Đan Mạch nói nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực có mục đích quân sự (VOA, 30/11/2019)
Quân đội Trung Quốc đang ngày càng sử dụng nghiên cứu khoa học ở Bắc Cực như một cách để đi vào khu vực này, một cơ quan tình báo của Đan Mạch cho biết hôm thứ Sáu, trong khi họ cảnh báo về cạnh tranh địa chính trị gia tăng ở vùng này.
Tư liệu - Những tảng băng gần thị trấn Kulusuk, phía đông đảo Greenland, ngày 15 tháng 8, 2019.
Trung Quốc, tự nhận mình là một "nước gần Bắc Cực", có tham vọng mở rộng sự tiếp cận đối với tài nguyên chưa và vận chuyển hàng hóa nhanh hơn thông qua Tuyến đường Biển phía Bắc.
Năm 2017, Bắc Kinh đưa các tuyến đường biển Bắc Cực vào kế hoạch được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm tìm cách củng cố mối quan hệ Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và nghiên cứu.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu Bắc Cực. Nhưng người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen cho biết hôm thứ Sáu rằng các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ là vấn đề khoa học mà còn phục vụ "mục đích kép".
"Chúng tôi đã xem xét các hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực, và thấy rằng quân đội Trung Quốc cho thấy họ ngày càng quan tâm tới việc dự phần ở đó", ông nói.
Ông Findsen từ chối nêu cụ thể các cuộc thám hiểm nghiên cứu có dính dáng tới quân đội Trung Quốc, nhưng cho biết các ví dụ trong những năm gần đây báo hiệu một diễn biến mới.
Đan Mạch đã đặt ưu tiên là giữ gìn Bắc Cực như một khu vực hợp tác quốc tế và giải quyết mọi vấn đề tiềm năng thông qua các cuộc đàm phán chính trị giữa các quốc gia có lãnh thổ Bắc Cực. Greenland, một hòn đảo rộng lớn nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, là một lãnh thổ tự trị của Đan Mạch.
Nhưng mục tiêu của Đan Mạch đã trở nên khó đạt được hơn khi Nga nói riêng đang tăng cường khả năng quân sự ở đó, báo cáo tình báo cho biết.
"Đây là một động lực thiết yếu cho một số quốc gia ven biển Bắc Cực khác bắt đầu tăng cường khả năng quân sự trong khu vực (của riêng họ)", báo cáo nói.
Báo cáo cũng cho biết một chiến lược Bắc Cực mới của Mỹ được công bố vào tháng 6 năm nay cộng thêm các phát biểu công khai từ các quan chức chính phủ và quốc phòng cao cấp, cũng góp phần làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Sự quan tâm của Mỹ đối với Bắc Cực đã trở nên rõ ràng vào tháng 8 khi Tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland từ Đan Mạch, một ý tưởng nhanh chóng bị chính phủ Đan Mạch và chính phủ khu vực Greenland bác bỏ.
*****************
Đan Mạch : Trung Quốc lợi dụng khoa học vì mục đích quân sự tại Bắc Cực (RFI, 11/2019)
Tình báo Quốc phòng Đan Mạch hôm qua 29/11/2019 tiết lộ quân đội Trung Quốc ngày càng tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học để tiếp cận Bắc Cực và cảnh báo nguy cơ cuộc ganh đua địa chính trị ở khu vực này ngày càng được đẩy mạnh, gây bất ổn trong khu vực.
Quân đội Trung Quốc đang muốn tham gia các cuộc thám hiểm Bắc Cực. © Svebor Janjc
Trong một báo cáo thường niên đánh giá rủi ro, Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cho biết "một trò chơi quyền lực mới" giữa Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc đang được hình thành, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu Bắc Cực.
Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen lưu ý là các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc tại Bắc Cực không chỉ phục vụ khoa học mà nhắm tới "mục tiêu kép". Quân Trung Quốc ngày càng muốn tham gia vào các cuộc thám hiểm Bắc Cực. Báo cáo nhấn mạnh rất có thể các cơ quan dân sự và quân sự của Trung Quốc sẽ hợp tác để khám phá Bắc Cực và hướng đến khả năng hoạt động tại khu vực này.
Trung Quốc, vốn tự cho là một nước "gần như thuộc Bắc Cực", có tham vọng giành được nhiều quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chưa được khai thác tại vùng này và có thể tiến hành các giao dịch nhanh hơn thông qua tuyến đường biển phía Bắc. Reuters nhắc lại là hồi năm 2017, Bắc Kinh đã đưa các tuyến đường biển ở Bắc Cực vào dự án gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm củng mối quan hệ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới thông qua các dự án và nghiên cứu cơ sở hạ tầng.
Tranh cãi ở Bắc Cực liên quan đến hiện tượng Trái đất bị hâm nóng và khả năng tiếp cận các nguồn khoáng sản đã nổ ra vào tháng 05/2019 khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Nga có hành vi hung hăng tại khu vực này và nhấn mạnh cần theo dõi các hành động của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Do Nga tăng cường khả năng quân sự ở Bắc Cực, một số quốc gia khác ven biển Bắc Cực cũng đã đẩy mạnh khả năng quân sự của riêng họ trong khu vực. Báo cáo của Tình báo Quốc phòng Đan Mạch còn cho biết chiến lược mới về Bắc Cực của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 06/2019 cùng với ý kiến từ các quan chức chính phủ và quốc phòng cấp cao của Mỹ cũng đã góp phần làm gia tăng căng thẳng tại Bắc Cực.
Mối quan tâm ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Bắc Cực đã được thể hiện rõ hơn vào tháng 08 khi Tổng thống Donald Trump đề nghị mua Greenland của Đan Mạch. Ý tưởng của chủ nhân Nhà Trắng sau đó đã nhanh chóng bị chính phủ Đan Mạch và nhà chức trách Greenland bác bỏ.
Thùy Dương