Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

27/02/2020

Điểm báo Pháp - Covid-19 : tránh gây tâm lý hoảng sợ

RFI tiếng Việt

Dịch Covid-19 : Bình tĩnh xử lý tránh gây tâm lý hoảng sợ

Nạn dịch virus Corona lan rộng khắp thế giới vẫn là thời sự được các báo Pháp ra hôm nay quan tâm nhiều, đặc biệt là hôm qua một người Pháp đầu tiên bị chết trong số 6 trường hợp vừa phát hiện nhiễm bệnh.

tranh1

Hình được tạo ra trên máy tính của một con virus corona giống với loại virus gây nên dịch covid-19. Ảnh minh họa. NEXU Science Communication/via Reuters

Tuy nhiên các báo đều mổ xẻ thông tin một cách khá chừng mực, dường như tránh gây tâm lý hoảng loạn, lo sợ trong dân chúng, dù tình hình lây lan của bệnh dịch là đáng lo ngại.

Trong bối cảnh như vậy nhật báo Le Monde có bài xã luận với tiêu đề : "Virus corona : Trách nhiệm của mỗi người". Tờ báo nhấn mạnh : "Trận dịch virus corona mới đã đi vào giai đoạn nguy kịch. Cho dù số người nhiễm mới ở Trung Quốc giảm, nhưng mức độ lây lan trong các vùng khác trên quy mô rộng".

Đúng là đến nay dịch đã lan ra đến hơn 40 quốc gia trên thế giới. Từ khi bất ngờ bùng phát mạnh ở Ý, cách nhìn nhận về bệnh dịch này ở Châu Âu đã thay đổi. Le Monde viết tiếp : "Dù Tổ chức Y tế Thế giới hiện tại vẫn từ chối gọi là đại dịch, nhưng cuộc khủng hoảng đang ở một bước ngoặt, đặt mỗi người trước tinh thần trách nhiệm của mình".

Trách nhiệm mà Le Monde muốn nói đến ở đây trước hết là phải thận trọng. "Các biện pháp cô lập bắt buộc trong các ổ dịch khởi phát chỉ có tác dụng làm chậm sự lây lan của virus chứ không thể chặn được dịch. Cấm các chuyến bay từ Trung Quốc không hề có hiệu quả để bảo vệ Ý, nước đầu tiên ở Châu Âu thực thi biện pháp này".

"Cuộc khủng hoảng này phải là dịp để nhắc các nhà lãnh đạo, các cơ quan truyền thông và mỗi người chúng ta về nghĩa vụ của mình. Phải tránh bằng mọi giá vụ lợi chính trị đảng phái, làm kịch phát sợ hãi, hoảng loạn".

Trên phương diện chính trị, theo Le Monde, minh bạch phải là trung tâm hành động của chính quyền để giữ được sự tin cậy của dân chúng. Bắc Kinh đang phải trả giá về sự thiếu minh bạch thông tin cũng như xử lý khủng hoảng bất chấp các quyền tự do cá nhân.

Còn về phần giới truyền thông, xã luận của Le Monde nhấn mạnh cần phải thận trọng, tránh cách đưa tin giật gân. Báo chí phải biết chống lại các tin đồn, tin giả loan truyền trên mạng xã hội gây tâm lý hoảng loạn trong dân chúng, làm nhiễu loạn các biện pháp được triển khai….

Pháp : Xử lý khủng hoảng dịch Covid-19 cần bình tĩnh

Liên quan đến chủ đề dịch, nhật báo công giáo La Croix có bài : "Đối mặt với dịch Covid-19 : Pháp muốn giữ cái đầu lạnh". Tờ báo ghi nhận, ngay khi một người Pháp 60 tuổi tử vong vì virus corona mới đêm 25/02. Ngay ngày hôm sau, ở cấp cao nhất của chính phủ đã có phản ứng về mặt y tế. Tuy nhiên, chính quyền vẫn tôn chỉ mệnh lệnh "không gây hoảng loạn".

