Trung Quốc chỉ trích dự luật quốc phòng của Mỹ là ‘can thiệp’ (VOA, 21/12/2019)
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc ngày thứ Bảy chỉ trích dự luật quốc phòng mà Washington thông qua trong tuần này là "can thiệp" vào việc nội bộ của Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin.
Các quan chức dự phiên họp toàn thể thứ hai của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 8/3/2019.
Vưu Văn Trạch, người phát ngôn của Ủy ban Ngoại vụ của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Trung Quốc, bày tỏ sự "bất mãn mạnh mẽ" đối với Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), đã được thông qua tại Thượng viện Hoa Kỳ trong tuần này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa sẽ nhanh chóng kí ban hành dự luật có ngân khoản 738 tỉ đôla.
Ông Vưu nói nội dung về Đài Loan của dự luật làm suy yếu hòa bình và ổn định ở hai bờ eo biển Đài Loan. Theo dự luật, Mỹ sẽ nỗ lực hỗ trợ sức mạnh quân sự của Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Dự luật cũng kêu gọi ủng hộ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, cũng như yêu cầu một báo cáo về việc đối đãi người Hồi giáo Uighur thiểu số ở Tân Cương.
"Mưu đồ của Mỹ can thiệp vào việc nội bộ của các quốc gia khác dưới vỏ bọc ‘dân chủ’ và ‘nhân quyền’ sẽ không bao giờ thành công", ông Vưu nói, theo Tân Hoa Xã. "Vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là vấn đề nhân quyền, dân tộc và tôn giáo, mà là vấn đề chống khủng bố và khử cực đoan hóa".
*******************
Triều Tiên cảnh báo Mỹ có thể ‘trả giá đắt’ vì chỉ trích về nhân quyền (VOA, 21/12/2019)
Triều Tiên hôm thứ Bảy đả kích lại Mỹ vì những chỉ trích nhắm vào thành tích nhân quyền của nước này, nói rằng "những lời lẽ độc hại" của Washington sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, thông tấn xã nhà nước KCNA đưa tin.
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019
Tuyên bố của KCNA, dẫn lời một người phát ngôn của bộ ngoại giao, cảnh báo rằng nếu Mỹ dám đả phá hệ thống chính quyền của miền Bắc bằng cách dẫn ra các vấn đề nhân quyền, họ sẽ "trả giá đắt".
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Tư lên án các hành vi vi phạm nhân quyền "lâu dài và liên tục" của Triều Tiên trong một nghị quyết hàng năm được bảo trợ bởi hàng chục quốc gia trong đó có Mỹ. Đại sứ của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc bác bỏ nghị quyết đó.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên là tuyên bố đầu tiên kể từ Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, hôm thứ Hai công khai kêu gọi Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán. Vẫn chưa có phản hồi trực tiếp từ Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Sáu cho biết ông vẫn hi vọng Mỹ có thể tái khởi động ngoại giao với Triều Tiên, trong khi sắp đến hạn chót cuối năm mà Triều Tiên đã ấn định để Mỹ đưa ra những nhượng bộ mới trong các cuộc đàm phán về kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Triều Tiên đã nhiều lần kêu gọi Mỹ từ bỏ "chính sách thù địch" trước khi có thêm các cuộc đàm phán.
Nhưng căng thẳng gia tăng trong những tuần gần đây trong khi Bình Nhưỡng tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm vũ khí và khẩu chiến qua lại với Tổng thống Donald Trump.
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử phi đạn đạn đạo xuyên lục địa mà có thể đưa nước này trở lại con đường đối đầu với Mỹ.
*******************
Tàu tác chiến ven bờ USS Gabrielle Giffords của Mỹ thăm cảng Cam Ranh (RFA, 21/12/2019)
Tàu USS Gabrielle Giffords (LSCS-10) mang tên lửa hành trình đối hải (NSM) của Hải quân Hoa Kỳ đến thăm cảng Cam Ranh, Việt Nam vào hôm 19/12/2019.
Hình minh họa. Tàu chiến USS Gabrielle Giffords trên biển - Courtesy of Hải Quân Hoa Kỳ
Các hình ảnh trên báo Thanh Niên và một số hình ảnh từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy sự hiện diện và hoạt động của tàu chiến hiện đại của Mỹ ở Việt Nam.
Đây là con tàu từng phóng tên lửa tấn công hải quân đánh chìm tàu chiến USS Ford cũ trong cuộc tập trận SINKEX ở Thái Bình Dương đương lúc Trung Quốc kỷ niệm ngày Quốc khánh và phô trương sức mạnh quân sự.
Hôm 20/11 vừa qua tàu USS Gabrielle Giffords đã đi qua vùng 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn - một đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã cho xây lấp thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước. Hoạt động của tàu USS Gabrielle Giffords này được cho biết là để thực hiện cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Trên tàu lần này có một người Mỹ gốc Việt, thuộc thế hệ người nhập cư đầu tiên là Kỹ thuật viên Ryan Can.
Hải quân Mỹ đăng ảnh Ryan Can (bên trái) đứng trên tàu giải thích cho Bệnh xá trưởng Jameson Basa về quê hương của mình trước khi USS Gabrielle Giffords thả neo ở Cam Ranh.
Cảng quốc tế Cam Ranh trước kia đã từng là căn cứ quân sự của Hải quân Mỹ thời chiến tranh Việt Nam, sau đó được cho Liên Xô và Nga thuê cho đến năm 2002. Sau đó Việt Nam đã tiếp quản và biến cảng này thành cảng Quốc tế Cam Ranh, tiếp đón tàu chiến từ nhiều quốc gia đến thăm.
Theo ghi nhận của RFA, tin tàu chiến USS Gabrielle Giffords đến thăm cảng Quốc tế Cam Ranh không được báo chí Việt Nam thông tin rộng rãi, chỉ có 2 tờ báo là VOV và Thanh Niên loan tải.