Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/11/2019

Điểm báo Pháp - Pháp có nguy cơ bị Trung Quốc lấn lướt

RFI tiếng Việt

Mềm mỏng với Bắc Kinh, Pháp có nguy cơ bị Trung Quốc lấn lướt

Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp Emmanuel Macron dĩ nhiên được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 05/11/2019 tiếp tục đưa tin rộng rãi, với Le Figaro Les Echos đưa sự kiện lên trang nhất, kèm theo nhiều bài vở bên trong.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức rượu vang Pháp tại hội chợ Thượng Hải, ngày 05/11/2019.Ludovic Marin / AFP

Nhìn chung, các báo đều nhấn mạnh đến chủ trương mềm mỏng của Pháp trong đối sách với Trung Quốc, với hy vọng giành được những lợi ích thương mại. Tuy nhiên với một Tập Cận Bình đang ngày càng áp đặt ý muốn của Trung Quốc đối với toàn thế giới, phương pháp nhẹ nhàng của tổng thống Macron có nguy cơ không thành công.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro đã nêu bật thái độ e ngại trong hàng tít trang nhất về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp : "Thương mại : Sự đánh cuộc đầy rủi ro của Emmanuel Macron với Trung Quốc". Kèm theo là một bài xã luận khá bi quan, tự hỏi là phải chăng quan hệ Pháp-Trung Quốc chỉ là một bên có lợi.

Theo Le Figaro, trong chuyến công du thứ hai đến Trung Quốc, tổng thống Pháp Macron khéo léo tìm cách kéo Châu Âu vào cuộc, để hợp lực đối phó với người khổng lồ Châu Á.

Mục tiêu đề ra được gói trong ba điểm chính : Trước hết là yêu cầu Trung Quốc dỡ bỏ các lệnh cấm vận trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Kế đến là thảo luận về việc triển khai công nghệ 5G với các mối đe dọa là Bắc Kinh có thể lợi dụng để thu thập dữ liệu có lợi cho họ. Sau cùng là nêu lên vấn đề nhân quyền với phong trào biểu tình dân chủ đang diễn ra ở Hồng Kông.

Theo Le Figaro, đó là ba chủ đề mà Emmanuel Macron muốn đề cập tay đôi với Tập Cận Bình nhân cuộc hội đàm vào ngày mai ở Bắc Kinh, trên tinh thần hòa hoãn và tin tưởng lẫn nhau.

Nhật báo Pháp cho rằng việc giữ hòa khí rất quan trọng đối với một "quốc gia nhỏ" như Pháp đang muốn đứng lên chống lại ông "kẹ" Trung Quốc.

Cái khéo của tổng thống Pháp, theo Le Figaro, là ông Macron đã không đến Trung Quốc một mình. Để có thêm trọng lượng trong các cuộc thảo luận và nâng cao cấp độ của chuyến thăm, ông Macron đã cùng đến Bắc Kinh với bộ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức Anja Karliczek và Ủy viên Nông nghiệp Châu Âu Phil Hogan.

Phát biểu tại Thượng Hải vào hôm qua, tổng thống Pháp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho thấy "khuôn mặt thống nhất" của Châu Âu. Le Figaro nhắc lại rằng tháng Ba vừa qua, khi tiếp ông Tập Cận Bình nhân chuyến thăm Pháp, ông Macron đã mời thủ tướng Đức Angela Merkel và chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cùng tham gia.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, vấn đề đặt ra là Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung, vì Bắc Kinh đang tập trung giải quyết vấn đề cạnh tranh với đối thủ nặng ký là Washington. Các chiến lược gia Trung Quốc đánh giá là Châu Âu quá rụt rè để có thể đóng vai một đối trọng cấp toàn cầu.

Quan hệ Pháp-Trung Quốc : Chỉ có một bên có lợi là Trung Quốc ?

Trong bài xã luận của mình, Le Figaro đã không ngần ngại so sánh hai cách đối phó với Trung Quốc hiện nay, của Mỹ và của Châu Âu.

Theo tờ báo, Donald Trump đã chọn phương pháp mạnh, áp thuế hải quan để đánh bại một đối thủ cạnh tranh không công bằng. Bruxelles cũng có thể làm theo, vì Bắc Kinh cũng gây ra những vấn đề tương tự cho Châu Âu như đóng cửa thị trường, buộc chuyển giao công nghệ hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ.

Thế nhưng Châu Âu đã không làm như Mỹ. Một phần là vì Trump không muốn liên kết với Châu Âu, thậm chí còn mở ra một mặt trận thứ hai chống Châu Âu. Nhưng một phần là vì Liên Hiệp Châu Âu không đủ dũng khí lao vào một cuộc chiến thương mại với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Do đó, Châu Âu đã chọn phương pháp ôn hòa, và tổng thống Macron đến Bắc Kinh với thông điệp "đối thoại xây dựng", nhắc lại công thức "đôi bên cùng có lợi" mà Trung Quốc luôn dùng để khoác lên chủ nghĩa bành trướng của họ.