Chính phủ Pháp đã triệu tập cuộc họp khẩn, để triển khai các biện pháp trước tiến triển mới của dịch. Mục tiêu của chính quyền là bảo đảm khả năng ứng phó với trường hợp dịch lan tràn bằng những quyết định chuẩn xác, không thái quá. Theo giáo sư virus học tại Lyon, Bruno Lina, được La Croix trích dẫn thì việc phát triển bệnh dịch trong một vùng đất "không phải là tai ương". Vị giáo sư này nhận định : "Chúng ta đang ở trước một ngưỡng mới. Hoặc nước Ý sẽ khống chế được dịch, điều này là có thể, hoặc trong trường hợp Ý không làm được thì Pháp vẫn có đủ tiềm năng hành động để tự bảo vệ". Điều cần thiết, theo chuyên gia này là phải có "các phản ứng thích hợp và đồng bộ", có cân nhắc giữa cái lợi và cái hại.

Một thí dụ cụ thể là trận cầu tranh Cúp C1 giữa Lyon và đội bóng Juventus cùng với cả ngàn cổ động viên đến từ Ý vẫn diễn ra mặc dù quyết định này đã bị nhiều dân biểu chỉ trích gay gắt. Trận đấu vẫn diễn ra bình thường, người dân Lyon cũng không hoảng sợ về sự có mặt của 3000 cổ động viên Juventus trong thành phố và cũng không thấy bóng chiếc khẩu trang y tế nào. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, đó là điều cần thiết để các giới chức y tế bình tĩnh xử lý kẻ thù vô hình virus corona.

Virus corona : Khẩu trang y tế có nên lạm dụng ?

Trong nhiều bài cập nhật thông tin về tình hình lan truyền của bệnh dịch trên thế giới, các tờ báo lớn như Le Monde, Libération đều dành nhiều trang để giúp độc giả hiểu thêm về dịch Covid-19.

Le Monde đặt ra những câu hỏi thiết thực nhất cho độc giả Pháp như : Tại sao tình hình ở Ý lại lo ngại đến như vậy ?

Thứ nhất là số ca nhiễm phát hiện ở Ý tăng nhanh đột ngột từ 6 ca lên hơn 300 ca trong vòng 4 ngày. Thứ 2 là những người nhiễm virus corona mới ở Ý đều không có liên hệ trực tiếp với ổ dịch chính là Trung Quốc, trong khi bệnh nhân số 0 vẫn chưa tìm được.

Phải làm gì khi từ Trung Quốc và Ý hay những nước nhiễm dịch khác trở về ?

Việc đầu tiên là tự cách ly trong 14 ngày, theo dõi thân nhiệt hàng ngày cũng như các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Nếu có biểu hiện nghi ngờ gọi cấp cứu chứ không đi khám bác sĩ.

Trong trường hợp nào thì phải đeo khẩu trang ?

Bộ Y tế Pháp khuyến cáo khẩu trang chỉ nên dùng cho những người từ vùng dịch về trong thời gian theo dõi cách ly. Những người nhiễm virus, các nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nhiễm tất nhiên phải đeo khẩu trang. Một biện pháp đơn giản và cần thiết là rửa tay thường xuyên với dung dịch tẩy trùng.

Le lói hy vọng tìm thấy thuốc trị Covid-19

Cho đến giờ thế giới vẫn bó tay với dịch Covid-19. Không có giải pháp nào hơn ngoài phát hiện và ngăn chặn lây lan. Tuy nhiên trang khoa học của báo Le Figaro có bài : "Chloroquine, phương thuốc kỳ diệu chống dịch ?"

Tờ báo cho biết hôm thứ Ba (24/02), giáo sư Pháp Didier Raoult, giám đốc Viện Nghiên cứu Nhiễm trùng Địa Trung Hải tại Marseille (Pháp) đã lên trang YouTube khẳng định chloroquine, thuốc trước đây vẫn dùng để trị sốt rét có thể có tác dụng trị được virus SARS-nCoV/2. Video của giáo sư Raoult trong vòng 24 giờ đã được hơn 200 nghìn lượt người xem làm le lói hy vọng có thuốc trị được bệnh dịch Covid-19. Tuy nhiên còn phải đợi thêm các thử nghiệm lâm sàng trực tiếp với những ca bệnh cụ thể thì mới có được kết luận khoa học cuối cùng.

