Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/01/2017

Con người đang tiến hóa tới đâu ?

RFI tiếng Việt

tienhoa1

Ảnh minh họa - AFP/Jeff Pachoud

Nhật báo Le Monde đưa lên trang nhất một đề tài khoa học khá thu vị với câu hỏi : "Phải chăng con người đã đạt tới giới hạn ?". Câu trả lời của Le Monde là : "Sau nhiều thập kỷ cải thiện những đặc tính của con người như tuổi thọ, khả năng thể chất, tinh thần, tầm vóc… Nhiều dữ kiện rút ra cho thấy trong mọi lĩnh vực con người đã dạt đến giới hạn".

Hồ sơ của Le Monde đi vào cụ thể. Về mặt tuổi thọ con người cũng đã đạt mức trần. Hiện tại kỷ lục sống lâu nhất thế giới là của cụ bà người Pháp Jeanne Calment, qua đời năm 1997 thọ 122 tuổi. Tờ báo đạt câu hỏi : Liệu thế hệ tương lai có ai phá được kỷ lục này ?

Theo tờ báo, giới hạn tuổi thọ con người là vấn đề cuốn hút nhiều nghiên cứu, nhưng đồng thời cũng chia rẽ các nhà khoa học. Cuộc tranh cãi gần đây nhất về tuổi thọ con người được dấy lên từ sau khi một nghiên cứu của Mỹ công bố trên tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới Nature.

Theo nhà sinh học Jan Vijg và các đồng nghiệp của ông, từ năm 1995, mức trần của tuổi thọ con người được ấn định trong khoảng 115 tuổi, khả năng vượt quan ngưỡng 125 năm chỉ là đơn lẻ và rất ít.

Kết luận trên không được cộng đồng các nhà khoa học nhất trí hoàn toàn, bởi nhiều người cho rằng tuổi thọ trung bình còn liên quan đến nhiều yếu tố có liên hệ với nhau.

Về hình thể con người, theo Le Monde, chưa bao giờ con người lại cao lớn thêm nhiều như trong thế kỷ 20, với trung bình cao hơn một chục cm, và ở một số nước con số này còn cao hơn.

Theo các dữ liệu thống kê được một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố hôm 26 /7 năm ngoái trên tạp chí eLife, tại Iran, trong 100 năm đàn ông nước này cao thêm 17 cm, phụ nữ thêm 20 cm.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng chiều cao ở con người có vẻ như đang chững lại, nhất là ở các nước Châu Âu. Theo giáo sư Baten, thuộc đại học Tuebingen - Đức, "tại Hà Lan, Đức, Anh và một số nước trong vùng Scandinavia, chiều cao của thanh niên 20 tuổi đã không tăng trong vòng thập kỷ vừa qua".

Hiện tượng chững lại chiều cao cũng được ghi nhận ở một số vùng khu vực Châu Á như ở Bangladesh, Nhật Bản chẳng hạn. Thậm chí ở một chổ nước Châu Phi, chiều cao trung bình của người còn có xu hướng giảm từ khoảng một thế hệ qua. Các thanh niên ở một số nước như Ai Cập, Ouganda, Sierra Leone ngày nay nhỏ bé hơn so với cha ông họ cách đây 50 năm.

Tất nhiên để giải thích cho xu thế phát triển chiều cao này có thể là điều kiện sống của con người đã được cải thiện nhiều, nhưng cũng còn rất nhiều tham số khác liên quan như về di truyền, môi trường, xã hội, thói quen ăn uống… Nhưng nhìn chung theo các chuyên gia nhân chủng học "giống loài đã được lập trình cho một chiều cao, cân nặng nhất định. Những phát triển thái quá nói chung đều không được ủng hộ".

Về thành tích thể thao, các kỷ lục thể thao dường như cũng đã tới giới hạn, có xu hướng chững lại. Cho dù các điều kiện kỹ thuật tập luyện, tiến bộ về dinh dưỡng ngày càng giúp các vận động viên thể thao vươn tới đỉnh cao hơn, thì việc cải thiện thành tích thể thao cũng chỉ đạt thêm được chút ít, nhưng đó không phải là khả năng có thực của con người.

