Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/02/2020

Điểm báo Pháp - Pháp chuẩn bị hạn chế vạ lây từ Covid-19

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Pháp chuẩn bị hạn chế vạ lây từ dịch bệnh tại Trung Quốc

Phản ứng bàng hoàng tại Đức sau vụ xả súng mang tính chất bài ngoại ở Hanau tối thứ Tư vừa qua làm 9 người thiệt mạng, cũng như cuộc bầu cử quốc hội hôm nay ở Iran với khả năng đưa phe bảo thủ Hồi giáo trở lại nắm quyền là hai chủ đề nổi bật trên báo chí Pháp ra ngày hôm nay, 21/02/2020.

phap1

Bệnh viện Bichat tại Paris (Pháp), nơi chữa trị người bị nhiễm virus corona. Ảnh minh họa chụp ngày 15/02/2020. Reuters/Charles Platiau

Tuy vậy, các báo vẫn không quên dành nhiều trang và bài vở phân tích thêm về dịch Covid-19 vẫn tiếp tục hoành hành tại Trung Quốc, và đang trong chiều hướng lan rộng tại hai nước láng giềng Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản.

Về dịch Covid-19, dù không chạy thành tựa lớn, nhưng nhật báo kinh tế Les Echos đã nêu bật trên trang nhất nỗi lo ngại của chính quyền Pháp trước các tác hại kinh tế của trận dịch đang hoành hành tại Trung Quốc.

Pháp có thể bị mất 0,1% tăng trưởng vì virus corona

Trong bài "Virus Corona : Bercy (tức trụ sở Bộ Kinh tế Pháp) bên giường bệnh của các doanh nghiệp", Les Echos cho biết là một cuộc họp được mở ra vào hôm nay tại trụ sở Bộ Kinh tế Pháp về chủ đề dịch bệnh Covid-19. Nhật báo Pháp nêu rõ mục tiêu của chính quyền là "thẩm định tình hình hiện nay để dự phóng các khó khăn sắp tới". Chính vì vậy mà cuộc họp sẽ không nhằm mục tiêu đề ra các giải pháp cụ thể, mà chỉ là để lắng nghe các doanh nghiệp đang hoặc sẽ phải đối mặt với các khó khăn.

Đối với Les Echos, các khó khăn mà các công ty Pháp gặp phải không hề ít trong bối cảnh nước Pháp nhập khẩu đến 53 tỉ euro từ Trung Quốc.

Cho đến thời điểm hiện tại, kể cả sau ước tính vào hôm qua của tập đoàn hàng không Air France, theo đó tác hại của dịch bệnh sẽ lên đến mức từ 150 đến 200 triệu euro, ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 trên nền kinh tế Pháp nói chung, còn chưa mạnh lắm. Ở cấp độ kinh tế vĩ mô, chuyên gia của bộ Tài Chánh đã ước tính rằng con virus corona sẽ làm giảm khoảng 0,1% mức tăng trưởng GDP của Pháp trong năm nay.

Tuy nhiên, theo Les Echos, cần phải thận trọng trước ước tính trên vì nếu cuộc khủng hoảng kéo dài đến giữa tháng 3, thì các vấn đề sẽ trở nên khó quản lý hơn. Một ví dụ rất cụ thể : Một container phải mất bốn đến năm tuần để đi từ Thượng Hải đến Rotterdam (Hà Lan). Tuy nhiên, việc một phần của Trung Quốc bị phong tỏa vì dịch bệnh, kéo theo việc đóng cửa nhiều nhà máy chỉ mới bắt đầu vào ngày 24 tháng Giêng vừa qua.

Pháp bị vạ lây vì 53 tỉ euro hàng nhập từ Trung Quốc

Trong bối cảnh Pháp đã nhập khẩu 53 tỉ euro hàng hóa Trung Quốc vào năm ngoái, các lĩnh vực như ô tô và hàng tiêu dùng đại chúng từ quần áo, hàng điện tử tiêu dùng, cho đến thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông, các ngành đều có nguy cơ bị thiệt hại.

