Sau 20 năm nắm quyền, hướng đi nào cho ông Putin ? (VOA, 30/12/2019)
Tính đến ngày 31/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền tròn hai thập kỷ. Hãng tin AP nhận định ông vừa tự hào về những thành tựu của mình nhưng vẫn tỏ ra e ngại về tương lai chính trị - một sự dè dặt làm dấy lên những suy đoán khác nhau về ý định của ông.
Tính đến ngày 31/12/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin lên nắm quyền tròn hai thập kỷ.
Ông Putin ca ngợi sự hồi sinh của nước Nga trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa công nghiệp, xuất khẩu nông nghiệp đang bùng nổ và một quân đội hùng mạnh là những thành tựu trong nhiệm kỳ của ông bắt đầu vào ngày 31/12/1999.
Các nhà phê bình cáo buộc ông Putin đang thực hiện các chính sách giống như thời hậu Xô Viết, trong đó thiết lập sự kiểm soát chặt chẽ đối với tình hình chính trị, hạ uy tín phe đối lập và bóp nghẹt truyền thông.
Họ cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về vụ căng thẳng với phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea của Ukraina vào năm 2014, một sự kiện giúp ông củng cố sự ủng hộ trong nước nhưng khiến Mỹ và Châu Âu tăng cường các lệnh trừng phạt.
Ông Andrei Kolesnikov, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, cho AP biết : "Ông Putin đã ngăn chặn sự phát triển bình thường của Nga như một nền kinh tế thị trường bình thường và một nền dân chủ chính trị bình thường", và đã biến Nga trở thành "kẻ phá hoại toàn cầu".
Những người theo dõi điện Kremlin đang cố gắng dự đoán những gì sẽ xảy ra sau khi nhiệm kỳ 6 năm hiện tại của ông Putin kết thúc vào năm 2024. Họ có một điểm chung : ông Putin, nhà lãnh đạo thâm niên nhất của Nga, kể từ thời lãnh tụ độc tài Josef Stalin của Liên Xô, có thể sẽ ở lại cầm quyền.
Ông Putin, 67 tuổi, một người chuyên cần thể dục thể thao, dường như có sức khỏe tốt để để tiếp tục tại vị. Ông thường xuyên luyện tập judo, trượt tuyết và chơi khúc côn cầu trên băng để thể hiện sức mạnh của mình, theo AP.
Ông Putin có thể dễ dàng tận dụng quốc hội như một cơ quan quyền lực bù nhìn để tiếp tục duy trì nhiệm kỳ của ông, nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nhận định rằng ông Putin sẽ có "cách tiếp cận đơn giản hơn".
Đầu tháng này, ông Putin đã gợi ý về những sửa đổi hiến pháp có thể để phân phối lại quyền lực giữa tổng thống, Nội các và quốc hội.
Ông đã không nêu rõ những thay đổi có thể được thực hiện là gì, nhưng tuyên bố này có thể báo hiệu ý định cắt giảm quyền lực của tổng thống và ông tiếp tục cai trị đất nước với tư cách thủ tướng.
Có những khả năng khác. Nhà lãnh đạo lâu năm của Kazakhstan, Nurultan Nazarbayev, đã trở thành hình mẫu trong năm nay khi ông đột ngột từ chức và để thân tín của của ông đắc cử tổng thống trong một cuộc bầu cử sớm. Ông Nazarbayev, 79 tuổi, vẫn duy trì quyền lực với tư cách người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia.
Ngoài ra, còn có một lựa chọn khác, nhưng kịch tính hơn. Nhiều người ở nước láng giềng nói Kremlin có thể thúc đẩy việc sáp nhập hoàn toàn hai đồng minh trước đây của Liên Xô để cho phép ông Putin trở thành người đứng đầu một nhà nước thống nhất mới.
Gần đây khi được hỏi rằng liệu có đang xem xét việc này, ông Putin đã né tránh câu hỏi. Mỗi một lựa chọn đều ẩn chứa những rủi ro lớn.
Tuyên bố của ông Putin trong tháng này về việc có thể thay đổi hiến pháp để giới hạn chức vụ tổng thống chỉ trong hai nhiệm kỳ được nhìn nhận rộng rãi như là tín hiệu cho thấy ông đang dự tính tạo ra vị trí điều hành mới cho chính mình trong khi giảm quyền lực của người kế nhiệm.
Dù chọn con đường nào, ông Putin khả năng cao sẽ giữ bí mật ý định của mình cho đến phút cuối.
