Từ bầu tổng thống Mỹ đến tổng thống Pháp, bàn tay can thiệp của GRU
Tại Pháp, Cuộc tổng đình công chống dự án cải cách hưu trí tiếp tục làm tê liệt giao thông. Hôm nay, Paris tiếp tổng thống Nga và Ukraine trong nỗ lực tái lập hoà bình tại Donbass, một nhiệm vụ bất khả.
Ảnh minh họa : Tranh cử tổng thống Pháp 2017. Reuters/Robert Pratta
Bên cạnh thời sự nóng bỏng này, chọn đúng ngày Putin đến Pháp, nhật báo Le Monde công bố bằng cớ chứng minh tình báo quân đội Nga can thiệp vào bầu cử Pháp, đánh phá Emmanuel Macron năm 2017.
Cuộc tấn công đến từ nước Nga : APT28 và 26165
Qua tựa "MacronLeaks, cuộc tấn công đến từ nước Nga", Le Monde trưng bày những bằng chứng sau hai năm điều tra với kết luận : cuộc tấn công mạng đánh phá chiến dịch tranh cử của ứng viên Macron năm 2017 là do mạng lưới tin tặc của GRU, An ninh Quân đội Nga, sau khi đã thành công đánh phá ứng cử viên đảng Dân chủ Hoa Kỳ Hillary Clinton năm 2016.
Sau hai năm kiên nhẫn phanh ra từng manh mối, khởi đầu máy điện tử của ban vận động bầu cử của Emmanuel Macron bị xâm nhập và tiếp theo là một số thông điệp bị phát tán ngay trước ngày bầu cử tổng thống Pháp, Le Monde có thể kết luận "hai đơn vị tin tặc của Nhà nước Nga đã tìm cách khuynh đảo bầu cử Pháp". Vào lúc đó, ban tham mưu của ứng viên Macron chỉ tố cáo "một dạng can thiệp" từ nước ngoài.
Trong cuộc tìm kiếm sự thật này, còn có các chuyên gia của Google, của hãng an ninh mạng Fire Eyes. Tất cả đều truy đến gốc hai đơn vị trực thuộc cơ quan an ninh quân đội Nga gọi tắt là GRU, gần đây cải danh thành GU. Bắt đầu là nhóm APT28, từ tháng 03/2017 gài bẫy đối tượng bằng thông điệp mồi để từ đó xâm nhập đánh cắp mật mã và dữ liệu. Vào thời điểm đó, quan hệ giữa APT28 với GRU chỉ là mối nghi ngờ. Nhưng qua công cuộc điều tra tỉ mỉ của Chưởng lý đặc biệt Mỹ Robert Muller, người ta biết rõ APT28 và đơn vị 26165 của GRU là một nhà. Một số điệp viên của 26165 đã bị tư pháp Mỹ nêu đích danh là thủ phạm đánh cắp thư điện tử của Hillary Clinton rồi tiết lộ cho WikiLeaks phát tán để đánh phá uy tín ứng cử viên đảng Dân chủ Hoa Kỳ. Phương pháp hành động này vào năm 2016 tại Mỹ không khác gì chiến thuật tiến hành tại Pháp giữa hai vòng bầu tổng thống vào năm 2017.
Để đánh lừa những người thân cận của ứng viên Macron, tin tặc dưới tên Sandworm, dùng mồi là một bài báo liên quan đến kinh tài của đảng cực hữu mà Le Monde đăng ngày 25/02/2017, trước bầu cử ba tháng, gửi vào máy của tổ chức "Tiến Bước". Các chuyên gia lần tìm ra đến nguồn cội và phát hiện một đơn vị đứng sau Sandworm : đơn vị 74455, ít ai biết nhưng luôn phối hợp với đơn vị 26165 của GRU.
Mà Sandworm và Fancy Bear, tên khác của APT28 là hai mặt của một đồng tiền từng xâm nhập phá Thế Vận Hội Pyeonchang, Hàn Quốc năm 2018 và xâm nhập vào máy tính quản trị bầu cử tại Mỹ năm 2016.