Le Figaro ghi nhận một cách đầy châm biếm : "Tổng thống Pháp dự định đo lường thành công của chuyến đi với mức xuất khẩu thịt bò, thịt lợn và thịt gia cầm sang Trung Quốc…".

Thế nhưng tờ báo tự hỏi rằng "liệu có thể bán được gia cầm cho Trung Quốc mà không bán luôn cả linh hồn mình hay không". Đối với Le Figaro, tổng thống Pháp như đã giả vờ tin vào điều đó, nêu bật "mối quan hệ xuyên suốt" của ông với Tập Cận Bình.

Có điều, theo Le Figaro, tổng thống Pháp như đã quên rằng vị "Hoàng đế đỏ" Tập Cận Bình đang trên đà ngày càng độc đoán và thách thức phương Tây một cách toàn diện để áp đặt một mô hình Trung Quốc, khai thác các điểm yếu và tình trạng chia rẽ trong phương Tây để thúc đẩy các chương trình của Trung Quốc, từ "Con đường tơ lụa" cho đến Internet.

Le Figaro kết luận : "Đối với ông Tập, vốn đang tập trung vào cuộc đấu với ông Trump, phương pháp tiếp cận ngọt ngào có thể mang lại kết quả trong ngắn hạn. Nhưng về lâu về dài, cách làm này sẽ đẩy Châu Âu vào một tương quan lực lượng bất lợi".

Macron muốn Châu Âu hợp lực để đối phó với Bắc Kinh

Nhật báo Les Echos cũng dành tựa lớn trang nhất cho chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp, cũng nhắc đến khái niệm "đánh cuộc", nhưng dưới góc độ "Macron đánh cược lá bài Châu Âu tại Trung Quốc".

Theo tờ báo kinh tế Pháp, tại Thượng Hải trong chuyến thăm Trung Quốc cấp nhà nước thứ hai của ông, tổng thống Macron đã kêu gọi Châu Âu hình thành một chiến lược thương mại chung, mạnh mẽ, với những yêu cầu khắt khe đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Les Echos ghi nhận là do cuộc thương chiến với Mỹ, Trung Quốc tìm cách xích lại gần Châu Âu trong một thông điệp chung bảo vệ tính đa phương. Bắc Kinh vừa đề cử đại diện đặc biệt đầu tiên phụ trách Châu Âu. Ông Macron thì thông báo là Liên Âu và Trung Quốc sẽ ký vào ngày mai, tại Bắc Kinh một thỏa thuận về bảo hộ chỉ dẫn địa lý (IGP), một thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Trung Quốc và Châu Âu.

Ngoài ra, Châu Âu hy vọng đi đến một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc vào năm tới, sau 7 năm đàm phán. Nhưng chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu ở Bắc Kinh, Joerg Wuttke, đã cảnh báo không nên chạy theo một thỏa thuận "giá hạ".

Theo Les Echos, trong một bối cảnh quốc tế căng thẳng, vấn đề đối với Pháp là chuyến công du của tổng thống Macron diễn ra trong lúc Paris tỏ thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh, muốn rằng những "Con đường tơ lụa" không chỉ phục vụ cho quyền lợi của Trung Quốc, lên tiếng bảo vệ một trục Ấn Độ-Thái Bình Dương, khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông sau một sự cố giữa hải quân Trung Quốc và Pháp ở eo biển Đài Loan vào tháng Tư.

Cuộc khủng hoảng Hồng Kông, với việc Châu Âu kêu gọi "xuống thang", được Bộ Ngoại giao Pháp sau đó phụ họa, đã khiến đại sứ quán Trung Quốc ở Paris phản ứng gay gắt đầu tháng 10. Trước khi ông Macron đến Trung Quốc, Bắc Kinh đã lên tiếng : "Hồng Kông và Tân Cương là những vấn đề nội bộ Trung Quốc, không nên là một chủ đề bàn thảo ngoại giao".

Giải pháp quân sự không hiệu quả tại vùng Sahel (Châu Phi)

Trang nhất báo Le Monde được dành cho tình hình căng thẳng ở vùng Sahel Châu Phi, nơi các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo vùng đại sa mạc Sahara hôm 01/11/2019 đã tấn công một căn cứ quân sự ở Mali, hạ sát 49 người lính Mali. Ngoài ra, một quân nhân Pháp thuộc chiến dịch Barkhane đã tử thương một hôm sau, vì trúng mìn phục kích. Đây là người lính Pháp thứ 28 tử trận từ tháng Giêng năm 2013 đến nay.

