Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/04/2017

Mỹ oanh kích Syria : phản ứng của thế giới

Tổng hợp

Oanh kích vào Syria, Trump chứng tỏ quyết tâm hơn Obama (RFI, 07/04/2017)

Qua việc tấn công Syria, sau khi chế độ Damascus bị cáo buộc sử dụng chất độc hóa học tấn công thường dân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ quyết tâm hơn ông Obama, người đã lùi bước trong hoàn cảnh tương tự.

oanhkich1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công căn cứ của Syria từ tư dinh Mar-a-Lago, Florida, ngày 06/04/2017. REUTERS/Carlos Barria

Vào ngày 21/08/2013, chế độ Bachar al-Assad đã vượt qua "lằn ranh đỏ" mà cựu Tổng thống Obama đã vạch ra, với vụ tấn công bằng khí độc sarin ở ngoại ô thủ đô Damascus, khiến 1.400 người thiệt mạng, đa số là thường dân, theo số liệu của phe đối lập Syria.

Hai ngày sau đó, ông Obama tuyên bố sẵn sàng tấn công vào quân đội của Bachar al-Assad. Lúc đó cả Luân Đôn lẫn Paris đều ủng hộ việc dùng vũ lực để trừng phạt chế độ Damascus. Nhưng Obama sau đó đã gây bất ngờ ở cả Hoa Kỳ lẫn trên thế giới khi ông quyết định đưa vấn đề ra trước Quốc Hội Mỹ, khiến cho khả năng can thiệp quân sự vào Syria không thể xảy ra trong ngắn hạn.

Thái độ của Tổng thống Obama đã khiến Tổng thống Pháp François Hollande hết sức bất bình, vì lúc đó Paris đã sẵn sàng yểm trợ Mỹ tấn công Syria. Vì vụ này mà quan hệ Pháp-Mỹ đã xấu đi trong một thời gian.

Như vậy là dưới thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã không hề can thiệp chống chế độ Damascus, mà ngược lại đã thượng lượng với chế độ này để đạt đến một thỏa thuận về việc dỡ bỏ kho vũ khí hóa học của Syria, dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OIAC), một tổ chức của Liên Hiệp Quốc. Nhưng có vẻ như là quân đội của chế độ Damascus vẫn còn trong tay những vũ khí đó.

Sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà chế độ Bachar al-Assad bị cáo buộc là thủ phạm, Tổng thống Donald Trump ngày 05/04 đã cho rằng người tiền nhiệm của ông phải chịu một phần trách nhiệm, vì đã có quá nhiều "lằn ranh đỏ" bị vượt qua mà chế độ Damascus không hề bị trừng trị.

Nhưng ngay cả đối với Tổng thống Trump, vụ oanh kích ngày 06/04 cũng đánh dấu một sự chuyển hướng ngoạn mục trong chính sách của ông về Syria. Chỉ cách đây vài ngày, Washington còn cho thấy là họ không xem việc Tổng thống Bachar al-Assad ra đi là điều kiện tiên quyết trong mọi giải pháp cho xung đột Syria, mà ưu tiên hàng đầu của Mỹ hiện nay chính là chống lực lượng thánh chiến Nhà Nước Hồi Giáo.

Trong thời gian tranh cử Tổng thống, nhà tỷ phú Donald Trump cũng đã từng chỉ trích chính quyền Obama về chiến lược vừa chống chế độ Damascus vừa chống khủng bố Hồi Giáo, cho rằng chiến lược này không hiệu quả. Cũng chính ông Trump đã công khai yêu cầu Tổng thống Obama đừng can thiệp vào Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus năm 2013.

Nhưng có lẽ là những hình ảnh trẻ em Syria chết thê thảm trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 04/04 đã khiến tổng thổng Mỹ thay đổi hoàn toàn chính sách đối với Syria, bất ngờ ra lệnh oanh kích vào chế độ Damascus.

