Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/12/2019

Điểm báo Pháp - Johnson ở Anh và Trump ở Mỹ đều thắng ?

RFI tiếng Việt

Johnson thắng ở Anh, Trump sẽ tái đắc cử ở Mỹ ?

Le Figaro hôm nay phân tích "Giữa việc bầu cho Trump và bầu cho Johnson, có nhiều điểm rất giống nhau". Những lá phiếu của giới công nhân miền bắc nước Anh cũng tương tự như ở Ohio hay Pennsylvania.

johnson1

Thủ tướng Anh Boris Johnson và tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị NATO ở Watford, Anh quốc ngày 04/12/2019.  REUTERS/Christian Hartmann/Pool

Sau Brexit 2016 Trump thành tổng thống, nay lịch sử sẽ lặp lại ?

Tháng 6/2016, sau trận sấm sét Brexit lại đến cơn bão lớn Trump, cho thấy tính chất xuyên đại dương của cuộc "nổi dậy" dân tộc chủ nghĩa và dân túy mà phương Tây đang hứng chịu. Ba năm sau, chiến thắng vang dội của Boris Johnson liệu có là điềm báo Donald Trump lại ca khúc khải hoàn trong kỳ bầu cử tổng thống tháng 11/2020 hay không ?

Không ít người Mỹ khủng hoảng trước viễn ảnh này, nhưng một số bắt đầu coi là điều nghiêm chỉnh, khi thấy cử tri của ông Trump vẫn trung thành với ông, cũng như cử tri Brexit vẫn muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Cách hành xử không đúng mực của Donald Trump và các nỗ lực tột bậc của những đối thủ để truất phế ông chẳng thay đổi được gì, thậm chí lại còn tạo thuận lợi cho tổng thống Mỹ, theo các cuộc thăm dò mới nhất. Tại Anh quốc, "Hãy thực hiện Brexit" của Boris Johnson đã thành công dù những người muốn ở lại châu Âu đã cố gắng rất nhiều.

Theo cố vấn Steve Bannon, Brexit và Trump gắn chặt với nhau năm 2016 và nay cũng thế. "Vụ Johnson loan báo cho một chiến thắng huy hoàng của Trump. Người bình dân đã quá mệt mỏi với giới tinh hoa ở New York, Luân Đôn và Bruxelles. Nếu phe Dân Chủ không rút kinh nghiệm, Donald Trump sẽ thắng lớn như Reagan năm 1984".

Những điểm tương đồng giữa Trump và Johnson

Donald Trump và Boris Johnson không chỉ giống nhau ở mái tóc vàng độc đáo khiến các phóng viên ảnh thích thú. Trước hết, họ thuộc giới tinh hoa chủ trương "tự do" nhưng tự cho mình là yêu nước một cách thực tế. Hành xử trái với khuôn mẫu và phong cách cuốn hút, họ đóng vai người bảo vệ cho những người dân "thấp cổ bé họng", cảm thấy bị thiệt thòi trong quá trình toàn cầu hóa và việc mở cửa cho nhập cư.

Trump và Johnson nắn lại xu hướng của đảng mình, nghiêng sang tả về thương mại và chủ nghĩa bảo hộ, nhưng ngã sang hữu về xã hội và văn hóa. Cử tri của họ được mở rộng với những người lâu nay vẫn bầu cho Công Đảng ở Anh, hay Dân Chủ ở Mỹ. Boris và Donald quyến rũ được người dân những thành phố nhỏ và vùng nông thôn, vốn chiếm số đông.

Cả hai chính khách này đều từng bị các đối thủ và nhà quan sát đánh giá thấp, coi như những "anh hề". Nhà phê bình David Goodhart có cùng nhận định với Steve Bannon, là chiến thắng của Boris Johnson cũng như Brexit năm 2016 có thể lặp lại bên kia bờ Đại Tây Dương, có điều ông Johnson không thô bạo và khó kiểm soát như ông Trump.

Ba lý do khiến cử tri Anh ủng hộ châu Âu nhưng bỏ phiếu cho Johnson

Tác giả Jean-Marc Vittori trên Les Echos cho rằng chiến thắng của ông Boris Johnson là một "cái cây đã che khuất khu rừng". Ông thắng nhờ khẩu hiệu cụ thể, ngắn gọn "Get Brexit done", cũng như "We can do it" của Barack Obama năm 2008.

Tuy nhiên dân Anh không phải hoàn toàn ủng hộ Brexit, mà theo nhiều cuộc thăm dò, từ năm 2017 đến nay, số người ủng hộ việc ở lại với Liên Hiệp Châu Âu luôn nhiều hơn số người muốn ra đi. Và theo nhà nghiên cứu Pippa Norris của đại học Havard, có 14,6 triệu người muốn "Leave" (ra đi) nhưng đến 16,2 triệu người "Remain" (ở lại). Như vậy không phải vì muốn ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà người ta bỏ phiếu cho ông Johnson.

