Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/12/2019

Không biết là lần thứ mấy Mỹ muốn xoay trục về Châu Á - Thái Bình Dương

Tổng hợp

Địa chiến lược : Mỹ muốn tập trung đối đầu với Nga và Trung Quốc (RFI, 08/12/2019)

Cho dù tình hình Trung Đông bất an, Washington muốn huy động lực lượng đối phó với hai mối đe dọa lớn hiện nay là Bắc Kinh và Moskva. Trên đây là tuyên bố của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong cuộc hội thảo về an ninh quốc phòng tại California hôm thứ Bảy 07/12/2019.

my1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper muốn tập trung lực lượng đối phó với Nga và Trung Quốc. Zakaria ABDELKAFI / AFP

Theo AP, các mục tiêu chiến lược và các ưu tiên trong chính sách an ninh của Mỹ được bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper phác họa trước cử tọa gồm đại diện chính phủ, giới kỹ nghệ quân sự và quốc phòng, sĩ quan cao cấp, trong đó có tướng Jim Mattis, người tiền nhiệm của chủ nhân Lầu Năm Góc.

Trong diễn văn, bộ trưởng Mark Esper chỉ phớt qua hồ sơ Iran để tập trung vào dự án huy động lực lượng đối phó với Nga và Trung Quốc được mô tả là "hai thế lực xét lại". Ông tố cáo Trung Quốc và Nga chà đạp quyền tự quyết về kinh tế và an ninh quốc phòng của các nước nhỏ.

Phương trình khó giải ?

Tuyên bố trung thành với các ưu tiên quốc phòng đã được người tiền nhiệm Jim Mattis ấn định, Mark Esper cho biết ông ý thức việc chuyển bớt nhân lực, tài lực từ Trung Đông để tập trung nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc và điều khó khăn. Tuy nhiên, ông đã xem xét nhu cầu từng khu vực trên thế giới để có thể bố trí lực lượng một cách "cân đối" : hoặc rút bớt lực lượng về Mỹ hoặc đưa quân qua tăng cường ở Châu Á-Thái Bình Dương nhưng cũng đủ sức ổn định vùng Vịnh, tránh không xảy ra chiến tranh với Iran.

Từ tháng 5, Hoa Kỳ đã đưa thêm 14.000 quân sang Trung Đông đề phòng Iran động binh bất ngờ sau khi Donald Trump rút bỏ miền bắc Syria. Có tin đồn Mỹ sẽ tăng cường thêm 14.000 quân nhưng chủ nhân Lầu Năm góc bác bỏ tin đồn này.

Tú Anh

******************

Lầu Năm Góc muốn phân bổ lực lượng tới Châu Á - Thái Bình Dương (BBC, 08/12/2019)

Lãnh đạo của Lầu Năm Góc muốn ưu tiên việc triển khai lực lượng của Hoa Kỳ đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, theo Bloomberg.

my2

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong một buổi họp của Ủy ban An ninh Quốc gia tại Washington DC, tháng 11/2019

Ông Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết ông muốn chuyển lực lượng Hoa Kỳ đến đây từ vực khác từ các khu, bao gồm Afghanistan,để đối đầu với cuộc cạnh tranh quân sự đang gia tăng với Trung Quốc.

Những gì tôi muốn làm là tái phân bổ lực lượng cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, ông tuyên bố hôm thứ Bảy tại Diễn đàn Quốc phòng Reagan, khi được hỏi về việc cắt giảm quân đội ở Afghanistan.

''Đó là sân khấu ưu tiên của tôi,'' Mark Esper nói. ''Tôi không chỉ nhìn vào Afghanistan, mà là tất cả những nơi mà tôi có thể rút bớt quân'' để đưa họ ''hoặc để đối đầu với Trung Quốc, để trấn an các đồng minh của chúng ta và tiến hành tập trận và huấn luyện.''

Chiến lược của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã chuyển sang đối đầu với Trung Quốc và Nga, hiện là những thách thức chính, thay thế cho cuộc chiến chống khủng bố trước đây. Trung Quốc, với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đầu tư lớn vào khả năng quân sự để thách thức sự thống trị sau chiến tranh của Hoa Kỳ. Trung Quốc hiện đang và được các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ xem là mối đe dọa ngày càng tăng.

Giải thích quyết định điều quân về Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper nói từ Simi Valley, tiểu bang California.

''Những lợi thế quân sự của chúng ta đối về mặt cạnh tranh chiến lược đang bị thách thức. Trung Quốc và Nga, các cường quốc đang trở lại của thời đại này, đang tích cực hiện đại hóa quân đội của họ, đồng thời muốn đạt quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh tế và an ninh của các quốc gia khác.''