"Sự bất định này có những lợi thế của nó – quý vị có thể để các nhóm lợi ích đấu với nhau, quý vị có thể giữ chân họ trong thế bất định này", nhà phân tích chính trị tại Moscow, Yekaterina Shulman, cho AP biết.
"Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài quá lâu vì nó kích động sự đấu đá trong giới tinh hoa", bà Shulman cho biết thêm.
Hãng tin Reuters đã điểm lại những nét nổi bật trong 20 năm nắm quyền của ông Putin :
31/12/1999 : Tổng thống Boris Yeltsin từ chức do sức khỏe và chỉ định ông Putin làm quyền tổng thống
26/3/2000 : Ông Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên
3/2004 : Putin thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai với hơn 70% phiếu bầu
5/2008 : Putin trở thành thủ tướng sau khi ông Dmitry Medvedev, đồng minh của ông, trở thành tổng thống (do hiến pháp quy định một người không thể làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp)
2012 : Ông Putin trở lại vị trí tổng thống, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại với hơn 60% số phiếu sau khi có quyết định gia hạn các nhiệm kỳ tổng thống từ 4 năm lên 6 năm.
19/3/2018 : Ông Putin lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống và ông sẽ tại vị cho đến năm 2024.
****************
Cái giá Nga phải trả khi bán vũ khí cho Trung Quốc (RFI, 30/12/2019)
Trong những ngày cuối năm 2019, trong một phản ứng bất bình công khai hiếm hoi về quan hệ với Trung Quốc, một quan chức Nga thuộc tập đoàn quốc phòng Rostec đã lên tiếng tố cáo Bắc Kinh sao chép bất hợp pháp hàng loạt những loại vũ khí cùng thiết bị quân sự khác. Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Quốc bị Nga cáo buộc về tội đánh cắp công nghệ, tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các phản ứng nói trên đã không ngăn cản được đà tăng của các thương vụ bán vũ khí Nga cho Trung Quốc.
Chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh tham gia tập trận tại một khu vực ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 02/01/2017. Reuters/Stringer
Theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 20/12/2019, trong một tuyên bố gay gắt khác thường hôm 14/12, Yevgeny Livadny, giám đốc phụ trách vấn đề sở hữu trí tuệ thuộc tập đoàn quốc phòng Nga Rostec đã xác định rằng trong vòng gần 20 năm gần đây, việc nước ngoài sao chép trái phép trang thiết bị của Nga là một vấn đề nghiêm trọng.
Trung Quốc bị tố cáo đích danh là kẻ ăn cắp công nghệ vũ khí Nga
Và quan chức Nga này không ngần ngại tố cáo đích danh Trung Quốc : "Đã có 500 trường hợp như vậy trong 17 năm qua. Chỉ riêng Trung Quốc đã sao chép các loại động cơ máy bay, phi cơ Sukhoi, máy bay phản lực dùng trên tàu sân bay, hệ thống phòng không, tên lửa phòng không vác vai và các hệ thống phòng không tầm trung tương tự như hệ thống Pantsir".
Cáo buộc của Rostec về hành vi sao chép của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm việc buôn bán vũ khí giữa hai nước đang phát triển mạnh.
Theo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI, từ năm 2014 đến 2018, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Trung Quốc, bảo đảm đến 70% lượng vũ khí nhập khẩu của Bắc Kinh.
Ngay cả vũ khí tối tân nhất của Nga cũng được bán cho Trung Quốc, từ hệ thống phòng không S-400 cho đến chiến đấu cơ Su-35.
Cho dù Moskva từng lên án Bắc Kinh ăn cắp công nghệ, lượng xuất khẩu vũ khí của Nga sang Trung Quốc vẫn không có dấu hiệu tuột giảm. Theo giới chuyên gia, những lợi ích địa chính trị và kinh tế đã buộc Nga phải giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của các hành vi đánh cắp công nghệ mà Trung Quốc tiến hành.
Các biện pháp ngăn chặn của Nga đều vô hiệu
Theo tờ báo Nhật Bản, Trung Quốc từ lâu đã sao chép trái phép nhiều loại vũ khí của Nga, và Moskva đã áp dụng một số biện pháp để ngăn chặn việc này nhưng không mấy hiệu nghiệm.
Trong những năm 1990 chẳng hạn, Trung Quốc đã mua các loại vũ khí tiên tiến vào thời ấy của Nga là chiến đấu cơ Su-27 và hệ thống tên lửa S-300. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã nghiên cứu các loại vũ khí này và dùng đó làm mẫu để phát triển loại máy bay chiến đấu J-11 và tên lửa đất đối không HQ-9 của Trung Quốc.