Vụ oanh kích có lẽ nhằm cho Tổng thống Bachar al-Assad thấy rằng Tổng thống Trump sẽ không để cho lãnh đạo Syria muốn làm gì thì làm như dưới thời Obama, tức là không để cho chế độ Damascus tiếp tục vượt qua những "lằn ranh đỏ".

Nhưng vấn đề đặt ra là vụ oanh kích này có sẽ là khởi đầu của một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, hay sẽ chỉ dừng ở đó. Nếu chỉ bắn vài chục tên lửa vào Syria rồi thôi thì sẽ chẳng giúp được gì cho việc chặn đứng cuộc nội chiến đã kéo dài hơn 6 năm tại nước này.

Thanh Phương

********************

Mỹ bắn tên lửa vào một căn cứ quân sự của Syria (RFI, 07/04/2017)

Đêm 06/04/2017, Hoa Kỳ đã mở một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ quân sự của Syria, nhằm đáp trả vụ tấn công bằng hóa chất mà chế độ Bachar al-Assad bị tố cáo là thủ phạm. Đây là chiến dịch quân sự đầu tiên của Mỹ đánh vào chế độ Damascus.

oanhkich2

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tầu khu trục USS Ross trong vùng biển Địa Trung Hải ngày 07/04/2017. REUTERS/US Navy

Tổng cộng 59 tên lửa Tomahawk đã được bắn từ các chiến hạm của Mỹ ở vùng Địa Trung Hải vào căn cứ không quân Al-Chaayrate, thuộc tỉnh Homs, miền trung Syria. Theo tổ chức Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, ít nhất 4 binh sĩ Syria đã thiệt mạng trong vụ oanh kích này, sân bay bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Trong một bài phát biểu long trọng đọc ngày 06/04 từ tư dinh ở bang Florida, Tổng thống Mỹ Donald Trump giải thích rằng vụ oanh kích trong đêm có liên hệ trực tiếp đến vụ tấn công bằng hóa chất hôm thứ Ba 04/04, được cho là do quân đội Syria tiến hành, làm ít nhất 86 người thiệt mạng, trong đó có 27 trẻ em, khiến cả thế giới phẫn nộ.

Ông Trump cáo buộc "nhà độc tài" Bachar al-Assad đã dùng vũ khí hóa học, cụ thể là một chất độc thần kinh, để tấn công vào thường dân vô tội. Tổng thống Mỹ còn kêu gọi "các quốc gia văn minh" hãy chặn đứng cuộc nội chiến ở Syria đã khiến 320 000 người chết kể từ tháng 03/2011.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio gởi về bài tường trình :

"Với vụ oanh kích của Mỹ, Donald Trump gởi một thông điệp đến Bachar al-Assad cũng như đến hai đồng minh của Damascus là Nga và Iran, và đến các nước láng giềng của Syria. Đó là giải thích của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sau cuộc tấn công sáng nay.

Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố : Moskva đã không làm tròn trách nhiệm, phía Nga hoặc là đồng lõa, hoặc là bất tài. Lầu Năm Góc thì nói rõ là bộ tổng tham mưu của Nga đã được thông báo trước khi Mỹ tiến hành oanh kích. Trong một thông cáo, bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết : Vụ oanh kích này, với gần 60 tên lửa Tomahawk bắn từ hai chiến hạm ở vùng Địa Trung Hải, là nhằm đáp trả vụ tấn công bằng hóa chất, một tội ác mang tính thù hằn, đã khiến 86 người chết.

Tổng thống Mỹ đã ra quyết định rất nhanh chóng sau cuộc họp hôm qua với Hội đồng An ninh quốc gia. Hội đồng này đã trình bày với ông nhiều phương án khác nhau. Sau đó, ông Trump đã thông báo cho một vài dân biểu Quốc Hội, trước khi bật đèn xanh cho vụ oanh kích.

Các nghị sĩ Hoa Kỳ ủng hộ hành động trên của ông Donald Trump, nhưng một số người yêu cầu có thêm thông tin liên quan đến chiến lược về Syria của Tổng thống Mỹ trong những tháng tới".