Ngay cả khi Hoa Kỳ tìm cách quay trục chính về Châu Á, họ đã bổ sung hàng ngàn binh sĩ đến Trung Đông để bảo vệ các tuyến vận tải dầu và bảo vệ Ả Rập Saudi chống lại Iran. Các nhà máy chế biến dầu khổng lồ của Aramco Saudi tại Abqaiq và Khurais đã bị tấn công ngày 14 tháng 9, một cuộc tấn công mà Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Ú Saudi Arabia cáo buộc Iran. Tehran phủ nhận tin mình đứng đằng sau vụ tấn công.

Khi được hỏi liệu việc chuyển sang Châu Á có bị cản trở bởi sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Trung Đông không, Mark Esper nói, ''tôi phải đối mặt với điều đó, nhiều người tiền nhiệm của tôi cũng đã phải đối mặt với điều đó.''

Hoa Kỳ, một lần nữa, cần đảm bảo rằng mình có lực lượng đủ mạnh trên mặt đất, để trấn an các đồng minh của chúng ta, giúp bảo vệ họ, bảo vệ trật tự quốc tế và ngăn chặn hành vi xấu của Iran, ông Esper Esper nói.

''Chúng tacó một chiến lược nhưng bạn phải đối phó với thế giới bạn đang sống chứ không phải thế giới bạn muốn trên giấy.''

*******************

Thương chiến Mỹ - Trung làm xuất khẩu Trung Quốc tụt giảm (RFI, 08/12/2019)

Chính quyền Trung Quốc ngày 08/12/2019 công bố các số liệu thống kê cho biết tháng 11/2019 là tháng thứ 4 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu của nước này bị sụt giảm.

my3

Lượng hàng hóa Trung Quốc xuất ra nước ngoài giảm 1,1% trong tháng 11/2019.Reuters

Cũng theo các số liệu do hải quan Trung Quốc cung cấp, thặng dư mậu dịch của Trung Quốc so với Hoa Kỳ bị giảm mạnh (-6,9%), trong vòng một tháng từ 26,42 xuống còn 24,61 tỷ đô la.

Gộp chung cả nước, khối lượng hàng hóa Trung Quốc bán ra nước ngoài giảm 1,1% trong tháng 11/2019, sau khi đã bị sụt giảm 0,9% trong tháng 10. Nguyên nhân là nhu cầu thế giới cũng giảm.

Kết quả này trái với dự đoán của hãng tin Bloomberg, dự báo mức tăng xuất khẩu của Trung Quốc là 0,8%. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc lại tăng lên 0,3% sau nhiều tháng suy giảm, ngược với dự báo là giảm 1,4%.

Theo nhận định của kinh tế gia Zhou Hao, ngân hàng Commerzbank ở Singapore với hãng Bloomberg, "những con số này khá gây ngạc nhiên" và cho rằng "tình hình có thể sẽ được cải thiện trong ngành nhập khẩu vào tháng 12/2019 này".

Minh Anh

******************

Mỹ phản đối Ngân Hàng Thế Giới cho Trung Quốc vay tiền với giá rẻ (RFI; 07/12/2019)

Thêm một mối căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ -Trung : Một ngày sau khi Ngân Hàng Thế Giới đồng ý cho Trung Quốc vay với lãi suất thấp, tổng thống Donald Trump phản đối quyết định của định chế tài chính đa quốc gia này.

my4

Ảnh tư liệu : Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, ngày 29/06/2019 - Reuters/Kevin Lamarque

Ngày 05/12/2019, Ngân Hàng Thế Giới thông báo : trong giai đoạn từ 2020 đến 2025, Trung Quốc sẽ được vay với lãi suất thấp từ 1 tỉ đến 1,5 tỉ đô la mỗi năm. Năm 2017, Trung Quốc đã được Ngân Hàng Thế Giới cấp 2,4 tỉ đô la với lãi suất ưu đãi.

Trên mạng Twitter ngày 06/12/2016, nguyên thủ quốc gia Mỹ nêu lên câu hỏi : "Tại sao Ngân Hàng Thế Giới lại cho Trung Quốc vay tiền ? Làm sao chuyện này có thể xảy ra ? Trung Quốc có nhiều tiền và khi không có thì Bắc Kinh tự in ra tiền. STOP !"

Đây cũng là quan điểm của đương kim chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới David Malpass khi ông đặc trách đối ngoại tại bộ Tài Chính Hoa Kỳ, trước khi lên điều hành định chế đa quốc gia này. Thông điệp của tổng thống Trump phản ánh quan điểm của bộ trưởng Tài Chính Mỹ. Theo ông Steven Mnuchin, Trung Quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới và Bắc Kinh đủ sức để tài trợ các chương trình phát triển đất nước. Trong khi đó, nhiệm vụ của Ngân Hàng Thế Giới là cấp tín dụng giúp các nước nghèo phát triển.

Rất nhiều tiếng nói tán đồng quan điểm của Nhà Trắng. Có điều tổng thống Trump đưa ra tuyên bố như trên vào lúc Washington và Bắc Kinh đang đàm phán về "Giai đoạn 1" tạm dừng xung đột về thương mại.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 482 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)