Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/02/2020

Điểm báo Pháp - Virus corona hoang mang và ngờ vực

RFI tiếng Việt

Virus corona : Hoang mang và ngờ vực lan nhanh không kém

Dịch viêm phổi do virus corona mới mang tên Covid-19 vẫn là tựa chính của nhiều tờ báo Pháp ngày 13/02/2020 cùng với nhiều bài viết dưới nhiều góc độ khác nhau.

hoangmang1

Đo thân nhiệt tại chốt kiểm soát của một làng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam, ngày 12/02/2020. Reuters

Trang nhất của Le Monde trích đánh giá mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới về trận dịch này là "rất nghiêm trọng với toàn cầu".

Nhật báo Le Monde nhấn mạnh đợt dịch đang là "mối đe dọa với thế giới". Ra từ chiều hôm trước nên con số thống kê 1.100 người chết ở Trung Quốc mà tờ Le Monde đưa ra đã lạc hậu. Mỗi ngày ở ổ dịch Hồ Bắc nói riêng đã có thêm hàng trăm người chết vì Covid-19 và số người nhiễm đã lên tới trên sáu chục ngàn.

Tình hình không có gì khả quan khi mà đến nay "chúng ta vẫn không biết làm sao loại virus này lây lan mạnh như vậy" như đánh giá của giáo sư Chung Nam Sơn, một chuyên gia virus nổi tiếng của Trung Quốc. Le Monde ghi nhận, mặc dù đã khoanh vùng dịch chính là tỉnh Hồ Bắc cũng như Trung Quốc, nhưng một vài ổ dịch tiềm tàng đang xuất hiện thêm ở bên ngoài Trung Quốc. Nạn dịch lây lan kéo theo một tâm lý hoang mang nghi kỵ ở khắp nơi.

Bắc Kinh : Khắc khoải trong sợ hãi và ngờ vực

Thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc, Frédéric Lemaitre, chứng kiến cuộc sống hàng ngày ở thủ đô Bắc Kinh trong những ngày dịch, gửi về bài phóng sự dài "Bắc Kinh lần hồi qua từng ngày". Tác giả bài báo mô tả lại quang cảnh của thành phố 21 triệu dân, nơi mà thời gian như ngừng lại : "Đường phố hoang vắng, đa số các cửa hàng đóng cửa, một bầu không khí nặng nề ngờ vực…".

Tác giả so sánh "Quảng trường Thiên An Môn, mỗi ngày thường vẫn đón hàng nghìn du khách, giờ còn vắng hơn cả sa mạc Gobi". Thành phố đã trở lại hoạt động từ đầu tuần này, nhưng hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy cuộc sống đang bắt đầu bình thường ở đây.

"Trong cả thành phố, xe bus, thường vẫn chật kín người, giờ chạy gần như trống không, thi thoảng có vài hành khách. Họ cố đứng cách xa nhau nhất có thể. Các nhà hàng đã có thể mở cửa, nhưng làm gì có thực khách. Mọi người đều dè chừng nhau. Ở Bắc Kinh, 90% các cửa hàng vẫn đóng cửa, những siêu thị hoạt động thì vội vàng đóng cửa ngay từ 15 giờ".

Ở các hiệu thuốc, người ta có thể thấy các dược sĩ trong bộ đồ bảo hộ như bác sĩ trong phòng mổ, hé cửa đưa thuốc cho khách mua. Trên cửa hiệu thuốc thường có tấm biển thông báo không còn khẩu trang, găng tay hay bất cứ loại sản phẩm nào để phòng dịch. Một người bạn nhắc phóng viên dùng xong khẩu trang thì xé đi, vì có một số người đi nhặt lại khẩu trang trong thùng rác tái chế để bán lại. "Vẫn luôn một không khí nghi kỵ lẫn nhau", tác giả bài báo nhận xét.

