Kiều dân Pháp tại Trung Quốc được kêu gọi cảnh giác (RFI, 31/03/2017)
Cộng đồng người Hoa biểu tình tại Paris ngày 30/03/2017 phản đối bạo lực cảnh sát.Reuters
Tòa đại sứ Pháp tại Bắc Kinh kêu gọi cộng đồng người Pháp ở Trung Quốc "đề cao cảnh giác" sau một vụ "tấn công thô bạo" xảy ra tại Thượng Hải, mà nạn nhân là một thanh niên Pháp. Đại diện ngoại giao Pháp kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải bảo vệ an ninh cho kiều dân Pháp, trong bối cảnh báo chí Trung Quốc làm ầm ĩ vụ cảnh sát Pháp bắn chết một đàn ông người Hoa tại Paris.
Trong một bản thông báo công bố trên website ngày 31/03/2017, sứ quán Pháp tại Bắc Kinh cho biết một thanh niên Pháp ở Thượng hải bị tấn công bằng dao. Một người bạn tiếp cứu làm hung thủ bỏ chạy, nhưng sau đó hung thủ bị bắt.
Thông cáo không nêu danh tính của nạn nhân, cũng không liên kết vụ việc này với vụ một người Hoa, tên Lưu Thiếu Nghiêu (Liu Shao Yao), bị một cảnh sát Pháp bắn chết hôm chủ nhật, nhưng kêu gọi cộng đồng người Pháp gia tăng cẩn trọng.
Sứ quán Pháp cho biết đã nhắc nhở chính quyền Trung Quốc an ninh của kiều dân Pháp là "ưu tiên số một" của chính phủ Pháp.
Theo cảnh sát Thượng Hải, nghi can là một thanh niên họ Mao, 27 tuổi, mang bệnh tâm thần.
Trong khi đó tại Paris, 5 ngày sau khi một người Hoa 59 tuổi bị cảnh sát Paris bắn chết trong một vụ can thiệp còn gây tranh cãi, chiều hôm qua, khoảng 300 người Hoa lại biểu tình đòi "công lý" và "sự thật" tại quảng trường République (Cộng hoà). Đây là cuộc biểu tình lần thứ tư, lần này có nhiều người tham dự không thuộc cộng đồng người Hoa, lên án "bạo lực cảnh sát" nói chung.
Khác với những lần trước diễn ra trong bạo lực, cuộc biểu tình đêm qua rất ôn hòa. Bên cạnh những tấm biển "cảnh sát thực dân", "cộng đồng Châu Á hãy thức tỉnh", là lá cờ Trung Quốc và một biểu ngữ lớn "Vì hòa bình, vì công lý, chấm dứt bạo lực".
Tú Anh
********************
Syria : Loại trừ Assad không còn là "ưu tiên" của Mỹ (RFI, 31/03/2017)
Trong chính sách về Syria, chính quyền Mỹ vừa có một quyết định quan trọng : Không còn coi sự ra đi của tổng thống Assad là một "ưu tiên". Sau tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua, 30/03/2017, đến lượt thông báo của đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikky Haley gây bất ngờ.
V
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley phát biểu tại Hội Đồng Bảo An ngày 21/02/2017. KENA BETANCUR / AFP
Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York :
"Cách chưa đầy 24 giờ, đại sứ Nikki Haley vẫn bảo đảm trước các chuyên gia về chính sách quốc tế là không thể làm việc được với một lãnh đạo có thể đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân nước mình. Nhưng chỉ vài giờ sau, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc đã thay đổi hoàn toàn quan điểm. Theo bà Nikki Haley, tổng thống Syria Bachar al-Assad vẫn còn có thể tại vị.
Trước một nhóm các nhà báo, đại sứ Nikki Haley bản đảm là số phận của tổng thống Syria không còn là ưu tiên của chính phủ Mỹ. Bà giải thích : "Cần phải lựa chọn cuộc chiến nào là chính. Khi các vị xem xét tình hình hiện nay, rõ ràng là chúng ta phải thay đổi thứ tự ưu tiên. Ưu tiên của chúng tôi không còn trong vấn đề này nữa, chúng tôi không còn tập trung vào việc buộc Assad phải ra đi’".
Đây là một bước ngoặt 180°C trong chính sách của Washington. Kể từ khi xung đột bùng phát cách nay sáu năm, chính quyền Mỹ vẫn cho rằng sự ra đi của Assad là điều kiện tiên quyết để vãn hồi hòa bình tại Syria.
Với tuyên bố này, bà Nikki Haley đã khiến cho các cộng sự thân cận nhất hốt hoảng, tìm cách chữa cháy. Để bào chữa cho sự thay đổi khó hiểu này, họ trấn an là ưu tiên của Washington không còn chỉ tập trung vào số phận của Bachar al-Assad, mà còn là tiêu diệt Daesh, loại trừ ảnh hưởng của Iran, bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại khu vực và mang lại hòa bình cho người dân Syria".
Đại sứ Mỹ khẳng định muốn cộng tác với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga để tìm ra một giải pháp chính trị về dài hạn cho Syria.