Về trí tuệ con người, qua các nghiên cứu mới nhất Le Monde ghi nhận bắt đầu có sự suy giảm. Tờ báo trích dẫn một cảnh báo của giáo sư James Flynn, thuộc đại học Otago, Dunedin, New Zealand : "Con cái chúng ta đang dốt hơn chúng ta !".

Năm 1987, ông đã chứng minh qua khảo sát ở 14 nước rằng trong thế kỷ 20, chỉ số thông minh trung bình của con người đã tăng liên tục. Nhưng trong vòng 30 năm gần đây, tình hình này đã thay đổi hoàn toàn. Trí thông minh của con người có xu hướng giảm đi, kể cả ở những nước phát triển như Úc, Đan mạch, Anh, Pháp, Mỹ…

Có một nguyên nhân được các nhà khoa học đặc biệt chú ý đó là môi trường số của chúng ta hiện đang có quan nhiều hóa chất gây đảo lộn chức năng thyroide. Trong vòng một thế kỷ qua, con người đã tăng sản lượng các loại hóa chất lên gấp 300 lần. Hóa chất cũng là một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ sơ sinh.

Không chỉ có IQ mà tuổi thọ trung bình, chiều cao của con người cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi "ô nhiễm hóa chất". Tuy nhiên, đây đó vẫn chỉ là những suy luận dựa trên các thống kê, chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định các phân tử hóa chất là nguyên nhân chính ngăn chặn đà phát triển giống nòi của con người.

Trung Quốc : "Ô nhiễm kháng sinh"

Vẫn là đề tài khoa học, tờ Le Figaro có bài viết "Trung Quốc đau ốm vì các loại kháng sinh". Bài phóng sự điều tra của Le Figaro cho biết : "Trung Quốc là nước tiêu thụ gần một nửa sản lượng thuốc kháng sinh của cả thế giới. Những phân tử kháng sinh vẫn được kê đơn cho bệnh cảm cúm, nay được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi, nhiễm tràn lan vào các nguồn nước, thực phẩm. Nguy hại của nó là ở chỗ người dân đang phải đối mặt với ngày càng nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc". 

Tác giả bài phóng sự điều tra đã đến tận huyện Giao Khánh, tỉnh Quảng Đông và ghi nhận thấy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi đã trở thành phổ biến ở Trung Quốc. Để phòng bệnh tật giảm tỷ lệ gia súc chết, hoặc kích thức tăng trưởng cho đàn gia súc, người chăn nuôi Trung Quốc có thói quen dùng kháng sinh một cách vô tội vạ. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra trong chăn nuôi lợn, nhưng giờ phát triển ra cả chăn nuôi gia cầm, cá tôm… Cộng với việc người dân không có ý thức hay thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường nên hàng chục loại kháng sinh phát tán vào tự nhiên đã ở mức báo động.

Bài phóng sự cho biết, trong năm 2013 Trung Quốc tiêu thụ 162 nghìn tấn kháng sinh, trong số đố 52% dùng cho động vật, 48% thuộc phần sử dụng của người. Đặc biệt là người Trung Quốc sử dụng kháng sinh một cách rất bừa bãi, không cần biết chủng loại hay thậm chí dùng cả thuốc đã bị cấm sử dụng. Họ không biết rằng như vậy sẽ chỉ càng làm tăng thêm sức kháng thuốc của các loại vi khuẩn và dần dần dẫn tới việc một số bệnh có nguy cơ không còn có thể chữa trị được nữa.

Tình trạng trên giờ được gọi là "ô nhiễm kháng sinh". Theo Le Figaro, các cơ quan y tế, khoa học của Trung Quốc giờ đã bắt đầu ý thức được mức độ nguy hiểm. Giải pháp hiện tại là đánh động ý thức của người dân, quản lý chặt hơn cách hành nghề của các bác sĩ, bệnh viện, cải thiện việc xử lý nước, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Donald Trump lại tấn công vào công nghiệp ô tô Mỹ

Chỉ còn nửa tháng nữa, Donald Trump chính thức bước vào Nhà Trắng, điều hành đất nước. Vị Tổng thống tương lai của cường số 1 thế giới này một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của Les Echos.