Ngành chế tạo xe hơi ở Pháp chẳng hạn, vốn dựa trên nhiều loại linh kiện sản xuất ở Trung Quốc, hiện chưa thấy hề hấn gì, do thời hạn 4 tuần chuyên chở trên biển. Nhưng vài ngày tới đây, khi nguồn hàng đó cạn đi thì tình hình chắc chắn sẽ xấu đi. Tình hình tương tự cũng sẽ xẩy ra với ngành sản xuất dược phẩm và hóa chất.

Ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng cũng bị tác hại trong bối cảnh du khách Trung Quốc từng chi ra gần 4 tỉ euro để đến thăm Pháp. Ngành công nghiệp xa xỉ, với Trung Quốc là một thị trường lớn cũng bị ảnh hưởng.

Cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng xấu trên nền kinh tế Pháp một cách gián tiếp khi đánh vào Đức, đối tác thương mại hàng đầu của Pháp.

Vấn đề nhức nhối cho Pháp là Đức được cho là quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất của các xáo trộn trong dây chuyền sản xuất do dịch Covid 19 gây ra. Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế S&P chẳng hạn, đã ước tính là Covid-19 sẽ làm Đức mất đến 0,2 điểm tăng trưởng trong năm nay. Khó khăn tại Đức tất yếu sẽ làm cho các công ty Pháp xuất khẩu qua Đức gặp ảnh hưởng.

Chuyên gia Pháp : "Giả thuyết về đại dịch toàn cầu không đứng vững"

Hồ sơ về Covid-19 trên báo Pháp dĩ nhiên cũng đề cập đến các khía cạnh chính trị, xã hội của dịch bệnh.

Les Echos chẳng hạn đã nêu bật ý kiến của chuyên gia Eric Chaney, cố vấn kinh tế tại Viện Montaigne lạc quan cho rằng : "Giả thuyết về đại dịch coronavirus có vẻ khó đứng vững". Theo chuyên gia này, nếu căn cứ vào tình hình hiện nay, thì khả năng con virus corona từ Trung Quốc chạy ra tàn phá thế giới vẫn còn thấp.

Cho dù vậy, hậu quả của dịch bệnh đối với nền kinh tế Trung Quốc là một thực tế. Việc dịch bệnh bùng lên và các gián đoạn trong dây chuyền sản xuất thế giới mà con virus gây ra sẽ thúc đẩy các công ty ngoại quốc di dời các nguồn cung ứng ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Giáo sư Nhật vạch trần sai sót của việc cách ly trên tàu Diamond Princess

Libération đã phỏng vấn giáo sư Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe Nhật Bản, khẳng định rằng : "Trên tàu Diamond Princess, tôi thấy rằng các nguyên tắc cơ bản trong việc kiểm soát sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm đã không được tôn trọng".

Theo Libération, trong khoảng vài tiếng đồng hồ khuya thứ Ba, 18/02, giáo sư Iwata đã làm khiến cho các mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông và chính phủ Nhật Bản phải phát cuồng lên bằng một thông điệp video.

Học giả đã từng chiến đấu chống lại bệnh Ebola hoặc dịch tả ở Châu Phi, dịch viêm phổi cấp tính Sars và Mers ở Trung Quốc, cho biết là ông thấy kinh hoàng trước tình trạng trên du thuyền Diamond Princess.

Sau khi đã tự cách ly mình vì đã trải qua nhiều tiếng đồng hồ trên du thuyền, giáo sư Iwata đã trả lời câu hỏi của các phóng viên ở Tokyo vào hôm qua, khẳng định rằng trên tàu "Không có sự tách biệt rõ ràng giữa các khu vực màu đỏ [nơi có người bị ô nhiễm] và khu vực màu xanh lá cây [nơi có những người được coi là khỏe mạnh]".

