Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/01/2020

Điểm báo Pháp - Các hãng hàng không "né" Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Virus corona : Các hãng hàng không "né" Trung Quốc

Virus corona vẫn là cụm từ chiếm trang nhất nhật báo Kinh tế Les Echos, với hàng tựa lớn : "Mối lo ngại của một nước Trung Quốc tự cô lập". Tờ báo quan tâm đến việc nhiều hãng hàng không như British Airways và Lufthansa đã tạm ngưng các chuyến bay đến Trung Quốc do nguy cơ dịch bệnh. Air France thì chưa hủy toàn bộ các chuyến bay đến Trung Quốc, nhưng thi hành các biện pháp ngăn ngừa, như tạm ngưng ba chuyến bay hàng tuần đến Vũ Hán và giảm bớt các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Theo Les Echos, kể từ nay không thể loại trừ hiệu ứng domino đối với các hãng hàng không khác của Châu Âu.

netranh1

British Airways aircraft are seen at Heathrow Airport in west London, Britain, February 23, 2018. Reuters/Hannah McKay/File Photo

Tại Châu Á, một số hãng hàng không cũng đã đình chỉ hoặc giảm bớt các chuyến bay đến Trung Quốc. Tai Mỹ, chính quyền Donald Trump đang nghiên cứu khả năng này. Trước mắt, họ chỉ khuyên công dân Mỹ nên tránh đến Trung Quốc trong lúc này. Nhưng không cần đợi chỉ thị chính thức, United Airlines đã hủy nhiều chuyến bay đến Trung Quốc.

Hiện giờ, chưa có số liệu nào từ các hãng hàng không, nhưng chỉ riêng việc chính quyền Bắc Kinh cấm các chuyến đi ra nước ngoài và ngược lại, nhiều du khách hoặc nhà doanh nghiệp đã hủy các chuyến đi Trung Quốc chắc chắc có ảnh hưởng đến tỷ lệ lấp đầy số ghế trên máy bay. Les Echos lưu ý là nếu máy bay chỉ chở phân nữa khách thì mức thiệt hại đối với các hãng hàng không sẽ tăng vọt. Ấy là chưa kể phi công và chiêu đãi viên của các hãng này rất có thể sẽ từ chối làm việc trên các chuyến bay đến Trung Quốc.

Hồi hương công dân ngoại quốc từ Vũ Hán : Bắc Kinh "thọc gậy bánh xe"

Tờ Le Figaro thì chú ý đến thái độ khó chịu của Bắc Kinh khi thấy nhiều nước, trong đó có Pháp, hồi hương các công dân của mình từ Vũ Hán. Chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc là cản trở việc hồi hương những người này.

Tờ báo cho biết việc hồi hương các công dân Pháp ban đầu được thông báo là sẽ được thực hiện giữa tuần này, nhưng đến ngày mai, thứ sáu, mới có chuyến bay đầu tiên đáp xuống nước Pháp, chở theo khoảng 200 người.

Theo Le Figaro, việc dời đi dời lại chuyến bay nói trên là do tính chất phức tạp về mặt hầu cần và y tế của việc này. Nhưng khó khăn này trước hết là về mặt ngoại giao và cho thấy có sự đôi co trong hậu trường. Một nhà ngoại giao của một nước Châu Âu cho biết là đă có sự cản trở từ phía Trung Quốc. Nhưng trước thái độ kiên quyết của các nước có liên quan, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới cuối cùng không chống lại việc di tản công dân nước ngoài. Tuy vậy, trên thực tế họ vẫn "thọc gậy bánh xe". Theo một nguồn tin ngoại giao, Pháp cũng như Đức phải khó nhọc lắm mới được cấp giấy phép đáp xuống Vũ Hán. Bắc Kinh còn gây khó dễ cho những người muốn rời khỏi Vũ Hán bằng những đòi hỏi quan liêu giấy tờ.

Theo Le Figaro, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không muốn cho di tản công dân nước ngoài vì họ sợ mất mặt với quốc tế, sợ bị xem là không có đủ khả năng đối phó với khủng hoảng này.

Virus corona và tự do báo chí

Cũng về virus corona, tờ Libération đề cập đến khía cạnh tự do báo chí, nhân việc một tờ báo Đan Mạch khiến Bắc Kinh giận dữ vì đã đăng một bức biếm họa về dịch bệnh này.

Trong số báo ra ngày 27/01, tờ Jyllands-Posten đăng một bức biếm họa về virus corona tại Trung Quốc với 5 ngôi sao vàng trên nền đỏ của lá quốc kỳ Trung Quốc được thay thế bằng… 5 con virus ! Ngay lập tức, sứ quán Trung Quốc tại Copenhague ra thông cáo cực lực phản đối và yêu cầu ban biên tập tờ báo Đan Mạch, cũng như tác giả bức biếm họa này phải xin lỗi.