Dưới hàng tựa lớn "Sahel : Các chiến dịch quân sự bị thất bại", Le Monde cho rằng bất chấp các cố gắng của binh lính Mali và Pháp, cũng như của lực lượng Liên Hiệp Quốc, tình hình khu vực không ngừng xấu đi do những cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến và tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng.

Paris, theo tờ báo, đã phải công nhận rằng việc tái lập an ninh trên một vùng lãnh thổ rộng bằng cả Châu Âu đòi hỏi nhiều năm dài, vào lúc mà tâm lý bài Pháp ngày càng gia tăng ở Bamako, thủ đô Mali. Le Monde trích dẫn tướng Pháp Clément Bollée, cho rằng nước Pháp phải khẩn cấp điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược của mình ở vùng Sahel.

Tình hình chiến sự tại Mali cũng được nhật báo Libération chú ý. Sau khi phân tích về vụ 49 binh sĩ Mali bị lực lượng thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo vùng Sahara tấn công và hạ sát, tờ báo Pháp không ngần ngại cho là chiến lược can thiệp Sabarkhane của Pháp đã bị suy yếu.

Hồng Kông : Cảnh sát đàn áp cả những người không biểu tình

Về tình hình Hồng Kông, Le Monde đã vạch trần một chiến thuật đàn áp mới của cảnh sát Hông Kông, thẳng tay đánh đập không phân biệt đối tượng là người biểu tình hay không. Mục tiêu là hù dọa dân chúng để họ tránh tham gia xuống đường.

Theo ghi nhận của Le Monde, sau các ngày cuối tuần biểu tình bạo động, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bị gọi đến Bắc Kinh vào hôm nay 05/11. Trong những ngày qua, lực lượng an ninh Hồng Kông có dấu hiệu hành động hung bạo hơn, quyết đoán hơn, để làm nản lòng dân chúng, để họ không tham gia, cho dù thụ động, vào cuộc rối loạn hiện nay.

Từ vài ngày qua, cảnh sát đã tỏ ra triệt để hơn đối với người biểu tình mà từ đầu đã hành động theo phương châm "lưu thủy" : Đóng cửa ga tàu điện, ngăn chặn những nơi tập hợp, kiểm soát từ trên không động thái của các nhóm, gây rắc rối thêm khá nhiều cho việc tháo chạy của người biểu tình. Lực lượng an ninh cũng gia tăng các vụ bắt người, kể cả người đi đường hay chỉ đứng xem biểu tình, để làm nản lòng người dân, ngăn họ tham gia phong trào.

Marseille : Vấn nạn nhà ở bị xuống cấp gây tai nạn chết người

Về thời sự Pháp, cả hai tờ báo LibérationLa Croix đều dành tựa lớn trang nhất và hồ sơ chính để đánh dấu một năm thảm kịch hai tòa nhà cũ kỹ ngay trung tâm thành phố Marseille đã đột nhiên sụp đổ, khiến 8 người ở bên trong thiệt mạng, hàng ngàn người ở các khu nhà lân cận phải sơ tán.

Dưới tựa đề "Marseille, kiệt sức nhưng vẫn đứng vững", nhật báo cánh tả Libération đã lấy làm tiếc rằng bất chấp cả một phong trào rầm rộ đòi chính quyền cải thiện vấn đề nhà ở, tình hình vẫn không thấy thay đổi.

Trong bài xã luận, nhà báo Laurent Joffrin cho rằng "Vết thương vẫn chưa khép. Một năm sau thảm họa sập nhà tại phố Aubagne, Marseille vẫn là một thành phố bị thương".

Tờ báo giải thích : Đống đổ nát của các tòa nhà bị sụp đổ, vô số ngôi nhà bỏ trống vì người ở đã phải sơ tán, những khó khăn mà các gia đình bị di dời phải đối mặt, hàng ngày vẫn gợi lại thảm kịch đã qua. Nhà nước đã can thiệp, thành phố rốt cuộc đã động viên lực lượng để cải thiện tình hình, nhưng tiến độ thay đổi rất chậm chạp.

Đối với Libération, sự chậm chạp của việc phục hồi không hoàn toàn do lỗi của chính quyền, nhưng việc bỏ bê để cho những khu ổ chuột tồn tại đã nêu bật nhiều thập kỷ thờ ơ của chính quyền.

Báo La Croix cũng chạy tựa lớn ở trang nhất: "Bên trong Marseille, thành phố bị thương". Theo tờ báo, một năm sau vụ các tòa nhà tồi tàn ở phố Aubagne bị sụp, Marseille vẫn bị chấn thương nặng nề.

Riêng Le Figaro thì khái quát hóa vấn đề tại Marseille, cho rằng việc cải thiện các khu nhà ở tồi tàn tại Pháp là một bài toán hóc búa cho cả nước.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)