Vụ ám sát tướng Iran Soleimani : Tổng thống Trump lại có giải thích mới (RFI, 14/01/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào hôm qua, 13/01/2020, lại phải giải thích một lần nữa vì sao ông bật đèn xanh cho việc tiêu diệt viên tướng Iran Soleimani.
Biểu tình phản đối việc triệt hạ tướng Iran Soleimani, trước văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Tehran, ngày 03/01/2020. WANA (West Asia News Agency)/Nazanin Tabatabaee via Reuters
Theo ông Trump, nhân vật này là mối đe dọa lớn đối với nước Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn không giải thích rõ là mối đe dọa cụ thể ra sao. Ngoài ra, dù khẳng định rằng đe dọa cận kề nhưng ông Trump cũng cho là điều đó không quan trọng.
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :
"Như thường lệ, khi phải trả lời thắc mắc về hành động của chính quyền của mình, tổng thống Trump đã tấn công ngược lại. Vào hôm qua, ông đã cáo buộc đảng Dân chủ thông đồng với chế độ Iran. Trên Twitter ông đã chia sẻ một tấm ảnh ghép cho thấy hai lãnh đạo đảng Dân chủ ở Quốc hội Mỹ, bà chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và ông Chuck Shumer, trưởng nhóm nghị sĩ Dân chủ ở Thượng Viện, một người đầu quấn khăn, một người choàng tchador, với cờ Iran ở phía sau.
Và ông viết : Giới truyền thông (đưa) tin giả và đối tác Dân chủ của họ làm việc căng thẳng để xem cuộc tấn công của kẻ khủng bố Soleimani có cận kề hay không, xem ê-kíp của tôi có đồng ý hay không. Điều này không quan trọng do quá khứ ghê gớm của hắn.
Thật vậy, báo chí Mỹ và đảng Dân chủ đã tự hỏi về tính xác thực của mối đe dọa mà chính quyền nêu lên để biện minh cho việc ám sát viên tướng Iran. Hơn nữa, cuối tuần qua, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nói ngược lại quan điểm của tổng thống liên quan đến âm mưu tấn công bốn đại sứ quán Mỹ. Ông Mark Esper đã tuyên bố thẳng thừng : Tôi không thấy thông tin về vụ này.
Theo đài truyền hình NBC, tổng thống Trump đã bật đèn xanh về nguyên tắc cho việc ám sát tướng Soleimani từ cách đây 7 tháng, nếu một cuộc tấn công của Iran gây tử vong cho một người Mỹ".
Ngoại trưởng Mỹ : Vụ ám sát tướng Soleimani nằm trong một chiến lược răn đe mới
Vào hôm qua, 13/01/2020, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố là quyết định ám sát viên tướng Iran Soleimani được đưa ra trong khuôn khổ một chiến lược răn đe tổng thể. Lập luận này có phần trái ngược với giải thích trước đó của chính quyền Mỹ, theo đó phải tiêu diệt tướng Iran vì những đe dọa tấn công sắp xẩy ra.
Phát biểu tại viện Hoover, đại học Stanford, California, ông Pompeo đã nói đến một chiến lược nhằm "răn đe thật sự" nhắm vào Iran. Theo ông chiến lược các chính quyền Mỹ trước đây, Cộng Hòa cũng như Dân chủ, ngược lại đã khuyến khích các hành vi thù nghịch của Iran.
Mai Vân
****************
Tổng thống Trump lạnh nhạt về việc tái thương thuyết với Iran (VOA, 14/01/2020)
Tổng thống Donald Trump nói ông không màng đến triển vọng thương thuyết với Iran sau hai tuần tấn công qua lại và sau việc ông áp đặt những chế tài mới nhắm vào nền kinh tế Iran.
Tổng thống Donald Trump và cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien tại Phi trường Quốc tế Los Angeles, California, ngày 18/9/2019.
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien nói với chương trình ‘Face the Nation" của đài CBS vào sáng thứ Bảy 11/1 rằng Iran đang "bị nghẹt thở" và các giới chức Mỹ xem đây là cơ hội để gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo nước này khiến họ không có sự chọn lựa nào khác là thương thuyết.
