Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2017

Phương Tây bắt đầu nhổ gai Erdogan, xóa bàn cờ Moscow ?

Ngọc Việt

Đây là nước đi tiền trạm, chuẩn bị cho những nước đi chiến lược mới, mà việc vô hiệu hoá các nước đi của Moscow mới là mục đích cuối cùng...

CNN ngày 3/1/2017 có bài viết nhận định rằng các vụ tấn công hôm Chủ nhật – ngày 1/1/2017 - là một phần cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên toàn cầu.

Những kẻ khủng bố đã liên kết các cuộc tấn công từ Istanbul đến Berlin, Paris, Nice, Baghdad, Tel Aviv, Jakarta và nhiều nơi khác, với tư tưởng cực đoan – nền tảng tinh thần cho chủ thuyết của chúng.

Tuy nhiên, bài viết được hãng tin đăng tải còn cho rằng một yếu tố quan trọng mà dư luận xem thường, thậm chí bỏ qua, không quan tâm.

Đó là khi bọn khủng bố thực hiện các vụ tấn công ở các nước đang chìm trong chiến tranh hay bất ổn chính trị thì những sự hỗn loạn do chúng tạo ra đã được các chính quyền khai thác phục vụ cho lợi ích chiến lược của mình.

nga1

Sự thân thiện của cặp đôi Putin - Erdogan luôn là mầm hoạ với phương Tây

Và chính quyền Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Assad tại Syria bị cho là đang khai thác các hành động khủng bố cho mục đích chính trị của mình, vì vậy những hành động của Ankara cũng như Damascus chẳng khác gì nuôi dưỡng những kẻ khủng bố để có thể hưởng lợi từ những hành động vô luân của chúng.

Tại sao phương Tây lại có nhìn nhận như vậy ?

Gán ghép tấn công khủng bố với mưu đồ chính trị để nhổ "gai Erdogan" ?

Có thể thấy rằng, việc Tổng thống Erdogan hằn học với giới lãnh đạo các thành viên NATO trong việc chậm trễ thể hiện quan điểm với cuộc đảo chính quân sự lật đổ ông chứng tỏ giũa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO đã "cơm không lành canh không ngọt".

Song khi Erdogan nghi ngờ phương Tây, mà trực tiếp là Washington – đứng sau lực lượng đảo chính thì sóng gió đã nổi lên.

Như người viết đã phân tích, dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên gánh nhiều trách nhiệm trong NATO nhưng vị thế và quyền lợi không hề tương xứng. Sự bất công này đã gây nên ức chế đối với Ankara.

Trong tình thế "tiến thoái lưỡng nan" không thể bỏ rơi liên minh mà cũng không có cách nào có thể "nhắc nhở" các đồng minh lớn về việc này, Erdogan đã phải gây ra "sự kiện 17 giây" với Mosocw, khi bắn rơi máy bay Nga, để đo lường trọng lượng với những người anh em.

Nhưng hơn 8 tháng diễn ra cuộc khủng hoảng Nga – Thổ, một mình Ankara phải ngậm đắng nuốt cay chịu thiệt hại bởi lệnh cấm vận của Moscow, đã chứng minh Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đáng phận "làm em ăn thàm vác nặng mà thôi". Ankara dường như chỉ là quân cờ được các ông lớn trong NATO sử dụng vào mục đích riêng của họ.

Trước bối cảnh những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ thì đồng minh không quan tâm, những vấn đề liên quan tới vị thế và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ thì bị đồng minh phớt lờ, Erdogan đã quyết định hướng về Nga để tìm kiếm lợi ích cho Ankara. Và thư xin lỗi Putin đã nhanh chóng được Erdogan gửi tới Kremlin.

Khi cặp đôi Putin – Erdogan thúc đẩy quan hệ Moscow – Ankara thân thiện vượt thời gian thì Brussels đã nhận ra Erdogan chính thức trở thành cái gai trong mắt họ. Dù có thể không đứng sau cuộc đảo chính quân sự, song việc chậm trễ thể hiện quan điểm về cuộc đảo chính đã cho thấy các đồng minh không sẵn sàng bên cạnh nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ lúc nguy hiểm nhất.

Điều đó chẳng khác gì sự cảnh báo với quyền lực của Erdogan, vì vậy giới phân tích cho rằng việc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng trên diện rộng sau đảo chính được xem là nhằm tránh hậu hoạ có thể đến từ chính các đồng minh. Ngày 20/12/2016 khi Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga gặp nhau tại Moscow để giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, gạt hẳn Washington sang một bên, đã tạo ra "ngày ô nhục" thứ hai trong lịch sử với nước Mỹ.