Thanh Phương

*********************

Mỹ oanh kích Syria : Phản ứng quốc tế (RFI, 07/04/2017)

oanhkich3

Tầu khu trục USS Ross của Mỹ tại vịnh Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 03/06/2015. REUTERS/Murad Sezer

Quyết định bất ngờ của Mỹ cho oanh kích căn cứ không quân Syria gần Homs ngày 07/04/2017 đã được phương Tây đồng loạt lên tiếng ủng hộ, nhưng đã tạo ra những phản ứng gay gắt từ phía Syria, Nga và Iran. Riêng Trung Quốc giữ thái độ trung lập.

Phản ứng dữ dội nhất có lẽ đến từ phía Nga. Moskva vào trưa 07/04, loan báo đình chỉ thỏa thuận đã ký với Washington về việc ngăn ngừa sự cố giữa phi cơ hai nước trên bầu trời Syria.

Trong một bản tuyên bố, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova nói rõ : "Phía Nga đình chỉ áp dụng bản ghi nhớ với Hoa Kỳ về việc phòng ngừa sự cố và bảo đảm an toàn cho các phi vụ trong các chiến dịch tại Syria" do không quân Mỹ và Nga tiến hành. Trước đó, Moskva đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp về cuộc oanh kích của Mỹ tại Syria.

Ngay khi được tin, theo phát ngôn viên điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng tố cáo một vụ "gây hấn nhắm vào một quốc gia có chủ quyền", dựa trên một cái cớ "giả dối".

Cùng quan điểm với Nga là Iran. Theo hãng tin Iran ISNA, Teheran "lên án việc sử dụng vũ khí hóa học nhưng cũng cho rằng việc dùng đó làm cái cớ để tiến hành các hoạt động đơn phương là một hành động nguy hiểm, mang tính chất phá hoại và trái với luật pháp quốc tế".

Dĩ nhiên là chế độ Damascus đã tố cáo hành vi "xâm lược" của Mỹ. Quân đội Syria thì cho rằng Mỹ đã trở thành "đối tác" của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và nhiều tổ chức khủng bố quốc tế khác.

Phương Tây ủng hộ Mỹ

Hành động của Mỹ rất được phương Tây hoan nghênh. Vào sáng 07/04, trong một thông cáo chung, Tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Tổng thống Syria Bachar al-Assad là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về diễn biến tình hình khi liên tục dùng đến vũ khí hóa học, và các biện pháp giết người hàng loạt.

Paris và Berlin xác nhận là đã được Washington thông báo về quyết định oanh kích khoảng một, hai giờ trước chiến dịch khởi động.

Các đồng minh khác của Mỹ như Anh Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Ả Rập Xê Út, Nhật Bản cũng lên tiếng hậu thuẫn hành động của Washington.

Bắc Kinh trung lập

Riêng Trung Quốc lần này không thấy tố cáo mạnh mẽ Hoa Kỳ, có thể là vì không muốn khuấy động cuộc gặp thượng đỉnh Tập Cận Bình-Donald Trump tại Florida.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chỉ trích trực tiếp Mỹ mà chỉ kêu gọi các bên tự kiềm chế để "tránh làm cho tình hình xấu đi thêm". Bắc Kinh cũng nói thêm rằng Trung Quốc "lên án mọi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bất kể là vụ việc xẩy ra trong hoàn cảnh nào".

Hội Đồng Bảo An bất đồng về Syria : Nga cảnh cáo Mỹ

Trước đó, ngày 06/04/2017, Hội Đồng Bảo An rốt cuộc đã không thông qua được một nghị quyết lên án chế độ Damascus tấn công hóa học ở Syria ngày 04/04.

Theo thông tín viên RFI, Marie Bourreau từ New York, một lần nữa ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc lại thất bại, nhường chỗ cho hành động đơn phương của Mỹ.