Trong một dòng tin trên Twitter ngày Chủ Nhật 12/1, ông Trump nói : "Thực ra tôi ít màng tới chuyện họ thương thuyết. Việc này hoàn toàn tùy thuộc vào họ, chớ có vũ khí hạt nhân và chớ sát hại những người biểu tình ".
Các cuộc biểu tình chống chính phủ bùng phát trở lại tối ngày 12/1 tại Iran. Đây là những cuộc biểu tình bước sang ngày thứ nhì chống lại quân đội Iran. Quân đội nước này ban đầu phủ nhận nhưng sau đó thừa nhận là đã bắn nhầm một máy bay dân sự Ukraine vào tuần trước khiến tất cả 176 người trên máy bay thiệt mạng.
Một nhóm biểu tình la lớn bên ngoài một trường đại học tại Tehran "Họ nói dối rằng kẻ thù của chúng ta là Hoa Kỳ, kẻ thù của chúng ta ngay đây này".
Hình ảnh video cho thấy những người biểu tình tại những địa điểm khác ở thủ đô và những thành phố khác của Iran.
Cảnh sát trong trang phục đen, mang nón bảo hộ chống bạo động, tràn ngập quảng trường nổi tiếng Azadi, phía nam trung tâm thành phố, và tại những địa điểm quan trọng khác. Cảnh sát vũ trang bằng vòi rồng, gậy gộc và súng bắn sơn dùng để đánh dấu những người biểu tình. Tuy nhiên chưa có báo cáo về việc bắt giữ người biểu tình.
Trong một bài diễn văn trước quốc hội, người đứng đầu Vệ binh Cách mạng Iran xin lỗi về vụ tấn công bằng phi đạn vào máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine và gọi đây là một sai lầm thảm họa.
"Tôi thề trước Thượng đế toàn năng là ước gì tôi có mặt trên chuyến bay đó cùng rớt và cùng bị chết cháy với họ để khỏi chứng khiến tai nạn bi thảm này", Tướng Hossein Salami nói. Ông nói thêm "Tôi chưa bao giờ xấu hổ như thế này. Chưa bao giờ".
Tổng thống Donald Trump cảnh báo Tehran chớ nên tấn công người biểu tình.
"Hỡi các nhà lãnh đạo Iran – CHỚ GIẾT NGƯỜI BIỂU TÌNH", ông Trump viết trên Twitter. "Hàng ngàn người đã bị giết hay bị các ông bỏ tù, và Thế giới đang theo dõi. Quan trọng hơn là Hoa Kỳ đang theo dõi. Mở lại Internet và cho phép ký giả đi lại tự do. Ngừng sát hại các công dân Iran vĩ đại của quý vị".
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trên Twitter bày tỏ "cực kỳ hối tiếc" và xin lỗi về việc bắn rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine. Tuy nhiên ông cho rằng đây là "Lỗi của con người trong lúc có khủng hoảng do chủ nghĩa phiêu lưu của Mỹ gây ra thảm họa này".
Ông O'Brien bác bỏ tuyên bố này của Ngoại trưởng Zarif trong cuộc phỏng vấn của Fox News ngày Chủ Nhật 12/1. Ông nói lúc đầu Iran che đậy hành động rồi sau đó nói rằng chiếc máy bay dân sự quẹo về phía một căn cứ quân sự. Ông nói Iran cần điều tra vụ này, xin lỗi và bồi thường cho các gia đình nạn nhân và "đảm bảo là việc này không bao giờ xảy ra nữa".
Ngày thứ Bảy 11/1 tại Tehran, người biểu tình tụ tập gần những trường đại học và kêu gọi nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và hô to những khẩu hiệu "Đả đảo những tên nói dối !" và "Tên độc tài chết đi !"
Ban tiếng Ba Tư của Đài VOA loan tin là những cuộc biểu tình đã lan sang những khu vực khác của Iran, trong đó có Istafan, thành phố lớn thứ ba của Iran.
