Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/12/2019

Thực hư về thỏa thuận thương mại Mỹ Trung vừa được công bố

Tổng hợp

Thỏa thuận thương mại một phần : Mỹ ca ngợi, Trung Quốc dè chừng (VOA, 17/12/2019)

Nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi thỏa thuận thương mại ‘giai đoạn một’ giữa Mỹ và Trung Quốc mà theo đó xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm tới dự kiến tăng gần gấp đôi, trong khi Trung Quốc vẫn thận trọng trước khi ký kết thỏa thuận.

trade1

Hai phái đoàn Mỹ-Trung đàm phán thương mại ở Nhà Trắng

Phát biểu trên chương trình ‘Face the Nation’ của Đài CBS hôm 15/12, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói rằng văn bản thỏa thuận sẽ có một số chỗ ‘tẩy xóa’ thông thường, nhưng ‘nó chắc chắn đã xong hoàn toàn’.

Thỏa thuận này, vốn được công bố hôm 13/12 sau hơn hai năm rưỡi đàm phán ngắt quãng giữa Washington và Bắc Kinh, sẽ giảm một số thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc để đổi lấy việc Trung Quốc mua một số sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế tạo và năng lượng của Mỹ với trị giá khoảng 200 tỷ đô la trong hai năm tới.

Trung Quốc cũng đã cam kết bảo vệ tốt hơn sở hữu trí tuệ của Mỹ, để hạn chế việc ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc cũng như mở cửa thị trường dịch vụ tài chính cho các công ty Mỹ và tránh hành vi thao túng tiền tệ.

Cổ phiếu Châu Á đã tăng hôm 16/12, với chỉ số rộng nhất của cổ phiếu Châu Á-Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản đạt mức cao nhất trong gần tám tháng mặc dù sự thận trọng của các nhà đầu tư do chi tiết thỏa thuận vẫn chưa rõ đã chặn đứng đà tăng điểm.

Ngày tháng để các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc chính thức ký thỏa thuận đang được xác định, ông Lighthizer cho biết.

Lượng hàng nông sản Mỹ mà Trung Quốc dự kiến mua sẽ tăng lên từ 40 tỷ cho đến 50 tỷ đô la hàng năm trong vòng hai năm tới, ông Lighthizer nói.

Mỹ xuất khẩu khoảng 24 tỷ đô la nông sản sang Trung Quốc vào năm 2017, năm cuối cùng trước khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới phát động cuộc chiến thuế quan nhằm vào nhau hồi tháng 7 năm 2018.

Đậu nành là sản phẩm nông nghiệp lớn nhất Mỹ bán cho Trung Quốc vào năm 2017, với lượng hàng hóa trị giá 12 tỷ đô la. Trung Quốc cho biết sẽ mua thêm ngũ cốc của Mỹ theo nội dung thỏa thuận.

Mặc dù phái đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc bày tỏ lạc quan về thỏa thuận, một số quan chức chính phủ tỏ ra thận trọng.

"Thỏa thuận này là một thành tựu dần dần theo giai đoạn, và không có nghĩa là tranh chấp thương mại được giải quyết xong xuôi hết từ nay về sau", một nguồn tin tại Bắc Kinh am hiểu về tình hình nói với Reuters. Nguồn tin này cho biết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận vẫn là ưu tiên chính.

Một số quan chức Trung Quốc nói với Reuters rằng ngôn từ trong thỏa thuận vẫn là một vấn đề tế nhị và cần phải cẩn thận để đảm bảo cách hành văn sử dụng trong thỏa thuận không làm gia tăng căng thẳng và đào sâu khác biệt.

Trung Quốc đối mặt với áp lực rất lớn để thực hiện thỏa thuận giai đoạn một, ông Thời Ân Hoằng, giáo sư tại Đại học Nhân dân và cố vấn nội các, nói.

Ông Thời cho rằng nhập khẩu một số mặt hàng nông sản của Mỹ chẳng hạn như đậu nành sẽ vượt xa nhu cầu của Trung Quốc.

"Ông Trump cũng sẽ buộc Trung Quốc mua nhiều sản phẩm năng lượng và chế tạo của Mỹ ở giai đoạn này hoặc giai đoạn tiếp theo", ông Thời phát biểu trước một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 16/12.