"Khi rời khỏi bàn đàm phán, vẻ mặt 15 nhà ngoại giao rất nghiêm nghị. Đại sứ Mỹ Nikki Haley đã tỏ ra không khoan nhượng. Tất cả đều biết là chính quyền Trump đã dứt khoát hành động, nhưng trước báo chí, họ cố giữ vẻ điềm tĩnh, nhắc đi nhắc lại câu "Chúng tôi không từ bỏ…, không bao giờ từ bỏ…».

Chỉ có phó đại sứ Nga là gợi lên cuộc tấn công của Mỹ, bắt đầu vài phút sau phát biểu của ông. Thông điệp của ông rất rõ : "Nếu hành động quân sự diễn ra, tất cả trách nhiệm nằm trên vai những người có chủ trương thảm hại, sai lệch này. Chúng ta phải nghĩ đến hậu quả. Hãy nhìn ví dụ Iraq, hãy nhìn ví dụ Libya".

Phiên họp này đánh dấu thất bại ngoại giao của Liên Hiệp Quốc, không đạt được một giải pháp thương lượng.

Mỹ đã quyết định oanh tạc và đã cảnh báo trước. Phía Nga đã 7 lần phản đối nghị quyết về Syria. Đối với Mỹ, chỉ điều đó cũng đủ để Mỹ tấn công mà không cần sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc".

Trọng Nghĩa, Mai Vân

********************

Tổng thống Trump được ủng hộ khi quyết định tấn công Syria (RFA, 07/04/2017)

Trong bản tuyên bố phổ biến khuya hôm qua, hai Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain và Lindsey Graham viết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump "xứng đáng được sự ủng hộ của người dân Mỹ" khi quyết định sử dụng giải pháp quân sự để trừng phạt nhà cầm quyền Syria.

US-SYRIA-CONFLICT-MILITARY-STRIKE-TRUMP

Tổng thống Donald Trump hôm 06/04/2017 cho biết ông đã ra lệnh không kích Syria sau khi có những thông tin về việc chế độ Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học giết chết hàng chục người. AFP photo

Bản tuyên bố nói, Tổng thống Trump đã "hành xử khác hẳn với chính quyền tiền nhiệm (của Tổng thống Barack Obama)", và việc Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội tấn công một phi trường của Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk "đã gửi một thông điệp quan trọng cho thấy Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục ngồi yên để cho chính quyền al-Assad tiếp tục dùng võ khí hóa học và những vụ oanh kích để giết hại người dân vô tội Syria".

Hai vị Thượng nghị sĩ Cộng Hòa này còn viết rằng nhà cầm quyền Syria thực hiện những hành vi tàn ác này "với sự tiếp tay và xúi dục của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin".

Thượng nghị sĩ John Mccain, Chủ tịch Ủy ban Quân ủy Thượng Viện và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên của Ủy ban, cũng kêu gọi Tổng thống Trump "đưa ra một chiến lược hành động mới, hợp tác với các nước đồng minh để chấp dứt cuộc xung đột Syria".

Hai ông cho rằng chiến lược mới này bao gồm kế hoạch tiêu diệt không quân Syria, tăng cường yểm trợ cho lực lượng dân quân ly khai chống lại nhà cầm quyền Al-Assad, song song công tác tiếp tục tiêu diệt khủng bố ISIS.

Về quyết định tấn công một phi trường của Syria bằng tên lửa hành trình Tomahawk, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói với báo chí rằng ông chỉ thị quân đội làm điều này vì không thể ngồi yên nhìn thấy lãnh đạo Syria là Tổng thống Bashar al-Assad bóp cổ người dân vô tội.

Trong phát biểu ngắn đưa ra ở Florida, nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh việc hôm thứ Ba ngày 4 tháng tư vừa rồi chính quyền al-Assad đã sử dụng võ khí hóa học giết dân là hành động tàn ác, Ông cũng kêu gọi các quốc gia văn minh nên cùng với Hoa Kỳ có phản ứng mạnh mẽ đối với chính phủ Syria.