Những cuộc biểu tình ngày 11/1 diễn ra hai tháng sau khi Iran đàn áp những cuộc biểu tình đông đảo chống chính phủ, gây ra bởi giá xăng dầu được trợ cấp gia tăng vào/11 năm ngoái. Iran từ chối công bố con số tử vong vào lúc đó nhưng Ân xá Quốc tế nói có hơn 300 người bị giết.
Sáng ngày thứ Bảy 11/1, Lực lượng Vệ binh Cách Mạng Hồi Giáo Iran công nhận đã nhầm lẫn bắn rơi máy bay của hãng Hàng không Quốc tế Ukraine trước đây trong tuần.
Việc bắn hạ chiếc Boeing 737 diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran tấn công bằng phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ Iraq có binh sĩ Mỹ trú đóng để đáp trả cuộc tấn công của máy bay không người lái do Tổng thống Trump chỉ thị giết chết chỉ huy trưởng Lực lượng Quds của Iran là Tướng Qasem Soleimani.
Một toán giới chức Canada ngày thứ Hai 13/1 đến Iran làm việc với gia đình các nạn nhân, kể cả việc nhận diện các thi thể và đưa về Canada. Họ cũng sẽ hỗ trợ trong việc điều tra.
Trong số 176 người thiệt mạng, có ít nhất 57 người là công dân Canada.
Ngày Chủ Nhật 12/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tham gia một buổi lễ tưởng niệm tại Edmonton và bày tỏ tiếc thương những người đã thiệt mạng.
******************
Iran : Cảnh sát phủ nhận đàn áp biểu tình bằng đạn thật (RFI, 13/01/2020)
Sau ngày thứ Bảy 11/01/2020 xuống đường, những cuộc biểu tình phản đối chính quyền bưng bít sự thật về vụ máy bay của Ukraine bị bắn rớt, lại diễn ra trong đêm Chủ Nhật tại Tehran và nhiều thành phố khác.
Sinh viên biểu tình trước đại học Amirkabir, Tehran, ngày 11/01/2020. ATTA KENARE / AFP (Ảnh minh họa)
Cảnh sát chống bạo động bị tố cáo sử dụng hơi cay, thậm chí đạn thật để đàn áp. Sáng nay, chỉ huy trưởng cảnh sát Tehran khẳng định là không có chuyện dùng đạn thật. Cảnh sát được lệnh tự kềm chế. Tình thế căng thẳng, dân chúng bất bình.
Từ Tehran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường thuật :
"Thực tế là có từ hai ngàn đến ba ngàn người tập họp ở quảng trường Azadi (Tự Do) ở thủ đô Tehran với những biểu ngữ đả kích thượng tầng lãnh đạo Iran và yêu cầu họ từ chức.
Người biểu tình phản đối chính quyền không nói sự thật về nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay dân dụng của Ukraine, mà trong suốt 72 tiếng đồng hồ, cứ liên tục khẳng định là do tai nạn.
Nhiều người đã xé bích chương có chân dung của tướng Qasem Soleimani, cố tư lệnh lực lượng Al Qods của Vệ Binh Cách Mạng, bị giết trong vụ Mỹ oanh kích ở Baghdad ngày 02 tháng 01 năm 2020.
Cảnh sát chống bạo động được huy động đông đảo đã giải tán người biểu tình, nhất là bằng lựu đạn cay. Trên khắp nước, ở các thành phố, cũng có những cuộc xuống đường tương tự, với hàng trăm người tham gia.
Nhưng khác với những cuộc biểu tình hồi/11 xuất phát từ lý do kinh tế, chống lệnh tăng giá xăng, lần này cuộc phản kháng mang chính chất chính trị. Lòng dân âm ỉ bất mãn. Hãng thông tấn ISNA, tuy có quan điểm thân với phe cải cách, cũng lên tiếng về sự im lặng của tổng thống Hassan Rohani.
Trong khi nhiều cấp chỉ huy của Vệ Binh Cách Mạng nhìn nhận có "sai lầm ngoài ý muốn" và đã lên tiếng xin lỗi, cho đến hôm nay, chưa có một vị bộ trưởng nào tiếp xúc và nói chuyện với dân".