Theo phóng viên của Le Monde, khác với một số thành phố khác chỉ cho phép người dân ra khỏi nhà 2 ngày 1 lần, Bắc Kinh không giới hạn nhưng có kiểm soát chặt việc đi lại của người dân. Ở lối vào các khu chợ, trung tâm thương mại hay khu dân cư, luôn có các bảo vệ đo thân nhiệt nên bạn không thể vào một khu dân cư lạ mà không trình thẻ căn cước ghi tên và nói rõ mục đích đến. Từ đầu tháng Hai, những người giao hàng bị cấm chuyển hàng đến từng nhà. Họ phải để hàng gửi tại sảnh các tòa nhà và thế là các sảnh chung cư biến thành những kho chứa hàng tạm bợ.

"Bắc Kinh, thành phố 21 triệu dân đang mệt mỏi chờ đợi kẻ thù vô hình", tác giả bài phóng sự kết luận.

Trong khi đó báo Le Figaro chú ý đến cuộc sống của những người trên con tàu du lịch sang trọng Diamond Pricess đang bị cách ly trên cảng Yakohama, Nhật Bản, vì nhiễm dịch Covid-19.

Trong số 3.700 người trên con tàu du lịch này, có 175 người được phát hiện dương tính với Covid-19 đã bị đưa xuống tàu để điều trị, số còn lại đang tiếp tục cuộc sống cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống trên tàu không thiếu thốn, nhưng ngày qua ngày họ phải sống trong tâm lý hoang mang lo sợ, không biết tương lai sẽ ra sao, bao giờ được trở về nhà và liệu có bị nhiễm virus không. Tàu Diamond Princess là con tàu lớn nhất trong lịch sử bị cách ly như thế này. Đến ngày 19/02 tới, thời hạn cách ly 14 ngày sẽ hết và trên nguyên tắc các hành khách có thể xuống tàu về nhà, nhưng vẫn sẽ có một số người tiếp tục bị cách ly do tiếp xúc với những người vừa phát hiện nhiễm virus trên tàu.

Nỗi ám ảnh sợ hãi còn lây lan nhanh sang con tàu Westerdam của Hà Lan. Theo Le Figaro, trên tàu không có trường hợp nhiễm Covid 19 nào trong số 1.455 hành thách và 802 nhân viên và thủy thủ đoàn. Thế nhưng con tàu trong những ngày qua liên tiếp bị từ chối cập các cảng ở Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Guam, Thái Lan. Lý do rất đơn giản : Tàu đã ghé cảng Hồng Kông trong thời gian phát dịch.

Rất may là cuối cùng, ngày hôm qua, 12/02, Cam Bốt đã chấp nhận cho Westerdam vào nghỉ tại cảng Sihanoukville. Một nỗi sợ hãi, dè chừng đôi khi thái quá đang lây lan nhanh không kém gì virus. Le Figaro trích dẫn bình luận của một nhà chuyên môn về vận tải hàng không tại Nhật Bản : "Người ta đang đánh dấu phạm vi cách ly dịch xung quanh các con tàu vì một loại virus mà người ta chưa biết gì nhiều. Loại virus này mới giết chết hơn 1.100 người trong số 1,4 tỷ dân Trung Quốc, trong khi mà virus cúm thông thường mỗi năm vẫn làm 61 nghìn người chết ở Mỹ, mà không làm mủi lòng các nhà hoạch định chính sách. Nỗi sợ hãi hoàn toàn mới trước virus corona làm thương mại thế giới ngừng lại và sẽ còn có những hậu quả khác, chắc chắn là thê thảm. Liệu như thế có lý hay không ?"

Châu Âu – Việt Nam : Thương mại đã tự do

Thoát ra ngoài bầu không khí u uất chết chóc mang tên Covid-19, báo kinh tế Les Echos lưu tâm đến sự kiện hôm 12/02/2020, Hiệp định Tự do Thương mại giữa Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) đã được Nghị Viện Châu Âu thông qua. Đây là sự kiện quan trọng đối với kinh tế của Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu.