Nhưng trả lời tờ Libération, tổng biên tập Jyllands-Posten, Jacob Nybroe nói : "Dứt khoát không có chuyện xin lỗi Trung Quốc. Một mặt, bức vẽ này không có gì đáng chê trách, mà nó chỉ minh họa một cách rất hiệu quả chủ đề mà mọi người đang quan tâm, mà không hề có ý đồ xúc phạm tình cảm của một người nào. Mặt khác, không thể chấp nhận việc Trung Quốc quyết định cái gì được đăng, cái gì không được đăng trên một tờ báo Đan Mạch".

Theo Libération, hôm 28/01, toàn bộ chính giới Đan Mạch, kể cả nữ thủ tướng Mette Frederiksen, đều ủng hộ nhật báo Jyllands-Posten và kiên quyết bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại nước này.

Kế hoạch hòa bình : Trump "khoán trắng" cho Israel

Kế hoạch hòa bình của tổng thống Mỹ Donald Trump cho Israel và Palestine là đề tài chiếm trang nhất nhật báo Le Monde hôm nay, với hàng tựa "Kế hoạch của Trump khoán trắng cho Israel".

Hôm 28/01/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã long trọng công bố một kế hoạch hòa bình đáp ứng toàn bộ các đòi hỏi của Israel và chuẩn y việc sát nhập các lãnh thổ Palestine, bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch này xem Jerusalem là thủ đô "không thể chia cắt" của nhà nước Israel. Một nhà nước Palestine sẽ được thành lập, nhưng mất đi 30% lãnh thổ của năm 1967 và thủ đô của họ sẽ được đặt ở ngoại ô phía đông Jerusalem.

Trong bài xã luận, tờ Le Monde ghi nhận, đúng là kế hoạch này phác thảo khả năng hình thành một nhà nước Palestine, nhưng kèm theo nhiều điều kiện gắt gao đến mức viễn cảnh này trở nên mơ hồ, xa vời như đường chân trời. Tờ báo đặt câu hỏi : Washington lấy quyền gì mà trao cho đàn em của mình chủ quyền trên một lãnh thổ không phải của họ ? Quyền gì, nếu không là quyền của cường quốc có cách hành xử như của một nhà nước côn đồ, giống như đã được thể hiện qua việc Nga sát nhập vùng Crimea năm 2014 ?

Nhật báo công giáo La Croix cũng dành tựa lớn trên trang nhất : "Kế hoạch một chiều" để nói về kế hoạch hòa bình của tổng thống Trump.

Trong bài xã luận, tờ báo này viết : "Kế hoạch này chà đạp lên luật pháp quốc tế khi công nhận rằng các lãnh thổ bị chiếm đoạt bằng vũ lực có thể được trao một cách chính đáng cho kẻ xâm lược. Nếu được đưa ra trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, chắc chắn nó sẽ bị bác bỏ, bởi vì quốc gia nào cũng ý thức được rằng chấp nhận một việc làm trái luật như vậy sẽ tạo ra một tiền lệ mà một ngày nào đó sẽ gây bất lợi cho mình".

Về phần Libération, tờ báo phỏng vấn chuyên gia về Trung Đông Jean-Paul Chagnollaud. Vị chuyên gia này cũng đánh giá rằng kế hoạch của tổng thống Trump bất lợi cho người Palestine. Nhưng trong khi các lãnh đạo Palestine đã bác bỏ kế hoạch này, thì người dân lại không có một thái độ chống đối mạnh mẽ. Ông Jean-Paul Chagnollaud giải thích : "Người dân Palestien đã quá mệt mỏi vì họ đấu tranh từ bao năm nay mà chẳng đạt kết quả nào đáng kể. Giới trẻ không còn tin vào hiệu quả của hành động chính trị và bây giờ chỉ mưu cầu một tương lai cho cá nhân". Nhưng theo vị chuyên gia này, người dân Palestine vẫn gắn bó với mảnh đất của họ, với những biểu tượng của họ và với quyền của họ. Cho nên, tình hình có thể thay đổi ngày mai, vì người dân Palestine vẫn giữ thái độ ngoan cường. Họ sẽ không chịu đầu hàng như mục đích của kế hoạch do Trump đề ra.