Xuống thang ?
Theo AFP, trong không khí căng thẳng này, một số tín hiệu cho phép suy đoán cả Hoa Kỳ và Iran đều muốn giảm nhiệt.
Hôm Chủ Nhật, một doanh trại của Mỹ tại Iraq bị pháo kích bằng tên lửa, nhưng cũng như vụ pháo kích bốn ngày trước đó (08/01) ở một căn cứ khác, lính Mỹ đã rút đi từ lâu. Cùng ngày, tướng Hossein Salami, tư lệnh Vệ Binh Cách Mạng, khi ra điều trần tại Quốc hội, tuyên bố là "không có ý định sát hại lính Mỹ" trong vụ pháo kích ngày 08/01 mà chỉ nhằm biểu dương sức mạnh mà thôi.
Cũng trong ngày hôm qua, tại Washington, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper cũng dịu giọng : Tình báo Mỹ không thấy bằng chứng cụ thể Iran có dự án tấn công vào bốn sứ quán Mỹ khi tổng thống Donald Trump ra lệnh giết tướng Iran. Thật ra, theo AFP, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, cũng như cố vấn an ninh tổng thống Robert O’Brien, dường như muốn tập trung ủng hộ phong trào phản kháng của công dân Iran để có "một chế độ tốt hơn" tại Tehran, thay vì dùng quân sự.
*********************
Mỹ ra loạt trừng phạt mới với Iran để trả đũa vụ tấn công tên lửa (RFI, 11/01/2020)
Hôm 10/01/2020, chính quyền Mỹ công bố loạt trừng phạt kinh tế mới đối với Iran. Sau vụ quân đội Iran bắn hỏa tiễn vào nhiều căn cứ Mỹ tại Iraq, để đáp trả việc tướng Soleimani bị Mỹ hạ sát, rốt cục chính quyền Donald Trump chọn vũ khí kinh tế, hơn là biện pháp quân sự. Các đòn trừng phạt mới này nhắm vào các ngành công nghiệp và 8 quan chức Iran.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin ngày 10/01/2020 công bố các lệnh trừng phạt nhắm vào các quan chức và công ty của Iran. (Ảnh minh họa chụp ngày 11/10/2019) Reuters/Yuri Gripas
Thông tín viên Eric de Salve tường trình từ San Francisco :
"Tám quan chức Iran này can dự vào vụ bắn tên lửa nhắm vào các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq, theo Washington. Một số người trong danh sách này đã là đối tượng của các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ. Lãnh đạo bộ Tài chính Mỹ bảo đảm là đợt trừng phạt mới này cũng nhắm vào 17 nhà sản xuất kim loại, các công ty khai thác mỏ, thép và nhôm, vốn là các thành phần quan trọng để chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, sự tác động của loạt biện pháp này đối với chế độ rất có thể sẽ là không đáng kể, bởi vì theo lời giải thích của một trong các chuyên gia với báo New York Times, thì "về mặt áp lực kinh tế đối với Iran, chính quyền Trump là nạn nhân của sự thành công của chính họ. Hoa Kỳ đã gần như làm hết khả năng trong mục tiêu đặt ra là gây áp lực tối đa đối với nền kinh tế Iran".
Loạt trừng phạt mới của Mỹ chống lại Iran gần nhất là vào hồi tháng 12/2019, nhắm vào tập đoàn vận tải chính của chế độ Hồi giáo, bị cáo buộc cung cấp thiết bị cho việc sản xuất hỏa tiễn và chương trình hạt nhân, và đồng thời cung cấp nguồn lực tài chính cho lực lượng Hezbollah và chế độ Assad tại Syria.
Tuy nhiên, ngành dầu mỏ của Nước Cộng Hòa Hồi giáo là đối tượng chính của các biện pháp trừng phạt. Hồi tháng 4/2019, Washington chấm dứt lệnh miễn trừ dành cho 8 quốc gia nhập khẩu dầu thô của Iran, trong đó có Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh : Chúng tôi tin tưởng 100% vào tác động của các lệnh trừng phạt này. Nếu không có chúng, chính quyền Tehran đã có thể có thêm hàng chục tỉ đô la".