Les Echos trích dẫn đánh giá của ông Phil Hogan, ủy viên Thương mại của Liên Hiệp Châu Âu, trong phiên thảo luận hôm trước khi các nghị sĩ bỏ phiếu, cho rằng đây là hai thỏa thuận "có tham vọng lớn nhất mà Liên Âu chưa từng ký với một đất nước đang phát triển". Theo tờ báo kinh tế, "với 47,6 tỷ euro trao đổi hàng hóa, Việt Nam là đối tác thương mại thứ hai của EU ở Đông Nam Á".

Tờ báo tóm tắt những điểm cơ bản của thỏa thuận tự do thương mại EVFTA, sẽ bắt đầu áp dụng từ mùa hè năm nay : "Hầu hết khối lượng hàng hóa buôn bán giữa hai nước sẽ được giảm thuế dần xuống mức 0% trong tương lai gần. Đối với các mặt hàng như xe hơi trong 10 năm tới sẽ không còn thuế nhập khẩu. Bên cạnh đó thỏa thuận cũng bao gồm cả các quy định về điều kiện lao động, tôn trọng môi trường, sở hữu trí tuệ và nhân quyền cho Việt Nam".

Với Hiệp định tự do thương mại, Ủy ban Châu Âu dự báo : "Xuất khẩu của Liên Âu sang Việt Nam sẽ tăng 29%, trong khi hàng xuất của Việt Nam sang Châu Âu sẽ tăng 18%" và "Mỗi tỷ euro tăng thêm trong xuất khẩu sang Việt Nam sẽ tạo thêm 14 nghìn việc làm cho Liên Hiệp Châu Âu".

Tờ báo cũng nhắc lại là đầu tuần này, khoảng 70 tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Nghị Viện Châu Âu không thông qua thỏa thuận trên, do tình hình đáng lo ngại về nhân quyền và các vấn đề về quyền lao động ở Việt Nam. Nhưng Ủy Ban Châu Âu đã giải thích trong các văn kiện đều có các cam kết ràng buộc pháp lý về mặt xã hội và môi trường. Chính thỏa thuận sẽ là cơ sở tốt nhất để Việt Nam phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và các cam kết về các vấn đề trên.

Nếu như chính phủ Việt Nam không tôn trọng các cam kết, Châu Âu vẫn có khả năng bãi bỏ hiệp định. Điều này đang xảy ra với Hàn Quốc, khi hồi tháng Giêng vừa qua Ủy Ban Châu Âu tuyên bố sẵn sàng cho ngừng hiệp định tự do mậu dịch nếu Hàn Quốc không phê chuẩn nhiều công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT).

Bài học nhãn tiền từ Cam Bốt

Cùng ngày thông qua hiệp định tự do mậu dịch với Việt Nam, Châu Âu đã trừng phạt Cam Bốt vì lý do không tôn trọng cam kết về nhân quyền và dân chủ (Liên quan đến việc chính quyền Hun Sen trấn áp đảng đối lập). Nhật báo Libération chạy tựa : "Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa với Cam Bốt của Hun Sen".

Tờ báo cho biết, hôm qua, 12/02, Ủy Ban Châu Âu đã quyết định rút một phần ưu đãi thuế quan dành cho Cam Bốt trong khuôn khổ chương trình thương mại có tên gọi "Tất cả trừ vũ khí (TSA)". Lý do là Cam Bốt "vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống các nguyên tắc nhân quyền". Lệnh trừng phạt này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/08 tới và chỉ có thay đổi nếu Nghị Viện hay Hội Đồng Châu Âu từ nay đến khi đó phản đối. Quyết định này liên quan đến các sản phẩm dệt may, đóng giầy, các sản phẩm phục vụ du lịch và đường. Những mặt hàng này chiếm khoảng 1 tỷ euro trong tổng số 5 tỷ euro xuất khẩu hàng năm của Cam Bốt sang EU. Trong khi đó, Châu Âu trong năm 2018 là đối tác thương mại lớn nhất của Cam Bốt, chiếm tỷ trọng 45% buôn bán của nước này.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)