Ông cho biết tiếp : "Đối với thủy thủ đoàn, họ không thể tự bảo vệ mình và tôi thấy một số người thậm chí đã xuôi tay nói rằng dù sao thì tôi cũng đã bị lây nhiễm". Theo ông, hành khách đã rời tàu nên được theo dõi ít ​​nhất hai tuần.

Sau thông điệp của ông, tình hình trên tàu đã được cải thiện, và giáo sư Iwata đã hoan nghênh điều này. Thế nhưng ông cho rằng: "Không có gì chắc chắn rằng điều đó sẽ dẫn đến việc xem xét lại cách Nhật Bản tiếp cận những khủng hoảng kiểu này". Ông kêu gọi: "Đừng để cho giới quan liêu quy định các thủ tục cần thực hiện".

Đức chấn động vì khủng bố cực hữu

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp, như nói ở trên đã dành rất nhiều bài vở cho cơn chấn động tại Đức, sau vụ xả súng vào hai quán ba uống trà và hút thuốc ở Hanau, gần Frankfurt của người thuộc cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ và Kurdistan, đã khiến cho 9 người thiệt mạng. Các báo đều nêu bật sự kiện ngành Tư Pháp Đức đã vạch mặt chỉ tên phe cực hữu là thủ phạm vụ tấn công.

Báo Le Monde chạy tít lớn trang nhất : "Đức bị chấn động vì khủng bố cục hữu", ghi nhận rằng "toàn bộ các tầng lớp chính trị Đức tố cáo đảng cực hữu AfD là nuôi dưỡng một bầu không khí khuyến khích khủng bố kỳ thị chủng tộc".

Đối với tờ báo Pháp, vụ xả súng ở Hanau đã làm dấy lên tình đoàn kết dân tộc, và trong khoảng thời gian một phút mặc niệm, 20 lãnh đạo chính trị của đất nước đã gạt bỏ qua một bên các bất đồng, đã nắm tay với nhau dưới cổng Brandebourg ở Berlin, để tưởng niệm 9 người chết trong vụ khủng bố.

Trong bài xã luận, Le Monde đánh giá là "Đức đang đối mặt với nguy cơ khủng bố nâu, tức là nạn khủng bố của các phần tử phát xít, đang gia tăng một cách đáng ngại nhắm vào giới đại biểu dân cử và người nước ngoài". Đối với tờ báo, bà Angela Merkel nhất thiết phải hành động.

Iran : Phe Bảo thủ tôn giáo sẽ trở lại cầm quyền

Hồ sơ quốc tế thứ hai được các báo quan tâm là khả năng phe bảo thủ tôn giáo ở Iran quay trở lại cầm quyền ở Tehran, nhân cuộc bầu cử Quốc hội hôm nay.

Trên trang nhất, Le Figaro cảnh báo : "Iran sắp rơi vào tay cánh triệt để của chế độ". Tờ báo thấy trước là cuộc bầu cử đầu tiên sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân có lẽ chứng kiến chiến thắng của các thành phần cực kỳ bảo thủ ở Iran và sẽ là "giai đoạn đầu tiên của tiến trình co cụm trở lại".

Giai đoạn thứ hai sẽ diễn ra vào năm tới với cuộc bầu tổng thống, bầu người kế nhiệm ông Hassan Rohani thuộc cánh ôn hòa. Và người kế nhiệm này, theo Le Figaro sẽ là "một nhân vật triệt để, để đối đầu với Donald Trump mà lãnh đạo Iran thấy là sẽ được bầu lại".

Như vậy là cuộc bỏ phiếu ngày mai phải chăng không có gì đáng chú ý vì kết quả đã an bài. Đối với Libération, yếu tố quan trọng cần theo dõi là tỉ lệ người không đi bầu, phản ánh mức độ thách thức của người dân đối với phe bảo thủ cực đoan.

Libération cũng cùng nhận định với Le Figaro, cho rằng phe ôn hòa đang cầm quyền và đồng minh của họ sẽ thất bại và "sẽ phải nhường chỗ cho những người chủ trương cứng rắn".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 509 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)