Trọng Thành
******************
Căng thẳng hạ giảm, Iran ra tín hiệu lẫn lộn (VOA, 10/01/2020)
Iran ngày 9/1 đưa ra các tín hiệu lẫn lộn giữa lúc căng thẳng với Mỹ dường như giảm bớt với việc Tổng thống Hassan Rouhani cảnh báo về một "sự phản ứng rất nguy hiểm" nếu Hoa Kỳ phạm "sai lầm khác" và một chỉ huy cao cấp thề "trả thù khốc liệt" về vụ hạ sát một tướng lãnh hàng đầu của Iran.
Tổng thống Hassan Rouhani nói chuyện trong một cuộc họp ở Tehran, Iran, ngày 4/12/2019.
Ngày 8/1, cả hai bên Mỹ và Iran có vẻ lùi bước sau khi Iran phóng một loạt phi đạn đạn đạo vào hai căn cứ quân sự có binh sĩ Mỹ trú đóng tại Iraq nhưng không gây bất cứ thương vong nào. Iran nói cuộc tấn công là để trả đũa vụ tấn công của Hoa Kỳ tại Iraq hôm 3/1 giết chết tướng Qasem Soleimani, kiến trúc sư của chiến lược an ninh khu vực.
Tướng Mỹ Milley nói vụ này không có tử vong ‘là do những kỹ thuật phòng vệ của các lực lượng chúng ta chứ không phải là ý định của Iran’.
Tổng thống Rouhani nói vụ tấn công bằng phi đạn là một hành động chính đáng để tự vệ theo Hiến chương Liên hiệp quốc, nhưng ông cảnh báo là "nếu Hoa Kỳ phạm sai lầm khác, Hoa Kỳ sẽ nhận những đáp trả rất nguy hiểm".
Thêm vào việc tấn công bằng phi đạn, Iran cũng bỏ những cam kết còn lại trong thỏa thuận hạt nhân 2015, mà Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi vào tháng 5 năm 2018. Tuy nhiên ngày 9/1 ông Rouhani nói Iran sẽ tiếp tục hợp tác với các thanh sát viên Liên hiệp quốc.
Các chỉ huy cao cấp của quân đội Iran có những lời lẽ mạnh bạo hơn.
Tướng Abdollah Araghi, một thành viên của Ban Tham mưu Hỗn hợp, nói Vệ binh Cách mạng Iran "sẽ trả thù khốc liệt hơn trong tương lai", theo thông tấn xã bán chính thức Tasnim.
Tasnim cũng trích lời tướng Ali Fadavi, quyền tư lệnh Vệ binh, nói rằng cuộc tấn công phi đạn "chỉ là một trong biểu tượng của khả năng chúng ta".
Ông được trích lời nói "Chúng ta bắn hàng chục phi đạn vào trung tâm những căn cứ của Mỹ tại Iraq và họ chẳng làm gì được cả".
Ngày 8/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra chỉ dấu là ông sẽ không đáp trả bằng quân sự đối với việc các căn cứ bị tấn công. Điều này nêu lên hy vọng là việc đối đầu hiện nay, làm cho hai nước bên bờ chiến tranh toàn diện, có thể hạ giảm.
Tổng thống Iran, Rouhani, cùng ngày điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson, thúc đẩy Anh lên án vụ hạ sát Soleimani.
Là người đứng đầu Lực lượng Quds tinh nhuệ, tướng Soleimani đã huy động các lực lượng ủy nhiệm vũ trang trong vùng và bị quy trách nhiệm những cuộc tấn công chết người chống lại quân đội Mỹ từ năm 2003 khi Hoa Kỳ dẫn đạo cuộc tấn công vào Iraq. Tại Iran, ông được xem như là anh hùng quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc đánh bại Nhà nước Hồi giáo và chống lại bá quyền phương Tây.
