Giới lập pháp rời thủ đô nghỉ lễ, chưa đồng thuận thủ tục luận tội Tổng thống (VOA, 21/12/2019)
Các nhà lập pháp Mỹ đang nắm trong tay vận mệnh của Tổng thống Donald Trump hôm thứ Sáu 20/12 đã rời thủ đô Washington để đi nghỉ lễ mà không đạt thỏa thuận nào về cách tiến hành phiên tòa tại Thượng viện vào tháng 1 năm tới để xét các điều khoản luận tội ông Trump.
Lãnh đạo Quốc hội tranh luận về những bước két tiếp sau khi Tổng thống Trump bị luận tội.
Khó xảy ra việc ông Trump bị Thượng viện -do đảng Cộng hòa kiểm soát, kết án và truất phế. Thượng viện sẽ xét xử hai điều khoản luận tội được Hạ viện - do Đảng Dân chủ lãnh đạo, thông qua trong cuộc biểu quyết lịch sử hôm thứ Tư 18/12.
Đảng Cộng hòa và Dân chủ đang đối đầu nhau về cách thức tiến hành phiên xét xử tại Thượng viện. Đảng Dân chủ muốn mời nhân chứng gồm các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump ra điều trần, và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vẫn chưa gửi hồ sơ luận tội lên Thượng viện trong một nỗ lực nhằm tăng áp lực đối với phe Cộng Hòa.
Nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa muốn phiên tòa diễn ra nhanh chóng để bỏ lại vụ việc sau lưng, và lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell bác bỏ đề nghị gọi nhân chứng.
Bất kể kết quả ra sao, đảng Dân chủ đã bảo đảm rằng ông Trump sẽ đi vào lịch sử như một trong chỉ có 3 tổng thống Mỹ bị luận tội, ông Andrew Johnson vào năm 1868 và ông Bill Clinton năm 1998. Riêng Tổng thống Richard Nixon đã từ chức năm 1974 trước khi đối mặt với biểu quyết luận tội.
Ngoài tội lạm dụng quyền lực, ông Trump, 73 tuổi, còn bị buộc cản trở Quốc hội vì đã ra lệnh các quan chức chính quyền và các cơ quan không hợp tác với cuộc điều tra luận tội.
Tổng thống Trump bắt tay Dân biểu Jeff Van Drew, một nhà lập pháp Dân Chủ chống đối đảng đòi luận tội Trump, tại Phòng Bầu Dục, Tòa Bạch Ốc hôm 19/12/2019.
Tổng thống Trump bác bỏ biểu quyết luận tội của Hạ Viện như một ‘trò lừa bịp’ có tính phe phái để lật ngược chiến thắng bất ngờ của ông trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Ông khẳng định rằng ông không làm điều gì sai.
Nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã phân cực Hoa Kỳ, chia rẽ các gia đình và bạn bè, gây khó khăn cho các chính khách ở Washington trong việc mưu tìm một lập trường trung dung khi họ phải đương đầu với những thách thức như sự trỗi dậy của Trung Quốc và hiện tượng biến đổi khí hậu.
Christianity Today, một tạp chí được thành lập bởi Billy Graham, nhà truyền giáo nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, hôm thứ Năm kêu gọi truất phế Tổng thống Trump trong một bài xã luận trong đó viết rằng nỗ lực của ông Trump áp lực Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden là hành động "vô đạo đức".
Ông Trump đánh dấu hỏi về lời kêu gọi của tạp chí đó.
"Không có tổng thống nào làm nhiều hơn cho cộng đồng truyền bá Phúc Âm như tôi", ông Trump viết trên Twitter.
Đáp lại, biên tập viên của tạp chí Christianity Today, ông Mark Galli, nói cách hành xử của ông Trump là một mối quan tâm cấp bách.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho CNN, ông Galli nói :
"Chúng tôi hiếm khi bình luận về chính trị, trừ phi chúng tôi cảm thấy vấn đề đã leo thang tới tầm cỡ quan tâm quốc gia, thực sự quan trọng. Tình huống hiên nay là một trường hợp như thế".
******************
Cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi ‘đặt quốc gia lên trên đảng phái’ khi xét xử luận tội Trump (VOA, 21/12/2019)
Cựu thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Jeff Flake của bang Arizona kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa hiện nhiệm đặt "quốc gia lên trên đảng phái" khi phiên xét xử luận tội Tổng thống Trump bắt đầu.
Cựu thượng nghị sĩ Cộng hòa Jeff Flake là một trong những người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Donald Trump. Ông về hưu vào tháng 10/2017.
Ông Flake, trong một bài bình luận mới đăng trên báo The Washington Post ngày thứ Sáu, nói các thượng nghị sĩ chớ nên "đồng lõa" và cảnh báo rằng nếu họ làm như vậy, họ "sẽ nhượng lại trách nhiệm hiến định của chúng ta [và] đặt ra tiền lệ nguy hiểm nhất".
Lời cảnh báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Hạ viện bỏ phiếu cáo buộc ông Trump lạm quyền và cản trở Quốc hội, khiến ông trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử Mỹ bị luận tội. Cuộc biểu quyết thông qua chủ yếu theo lập trường đảng phái vì phe Cộng hòa vẫn quyết liệt bênh vực tổng thống và hành động của ông với Ukraine.
Bây giờ mọi sự chú ý đều đổ dồn về Thượng viện khi các thượng nghị sĩ trở về sau đợt nghỉ lễ và bắt đầu một phiên xét xử luận tội chống lại tổng thống. Cho đến nay, các thượng nghị sĩ Cộng hòa hàng đầu trong Thượng viện đã tỏ dấu hiệu cho thấy họ hợp tác với Nhà Trắng về phiên xét xử.
