Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/04/2017

Can thiệp quân sự : Tổng thống Donald Trump gây lo ngại

Tổng hợp

Nghị sĩ Mỹ muốn giám sát quyền can thiệp quân sự của tổng thống Trump (RFI, 08/04/2017)

Sau quyết định nhanh chóng của Donald Trump cho tấn công căn cứ không quân Syria tối 06/04/2017 vừa qua, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng yêu cầu từ giờ trở đi, nếu có ý định tuyên chiến hay can thiệp quân sự, tổng thống Trump phải xin phép hoặc ít ra phải thông báo cho Quốc Hội.

canthiep1

Ảnh minh họa : Quốc Hội Mỹ lúc chuẩn bị cho lễ tuyên thệ của Donald Trump. Ảnh ngày 15/01/2017. REUTERS/Mike Theiler

Các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào căn cứ quân sự của Syria theo lệnh của tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên các tranh luận xung quanh quyền lực quân sự của tổng tư lệnh quân đội, tức tổng thống. Ở Mỹ, quyền hạn này của tổng thống vẫn được hiểu là phải nằm trong khuôn khổ của quyền lập pháp.

Nhiều tiếng nói trong cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ đã ủng hộ quyết định hành động của tổng thống Donald Trump. Nhưng cũng không ít các nghị sĩ cho đó là quyết định nóng vội, không mang tính chiến lược và trong một quyết định lớn mang tính chiến lược thì cần phải có sự can dự của Quốc Hội. Đó có thể là các tham khảo ý kiến, các cuộc điều trần và được phép chính thức sử dụng sức mạnh.

Trên thực tế, nhiều tổng thống Mỹ đã đơn phương ra lệnh mở các chiến dịch quân sự, nhân danh quyền của tổng tư lệnh quân đội đã được Hiến pháp Mỹ quy định.

Từ sau chiến tranh Việt Nam, Quốc Hội Mỹ đã thông qua luật War Powers Resolution để buộc tổng thống phải thông qua Quốc Hội trước khi tiến hành các cuộc can thiệp quân sự kéo dài trên 60 ngày, dưới thời hạn trên thì phải có thông báo trước. Tuy nhiên, nhiều tổng thống đã làm ngơ trước bộ luật trên. Đó là trường hợp của tổng thống Bill Clinton trong các cuộc chiến ở Bosnia-Herzegovina năm 1995 và Kosovo 1999, và của tổng thống Barack Obama trong cuộc tấn công Libya năm 2011.

Sau vụ tấn công vào Syria hôm thứ Năm, nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đã lên tiếng kêu gọi tổng thống Mỹ nên hành động theo luật. Hầu hết các tổng thống Mỹ trước khi tuyên chiến ở nước ngoài đều thông qua phê chuẩn ở Quốc Hội.

Anh Vũ

************************

Hậu trường vụ tấn công Syria : Tướng lãnh Mỹ lấn lướt giới chính trị (RFI, 08/04/2017)

canthiep2

Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Porter của Mỹ phóng tên lửa vào Syria từ Đại Tây Dương, ngày 07/04/2017. Ford Williams/Courtesy U.S. Navy

Reuters hôm 07/04/2017 dẫn lời một số nhân vật trung tâm trong cuộc tấn công vào Syria mới đây cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ, tổng thống Mỹ đã dựa vào các chuyên gia quân sự hơn là các chính khách – trước đây vẫn chiếm ngôi vị cao trong những tuần lễ đầu ông Donald Trump mới nhậm chức. Quyết định này cũng cho thấy ông Trump muốn có phản ứng nhanh chóng.

Rất nhanh, chỉ vài giờ sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học làm mấy chục người chết hôm thứ Ba 4/4 tại một ngôi làng ở tỉnh Idlib, miền tây bắc Syria, các cố vấn về tình báo của Donald Trump đã cung cấp cho ông những chứng cứ cho thấy tổng thống Syria Bachar al-Assad đứng sau sự kiện tàn bạo này.

Tổng thống Trump, mà ưu tiên ở Syria là đấu tranh chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daesh, IS), ngay lập tức ra lệnh lập ra danh sách các biện pháp trừng phạt chế độ Assad. Các quan chức cao cấp đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp, cho Reuters biết như trên.