Không có những nỗ lực của Soleimani lãnh đạo các lực lượng tại Syria và Iraq chống lại Nhà nước Hồi giáo, "các ông sẽ không có hòa bình và an ninh tại London ngày hôm nay", ông Rouhani được Phó Tổng thống Alirez Moezi trích lời trong cuộc điện đàm với ông Johnson để đăng trên Twitter.
Phủ Thủ tướng Anh xác nhận cuộc gọi này và nói rằng ông Johnson kêu gọi "chấm dứt thù nghịch" tại Vùng Vịnh và rằng Anh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân và thúc đẩy Iran trở lại tuân thủ hoàn toàn thỏa thuận.
Theo AP
*******************
Mật báo viên từ Iraq, Syria giúp Mỹ hạ sát tướng Iran (VOA, 10/01/2020)
Tướng Iran Qasem Soleimani đến phi trường Damascus trên một chiếc xe có cửa kính phủ màu đen. Bốn binh sĩ thuộc Vệ binh Quốc gia Iran đi với ông. Chiếc xe đậu tại cầu thang dẫn tới máy bay Cham Wings Airbus A320 được lên lịch bay đến Baghdad.
Ảnh tướng Qasem Soleimani, được treo tại Tòa Đại sứ cũ của Mỹ ở Tehran, Iran, ngày 7/1/2020 sau khi ông bị máy bay không người lái Mỹ bắn chết ngày 3/1 tại phi trường Baghdad.
Ông Soleimani cũng như bốn binh sĩ đều không có tên trong danh sách hành khách, theo một nhân viên hãng hàng không Cham Wings mô tả với Reuters cảnh những người này rời khỏi thủ đô Syria. Ông Qasem Soleimani tránh dùng máy bay riêng vì những quan ngại về an ninh của ông ngày càng tăng, một nguồn tin an ninh Iraq biết về sự sắp xếp an ninh của ông Soleimani nói.
Đây là chuyến bay cuối cùng của ông Soleimani. Rocket bắn từ máy bay không người lái của Mỹ giết chết ông Soleimani khi ông rời phi trường Baghdad trong đoàn xe bọc thép. Cũng thiệt mạng là một người đàn ông đón ông tại phi trường : ông Abu Mahdi Muhandis, chỉ huy phó Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), một tổ chức ô dù của chính phủ Iraq dành cho lực lượng dân quân của nước này.
Cuộc điều tra của Iraq về vụ tấn công giết hai người này hôm 3/1 bắt đầu vài phút sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ, hai giới chức an ninh Iraq nói với Reuters. Các nhân viên An ninh Quốc gia phong tỏa phi trường ngăn hơn một chục nhân viên an ninh không được rời phi trường kể cả cảnh sát, nhân viên hộ chiếu và tình báo.
Các nhà điều tra chú trọng đến việc làm thế nào những mật báo viên bên trong phi trường Damascus và Baghdad hợp tác với quân đội Mỹ theo dõi và xác định vị trí của ông Soleimani, theo cuộc phỏng vấn của Reuters với 2 nhân viên an ninh hiểu biết trực tiếp về cuộc điều tra của Baghdad, hai nhân viên phi trường Baghdad, hai cảnh sát và 2 nhân viên của hãng hàng không Cham Wings Syria, là một hãng hàng không thương mại tư nhân có trụ sở tại Damascus.
Cuộc điều tra do ông Falih al-Fayadh, Cố vấn An ninh Quốc gia Iraq và người đứng đầu PMF, tổ chức điều phối với dân quân Iraq hầu hết là người Shia, nhiều người trong số này được Iran hỗ trợ và có liên hệ chặt chẽ với ông Soleimani.
Những nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia có "những chỉ dấu mạnh mẽ cho thấy một mạng lưới gián điệp làm việc bên trong phi trường Baghdad liên hệ đến việc rò rỉ những chi tiết an ninh nhạy cảm" về chuyến đi của ông Soleimani cho Mỹ, một trong những giới chức an ninh Iraq nói với Reuters.
Các nghi can bao gồm hai nhân viên an ninh tại phi trường Baghdad và hai nhân viên của Cham Wings-"một gián điệp tại phi trường Damascus và một gián điệp khác làm việc trên máy bay", nguồn tin nói. Các nhà điều tra của cơ quan An ninh Quốc gia tin rằng 4 nghi can, chưa bị bắt, làm việc cho một tổ chức lớn hơn cung cấp tin tức cho quân đội Mỹ, giới chức này nói.
