Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/11/2019

Điểm báo Pháp - Macron công du Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Macron đi Bắc Kinh, dân Duy Ngô Nhĩ bị truy bức ở Pháp

Chuyến công du Trung Quốc "nhạy cảm" của tổng thống Pháp là chủ đề chính của hầu hết các báo số đầu tuần này.

congdu1

Cộng đồng Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ biểu tình tại Paris phản đối chế độ Bắc Kinh, 24/03/2019. Trong ảnh, một người mang hình nộm lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh KENZO TRIBOUILLARD / AFP

Trong khi Le Figaro nhấn mạnh việc tổng thống Macron tìm kiếm cơ hội "hợp tác" tại Trung Quốc, La Croix cảnh báo Trung Quốc vừa là "cơ hội", cũng vừa là "đe dọa". Bắc Kinh không phải là mối đe dọa xa xôi : Libération nêu bật trên trang nhất tình trạng người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) tị nạn bị chính quyền Trung Quốc truy bức ngay trên đất Pháp.

Le Monde đặt câu hỏi : "Vì sao chuyến công du Trung Quốc của Macron lại nhạy cảm". Trong chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai, tổng thống Pháp muốn Bắc Kinh thực thi một quan hệ có đi, có lại với đối tác, "tương tự như điều mà giới lãnh đạo Trung Quốc đòi hỏi". Đây là thông điệp chính của bài nhận định của Le Monde.

"Quan hệ có đi có lại"

Quan hệ song phương Pháp – Trung dường như đang đi theo chiều hướng này. Tại Paris và Bắc Kinh, giới ngoại giao hai bên nhấn mạnh đến quan hệ "đối tác toàn diện", "đối thoại chiến lược"… Trong chuyến công du này, tổng thống Pháp nhận lời mời làm khách danh dự của Hội chợ Nhập khẩu Thượng Hải, một biểu tượng của chính sách mở cửa thương mại của Trung Quốc. Tổng thống Pháp là nguyên thủ duy nhất tham dự Hội chợ (ngoài ra, chỉ có ba nước khác cử thủ tướng).

Về phần mình, Bắc Kinh cũng rất cần đến đối tác mới, đặc biệt với Liên Âu, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ. Hôm 01/11, Trung Quốc lần đầu tiên bổ nhiệm một quan chức cao cấp phụ trách quan hệ với Liên Âu. Ông Tập Cận Bình và phu nhân sẽ có buổi ăn tối riêng, với cặp vợ chồng nguyên thủ Pháp, để đáp lễ. Tuy nhiên, vẫn theo Le Monde, dự kiến sẽ không có hợp đồng lớn nào được ký kết. Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải phóng xạ, trị giá 11 tỉ đô la, vẫn chỉ đang trong giai đoạn đàm phán.

Căng thẳng lộ rõ. Trong lúc Paris nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của chuyến công du (với việc tổng thống Pháp khai trương một chi nhánh của bảo tàng nghệ thuật đương đại Pompidou tại Thượng Hải – chi nhánh đầu tiên ngoài Châu Âu, và nhiều hoạt động tăng cường trao đổi văn hóa song phương), thì trước chuyến đi của ông Macron, một quan chức bộ ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo : việc Pháp gia tăng hiện diện tại Biển Đông và Châu Á – Thái Bình Dương không được gây ra bất ổn cho khu vực. Vấn đề khủng hoảng Hồng Kông và Tân Cương ắt hẳn sẽ không được đề cập tới, do được coi là "công việc nội bộ" của Trung Quốc.

Chuyến đi gặt hái

Le Figaro có cái nhìn lạc quan hơn về chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của tổng thống Macron. Theo nhật báo Pháp, chuyến đi lần này cho phép ông Macron thu hoạch các kết quả đầu tiên, trước hết là về mặt thương mại, vốn đã được đặt nền móng từ trước. Phủ tổng thống Pháp thừa nhận thương mại, cụ thể là lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, là ưu tiên. Nhân dịp này, khoảng 40 hợp đồng sẽ được ký kết. Ngoài công nghiệp thực phẩm, là công nghệ vũ trụ, năng lượng, du lịch và y tế là những thế mạnh của Pháp.