Thế thì vì sao ? Theo tác giả Vittori, có ba lý do. Trước hết, cử tri muốn làm rõ vấn đề Brexit. Hơn 1.200 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/06/2016, tình hình vẫn chưa đi đến đâu, vừa không tôn trọng dân chủ, vừa làm ảnh hưởng đến đầu tư và đồng bảng Anh, và bị thiên hạ chế giễu. Nhiều người cho biết có những cử tri ủng hộ châu Âu nhưng bỏ phiếu cho đảng bảo thủ để "một lần cho xong", trừng phạt thái độ nhập nhằng của Công Đảng về Brexit.

Thứ đến, Boris Johnson đã giành được phiếu của cử tri bình dân vẫn bầu cho Công Đảng từ nhiều thập niên qua. Chiến thắng ngoạn mục của Johnson tại "Bức tường đỏ" ở miền bắc nước Anh, cũng giống như của Trump tại "Vành đai han rỉ" miền đông bắc nước Mỹ - những vùng đất bị "phi kỹ nghệ hóa". Thậm chí thành trì của cựu thủ tướng Tony Blair cũng thất thủ, trong khi Công Đảng vẫn nắm chắc từ năm 1935 đến nay.

Cuối cùng, nhiều cử tri bỏ sang phe bảo thủ vì không ưa ông Jeremy Corbyn, chủ tịch Công Đảng – quá mờ nhạt, quá già, và quá "đỏ", chưa kể những cáo buộc bài Do Thái. Thế nên đúng ra là Corbyn thua, chứ không phải Johnson thắng. Cũng giống như bà Clinton bị từ chối hồi năm 2016 thì đúng hơn là ông Trump chiến thắng.

Thổ Nhĩ Kỳ dòm ngó Địa Trung Hải

Trong bài "Thổ Nhĩ Kỳ đang quay lại Địa Trung Hải" Le Figaro bình luận về sự kiện Ankara vào cuối tháng 11 đã ký kết một thỏa thuận an ninh với chính quyền Libya của ông Fayez Al Sarraj, trong đó có một điều khoản chia sẻ vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), vẽ lại ranh giới trên biển ở phía đông Địa Trung Hải.

Hy Lạp, Ai Cập và Cộng hòa Chyprus liền ra thông cáo chung phản đối, với sự ủng hộ của Liên Hiệp Châu Âu. Về phía Hoa Kỳ, vốn đã xung khắc với Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua hỏa tiễn S400 của Nga, đứng về phía Hy Lạp, Ai Cập. Điều này không có gì ngạc nhiên : Washington đang xích gần lại với Athens để ngăn cản Hy Lạp không đi quá xa với Trung Quốc, sau khi đã nhượng lại cảng Pirée cho Bắc Kinh.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đạt được tham vọng của mình ở Địa Trung Hải hay không ? Theo Le Figaro, Ankara không thể trông cậy vào Bắc Kinh, vì ông Erdogan không thể giả đò làm lơ quá lâu trước số phận những đồng đạo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hiện đang được "giáo dục cải tạo" hàng loạt bởi đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trung Quốc chi tiền để lũng đoạn ảnh hưởng ở Cộng hòa Czech

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde nói về "Xì-căng-đan mới về việc Trung Quốc gây ảnh huởng ở Praha". Thông tín viên tại Vienna cho biết nhiều dân biểu Cộng hòa Czech đang yêu cầu Quốc hội mở điều tra về một cơ quan vận động hành lang cho Bắc Kinh.

Hôm thứ Tư 11/12, trang web Aktualne.cz tiết lộ sự hiện diện của "một mạng lưới chuyên gia, nhà báo, chính khách" có mục đích "gây ảnh hưởng lên xã hội Cộng hòa Czech", qua việc phổ biến những quan điểm thân Bắc Kinh trong các cuộc tranh luận công khai. Lo ngại, nhiều dân biểu hôm Chủ nhật 15/12 loan báo ý định thành lập một ủy ban điều tra.

Theo Aktualne.cz, chiến dịch gây ảnh hưởng được tung ra vào tháng 4/2019, với sự tài trợ của Home Credit, một công ty tín dụng của Petr Kellner, người giàu nhất nước. Là người thân cận của tổng thống Milos Zeman vốn thân Nga, thân Trung Quốc, ông Kellner có nhiều lợi ích chiến lược ở Hoa lục, chiếm đến hai phần ba hoạt động của Home Credit. Ông bí mật chi tiền cho một công ty truyền thông tên C&B Reputation Management để tiến hành các chiến dịch đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc tại Cộng hòa Czech.

Một think tank được lập ra vào tháng Sáu, giám đốc thường xuyên được báo chí Cộng hòa Czech phỏng vấn. Công ty truyền thông này của Tomas Jirsa, người quản lý một trong những trang thông tin lớn nhất Cộng hòa Czech là Info.cz. Trang này thuộc sở hữu của Daniel Kretinsky, người giàu thứ năm trong nước đang chung sống với con gái tỉ phú Kellner ; đăng rất nhiều bài báo có lợi cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên xã hội dân sự Cộng hòa Czech phản ứng lại mưu toan này. Đô trưởng Praha chẳng hạn, đã đặt lại vấn đề về thỏa thuận hợp tác với thủ đô Trung Quốc trong đó nhìn nhận nguyên tắc chỉ có một nước Trung Hoa. Tình báo Cộng hòa Czech vào cuối tháng 11 còn chính thức tuyên bố ảnh hưởng Trung Quốc là "mối đe dọa" cho an ninh quốc gia, cũng như Nga.