Hai nhân viên của Cham Wings đang bị tình báo Syria điều tra, theo nguồn tin từ hai giới chức an ninh Iraq. Tổng nha tình báo Syria không đáp ứng yêu cầu bình luận. Tại Baghdad, nhân viên An ninh Quốc gia đang điều tra những nhân viên an ninh của hai phi trường, những người thuộc Dịch vụ Bảo vệ Cơ sở, theo một giới chức Iraq cho biết.
"Những phát hiện đầu tiên của toán điều tra Baghdad nói tin đầu tiên về chuyến đi của ông Soleimani đến từ phi trường Damascus", giới chức này cho hay. "Nhiệm vụ của tổ bí mật tại phi trường Baghdad là xác nhận lúc đến của mục tiêu và chi tiết đoàn xe của ông".
Văn phòng truyền thông của cơ quan An ninh Quốc gia Iraq không trả lời yêu cầu bình luận. Phái bộ Iraq tại Liên hiệp quốc ở New York cũng không trả lời yêu cầu bình luận.
Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối bình luận là liệu tin tức tại Iraq và Syria đóng một vai trò trong cuộc tấn công hay không. Các giới chức Mỹ nói với điều kiện ẩn danh cho Reuters biết là Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ hành tung của ông Soleimani trong nhiều ngày trước cuộc tấn công, nhưng không cho biết làm thế nào quân đội xác định được vị trí của ông này vào đêm tấn công.
Một quản lý của Cham Wings tại Damascus nói các nhân viên của hãng bị cấm không được bình luận về cuộc tấn công hay cuộc điều tra. Một phát ngôn viên của Thẩm quyền Hàng Không dân dụng Iraq, đơn vị vận hành các phi trường của quốc gia, từ chối bình luận về cuộc điều tra nhưng gọi đây là chuyện bình thường sau "các sự cố như vậy liên hệ đến các giới chức cao cấp".
Máy bay của ông Soleimani đáp xuống phi trường Baghdad vào khoảng 12g30 rạng sáng ngày 3/1, theo hai giới chức phi trường, căn cứ vào camera an ninh. tướng Soleimani và cận vệ rời khỏi máy may bằng cầu thang trực tiếp đến phòng đợi của phi trường, không qua hải quan. Ông Muhandis gặp ông Soleimani bên ngoài phi cơ, và hai người bước vào một chiếc xe bọc thép đang đợi. Các binh sĩ bảo vệ ông tướng bước vào một xe SUV bọc thép khác, các giới chức phi trường nói.
Giữa lúc các giới chức an ninh trông theo, hai chiếc xe trực chỉ về phía con đường chính ra khỏi phi trường, các giới chức cho hay. Hai chiếc rocket đầu tiên của Mỹ bắn trúng chiếc xe chở ông Soleimani và Muhandis vào lúc 12g55 rạng sáng. Chiếc SUV chở nhân viên an ninh bị bắn trúng vài giây sau đó.
Vài giờ sau cuộc tấn công, các nhà điều tra duyệt xét lại các cú điện thoại gọi đến và những tin nhắn của nhân viên ca đêm của phi trường để tìm xem ai là người đưa cho Mỹ về hành tung của ông Soleimani, các giới chức an ninh Iraq cho hay. Nhân viên An ninh Quốc gia thẩm vấn hàng giờ các nhân viên an ninh phi trường và Cham Wing, các nguồn tin nói. Một nhân viên an ninh nói ông bị thẩm vấn 24 giờ trước khi được trả tự do. Trong nhiều giờ họ hỏi ông đã nói chuyện với ai hay nhắn tin cho ai trước khi máy bay ông Soleimani đáp xuống-trong đó có những "yêu cầu kỳ quặc" liên hệ đến chuyến bay Damascus-và tịch thu điện thoại di động của ông.
"Họ hỏi tôi một triệu câu hỏi", ông nói.