Thỏa thuận này đã đình chỉ một đợt thuế quan mà Mỹ dọa sẽ đánh vào hàng nhập khẩu trị giá 160 tỷ USD của Trung Quốc vốn dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 15/12. Hoa Kỳ cũng đồng ý giảm một nửa mức thuế suất – xuống còn 7,5% - đối với 120 tỷ đô là hàng tiêu dùng của Trung Quốc bao gồm tai nghe Bluetooth, loa thông minh và TV màn hình phẳng.

Đại diện Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ cho biết các tin tức rằng các nhà đàm phán Mỹ đã đề nghị cắt giảm một nửa thuế suất đối với tất cả 360 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế là ‘hoàn toàn sai’.

"Mỹ không hề đưa ra lời đề nghị nào như thế cho Trung Quốc", tuyên bố chung của hai cơ quan này cho biết.

Chung cuộc, thỏa thuận chừa lại 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn bị đánh thuế 25%. Điều này đã kiềm hãm sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán hôm 13/12.

Ông Lighthizer nói rằng thành công của thỏa thuận phụ thuộc vào quyết định của các quan chức ở Bắc Kinh.

"Cuối cùng, liệu toàn bộ thỏa thuận này có tác dụng hay không sẽ nằm trong tay những người ra quyết định ở Trung Quốc, chứ không phải ở Hoa Kỳ", ông Lighthizer nói.

"Nếu phe cứng rắn cầm trịch, chúng ta sẽ cómột kết quả, còn nếu phe cải cách là người quyết định mà vốn là điều chúng tôi mong chờ thì chúng ta sẽ có kết quả khác".

******************

Mỹ-Trung hài lòng về kết quả khiêm tốn của thỏa thuận thương mại sơ bộ (RFI, 16/12/2019)

Cả Trung Quốc lần Hoa Kỳ thở phào nhẹ nhõm với thỏa thuận mậu dịch song phương sơ bộ đôi bên vừa đạt được hôm 13/12/2019. Nhưng còn quá nhiều chi tiết quan trọng trong văn bản này vẫn được Bắc Kinh và Washington giấu kín.

trade2

Phó thủ tướng Trung trái) và bộ trưởng Ngân Khố Mỹ Steve Mnuchin (phải) trước cuộc đàm phán tại Washington, ngày 10/10/2019. Reuters/Yuri Gripas/File Photo

Kinh nghiệm cho thấy các bên vẫn có thể đổi ý vào giờ chót, cho tới khi nào văn bản chính thức được nguyên thủ hai nước đặt bút phê chuẩn. Xung đột thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn. Những gì Mỹ và Trung Quốc đạt được đều quá ít ỏi trong cuộc đọ sức lần này.

Washington vẫn chưa đạt được hai mục tiêu chính đề ra ban đầu là đòi Bắc Kinh ngừng trợ giá cho các doanh nghiệp, ngưng đánh cắp các công nghệ của các công ty Mỹ. Washington vẫn giữ nguyên các biện pháp áp thuế đánh vào hàng của Trung Quốc đã ban hành.

Dù vậy, nhờ thỏa thuận về nguyên tắc này, Trung Quốc tạm né được một đợt trừng phạt mới của Mỹ. Các đợt áp thuế liên tiếp của Hoa Kỳ khiến xuất khẩu của Trung Quốc giảm đi trong bốn tháng liên tiếp, đặc biệt là hàng bán sang thị trường Mỹ.

Về phía Hoa Kỳ, Washington ồn ào thông báo đạt được thỏa thuận trong "Giai đoạn 1" với Trung Quốc về thương mại. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Steven Mnuchin, đánh giá đây là một thỏa thuận mang tính "lịch sử". Trong hai năm sắp tới, Trung Quốc sẽ mua vào 40 rồi 50 tỷ đô la nông phẩm của Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump xem đấy là một khối lượng "cực lớn". Điều quan trọng hơn nữa đối với Nhà Trắng là Bắc Kinh sẽ nhập khẩu thêm 200 tỷ đô la sản phẩm và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm sắp tới, nhằm thu hẹp thâm hụt mậu dịch của Hoa Kỳ với đối tác thương mại Châu Á này.