Chiều thứ Năm 6/4, nhà tỉ phú địa ốc đã trở thành tổng thống đại cường hàng đầu thế giới, ra lệnh khai hỏa. Một cơn mưa hỏa tiễn Tomahawk trút xuống căn cứ không quân Shayrat ở phía bắc Damascus – căn cứ được Lầu Năm Góc nhận định là nơi tồn trữ các vũ khí hóa học, sử dụng trong vụ tấn công Khan Cheikhoune hôm thứ Ba.

Ngoại trưởng Rex Tillerson nói với báo chí : "Đối với tôi, điều này chứng tỏ tổng thống Trump muốn hành động thực sự, khi các chính phủ hoặc những người có quyền quyết định đã đi quá trớn (…) Đây rõ ràng là lời tuyên bố của tổng thống Trump trước thế giới".

Các quan chức chính quyền Mỹ kể lại là họ đã họp với tổng thống từ tối thứ Ba. Trong cuộc họp này, họ trình bày các khả năng hành động : trừng phạt, gây áp lực ngoại giao, và một kế hoạch quân sự tấn công Syria đã được thảo ra từ trước khi Donald Trump lên nắm quyền.

"Quý vị sẽ thấy"

Một quan chức cho biết : "Tổng thống đưa ra rất nhiều câu hỏi. Ông nói muốn cân nhắc, nhưng cũng có những điểm được ông gợi lên, để xoáy sâu vào từng giải pháp".

Tối thứ Tư, các cố vấn quân sự nói với ông Trump rằng họ đã biết được căn cứ không quân nào đã được sử dụng để tung ra vụ tấn công hóa học, và nhận dạng được chiếc Sukhoi-22 đã tiến hành vụ này. Tổng thống bèn bảo họ tập trung vào kế hoạch quân sự. Một viên chức khác kể lại : "Chỉ cần lấy lại kế hoạch cũ, thay vào mục tiêu và thời điểm thích ứng".

Cũng trong buổi chiều hôm ấy, Donald Trump xuất hiện trong vườn hồng của Nhà Trắng và tuyên bố vụ tấn công "không thể gọi tên" nhắm vào "cả những em bé xinh đẹp", đã làm thay đổi quan điểm của ông về Bachar al-Assad. Được hỏi có chuẩn bị một chính sách mới về Syria hay không, Donald Trump chỉ đáp gọn : "Rồi quý vị sẽ thấy !".

Cuối buổi chiều thứ Năm, tổng tham mưu trưởng liên quân đã triệu tập một hội nghị ở Lầu Năm Góc để hoàn chỉnh kế hoạch tấn công quân sự, trong lúc tổng thống đến dinh cơ nghỉ mát Mar-a-Lago tại Florida để gặp gỡ đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại đó, trong một cuộc họp khác, tổng thống Donald Trump đã bật đèn xanh cho việc phóng hỏa tiễn, rồi đi ăn tối với Tập Cận Bình.

Đấu tranh quyền lực trong Nhà Trắng

Và, vào lúc hai nhà lãnh đạo kết thúc bữa tối, hai chiến hạm Mỹ neo đậu tại phía đông Địa Trung Hải là USS Ross và USS Porter đã bắn đi 59 hỏa tiễn hành trình, nhắm vào căn cứ quân sự Syria ở vùng duyên hải phía đông. Lúc đó là khoảng 00 giờ 40 GMT (2 giờ 40 sáng ở Paris, 7 giờ 40 sáng Việt Nam).

Những người tham dự hội nghị cho biết trong ba ngày họp, những cố vấn quân sự có ảnh hưởng lớn lên tổng thống Trump là cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Joseph Dunford.

Trong Nhà Trắng vốn nhiều lần dậy sóng, một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng đã diễn ra giữa tướng H.R. McMaster và ông Stephen Bannon, cố vấn chiến lược của Donald Trump. Ông Bannon đã bị mất ghế trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia hôm thứ Tư, ngay trong thời điểm đang bận rộn chuẩn bị tấn công quân sự.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm đã báo cho các đồng minh của Hoa Kỳ biết rằng sẽ tấn công Syria lập tức, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Quyết định này khiến Nga, đồng minh lớn của Bachar al-Assad giận dữ. Khả năng xích lại gần nhau giữa Moskva và Washington mà ông Trump gợi ra, có vẻ đang lùi xa, nhất là trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Tuy nhiên theo ngoại trưởng Rex Tillerson, không nên suy diễn là người đứng đầu Nhà Trắng khi quyết định như thế đã từ bỏ chủ trương "America First". Và, đối với một quan chức khác có tham gia vào kế hoạch tấn công Syria, các hỏa tiễn hành trình được trút xuống căn cứ Shayrat là một cuộc tấn công tập trung vào một mục tiêu chứ không phải là một chiến dịch quân sự trên diện rộng.