Đây là mầm hoạ với Mỹ và phương Tây, song cũng đồng thời là cảnh báo tai hoạ với Erdogan. Khi Tổng thống Obama quyết định trừng phạt ngoại giao Nga vào những giờ phút cuối cùng của năm 2016 thì đó cũng được xem là lời nhắc nhở nghiêm khắc với Erdogan khi quan hệ Moscow – Ankara ngày càng gắn kết. Có thể nhận diện lúc này nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã là cái gai khó nhổ của Mỹ và phương Tây.

Như vậy, việc nhổ "gai Erdogan" có thể được xem là yêu cầu với các đồng minh, để tránh mầm hoạ biến thành hậu hoạ với NATO. Có lẽ gán ghép hành động tấn công của những kẻ khủng bố với mưu đồ chính trị của chính quyền Erdogan là cách nhổ gai tốt nhất.

Bởi khi đó Erdogan có thể bị quy tội, bị buộc tội ở cả trong và ngoài nước. Nếu nước đi đó thành công thì quyền lực của ông Erdogan sẽ chính thức bị tước bỏ.

Cột Assad với khủng bố để hợp pháp hoá việc tấn công Syria, xóa bàn cờ Nga đang tạo ra tại Trung Đông

Việc Mỹ không thể xuất hiện một cách hợp pháp tại Syria khiến cho Washington để mất vai trò đạo diễn ván cờ này vào tay Moscow.

Thực tế đó khiến cho Washington phải chịu nhiều bất lợi trong nước các đi của mình. Đặc biệt là việc dùng người Kurd vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông có thêm rất nhiều trở ngại.

Dù IS dường như được dung túng từ mặt trận Mosul tại chiến trường Iraq chạy về biên giới Iraq – Syria củng cố lại lực lượng, thực hiện tấn công tái chiếm Palmyra từ tay Nga và quân đội Syria. Dù IS có làm chủ Palmyra thì việc tạo ra thế chủ động từ nước đi này là rất khó vì IS không thể có điểm chung với bất cứ lực lượng chính trị nào.

Do vậy, việc sử dụng IS cho các nước cờ chính trị là rất nguy hại, như cầm dao hai lưỡi và có thể dính đòn hồi mã thương của chính lực lượng này. Do vậy, tìm cách đẩy những "virus" giết người này vào tay đối thủ rồi từ đó hợp thức hoá việc tấn công cả hai là một nước đi có thể mang hiệu quả kép. Có thể nhận diện Moscow và chính quyền Assad đang đối mặt với nguy cơ ấy.

nga2

Sự ủng hộ của Tổng thống Putin dành cho chính quyền Assad luôn là điều khó chấp nhận với phương Tây

"Sự tăng cường của IS và các tổ chức thánh chiến cho phép Assad tự giới thiệu mình không phải là nhà hoạt động hòa bình, yêu chuộng tự do và trí thức dân chủ... Cuộc tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan toàn cầu đã được thúc đẩy bởi chiến cuộc tại Syria. Nó khiến Châu Âu bất ổn, còn người dân ở Trung Đông thì bị mắc kẹt giữa các tổ chức khủng bố và các chính quyền sử dụng việc tấn công của chúng phục vụ cho lợi ích riêng và duy trì quyền lực của họ", theo CNN.

Như vậy, chiến cuộc tại Syria bị cho là nguyên nhân quan trọng khiến cho các cuộc tấn công khủng bố gia tăng trên toàn thế giới, còn chính quyền Assad thì bị xem là sử dụng hành động tấn công khủng bố cho những mục đích chính trị của mình.

Tác giả kịch bản đã tính toán chi tiết việc khơi dậy tinh thần của người dân Trung Đông đối với chính quyền bị xem khai thác hành động khủng bố này.

Trong khi đó, Moscow đứng về phía chính quyền Assad, đạo diễn ván cờ Syria xoay quanh chính quyền Assad. Điều này khiến cho việc Moscow, Ankara và Teheran cùng giải quyến ván cờ chính trị tại Trung Đông mà thiếu vắng Washington là hoàn toàn có thể bị vô hiệu.

Ván cờ mà Moscow sắp xếp tại Syria hoàn toàn có thể bị xoá bỏ khi chính quyền Assad bị cột với việc khai thác hành động khủng bố cho các mưu tính của mình.

Tóm lại, việc phương Tây gán ghép tấn công khủng bố với mưu đồ chính trị của Erdogan hay cột chính quyền Assad với nguyên nhân làm gia tăng khủng bố, làm lợi từ hành động tấn công khủng bố là nước đi tiền trạm, chuẩn bị cho những nước đi chiến lược mới, mà việc vô hiệu hoá các nước đi của Moscow tại khu vực Trung Đông mới là mục đích cuối cùng của các nước đi chiến lược đó.

Ngọc Việt

Nguồn : Đất Việt, 05/01/2017

Quay lại trang chủ
Read 783 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)