Ở hậu trường, mỗi bên đều "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trái với điều Bắc Kinh mong đợi, Mỹ vẫn duy trì mức thuế nhập khẩu 25% đánh vào 250 tỷ đô la hàng của Trung Quốc, từ máy móc công nghiệp cho đến linh kiện điện tử. Hoa Kỳ tuyên bố thẳng chính sách thuế quan là một công cụ để đàm phán với Trung Quốc trong "Giai Đoạn 2". Điều đó cũng có nghĩa là Washington sẽ quan sát đối phương và sẵn sàng sử dụng lại lá bài áp thuế trong trường hợp cần thiết, như ghi nhận của chuyên gia Larry Ong, cơ quan tư vấn Sinolnsider.

Trong khi Nhà Trắng trình bày việc Trung Quốc cam kết mua thêm nông phẩm của Hoa Kỳ và giảm thâm hụt mậu dịch với Mỹ như một thắng lợi quan trọng trước một đối thủ đáng gờm, thì các chuyên gia đều lưu ý rằng chỉ riêng về điểm này, Trung Quốc đồng ý mua thêm thực phẩm của Mỹ nhằm giảm bớt áp lực về nhu cầu tiêu thụ nội địa, đồng thời hứa hẹn chi thêm vào chục tỷ để làm quà cho cử tri của ông Trump và qua đó đạt được những mục tiêu quan trọng hơn. Nhưng ngoài ra, Bắc Kinh không nhượng bộ gì nhiều, đặc biệt là trên hai đòi hỏi chính của Washington, liên quan đến chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước và trên vế bảo vệ sở hữu trí tuệ, hay về vấn đề chuyển giao công nghệ.

Điểm thứ hai là, tương tự như hồi tháng 10 vừa qua hay trước đó nữa vào mùa xuân năm nay, Washington và Bắc Kinh ít nhất đã 2 lần tưởng chừng đạt được thỏa thuận để tạm thời ngưng chiến, nhưng rồi Nhà Trắng đã dừng lại tất cả vào giờ chót. Không có gì bảo đảm là lần này, thỏa thuận sơ bộ hôm 13/12/2019 không bị chết yểu. Đặc biệt là trong bối cảnh đang có quá nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, từ vấn đề Hồng Kông đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hay gần đây nhất là tiết lộ Mỹ trục xuất hai nhà ngoại giao Trung Quốc vì tình nghi "gián điệp".

Sau cùng, yếu tố chính trị có thể lại càng khiến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung trong "Giai đoạn 1" thêm mong manh. Với những thành quả ít ỏi giành được, không chắc ở Bắc Kinh ông Tập Cận Bình đủ sức bịt miêng các tiếng nói chống đối ngay trong hàng ngũ nội bộ đảng.

Ở Hoa Kỳ, bài toán cũng không đơn giản. Theo chuyên gia Jean-François Boittin thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Triển vọng Kinh tế Thông tin Quốc tế CEPII của Pháp, các biện pháp áp thuế lên hàng của Trung Quốc đè nặng lên túi tiền của các tập đoàn Mỹ và bước kế tiếp sẽ là lên các hộ gia đình Mỹ. Không chắc công luận Mỹ tiếp tục ủng hộ tổng thống Trump trong một cuộc chiến dài hơi và cũng không chắc Nhà Trắng dùng màn "ảo thuật" này để che mắt công luận từ nay cho tới bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào mùa thu năm 2020.

Tuy nhiên, trong một năm qua, cuộc đọ sức giữa chính quyền Trump với Bắc Kinh khiến tinh thần bài Trung Quốc của công luận Mỹ gia tăng. Theo thăm dò gần đây nhất của viện Pew Research, tỉ lệ người Mỹ có "phản cảm" với Trung Quốc đang từ 47 % năm 2018 tăng lên thành 60 % trong năm nay.

Cả Bắc Kinh lẫn Washington đều biết rằng từ nay cho đến ngày bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11/2020, chính quyền Trump sẽ càng gia tăng sức ép với Trung Quốc. Do vậy, thỏa thuận sơ bộ mới đạt được vào cuối tuần trước, dù chưa được lãnh đạo hai nước ký kết tạm thời, cho phép các bên dễ thở hơn một chút và lấy sức trường kỳ chiến đấu.