Một ví dụ khác : Tiêm kích J-15 dùng cho hàng không mẫu hạm bị cho là bản sao trái phép của Su-33 Nga.
Hành vi sao chép trắng trợn đó đã buộc Nga phải tìm cách hạn chế việc sao chép công nghệ. Một trong các biện pháp là đòi Trung Quốc phải mua vũ khí với số lượng lớn thay vì chỉ mua một vài mẫu vì việc mua mẫu là dấu hiệu của âm mưu sao chép.
Nga cũng đã đưa vào hợp đồng vũ khí các điều khoản cam kết chống trộm cắp thiết kế, thậm chí còn cố gắng lấy tiền bản quyền từ các bản sao vũ khí Nga của Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp này không thực sự hiệu quả, như lời thừa nhận của ông Vadim Kozyulin, đặc trách vấn đề an ninh Châu Á tại trung tâm nghiên cứu quốc tế PIR Center ở Nga.
Chính vì quan ngại trước các hành vi đánh cắp công nghệ của Trung Quốc và vào giữa thập niên 2000, Nga đã bắt đầu bớt bán vũ khí cho Trung Quốc. Vào năm 2005 chẳng hạn, Trung Quốc chiếm 60% doanh số vũ khí xuất khẩu của Nga. Qua năm 2012 con số này đã giảm xuống còn 8,7%.
Thế nhưng, sau khi nổ ra khủng hoảng với phương Tây vào năm 2014 về vụ sát nhập vùng Crimea, việc buôn bán vũ khí và hợp tác quân sự giữa Moskva và Bắc Kinh đã khởi sắc trở lại.
Bị Trung Quốc đánh cắp, nhưng Moskva phải cam chịu
Hiện nay, Moskva được cho là đã chấp nhận việc Trung Quốc sao chép công nghệ của Nga là cái giá không thể tránh khỏi khi làm ăn với Bắc Kinh.
Theo ông Vasily Kashin, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên Cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, thì việc bị đánh cắp công nghệ là một vấn đề chung đối với tất cả các công ty làm ăn với Trung Quốc, nhưng cho đến nay, chưa có một vụ sao chép nào đủ nghiêm trọng để khiến Nga quay lưng lại với một thị trường béo bở như Trung Quốc.
Chuyên gia này còn cho rằng Nga thậm chí còn không cảm thấy bị đe dọa vì Moskva vẫn nắm lợi thế công nghệ kể cả khi Trung Quốc "làm nhái" thành công : "Không thể sao chép một số công nghệ trong một khoảng thời gian ngắn, và sao chép công nghệ cũ cũng mất khoảng thời gian ngang với việc phát triển công nghệ mới".
Do đó, theo ông Kashin : "Chi bằng lấy tiền của Trung Quốc để tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển và cứ để cho Trung Quốc làm bất cứ điều gì họ muốn" với các công nghệ cũ.
Quan hệ đối tác địa chính trị Nga-Trung đang phát triển, cùng nhắm vào các đối thủ chung là Mỹ và đồng minh cũng làm giảm mối lo ngại của Moskva về những rủi ro từ phía Bắc Kinh.
Hiểm họa đối với Nga : Bị mất thị trường vũ khí vào tay Trung Quốc
Tuy nhiên, theo báo Nikkei Asian Review, vẫn còn những vấn đề khác, đặc biệt là việc Trung Quốc đang nổi lên thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn, cạnh tranh với Nga nhờ công nghệ vũ khí ăn cắp được và hàng thập kỷ đầu tư mạnh vào quân sự.
Trên vấn đề này, một số nhà phân tích Nga không thấy lo ngại lắm. Ông Andrei Frolov, tổng biên tập báo Arms Exports của Nga giải thích : "Một mặt, Nga lo ngại Trung Quốc sẽ dần dần đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí truyền thống của mình… Nhưng mặt khác, Trung Quốc có tiền và mong muốn hợp tác, vì vậy đấy có thể là cơ hội để Nga phát triển nhờ có tiền và công nghệ của Trung Quốc".
Một thách thức khác là làm sao để Trung Quốc vẫn là khách hàng mua vũ khí. Theo ông Vadim Kozyulin, một số tổ hợp công nghiệp quân sự của Trung Quốc đã vượt Nga trong một số lĩnh vực.
"Ngày càng khó có hàng mới để cung cấp cho Trung Quốc. Vì vậy chính sách của Nga lúc này là chuyển từ bán vũ khí sang đồng phát triển".
Vấn đề là Trung Quốc thích tự sản xuất mọi thứ và chỉ nhập khẩu công nghệ mà thôi.
Trọng Nghĩa