Gia tăng hợp thương mại dường như là chuyện không thể đi song hành với các đòi hỏi về nhân quyền. Tuy nhiên, Libération đưa ra một góc nhìn khác. Bài xã luận "Những người bị truy bức" nhấn mạnh : tổng thống Macron hoàn toàn có lý do để nêu vấn đề nhân quyền với Trung Quốc, mà không ngại bị Bắc Kinh cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ.

"Mạng lưới tai mắt khổng lồ"

Trong số báo ra ngày hôm nay, Libération giới thiệu cuộc điều tra về tình trạng chính quyền Trung Quốc đe dọa những người Duy Ngô Nhĩ đang tị nạn tại Pháp. Nhiều người trong số họ, đang ẩn náu bí mật, nhận được các bưu kiện từ nước ngoài với thông điệp đe dọa, hay bị liên lạc qua điện thoại, ngay khi họ vừa có số mới. Nhiều người nhận được yêu cầu phải đến trình diện tại sứ quán Trung Quốc…

Libération nhấn mạnh, ngoài vấn đề xâm phạm nhân quyền, các hành động truy bức này đặt ra một thách thức nghiêm trọng về an ninh với Pháp, với Châu Âu. Bởi "nếu như Trung Quốc có thể có được dễ dàng số điện thoại hay địa chỉ của một người tị nạn, thì có nghĩa là Bắc Kinh đã triển khai một cách bất hợp pháp một mạng lưới tai mắt khổng lồ trên toàn lãnh thổ Châu Âu, và nhiều nơi khác".

Châu Âu đoàn kết trước đế chế Trung Hoa

Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix, mang tựa đề "Trung Hoa" (hay Đế chế ở trung tâm thế giới) nhấn mạnh đến "thái độ lập lờ ngày càng khó chấp nhận được" của chính quyền Trung Quốc. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định đang trong giai đoạn nỗ lực tham gia vào nhóm "các cường quốc phát triển nhất", nhưng mặt khác lại không chấp nhận điều chỉnh luật pháp trong nước để bảo hộ đầu tư nước ngoài, sở hữu trí tuệ, giống như các đối tác.

Về mặt chính thức, Bắc Kinh khẳng định không có tham vọng đế quốc, nhưng trên thực tế, Đảng cộng sản Trung Quốc thao túng toàn bộ xã hội Trung Quốc, và tăng tốc xây dựng các tập đoàn khổng lồ có tham vọng đứng đầu thế giới, và bành trướng sức mạnh quân sự.

Tìm được quan hệ cân bằng với Trung Quốc là rất khó khăn. La Croix chốt lại : đối mặt với siêu cường này, Châu Âu phải đoàn kết. Đây là đường hướng mà các lãnh đạo Châu Âu đang nỗ lực xây dựng trong những tháng gần đây. Việc bộ trưởng Nghiên cứu khoa học của Đức và ủy viên phụ trách Thương mại của Liên Âu có mặt trong phái đoàn của tổng thống Macron là một tín hiệu rõ ràng.

Tập Cận Bình củng cố quyền lực nội bộ

Tổng thống Pháp đến Trung Quốc đúng vào lúc Đảng cộng sản Trung Quốc vừa khép lại một hội nghị trung ương đặc biệt. Lần đầu tiên, sau 20 tháng, Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc nhóm họp, từ ngày 28 đến 31/10. Khoảng cách thời gian giữa hai hội nghị dài chưa từng thấy kể từ thời kỳ rối loạn tại Trung Quốc đầu những năm 1970 đến nay.

Uy quyền của Tập Cận Bình dường như gia tăng sau hội nghị này, theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, được báo Le Monde dẫn lời. Điều này hoàn toàn trái ngược với một số đồn đoán về vị thế của tổng bí thư họ Tập bị lung lay. Trong bài diễn văn khai mạc hội nghị dài một giờ 40 phút, chủ tịch Trung Quốc đòi hỏi toàn Đảng nỗ lực "không ngừng".

Theo Le Monde, điểm đặc biệt đáng chú ý trong bài diễn văn nói trên là sự tương phản, giữa một bên là thái độ "tự thỏa mãn" của ban lãnh đạo Trung Quốc về năng lực điều hành của chính quyền và bên kia là "những lo ngại về các thách thức to lớn đang chờ đợi".

Bài diễn văn của ông Tập cho thấy chính quyền Bắc Kinh muốn tiếp tục duy trì vị trí thống lãnh của khu vực kinh tế nhà nước. Ông Tập Cận Bình không hề nhắc đến cuộc xung đột thương mại với Hoa Kỳ, kéo dài hơn một năm nay.