Thanh Hà

***************

Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận sơ bộ về thương mại (RFI, 14/12/2019)

Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm 13/12/2019 loan báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về thương mại. Đôi bên đã hưu chiến sau 19 tháng chiến tranh thương mại gay gắt, tuy nhiên thời điểm cụ thể của việc ký kết thỏa thuận này vẫn chưa được loan báo.

trade3

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới chỉ đạt hưu chiến. Ảnh tư liệu : Cảng Dương Sơn, trong khu chế xuất tại Thượng Hải ngày 13/02/2017. Reuters/Aly Song

Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer tuyên bố đó là "Một thỏa thuận chưa từng có". Cụ thể, mức thuế bổ sung 25% đánh lên 250 tỉ đô la hàng Trung Quốc hiện nay vẫn giữ nguyên. Ngược lại thuế hải quan 15% trên 120 tỉ đô la hàng hóa khác của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9 sẽ được giảm phân nửa, còn 7,5%.

Văn bản gồm có 9 chương về sở hữu trí tuệ, cưỡng bức chuyển giao công nghệ, thực phẩm và nông sản, dịch vụ tài chính, tỉ lệ hối đoái, tăng cường trao đổi thương mại, giải quyết bất đồng.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet tường trình :

"Đó là một thỏa thuận tuyệt vời cho mọi người" - tổng thống Donald Trump vui vẻ viết trên Twitter. Mỹ sẽ không áp thuế hải quan lên 160 tỉ đô la hàng Trung Quốc vào ngày mai, Chủ nhật như dự kiến và sẽ giảm phân nửa mức thuế áp đặt hồi tháng Chín lên 120 tỉ đô la đối với các mặt hàng khác cũng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đổi lại, Bắc Kinh cam kết mua hàng của Mỹ, đặc biệt là nông sản, như tuyên bố của ông Trump : "Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ mua 50 tỉ đô la nông phẩm, nhưng sẽ còn nhiều nữa vì họ còn mua thêm nhiều công nghệ phẩm. Trong lãnh vực nông nghiệp thì tôi tin rằng họ sẽ mua 50 tỉ…"

Phía Trung Quốc chưa xác nhận tổng trị giá số hàng sẽ mua, nội dung cụ thể của thỏa thuận vẫn chưa được công bố, và thời điểm ký kết chưa được loan báo, nhưng văn bản nêu ra vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Đại diện thương mại Mỹ bày tỏ sự tin tưởng rằng thỏa thuận này sẽ được thực hiện thông qua những cải cách về cơ cấu tại Trung Quốc".

Trung Quốc thận trọng, khó khăn vẫn còn phía trước

Tăng trưởng của người khổng lồ Châu Á đã sụt xuống dưới 6% trong ba tháng cuối năm, và nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với "những khó khăn và thách thức lớn nhất trong lịch sử" - như lời cảnh báo mới đây của một quan chức cao cấp Trung Quốc.

Thông tín viên Simon Leplatre ở Thượng Hải cho biết trong khi tổng thống Mỹ tỏ ra hồ hởi, thì Bắc Kinh lại có vẻ dè dặt khi thông báo tin này :

"Hai nơi hai không khí khác nhau, trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump ca tụng thỏa thuận tuyệt vời, thì trang nhất các báo Trung Quốc đưa tin chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm trước tiếp tổng thống Micronésie. Tin thỏa thuận thương mại bị đẩy vào trang trong.

Mỹ phấn khích, Trung Quốc thận trọng, đó là điều đã trở nên quen thuộc trong các cuộc đàm phán thương mại vẫn còn chưa kết thúc từ gần hai năm nay.

Lần này, hai bên đã đi đến được một thỏa thuận tối thiểu, trước hết là tập trung vào mẫu số chung nhỏ nhất. Điểm cốt lõi của thỏa thuận giai đoạn đầu cho phép ngừng chiến, tránh áp thuế mới.

Chắc hẳn điều này cho phép Bắc Kinh yên tâm một chút khi mà cuộc chiến thương mại đang đè nặng lên các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như lên tăng trưởng của đất nước. Nhưng các vấn đề gai góc nhất vẫn được để lại sau.

Sự thận trọng Trung Quốc là ở chỗ không có chuyện quá vui mừng với một thỏa thuận có vẻ như không giải quyết được gì nhiều về căn bản. Nhất là cùng lúc, căng thẳng chính trị giữa hai đối thủ vẫn còn rất lớn, đặc biệt về các đạo luật Mỹ trừng phạt các cuộc trấn áp của Trung Quốc ở Hồng Kông và Tân Cương".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)