Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/02/2020

Đã đến lúc Châu Âu phải tự xây dựng lực lượng phòng thủ riêng

RFI tiếng Việt

Dân Châu Âu thiếu tin tưởng vào lá chắn Mỹ nếu bị Nga tấn công (RFI, 10/02/2020)

Niềm tin của công dân các nước thành viên khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào sự hỗ trợ của quân đội Mỹ trong trường hợp đất nước họ bị Nga tấn công ngày càng sụt giảm. Đây là kết quả một nghiên cứu do Pew Research Center công bố ngày 10/02/2020.

nato1

Thượng đỉnh NATO ngày 04/12/2019 tại Watford, ngoại ô bắc Luân Đôn, Anh Quốc. Từ trái sang phải : Thủ tướng Anh Boris Johnson, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thốngPháp Emmanuel Macron và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Reuters/Jeremy Selwyn

Cứ hai năm một lần, viện thăm dò thực hiện một cuộc điều tra công luận về NATO. Cuộc điều tra vừa công bố được tiến hành vào mùa hè 2019 đối với 21.000 người tại 19 quốc gia.

Kết quả cho thấy 60% số người được hỏi tại các nước thành viên khối NATO nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu như Nga tấn công một nước thành viên của khối. Chỉ có khoảng 29% là cho rằng Hoa Kỳ sẽ không đến cứu giúp.

Theo quan sát của Viện Pew, câu trả lời cho câu hỏi này đã thay đổi nhiều so với năm 2015 và trong nội bộ các nước thành viên, có sự chia rẽ về vấn đề này. So với cách nay bốn năm, niềm tin của người dân Pháp vào vai trò của Mỹ đã bị sụt giảm đến 8 điểm, tại Đức là 5 điểm, Canada 3 điểm và tại Hungary là đến 16 điểm. Ngược lại, ở Anh Quốc và Ý, mức độ tin tưởng vào Mỹ tăng thêm 7 điểm và ở Thổ Nhĩ Kỳ là 6 điểm.

Điều thú vị là cũng giống như năm 2015, người dân các nước thành viên trong khối NATO có một lập trường không thay đổi : Không mấy hào hứng về ý tưởng đất nước của họ phải đến giải cứu một nước khác trong khối nếu bị Nga tấn công.

Chỉ có 5 trong số 16 nước thành viên có liên quan đến nghiên cứu này - Hà Lan, Hoa Kỳ, Canada, Anh Quốc và Litva - ở đó, đại đa số những người được hỏi cho rằng nên tham gia vào một chiến dịch quân sự để tuân thủ các ràng buộc của điều khoản số 5, quy định rằng "một cuộc tấn công nhắm vào một nước thành viên được xem như là một hành động gây hấn chống lại cả khối".

Pew nhận thấy tỷ lệ này cũng đã bị sụt giảm chỉ còn có 41% ở Pháp và Tây Ban Nha, 36% ở Cộng Hòa Séc, 34% ở Đức, 33% ở Hungary, 32% ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như là Slovakia. Tỷ lệ này còn thấp hơn ở Hy Lạp và Ý là 25% và chỉ vừa ở mức 12% tại Bulgari.

Nghiên cứu này giải thích rõ vì sao tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng "NATO chết não", nguyên thủ Mỹ - Donald Trump chê là "lỗi thời" và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có thể ngang nhiên điều quân tấn đánh người Kurdistan tại Syria, đồng minh của liên quân quốc tế chống Tổ Chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.

Minh Anh

*******************

Pháp kêu gọi đối thoại chiến lược về vũ khí nguyên tử, Châu Âu dè dặt (RFI, 08/02/2020)

Trong bài diễn văn tại Học viện Quân sự hôm 07/02/2020, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi các nước Châu Âu mở đối thoại chiến lược, đặc biệt về kiểm soát vũ khí và răn đe hạt nhân.

phap1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu về tầm nhìn chiến lược Châu Âu tại Học viện Quân sự, Paris ngày 07/02/2020. Francois Mori/Pool via Reuters

Sau khi Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Pháp trở thành cường quốc nguyên tử duy nhất trong số 27 quốc gia thành viên, nước duy nhất sở hữu tàu ngầm hạt nhân trang bị hỏa tiễn đạn đạo. Pháp cũng là thành viên duy nhất có được chiếc ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Macron muốn tăng cường quốc phòng Châu Âu, một đề nghị chưa hẳn là ưu tiên đối với các nước thành viên khác.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet tường trình :

"Các đề nghị của tổng thống Pháp về kiểm soát vũ khí, và nhất là răn đe nguyên tử không hoàn toàn gây ngạc nhiên cho Châu Âu, vì những lời mời gọi tương tự đã từng được các tổng thống tiền nhiệm là Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy đưa ra. Nhưng bối cảnh địa chính trị lần này lại khác, cho dù với Brexit, Anh quốc dồn mọi nỗ lực quốc phòng cho NATO.

Trong số 27 quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, đã có đến 21 nước là thành viên NATO, và nhiều nước gắn bó với Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương hơn là ý tưởng một tổ chức quốc phòng cho Châu Âu. Đặc biệt là đối với các nước Trung Âu và Đông Âu.

Ngược lại, việc tổng thống Donald Trump đánh giá NATO là "lỗi thời", rồi sau đó Emmanuel Macron nói rằng NATO "chết não", khiến một số nước phải tự hỏi liệu Hoa Kỳ có bảo đảm được hoàn toàn an ninh cho Châu Âu.

Trong lúc đó, các dự án nhằm cụ thể hóa chính sách quốc phòng chung Châu Âu nở rộ, và "Liên Hiệp Châu Âu địa chính trị" nay là một ưu tiên của Ủy Ban Châu Âu. Tuy nhiên sự cởi mở của Pháp có thể thúc đẩy một số nước lại đòi hỏi Paris phải chia sẻ chiếc ghế thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)