Các bản tin phổ biến trong những ngày qua cho hay ít nhất 80 người dân Syria thiệt mạng trong vụ tấn công bằng võ khí hóa học mà chính quyền al-Assad thực hiện, trong đó có 26 trẻ em. Theo Tổng thống Trump, đáng lý ra không một đứa trẻ nào phải chịu đựng nỗi kinh hoàng đó.

Ngay sau đó, những nước Tây Phương đồng minh của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ, một số nước còn cho hay được Washington thông báo trước khi quân đội Mỹ ra tay hành động.

Trong khi đó, hai chính phủ Syria và Nga đồng loạt lên tiếng phản đối, cho rằng Hoa Kỳ đã cố ý dựng chuyện để can dự vào nội bộ của nước khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nói rằng hành động của Hoa Kỳ có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Washington và Moskva.

Vài giờ trước đây, chính phủ Nga yêu cầu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm phiên họp khẩn cấp.

********************

Ba binh chủng Mỹ túc trực quanh Syria (RFI, 07/04/2017)

oanhkich5

Ảnh chụp ngày 07/04/2017 từ kênh truyền hình nhà nước Syria cho thấy căn cứ không quân, gần thành phố Homs, bị Hoa Kỳ không kích. REUTERS/Syria TV

Chiến dịch tấn công bằng tên lửa vào căn cứ không quân Syria hôm 06/04/2017 phản ánh một thực tế : Hoa Kỳ hiện đã bố trí đầy đủ các lực lượng hải quân và không quân quanh Syria để có thể can thiệp bất cứ lúc nào, trong lúc các "cố vấn" quân sự cũng hiện diện đông đảo trên bộ, góp phần trợ giúp các quân đội đồng minh.

Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, một nghiên cứu của Viện Heritage ước lượng là Bộ Tư Lệnh Mỹ vùng Trung Đông hiện có trong tay ít nhất là 35.000 quân nhân sẵn sàng chiến đấu.

Lực lượng Hải Quân hùng hậu của hai Hạm Đội 5 và 6

Chủ lực của quân đội Mỹ là các chiến hạm phóng tên lửa, của Hạm Đội 6, đặt bản doanh ở Napoli (miền nam nước Ý) nhưng có khả năng tấn công các mục tiêu cách xa hơn 1.000 cây số, tức là có thể dễ dàng bắn tới Syria.

Theo một quan chức Hải Quân Mỹ, hai khu trục hạm tham gia chiến dịch oanh kích ngày 06/04, USS Porter và USS Ross, đang ở phía đông Địa Trung Hải, cùng với tầu đổ bộ cỡ lớn USS Mesa Verde.

Ngoài ra, Hạm Đội 5 đặt tại Bahrein ở vùng Vịnh cũng có thể nhanh chóng can thiệp, chưa kể đến tàu sân bay USS George H. W. Bush đang có mặt trong vùng để hỗ trợ các hoạt động chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Lực lượng Không Quân tại các căn cứ bạn

Không Quân Mỹ hiện đang sử dụng nhiều căn cứ ở khu vực Trung Cận Đông. Gần Syria nhất là căn cứ Incirlik ở thành phố Adana, miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cách biên giới Syria 100 km. Ngoài ra, còn có các căn cứ ở Jordan, Koweit, Qatar, và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất.

Không quân Mỹ đã triển khai các loại chiến đấu cơ hiện đại nhất của mình trong khu vực, từ loại tiêm kích F-15, F-16 và F-22, cho đến phi cơ tiếp liệu KC-135, phi cơ dọ thám Awacs, và cả siêu pháo đài bay B-52.

Không quân Mỹ còn sử dụng một đội máy bay không người lái hùng hậu loại Reaper và Predator, ngang dọc trên bầu trời Iraq và Syria từ nhiều năm nay, vừa trinh sát, vừa tấn công với loại tên lửa Hellfire.