Hai nước Pháp đối mặt

Đình công vẫn là chủ đề chiếm trang nhất và bao trùm trên các báo Pháp hôm nay 17/12/2019, ngày mà các nghiệp đoàn đều kêu gọi biểu tình, thêm nhiều tuyến xe buýt không hoạt động.

Le Figaro chạy tựa "Các nghiệp đoàn xuống đường để buộc chính quyền phải lùi bước". "Hưu trí : Cuộc chiến công luận bắt đầu" - tít chính của Le Monde. Libération đăng ảnh tổng thống Macron và ông Jean-Paul Delevoye, kiến trúc sư trưởng của kế hoạch cải tổ chế độ hưu, mà tờ báo cho là "Những người nghiệp dư". Ảnh bìa của La Croix là lãnh đạo nghiệp đoàn CFDT ; trong bài phỏng vấn ông Laurent Berger cho biết sẵn sàng thương lượng nếu chính phủ chịu bỏ quy định về tuổi về hưu là 64 nhằm giữ thăng bằng về tài chính.

Trong bài xã luận có tựa đề "Hai nước Pháp", Le Figaro bực tức trước tình cảnh những nhân viên trong khu vực tư phải khốn khổ khi đi làm hàng ngày.

Người dân Pháp phải ở lại trên sân ga không thể về nhà trong dịp Noel chăng ? Đó là khẳng định của Laurent Brun, lãnh đạo nghiệp đoàn CGT. Một nhân vật "nhung nhớ Lênin", năm ngoái đã từng đơn thương độc mã kêu gọi làm tê liệt Công ty đường sắt Pháp SNCF để ngáng chân cải tổ. Nghiệp đoàn cực đoan này, với cớ bảo vệ dịch vụ công, đang cố tình phá hủy dịch vụ công. Đã 12 ngày qua, nước Pháp là một đất nước bị chia đôi.

Một bên là thiểu số công nhân đình công (tỉ lệ hôm qua là 11,2% ở SNCF), phong tỏa hầu như toàn bộ giao thông công cộng, chống cải cách hưu trí. Không phải là để bảo vệ người dân Pháp như họ nói, mà nhằm duy trì chế độ đặc biệt : được về hưu sớm hơn người khác có khi đến cả chục năm, và hưu bổng cao hơn nhiều so với mức trung bình.

Còn bên kia là nhân viên khu vực tư nhân, nhà buôn, lao động tự do, hàng ngày dưới cơn mưa tìm cách đến chỗ làm bằng mọi giá : đi bộ, xe đạp, xe hơi. Bởi vì các công ty vừa và nhỏ rất dễ tổn thương, vì việc làm là bấp bênh, vì khách hàng không thể chờ đợi.

Cơ hội để nghiệp đoàn thiên tả tìm cách lấy lại vị thế

Bị đứng bên lề trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, cánh tả và giới công đoàn coi kế hoạch cải cách này là cơ hội để trả thù. Khác biệt quan điểm không quan trọng, họ muốn thách thức tổng thống Emmanuel Macron. Các cuộc biểu tình sắp diễn ra sẽ giúp họ ước lượng được sức mạnh của mình.

Có lẽ, như thường lệ, họ trông cậy vào giới công chức. Nhưng có lẽ không trông chờ nơi một nước Pháp khác của khu vực tư nhân, đang chịu đựng nạn đình công và cho đến nay vẫn ít thấy hiện diện trong các cuộc tuần hành.

"Có nghiệp đoàn CGT để làm gì ?"xã luận của Les Echos đặt ra câu hỏi thẳng thừng, trong lúc hàng triệu người Pháp phải khổ nhọc trong việc di chuyển, và nhiều hoạt động kinh tế phải ngưng hoặc chậm lại. Theo tờ báo, những gì mà nghiệp đoàn này làm được là quá ít, nếu so sánh với vai trò hồi năm 1968. Những hình ảnh về cuộc biểu tình không phản ánh đúng thực tế, vì giữa CGT vốn bác bỏ tất cả các đề nghị và CFDT chấp nhận hợp tác, chẳng có điểm nào chung.

COP25 Madrid, một hội nghị khí hậu đáng được quên

Trên lãnh vực khí hậu, Le Monde phàn nàn về COP25, một hội nghị "nên quên đi".

Suốt hai tuần lễ, tại hội nghị ở Madrid đã có những tiếng nói của những người trẻ ở nhiều nước lo lắng cho tương lai của mình, những đảo quốc nhỏ bé đang bị đe dọa bị chìm dưới mực nước biển, những người thổ dân Amazon nạn nhân của tình trạng phá rừng… Nhưng do sự ích kỷ của các nước thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính như Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ…, vả lại nước chủ nhà Chilê không có mấy trọng lượng trên trường quốc tế, họ đã ra về gần như trắng tay.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 557 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)