Giới điều tra may mắn phát hiện tên của một tin tặc bị tình nghi là thành viên của đơn vị 26165, bị để sót lại trong một tài liệu phổ biến được đánh cắp từ máy vi tính của ban tham mưu ứng viên Macron.
Theo Le Monde, những phát hiện về hành động bất hảo của Nga từ năm 2014 đối với Ukraine, đối với Tây phương và tổng thống (tương lai) Macron sẽ được tư pháp của Pháp quan tâm. Một cuộc điều tra đầu tiên đã được tiến hành liên quan đến các vụ đánh cắp thông điệp. Biện lý Paris từ chối tiết lộ thêm.
Điệu Tango của Putin và phương án B của Kiev
Trong bối cảnh NATO chia rẽ, tổng thống Pháp cố tạo điều kiện hòa giải với nước Nga của Putin, báo chí Pháp đưa một loạt bài phân tích thiệt hơn. La Croix phân tích "điệu nhảy Tango" sàng qua sàng lại của Putin.Trong hồ sơ nhân quyền tại Nga, Le Monde phân tích một số bản án tùy tiện, kết án thật nặng những blogger nhưng rồi phải thả trước áp lực đường phố. Trong bài "cuộc thử thách hòa bình tại Donbass", nhật báo độc lập cảnh báo "Macron bán ảo giác".
La Croix cũng không tin Putin có thiện chí. Trong bài xã luận, nhật báo công giáo phân tích hai lập trường : Zelensky tuyên bố không phát động chiến tranh tái chiếm lãnh thổ nhưng muốn kiểm soát toàn vùng biên giới của nước mình. Còn tổng thống Putin, tự xưng là người bảo vệ Donbass nhưng giựt dây cuộc chiến này để đánh phá, cản trở nước láng giềng phát triển kinh tế và gia nhập vào Liên Hiệp Châu Âu.
Le Figaro cũng suy đoán hòa bình khó tái lập tại Donbass. Nhưng theo nhật báo thiên hữu, tổng thống Ukraine tham gia hội nghị tay tư và song phương tại Paris với hai kế hoạch A và B chuẩn bị sẵn.
Nếu kế hoạch A, Nga rút quân, Ukraine tổ chức bầu cử theo thỏa thuận Minsk, không được Putin chấp thuận, thì Kiev tiến hành phương án B : không mất thời giờ tranh cải, tuyên bố hai tỉnh Donbass bị Nga chiếm đóng, tăng cường binh lực ở chiến tuyến, rồi gia tăng đầu tư, tạo điều kiện cho dân chúng hai bên trao đổi buôn bán và chuyển ngân, thu hút cư dân Donbass qua vùng chính phủ kiểm sóat làm việc để từ từ làm suy kiệt phần đất do phe thân Nga cai trị.
Nhật báo kinh tế Les Echos cũng tham gia luận bàn chính trị với bài phân tích Châu Âu cần NATO trong bối cảnh Nga càng ngày càng hung hăng. Theo Les Echos, nguy cơ làm rạn nứt liên minh không phải vì tuyên bố gây "sốc" của Macron hay của Erdogan. Uy tín của NATO bị đe dọa nghiêm trọng là do "một người lãnh đạo mưu lược, hiểm độc và bất nhân đang ngồi tại Washington".
Cải cách hưu trí : tuần lễ của sự thật
Trở lại cuộc khủng hoảng xã hội Pháp, dưới bức ảnh tổng thống Macron đăm chiêu, Libération chơi chữ : Cải cách hồi hưu hay hồi bộ ? Nhưng vì sao dân Pháp muốn cải cách nhưng lại sợ cải cách ? Trong khi chính phủ im lặng một cách khó hiểu, giải pháp nào khả dĩ hợp lý ?
Libération cho rằng chỉ có cách "lùi bước" là có thể cứu vãn tình hình bế tắc hiện nay. Le Figaro phân tích tại sao một dự án to lớn, quan trọng cho cả nước trong 50 năm tới mà biến thành một cuộc đọ sức chính trị.
Xavier Bertrand, một cựu bộ trưởng Lao Động có uy tín, chê trách chính phủ thiếu chuyên nghiệp nên biến một dự án cải cách mà chưa ai biết mặt mũi ra sao thành một con ngáo ộp làm 30 triệu người lo sợ và chống đối.