Anh Quốc mở cửa cho Hoa Vi

Bất chấp các áp lực của Mỹ, Luân Đôn đã bật đèn xanh cho tập đoàn thiết bị viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc vào thị trường Anh Quốc. Đây là một trong những đề tài thu hút sự chú ý của tờ Le Monde.

Như vậy là Luân Đôn đã không làm theo lệnh của Donald Trump đòi Anh Quốc cấm cửa hoàn toàn đối với Hoa Vi, nhưng cũng không lơ là vấn đề an ninh quốc gia. Trong bài xã luận, Le Monde viết : "Trước bài toán nan giải mà tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi đặt ra, giữa một bên là lòng trung thành với đàn anh Hoa Kỳ và bên kia là lợi ích quốc gia, thủ tướng Boris Johnson đã tìm ra phương thuốc : cho Hoa Vi tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở hạ tầng ít nhạy cảm nhất trong lĩnh vực 5G".

Theo Le Monde, Hoa Vi đã trở thành biểu tượng của cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Và trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington, tổng thống Trump hãy còn xa mới giành được phần thắng. Hoa Vi đã thuyết phục được Ấn Độ và nhiều nước đang trỗi dậy khác, như Brazil và Nam Phi, mở cửa thị trường của họ. Tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc cũng đang đàm phán thuận lợi với Nga và các đồng minh Trung Á của Moskva.

Le Monde cho biết nước Úc, vốn nằm trong tầm ngắm của gián điệp Trung Quốc, đã theo gương Mỹ và đã gạt bỏ Hoa Vi, trong khi New Zealand và Canada đang do dự. Châu Âu thì đang bị phân hóa. Trong khi Ba Lan cam kết không "chơi" với Hoa Vi vì lý do an ninh, thì thủ tướng Hungary Viktor Orban muốn rãnh tay thương lượng với tập đoàn Trung Quốc. Để các nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu có thể ra quyết định dễ dàng, hôm 29/01, Bruxelles vừa công bố những khuyến cáo giúp cho các nước này cưỡng lại áp lực của Mỹ, nhưng vẫn không để tác hại đến an ninh quốc gia.

Sinh viên Oxford và nỗi lo Brexit

Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong loạt bài về sự kiện này, tờ Le Monde đề cập đến nỗi lo của các sinh viên đại học danh tiếng Oxford.

Le Monde nhắc lại, cũng như các đại học khác ở Anh Quốc, Oxford được hưởng các khoản tài trợ hào phóng của Liên Hiệp Châu Âu cho các dự án nghiên cứu của trường đại học này. Đến cuối năm 2019, Oxford đã nhận được tổng cộng 56 triệu euro của Hội đồng Nghiên cứu Châu Âu. Sau Brexit, nguồn tài chính dồi dào này dĩ nhiên sẽ không còn nữa. Tờ báo đặt câu hỏi : Sau khi Luân Đôn chia tay với Bruxelles, liệu đại học Oxford có sẽ còn thu hút nhiều sinh viên Châu Âu như hiện nay ? Hiện giờ các sinh viên từ những nước Châu Âu khác trả tiền học phí bằng với mức của sinh viên Anh khoảng 10 ngàn euro/năm). Có nguy cơ là chính phủ Anh sẽ bắt các sinh viên đó trả tiền học phí như sinh viên ngoài Châu Âu, tức là nhiều hơn gấp đôi.

Pháp : Ứng cử viên tranh đua về môi trường

Tờ Le Figaro hôm nay đưa tựa trên trang nhất về bầu cử hội đồng thành phố tại Pháp vào tháng 3 tới, với các ứng cử viên chức thị trưởng tranh nhau đưa ra các đề nghị về bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn như tại Paris, ứng cử viên đảng Cộng hòa Tiến bước Benjamin Griveaux đề ra dự án xây một "Central Park" rộng 30 hectares cho thủ đô Pháp, còn ứng cử viên đảng Xã hội Anne Hidalgo thì mơ đến một thành phố mà trong đó xe đạp sẽ ngự trị. Những đề nghị như thế đang gây nhiều phản ứng trái chiều, khiến mọi người không chú ý nhiều đến ứng cử viên đảng Xanh ở Paris David Belliard.

Ở các thành phố khác cũng thế, ví dụ như tại Lyon, ứng cử viên của đảng cánh hữu Những người Cộng hòa Etienne Blanc đề nghị biến thành phố này này "thành phố-vườn lớn nhất Châu Âu".

Le Figaro cho biết, hiện nay, dựa trên kết quả các thăm dò ý định bỏ phiếu rất thuận lợi cho họ, đảng Xanh hy vọng sẽ giành được nhiều thành phố lớn trong cuộc bầu cử vào tháng 3.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 408 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)