Nhưng ông Flake, một người thường xuyên chỉ trích ông Trump, khuyên các đồng nghiệp cũ của ông đặt câu hỏi liệu họ có tiến hành phiên xét xử của họ theo cùng cách này dưới thời cựu Tổng thống Obama hay không.
"Tôi có một phép thử đơn giản cho tất cả chúng ta : Nếu như Tổng thống Barack Obama có hành vi giống hệt như vậy thì sao ? Tôi biết chắc câu trả lời cho câu hỏi đó là gì, và quý vị cũng vậy", ông Flake viết. "Quý vị sẽ hiểu một cách hết sức rõ ràng hiểm họa mà việc này đề ra, và quý vị sẽ biết chính xác mình phải làm gì.
"Nhưng điều không thể biện minh là nhắc lại lập luận của phe Cộng hòa Hạ viện, nói rằng tổng thống không làm gì sai trái. Ông ta có làm điều sai trái", ông nói tiếp. "Nếu có lúc phải đặt quốc gia lên trên đảng phái thì đó là lúc này. Và bằng việc đặt quốc gia lên trên đảng phái, quý vị có thể cứu được Đảng Cộng hòa trước khi quá muộn".
Những nhận xét gay gắt này được đưa ra sau khi ông Flake trước đó trong năm nay nói rằng Đảng Cộng hòa không nên ủng hộ ông Trump tái tranh cử.
Ông Flake tuyên bố về hưu không làm thượng nghị sĩ nữa vào tháng 10 năm 2017 sau khi ông có những cuộc tranh cãi gây chú ý với ông Trump. Tổng thống đã nói rằng chính ông đã buộc ông Flake phải về hưu.
******************
Chủ tịch Thượng viện Mỹ kêu gọi các nghị sĩ bác bỏ vụ luận tội ‘độc hại’ (VOA, 20/12/2019)
Tại Hoa Kỳ, lãnh đạo hàng đầu của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện hôm thứ Năm kêu gọi các nghị sĩ đồng viện sửa sai vụ luận tội ‘độc hại’ chống lại Tổng thống Donald Trump, đánh đi một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Thượng viện khó có thể truất phế Tổng thống Trump.
Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell, đại diện bang Kentucky, phát biểu tại Thượng viện ngày 19/12/2019. (Senate TV via AP)
Lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mitch McConnell tố cáo Hạ viện do phe dân chủ kiểm soát là nghe theo những đam mê nhất thời và chủ nghĩa phe phái khi biểu quyết luận tội Tổng thống Trump hôm thứ Tư về tội lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Ông Trump, tổng thống thứ ba trong lịch sử Hoa Kỳ bị luận tội, giờ sẽ được xét xử tại Thượng viện vào khoảng đầu tháng 1 2020 về các cáo buộc liên quan đến cố gắng của ông gây áp lực với Ukraine để nước này điều tra ông Joe Biden, một đối thủ chính trị của ông bên Đảng Dân chủ.
Hiện chưa rõ phiên xét xử sẽ như thế nào và khi nào nó sẽ diễn ra. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm thứ Năm cho biết bà sẽ không chuyển hồ sơ luận tội lên Thượng viện cho đến khi đạt được đồng thuận tối thiểu với phe Cộng hòa tại Thượng viện về một số thủ tục, liên quan tới các tài liệu chứng cứ và kêu nhân chứng ra điều trần.
Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện gồm tất cả 100 thành viên. Không có ai trong số các nghị sĩ Đảng Cộng hòa ra dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng truất phế ông Trump.
Bác bỏ phán quyết luận tội của Hạ viện là ‘hồ đồ’, ông McConnell khẳng định rằng theo ông, Thượng viện không nên kết tội ông Trump.
Trước đó, Chủ tịch Thượng viện McConnell tuyên bố rằng ông làm việc song song với Tòa Bạch Ốc trong quá trình chuẩn bị cho vụ xét xử, làm dấy lên những lời chỉ trích từ đảng Dân chủ rằng Chủ tịch Thượng viện McConnnell hoàn toàn bỏ qua nghĩa vụ phải xem xét bằng chứng một cách công bằng. Tổng thống Trump thường xuyên gọi điện thoại cho ông McConnell, theo một cựu phụ tá của nghị sĩ này cho biết.
Nói trên đài MSNBC, nhân vật số 2 của đảng Dân chủ tại Hạ viện, Dân biểu Steny Hoyer, nói rằng đảng Dân chủ lo ngại ông McConnell sẽ không tạo điều kiện cho một vụ xét xử đúng nghĩa.
Tổng thống Trump, 73 tuổi, bị buộc tội lạm dụng quyền lực khi ông áp lực Ukraine điều tra về ông Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, đồng thời loan truyền giả thuyết đã bị chứng minh là không có cơ sở, rằng chính đảng Dân chủ thông đồng với Ukraine để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, chứ không phải là Nga.
Đảng Dân chủ tố cáo rằng để tăng sức ép lên Ukraine, ông Trump đã ra lệnh giữ lại, không tháo ngân 391 triệu đô la viện trợ an ninh cho Ukraine trước đó đã được quốc hội thông qua, và ngoài ra, mời Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy tới Tòa Bạch Ốc như một biện pháp khuyến khích để tăng áp lực lên Kiev can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 bằng cách bôi nhọ ông Biden.
Ông Trump còn bị cáo buộc cản trở Quốc hội vì đã chỉ đạo các quan chức và cơ quan hành chính không hợp tác với các cuộc điều tra luận tội.
Vẫn theo Reuters, tương lai chính trị của ông Trump giờ đây nằm trong tay của Chủ tịch Thượng viện McConnell, một người nổi tiếng là một tay thương thuyết khôn khéo và có nhiều thủ đoạn.