Đối lập Syria lo ngại trước thông báo nói trên của các lãnh đạo ngoại giao Mỹ. Một phát ngôn viên của Cao ủy thương lượng (HCN-High Negotiation Commission), tập hợp các nhóm đối lập chính đang thương lượng tại Genève, khẳng định : "Đối lập không chấp nhận vai trò của Bachar al-Assad vào bất cứ thời điểm nào". Một người phát ngôn khác của HCN hy vọng Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò "quan trọng hơn, quyết định hơn" trong hồ sơ Syria.
Việc nhà độc tài Assad, bị cáo buộc về hàng loạt tội ác chống lại người Syria, phải ra đi vốn là điều kiện tiên quyết của Hoa Kỳ và nhiều đồng minh phương Tây, để tìm ra một giải pháp cho hòa bình. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay dưới thời tổng thống Obama, trước sự can thiệp của Nga, Washington đã chuyển hướng ưu tiên cho cuộc chiến chống Daesh.
Trọng Thành
******************
Chính sách nhập cư của Tổng thống Trump : Liệu người Châu Á ở Mỹ có bị vạ lây ? (RFI, 30/03/2017)
Một cảnh khu chợ Châu Á ở Los Angeles, California. Ảnh ngày 29/03/2017. Mark RALSTON / AFP
Các cuộc tranh luận về chính sách nhập cư mới của chính quyền Donald Trump chủ yếu tập trung vào cộng đồng người Châu Mỹ Latinh. Thế nhưng, theo nhận định của các chuyên gia, chính sách mới này cũng tác động mạnh nhiều nhóm dân nhập cư trái phép khác, đặc biệt là Châu Á.
Theo các thống kê từ chính phủ và các nhà nghiên cứu, trong số 11 triệu người nhập cư trái phép vào Mỹ, có đến 80% đến từ Mexico hay các nước Châu Mỹ Latinh. Nhưng cộng đồng nhập cư lớn thứ hai khoảng 1,5 triệu người là từ Châu Á.
Phần đông những người này là gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines hay Hàn Quốc. Quan sát của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew và Viện Chính Sách Di Dân cho thấy đây cũng là cộng đồng nhập cư trái phép có mức tăng nhanh nhất tại Hoa Kỳ từ năm 2000. Chỉ riêng trong giai đoạn 2009-2014, số dân nhập cư không có giấy tờ đã tăng từ 130 ngàn lên gần nửa triệu người.
Tuy cho đến lúc này, cộng đồng người Châu Á nhập cư trái phép vẫn nằm ngoài các cuộc tranh luận, không là tâm điểm tấn công như người Mexico hay Châu Mỹ Latinh, nhưng việc chính quyền Donald Trump siết chặt chính sách nhập cư khiến họ cảm thấy lo âu.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, ông Joon Bang, giám đốc điều hành Korean American Coalition tại Los Angeles ghi nhận kể từ khi ông Trump bước chân vào Nhà Trắng, nỗi sợ hãi trong cộng đồng người Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể. Nỗi lo này liên quan đến tất cả mọi đối tượng, từ những người có hay không có giấy tờ cho đến cả những người đã có visa hay đang trong quá trình xin nhập quốc tịch.
Khác với những người nhập cư trái phép vào Mỹ qua ngã biên giới Mexico, đa phần những người di dân Châu Á không hẳn là người nghèo, và họ đã từng có giấy tờ nhập cảnh theo cách riêng, như visa du lịch hay du học chẳng hạn, rồi sau đó ở lại, một khi giấy tờ hết hạn.
Cũng theo ông Joon Bang, rất nhiều người Châu Á không có giấy tờ, đặc biệt là người Hàn Quốc, đã được hưởng lợi nhờ vào các chính sách nhập cư thời Obama như Chương Trình Tạm Hoãn Trục Xuất Những Người Đến Mỹ Bất Hợp Pháp Từ Lúc Nhỏ (Deferred Action for Childhood Arrivals – DACA) và Chương Trình Tạm Hoãn Trục Xuất Cha Mẹ Của Công Dân Mỹ (Deferred Action for Parents of Americans – DAPA).
Giờ đây, với Donald Trump mọi thứ đều trở nên bất định. Nhiều sinh viên Châu Á bắt đầu lo lắng, sợ hãi cho tương lai và cũng không biết bám víu vào đâu.
"Con đường nào để được ở lại hợp pháp ? Mua nhà hay là làm đám cưới với một công dân Mỹ ?", là những câu hỏi mà ông Stephen Yale – Loehr, nhận được từ các sinh viên trong thời gian gần đây.
"Nhưng đôi khi họ đến cũng chỉ để trút nỗi lòng, nỗi khó khăn nhọc nhằn và lo âu liệu rằng họ có sẽ tiếp tục chuyện học hành tại Cornell nữa hay không ?".
Là một chuyên gia tư vấn về nhập cư và là giáo sư trường luật Cornell Law School, nhưng bản thân ông Stephen cũng chẳng biết được điều gì hơn là khuyên họ hãy kiên nhẫn đợi chờ.
Minh Anh