Trên Les Echos, cựu bộ trưởng tài chính Eric Woerth đưa ra đề nghị đơn giản : Mọi người đều được trợ cấp hồi hưu căn bản 40.000 euro mỗi năm. Ai đóng góp nhiều hơn trong suốt thời gian lao động sẽ được chế độ đặc biệt phụ cấp thêm.
Kim Jong-un và chiến thuật "nhất cử lưỡng tiện"
Trong hồ sơ Châu Á, Le Figaro phân tích ý nghĩa vụ Bắc Triều Tiên thử động cơ tên lửa.
Kim Jong-un đập cánh cửa vào mũi Donald Trump và phô trương cơ bắp không phải là không có lý do. Thử nghiệm "quan trọng làm thay đổi quy chế chiến lược" thông báo hôm thứ Bảy tuần trước là tín hiệu Bình Nhưỡng sắp phóng hỏa tiễn liên lục địa có tầm bay đến tận đảo Guam và Alaska. Biết tổng thống Mỹ bị trói tay trong bối cảnh bị Hạ viện tìm cách truất phế vào lúc sắp tái tranh cử, lãnh đạo Bắc Triều Tiên đánh một đòn "nhất cử lưỡng tiện" vừa gây sức ép với chủ nhân Nhà Trắng vừa tránh bị cáo buộc vi phạm lời cam kết không thử nghiệm tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Chế độ Bình Nhưỡng "chỉ cải tiến động cơ" tên lửa để củng cố khả năng hù dọa, theo phân tích của chuyên gia Leif-Eric Easlay, đại học Seoul, được Le Figaro trích dẫn.
Chưa hết, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc còn khẳng định : hồ sơ hạt nhân không còn đặt trên bàn đàm phán. Tất cả những sự kiện trên xác định Bình Nhưỡng theo một chiến lược mới, một tiến trình xuyên suốt từ vụ làm thất bại nỗ lực nối lại đối thoại tại Thụy Điển vào ngày 05/10 năm nay. Khai thác tối đa những khó khăn của chủ nhân Nhà Trắng, Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục gây sức ép. Với tối hậu thư kỳ hạn Mỹ phải nhượng bộ trước cuối năm nay, Kim Jong-un đe dọa làm hỏng cơ may tái đắc cử của Donald Trump.
Để đáp lại áp lực của Bắc Triều Tiên, tổng thống Donald Trump đánh lá bài thấu cáy : Kim rất thông minh và thừa thông minh để hiểu là lòng tham không đáy sẽ làm Kim mất tất cả, nếu gây sự với Mỹ.
Ung thư và thể thao liệu pháp
Trong lãnh vực y khoa, lợi tích của thể dục thể thao trong việc trị liệu ung thư không phải là phỏng định mà đã được chứng minh.
Theo giải thích của bác sĩ chuyên khoa Thierry Bouillet, đồng sáng lập hiệp hội thể thao và ung thư Cami và giáo sư Martine Dusclos, đại học y khoa Nantes (Pháp), tập thể thao thường xuyên, ít nhất mỗi tuần ba lần, sẽ làm giảm khối tế bào mỡ, nhà máy sản xuất kích thích tố adipokines, trong đó có một chất giúp sản sinh mạng lưới mạch máu nuôi khối u. Tế bào mỡ cũng phối tạo kích thích tố œstrogène thuận lợi cho những khối u lệ thuộc vào kích thích tố sinh dục.
Tế bào mỡ còn nguy hiểm hơn nữa vì nó là nguồn cội của tình trạng "kháng insuline". Hệ quả là lượng đường trong máu gia tăng, buộc tụy tạng phải tiết ra insuline, làm ung thư phát triển.
Nói cách khác, tập thể thao để cơ bắp co giản làm bớt mỡ và hiện tượng tăng lượng insuline trong máu. Thể thao liệu pháp giúp cho bệnh nhân không bị mệt và đau đớn trong khi dùng hóa trị hay xạ trị mà còn làm giảm nguy cơ ung thư tái diễn.
Tú Anh