"Trump làm lung lay ngành công nghiệp ô tô Mỹ" là tựa đề một bài viết trên trang thế giới của nhật báo kinh tế. Theo tờ báo, hai tuần trước khi chính thức nhậm chức, vị Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ có thể huênh hoang là ông đã khiến hãng xe Ford phải chùn bước. Từ nhiều tháng qua, Donald Trump đã không ít lần cảnh cáo sẽ có biện pháp với các nhà sản xuất xe hơi lớn của Mỹ, vì ham giá nhân công rẻ đưa nhà máy ra nước ngoài, chủ yếu là sang Mexico. Kết quả là hãng xe Ford vừa thông báo hủy việc mở một nhà máy mới tại Mexico để đầu tư tại Michigan. Hôm qua, (03/01/2017) đến lượt General Motors rơi vào tầm ngắm của Donald Trump khi ông tung lên Twitter vài dòng đe dọa xa xôi rằng các mẫu xe của hãng, nếu lắp ráp tại Mêhicô, sẽ phải chịu thuế nhập khẩu rất nặng, có thể lên tới 35%.

Theo Les Echos, trên thực tế, có từ 9 đến 11 nhà máy lắp ráp xe hơi của Hoa Kỳ nằm ở Mêhicô. Sản lượng xe của các cơ sở này cũng sẽ tăng gấp đôi từ 2010 đến 2020 để đạt 6 triệu đầu xe. Đó là lý do để ông Donald Trump thực hiện lời hứa tranh cử đưa công ăn việc làm trở lại nước Mỹ. Nếu thực hiện những gì ông tuyên bố , ngành công nghiệp xe hơi, một trong những trụ cột chính của kinh tế Mỹ, sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đảo lộn nghiêm trọng.

Donald Trump có dám khai chiến thương mại với Trung Quốc ?

Liên quan đến chủ trương bảo hộ kinh tế của Donald Trump trong đối sách với Trung Quốc, Les Echos có bài : "100 tỷ đô la đầu tư Trung Quốc tại Hoa kỳ".

Trong khi Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ liên tiếp đe dọa mở cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đầu tư của cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới vẫn cứ ùn ùn đổ vào Mỹ.

Theo bài báo, đầu tư Trung Quốc trong năm ngoái vào Mỹ đã tăng gấp 3 lần. Nhiều thương vụ mua bán thôn tính của người Trung Quốc trong năm nay vẫn tiếp tục hoàn tất. Tổng số đầu tư Trung Quốc tại đất Mỹ từ năm 2000 đến nay đã vượt qua con số 100 tỷ đô la. Riêng trong năm 2016 các doanh nghiệp Trung Quốc đã đổ 45,6 tỷ đô la vào Hoa Kỳ, một con số kỷ lục, gấp 3 lần so với năm 2015.

Xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ dường như khó có thể đảo chiều, bất chấp những bất trắc trong chính sách của chính quyền Trump tới đây. Người ta đang chờ xem mức độ hiện thực hóa các đe dọa thương mại với Trung Quốc của Tổng thống tương lai Mỹ sẽ ra sao trong thời gian tới.

Pháp : cánh tả ngày càng chia rẽ

Các báo Pháp ra ngày hôm nay tập trung vào chủ đề chính trị trong nước với chiến dịch tranh cử sơ bộ trong đảng Xã Hội chọn người ra ứng cử Tổng thống Pháp vào tháng Tư tới. Hầu hết các báo chính đều dành nhiều trang bài để phân tích xu hướng chủ trương của các ứng cử viên chủ chốt trong cuộc chạy đua sơ bộ ở đảng cánh tả. Nhìn chung các báo đều ghi nhận đảng Xã Hội càng ngày càng chia rẽ sâu sắc.

Libération soi vào từng đề xuất chủ trương của bốn ứng viên được cho là nặng ký nhất trong cuộc chạy đua sơ bộ ở đảng Xã Hội. Xã luận tờ báo ghi nhận với giọng châm biếm : "Cuối cùng thì cuộc tranh giành cũng bắt đầu… Bốn phiên bản xã hội-dân chủ khác biệt nhau hoàn toàn giờ sẽ phải đối đầu nhau ở cuộc bầu cử sơ bộ đảng Xã Hội…".

Với Le Figaro, tờ báo có xu hướng thiên hữu thì tất nhiên chỉ trích chủ trương của các ứng viên của cánh tả là "mù mờ".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 696 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)