Hàng ngàn "cố vấn" quân sự, trang bị trực thăng và đại pháo

Trên bộ, Mỹ hiện có khoảng 900 quân tại Syria - chủ yếu là các binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt và pháo binh - giúp huấn luyện một liên minh Ả Rập-Kurdistan chống Daesh.

Một đơn vị pháo binh của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đang giúp liên minh Ả Rập-Kurdistan tấn công vào cứ địa Raqqa của Daesh, một phi đạo ở thành phố Kobane miền bắc Syria, giáp giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã được mở rộng để có thể đón nhận loại vận tải cơ hạng nặng C-17, có thể chở đến các loại xe thiết giáp.

Tại Iraq, lực lượng gọi là "cố vấn" này lên đến hơn 5.000 người, và đại pháo Mỹ cũng như trực thăng tấn công Apache đã nhiều lần xung trận.

Trọng Nghĩa

***********************

Tái chiếm Deir Ezzor, canh bài sống còn đối với chế độ Syria (RFI, 07/04/2017)

oanhkich6

Bản đồ Syria, thành phố Deir Ezzor nằm ở phía đông đất nước, gần biên giới với Iraq. Wikipedia

Nằm bên dòng sông Euphrate, cách phía đông Raqqa khoảng 150 km, tỉnh Deir Ezzor có vị trí chiến lược đối với cả Syria lẫn Iran vì khu vực này vừa dồi dào về dầu mỏ, vừa là cửa ngõ dẫn đến Iraq. Đây cũng là khu vực tiếp nối với các vùng đất nằm trong vòng kiểm soát của lực lượng dân quân theo hệ phái Shia thân Iran, một khi Mossul lại trở về tay Nhà nước Iraq.

Việc chế độ Syria cùng đồng minh Nga và Iran đành để Hoa Kỳ và lực lượng dân quân người Kurdistan chiếm lại Raqqa từ tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh), không có nghĩa là Tổng thống Bachar al-Assad sẽ từ bỏ miền đông Syria. Vùng đất "Syria vô ích" này trải dài trong sa mạc dọc theo dòng Euphrate, ngược với một "Syria có ích" và đô thị hóa mà Damascus đã chiếm lại được nhờ sự hỗ trợ quân sự của Nga và Iran.

"Tổng thống Assad có thể đã thắng các phe nổi dậy, nhưng không có miền đông Syria đầy dầu hỏa và lúa mì, ông ấy cũng không thể thắng được cuộc chiến hòa bình". Nhận xét trên được một chuyên gia thân chính phủ đưa ra vào thời điểm Hoa Kỳ không còn coi sự ra đi của Tổng thống Assad là một ưu tiên nữa. Và trong cuộc đấu tranh để nối lại liên minh với các phe phái, mà phần lớn, đều nổi dậy chống chế độ độc tài, thì Deir Ezzor trở thành địa điểm chiến lược trong mắt cả Damascus và Teheran.

Theo phân tích của chuyên gia Pháp Georges Malbrunot (nhật báo Le Figaro, 05/04/2017), nắm được quyền kiểm soát Deir Ezzor là vấn đề sống còn đối với Damascus. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà từ hơn 3 năm nay, bất chấp mọi trở ngại, chế độ Assad vẫn duy trì 6.000 người trên thực địa để kiểm soát sân bay quân sự và một phần ba thành phố, trong khi phần còn lại nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Lý do thứ nhất, hiện nay phần lớn sản lượng dầu do hai tỉnh Deir Ezzor và Hassaké (bắc Deir Ezzor) cung cấp do lực lượng người Kurdistan kiểm soát. Trước khi cuộc cách mạng nổ ra vào năm 2010, hai tỉnh này cung cấp khoảng 380.000 thùng/ngày. Ngoài ra, việc phát hiện có khí đốt gần Palmyra càng khiến miền đông Syria trở nên cần thiết hơn đối với Damascus, các đồng minh Nga và Iran. Các bên này cũng đã đầu tư vào khu vực trên.

