổng thống từ chối hợp tác chỉ dẫn đến phản tác dụng". Điều này có thể khiến công luận càng nghiêng về khả năng tổng thống Trump có điều gì đó cần phải giấu diếm.

Le Figaro cũng cho biết bối cảnh xã hội Mỹ trong không khí căng thẳng gia tăng giữa hành pháp (Nhà Trắng) và lập pháp (Hạ Viện). Hai thăm dò dư luận mới nhất (trong số ba cuộc), công bố hôm thứ Ba, 08/10, cho thấy đa số dân Mỹ ủng hộ thủ tục phế truất đi đến cùng, tức tổng thống Trump bị cách chức (với kết quả 53 và 58%, cao hơn nhiều so với 21% hồi đầu năm nay). Tỉ lệ có phần thấp hơn, với 42% trong cuộc thăm dò dư luận thứ ba (42%).

Vẫn về phản ứng của dư luận Mỹ, báo Le Monde có hồ sơ "Thủ tục phế truất : Trump chọn phương án dùng sức mạnh". Căn cứ vào kết quả tổng hợp các thăm dò của FiveThirtyEight, Le Monde nhấn mạnh đến tỉ lệ ủng hộ phế truất tăng vọt chỉ trong hai tuần. Vào thời điểm Hạ Viện khởi sự thủ tục phế truất, số người ủng hộ chỉ là thiểu số (39% với 51% chống). Hai tuần sau đó, ngày 08/10, đa số ủng hộ phế truất (50% so với 42%).

Pháp : Đông đảo cử tri muốn bỏ phiếu chống hệ thống

Trở lại nước Pháp, thăm dò thái độ của cử tri trước cuộc bầu cử địa phương 2020, và hơn hai năm trước cuộc bầu cử tổng thống 2020, là chủ đề chính của nhiều báo.

Le Figaro thiên hữu chạy tựa trang nhất "Điều tra : Người Pháp có xu hướng bỏ phiếu để phản kháng". Theo thăm dò của Opinion Way cho Fondapol, có đến ba phần tư người Pháp dự định bỏ phiếu chống lại hệ thống hiện hành trong cuộc bầu cử tổng thống 2022. Chống lại hệ thống có nghĩa là hoặc bầu cho lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, hoặc lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon, bỏ phiếu trắng, hay vắng mặt.

Ngược lại với Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm trước hết đến cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra đầu năm tới. Xã luận Les Echos mang tựa đề : "Làn sóng Xanh" cần được nhìn nhận nghiêm túc. Đảng cầm quyền hiện lo ngại đảng Xanh khẳng định mạnh mẽ trong cuộc bầu cử địa phương sắp tới, giúp cho ''cánh tả hồi sinh''.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 440 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)