Hồng Kông : Chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị trung ương

Về năng lực điều hành "ưu việt" của chính quyền, mà ban lãnh đạo Bắc Kinh tỏ ra thỏa mãn, nhật báo Pháp chỉ ra giới hạn nghiêm trọng, qua cuộc khủng hoảng Hồng Kông hiện nay. Cuối tuần trước, trả lời báo giới, ông Trần Xuân Diệu (Shen Chunyao), quan chức phụ trách vấn đề Hồng Kông của Đảng, thừa nhận khủng hoảng Hồng Kông là một chủ đề trung tâm trong các thảo luận nội bộ trong Hội nghị trung ương vừa qua. Hiện tại, Bắc Kinh chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào nhằm cải thiện khả năng điều hành của chính quyền trung ương đối với đặc khu Hồng Kông (thông qua việc cách chức hay bổ nhiệm các lãnh đạo đặc khu), như điều mà quan chức nói trên quảng bá.

2020 - Năm thay đổi diện mạo nước Mỹ

Chính trường Mỹ, một năm trước bầu cử tổng thống, là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Les Echos có chùm bài mang tựa đề : "2020 là năm có thể làm thay đổi diện mạo nước Mỹ". Nhật báo Pháp tóm lược tình hình : Không khí bất định đang ngự trị, giữa một bên là tổng thống Donald Trump đang bị thủ tục phế truất đe dọa, và bên kia là nội bộ phe Dân chủ, không thống nhất được về đường lối.

Đáng chú ý có bài phân tích về hệ thống cân bằng quyền lực của nước Mỹ (thông qua việc bầu lại nghị viện hai năm một lần) thường hậu thuẫn cho việc lưỡng đảng chia sẻ quyền lực, trong bối cảnh số lượng cử tri ủng hộ các ứng cử viên có quan điểm cực đoan gia tăng.

Hồi hai nhiệm kỳ Macron : Dân chúng lo ngại

Les Echos số ra hôm nay cũng tập trung chỉ ra những thách thức với tổng thống Macron trong phần hai nhiệm kỳ tổng thống, đúng hai năm rưỡi cầm quyền của ông Macron. Theo nhật báo kinh tế Pháp, bất chấp việc các chỉ số kinh tế đang theo chiều hướng tốt (như thất nghiệp sụt giảm), đông đảo cử tri Pháp lo ngại về các cải cách sắp tới. Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Bruno Jeanbart, giám đốc nghiên cứu của OpinionWay, giải thích : nghi ngờ của dân chúng tập trung vào khả năng của tổng thống dẫn dắt các cải cách - đề xuất trong thời gian tranh cử, do uy tín của tổng thống bị suy yếu trong thời gian khủng hoảng Áo Vàng.

Theo Les Echos, trong hai năm rưỡi tới, chưa thể dự báo được gì về các ứng cử viên có mặt trong vòng hai cuộc bầu cử tổng thống tới. Một trong các kịch bản có thể là đương kim tổng thống Macron sẽ phải một lần nữa phải đối đầu lãnh đạo đảng cực hữu Marine Le Pen, cho dù đông đảo cử tri đã hoàn toàn mất thiện cảm với nhân vật này, sau lần năng lực yếu kém của bà Le Pen thể hiện rõ trong cuộc tranh luận trực tiếp với ông Macron.

Tín đồ Công giáo muốn khôi phục Giáo hội

Khủng hoảng của Giáo hội Công giáo, đặc biệt với các vụ bê bối ấu dâm, khiến Giáo hội muốn lắng nghe các tín đồ nhiều hơn là chủ đề trang nhất của La Croix. Nhật báo công giáo dành 11 trang đầu để tổng hợp ý kiến của các tín đồ Công giáo, trong cuộc điều tra mang tên : "Réparons l‘Eglise" (Hãy cùng nhau khôi phục Giáo hội), với hơn 5.000 ý kiến trả lời. Nhiều người đề xuất chấm dứt chế độ tu sĩ độc thân, đào tạo tốt hơn các nhà tu hành, và dành nhiều vị trí hơn cho phụ nữ. Ít giáo điều hơn, gần gũi với người nghèo hơn là các đòi hỏi khác.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 384 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)