Với họ, không có chuyện lực lượng người Kurdistan, huống chi là người Thổ Nhĩ Kỳ, được đặt chân đến Deir Ezzor. Vì các phe phái Ả Rập tại Deir Ezzor còn thù ghét người Kurdistan hơn là cả ở Raqqa, cũng giống như họ chống đối chính quyền Damascus từ năm 2011. Tuy nhiên, việc các phe phái thị tộc này chống Daesh, cùng với mong muốn ổn định để lấy lại việc làm ăn béo bở, có thể biến họ thành những đối tác mới của chế độ Syria.

Lý do thứ hai, Deir Ezzor là một đầu cầu. Hiện diện tại đó sẽ giúp kiểm soát được con đường dẫn đến Iraq, cách thành phố khoảng 200 km về phía đông. Thế nhưng, trong trường hợp tái chiếm Mosul, khu vực phía Iraq ngay cạnh biên giới có thể sẽ nằm trong tầm kiểm soát của lực lượng nổi dậy Iraq theo hệ phái Shia, thân với nhà bảo trợ Iran.

Gần đây, Iran không ngần ngại tấn công vào lãnh thổ Syria, vì giống như Damascus và Bagdad, đối với Teheran, giữ vùng đất giữa Deir Ezzor và biên giới với Iraq là đảm bảo sự tiếp nối lãnh thổ kéo dài của trục Shia chiến lược này trong các vùng chịu ảnh hưởng của hệ phái Sunni của các đối thủ Jordan và Ả Rập Xê Út. Một chuyên gia khẳng định : "Iran đã triển khai lực lượng để bảo vệ sân bay Deir Ezzor".

Iran còn có một lợi thế khác trong cuộc chiến này, đó chính là lực lượng người Yazidi (YBS), được triển khai tại vùng Sinjar của Iraq và thân với đảng Lao động Kurdistan PKK, trong khi PKK và Teheran đã xích lại gần nhau.

Chính những mối quan hệ liên minh phức tạp này cản trở các kế hoạch của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một vùng ảnh hưởng thân Kurdistan ở miền đông Syria để tại chính vùng này, các lực lượng nổi dậy ôn hòa chống chính quyền Bachar al-Assad có thể tiếp tục đấu tranh trên đống đổ nát của Daesh.

Vậy Hoa Kỳ sẽ ủng hộ phe nào trong cuộc chiến tại Deir Ezzor ? Vào mùa thu năm 2016, Lầu Năm Góc đã không ngần ngại không kích một căn cứ của quân đội Syria ngay gần Deir Ezzor khiến 80 quân nhân chính phủ thiệt mạng. Về mặt chính thức, Washington thông báo "tấn công nhầm".

Nhưng đối với Moskva và Damascus, hành động được cho là "sự nhầm lẫn" này lại là bằng chứng cho thấy Washington tìm cách làm suy yếu chính quyền Syria tại Deir Ezzor. Vậy tình hình sắp tới sẽ ra sao ? Sau những tuyên bố mới nhất từ phía Mỹ đầy trấn an đối với Tổng thống Assad, chưa chắc là Lầu Nam Góc muốn đối đầu với Moskva tại Deir Ezzor.Trừ phi vụ tấn công hóa học hôm thứ Ba, 04/04, mà Damascus bị cáo buộc là thủ phạm, có thể làm thay đổi bối cảnh.

Nhưng có một điều chắc chắn, thông qua lực lượng Kurdistan và Ả Rập được Mỹ hậu thuẫn, Washington có đòn bẩy vững chắc để chế độ Assad không thể lấy lại được quyền kiểm soát những vùng đang có tranh chấp này và như vậy, đẩy Tổng thống Syria phải ra đi vào cuối thời kỳ chuyển tiếp, cho dù hiện nay điều này chỉ là giả thuyết, hoặc khi ông ta mãn nhiệm vào năm 2021.

Quay lại trang chủ
Read 820 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)