Thụy My

***********************

Mỹ tuyên bố sẵn sàng tiếp tục tấn công Syria (RFI, 08/04/2017)

canthiep3

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tại cuộc họp Hội Đồng Bảo An sau khi Mỹ tấn công căn cứ không quân của chế độ Damascus. Ảnh ngày 07/04/2017. REUTERS/Stephanie Keith

Ít giờ sau khi Mỹ tấn công căn cứ không quân của chế độ Damascus, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã triệu tập phiên họp khẩn cấp theo đề nghị của Nga và Bolivia để thảo luận về hành động tấn công Syria của Mỹ. Các cuộc đấu khẩu giữa đại diện Nga và Mỹ đã diễn ra rất gay gắt xung quanh tính hợp pháp của vụ can thiệp quân sự. Khẳng định hành động của mình là sự đáp trả chính đáng, Hoa Kỳ thậm chí còn cảnh báo sẵn sàng đi xa hơn nữa.

Thông tín viên RFI tại New York Marie Bourreau tường trình :

"Hoa Kỳ đã có quyết định rất chừng mực tối qua, chúng tôi sẵn sàng làm hơn thế, nhưng tôi hy vọng điều đó không cần thiết".

Không có ý làm dịu tình hình, Hoa Kỳ qua lời đại diện tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đã gửi đến Bachar al-Assad và đồng minh Nga lời cảnh báo mới. Hoa Kỳ không thể chấp nhận thêm các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria. Làn ranh đỏ đó nếu bị vượt qua lần nữa sẽ dẫn tới một chiến dịch quân sự mới.

Một phần của cuộc thảo luận hôm qua xoay quanh tính hợp pháp của cuộc can thiệp của Mỹ mà không có đồng ý của Liên Hiệp Quốc. Nga đánh giá đó là hành động bất hợp pháp và họ được đại diện của Bolivia ủng hộ. Đại sứ Bolivia phát biểu : "Giờ đây, Hoa Kỳ tự cho mình vừa là người điều tra, luật sư, thẩm phán và là đồ tể luôn. Việc làm này hoàn toàn không phù hợp với luật pháp quốc tế".

Phần đông các nhà ngoại giao không muốn tranh cãi về vấn đề đánh giá sự đáp trả của Mỹ có hợp pháp hay không. Tuy nhiên, giờ đây họ mong đợi Mỹ cam kết lại là thực sự ủng hộ tiến trình chính trị tại Syria.

Mỹ nghi Damascus đã được trợ giúp trong vụ tấn công hóa học

Giới quân sự Mỹ nghi rằng chế độ Syria đã được "trợ giúp" để tiến hành vụ tấn công vũ khí khí hóa học ngày 04/04/2017, nhưng chưa thể bằng khẳng định đó là sự trợ giúp của nước Nga, đồng minh chủ chốt của tổng thống Bachar al-Assad. Đó là tuyên bố của của một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ, xin miễn nêu tên, với các phóng viên hôm qua, 07/04.

Theo lời quan chức này, ít ra là Moskva đã không kiểm soát được hoạt động của đối tác Syria, vì người Nga đã có mặt tại căn cứ không quân al-Shayrat bị tấn công bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ, nơi mà các máy bay Syria đã cất cánh để tấn công bằng vũ khí hóa học vào Khan Cheikhuon, khiến 86 người chết, trong đó có nhiều trẻ em.

Quan chức quân sự Mỹ tuyên bố hiện giờ chưa thể xác định được vai trò của Nga trong vụ này, nhưng nếu có bằng chứng hoặc cáo buộc khả tín nào, họ sẽ có hành động tương xứng.

Theo thẩm định của Lầu Năm Góc, hiện có khoảng từ một chục đến một trăm người Nga ở căn cứ không quân bị tấn công. Họ đã được Hoa Kỳ thông báo trước về cuộc tấn công. Theo các quân nhân Mỹ, các tên lửa Tomahawk đã tránh khu vực mà Nga sử dụng ở sân bay này.

Tuy nhiên, vụ tấn công bằng tên lửa của Mỹ đã bị Moskva lên án kịch liệt. Hôm qua, Nga loan báo đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi cơ hai nước trên không phận Syria. Moskva và Washington đã ký thỏa thuận này vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.

Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm nay cũng vừa thông báo hủy chuyến viếng thăm ở Nga, dự trù cho ngày thứ Hai tuần tới, do có những "diễn biến ở Syria làm thay đổi căn bản tình hình". Ông Johnson lấy làm tiếc là Moskva tiếp tục bảo vệ chế độ al-Assad, ngay cả sau khi xảy ra vụ tấn công hóa học vào thường dân vô tội.

Anh Vũ

***********************

Chính quyền Trump tuyên bố đảo ngược gây sốc về ông Assad (Đất Việt, 08/04/2017)

Bà Haley cho biết đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là các ưu tiên của Washington.

Theo Reuters, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN được phát sóng vào ngày 9/4, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley cho biết bà xem việc thay đổi chế độ ở Syria là một trong số các ưu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Ngoài ra, bà Haley cho biết đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đẩy lui ảnh hưởng của Iran tại Syria và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là các ưu tiên của Washington.

Bà Haley nêu rõ : "Chúng tôi không thấy một nước Syria hòa bình mà tại đó có ông Assad".

canthiep4

Lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad là các ưu tiên của Washington.

Những bình luận trên cho thấy một sự chuyển hướng từ những gì mà bà Haley đã từng đề cập trước khi Mỹ tấn công một căn cứ không quân của Syria bằng 59 tên lửa Tomahawk, để đáp trả lại cái mà Washington gọi là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của các lực lượng ông Assad nhằm vào dân thường Syria.

Trong khi đó cũng liên quan đến vấn đề này, chỉ cách đó ít ngày, ngày 30/3, Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (nước Nga hôm nay) cũng dẫn lời bà Nikki Haley tuyên bố việc phế quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad không phải là ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ đối với tình hình Syria.

"Ưu tiên chính trị của chúng tôi không còn là phế quyền ông Bashar Assad. Ưu tiên của chúng tôi là thật sự phải làm gì để thay đổi cuộc sống của người dân Syria", bà Haley nhấn mạnh.

Bà Haley cũng khẳng định, chính quyền mới của Mỹ sẽ không tập trung vào các nhân vật của Tổng thống Assad.

Thay vào đó Washington đang chú trọng vào việc hợp tác với các nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc chiến Syria.

Cùng ngày, ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ đang có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát đi thông điệp tương tự.

Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, ông Rex Tillerson tuyên bố địa vị lâu dài của Tổng thống Assad sẽ do người dân nước này quyết định.

Kể từ năm 2011, khi cuộc xung đột tại Syria bùng nổ, chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama luôn coi việc lật đổ ông Assad là mục tiêu chủ chốt.

Nhà Trắng khẳng định, giải pháp duy nhất có thể khôi phục hòa bình ở đất nước này là "ông Assad phải ra đi". 

Tướng lĩnh Mỹ lấn lướt các chính trị gia trong vụ không kích Syria

Đài RFI ngày 8/4 đưa tin một số nhân vật trung tâm trong cuộc tấn công vào căn cứ không quân tại Syria mới đây cho biết, để giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao quan trọng đầu tiên trong nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dựa vào sự cố vấn các chuyên gia quân sự hơn là các chính khách, vốn trước đây vẫn chiếm ngôi vị cao trong những tuần lễ đầu ông Donald Trump mới nhậm chức.

Quyết định này cũng cho thấy ông Trump muốn có phản ứng, kết quả nhanh chóng.

Tổng thống Trump vốn coi trọng cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, ngay lập tức ra lệnh lập ra danh sách các biện pháp trừng phạt chính quyền của ông Assad.

canthiep5

Ban tham mưu cao cấp của Tổng thống Donald Trump đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp để bàn về vấn đề này

đã tham dự các cuộc họp kín kéo dài hai ngày liên tiếp để bàn về vấn đề này.

Trong cuộc họp này, một quan chức cho biết : "Tổng thống Trump đưa ra rất nhiều câu hỏi. Ông nói muốn cân nhắc, nhưng cũng có những điểm được ông gợi lên, để xoáy sâu vào từng giải pháp".

Trong khi đó, các cố vấn quân sự nói với ông Trump rằng họ đã biết được căn cứ không quân nào đã được sử dụng để tiến hành vụ tấn công hóa học, và nhận dạng được chiếc máy bay đã tiến hành vụ này.

Do vậy, Tổng thống Trump đã chỉ thị họ tập trung vào kế hoạch tấn công quân sự, và bật đèn xanh cho việc phóng tên lửa.

Thanh Giang (tổng hợp)

Quay lại trang chủ
Read 606 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)