Tờ báo cho hay, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu và mới cho thử nghiệm lâm sàng chloroquine trên người bệnh. Kết quả cuối cùng phải đợi đến tháng 8 tới mới có. Thận trọng vẫn đặt lên hàng đầu cho dù các nhà khoa học vẫn đang chạy đua với thời gian.

Trong khi trả lời phỏng vấn báo kinh tế Les Echos, giáo sư Didier Raoult đã giải thích tại sao chloroquine, thuộc chống sốt rét thông thường, không đắt và không gây nguy hiểm gì, có thể điều trị hiệu quả bệnh viêm phổi cấp do virus SARS-CoV/2 gây ra. Giáo sư danh tiếng này vẫn khẳng định "Chloroquine là cách đáp trả tốt nhất" dịch Covid-19 hiện nay.

Trung Quốc : Sức ép kinh tế nổi lên khi dịch chưa kịp dịu xuống

Vẫn liên quan đến bệnh dịch Covid-19, Le Figaro đề cập đến tình hình tại Trung Quốc, nhưng ở một góc nhìn khác qua bài báo có tựa đề : "Trung Quốc đang bắt đầu trở lại công việc rất chậm chạp".

Sau hơn một tháng vật lộn với trận chiến chống virus corona, tình hình bệnh dịch ở Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu lạc quan. Số lượng ca mới nhiễm Covid-19 hàng ngày đang giảm. Chính quyền bắt đầu mở chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy các công ty trở lại hoạt động.

Đầu tuần này, theo cơ quan kế hoạch Trung Quốc, ở một số nơi như tỉnh Chiết Giang hay Thượng Hải 90% các công ty công nghiệp đã trở lại hoạt động. Tại các tỉnh như Liêu Ninh, Quảng Đông, Giang Tô, Sơn Đông, 70% các doanh nghiệp đã nhúc nhắc làm việc. Ở những thành phố lớn, người ta đã bắt đầu thấy lại những đoàn xe hơi nối đuôi nhau chạy, hàng nghìn các cao ốc văn phòng không còn vắng lặng nữa.

Theo Le Figaro, đằng sau những con số thống kê chính thức trên, có một thực tế khác : Số thống kê chỉ tính đến các công ty lớn. Hơn nữa để mở lại hoạt động, nơi làm việc phải hội đủ các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có khả năng đáp ứng. Bên cạnh đó các nhân viên vẫn chưa thể có mặt đầy đủ. Bộ Giao thông Trung Quốc khẳng định một phần tư người lao động ngoại tỉnh đã trở lại nơi làm việc của mình từ sau Tết Nguyên Đán. Như thế tức là vẫn còn 220 triệu người còn bị cách ly hoặc không thể di chuyển.

Theo văn phòng tư vấn kinh tế Trung Quốc China Beige Book thì không có quá 1/3 doanh nghiệp hoạt động thực sự.

Trong khi đó Bắc Kinh đang tăng áp lực, cơ quan phụ trách kế hoạch đã gửi công văn đề nghị các vùng nguy cơ lây lan dịch thấp hãy trở lại hoạt động bình thường và cho chấm dứt hạn chế đi lại.

Le Figaro nhận xét : Chính phủ muốn tránh tình trạng ngừng trệ kéo dài sẽ dẫn đến các công ty bị phá sản, sa thải nhân công ồ ạt. Mỗi lần xuất hiện trên truyền thông, ông Tập Cận Bình không ngừng nhắc lại Trung Quốc sẽ đạt chỉ tiêu kinh tế năm 2020, tức tăng trưởng ở mức tối thiểu 5,5%. Tuy nhiên một số nhà kinh tế thân cận với chính quyền đã cảnh báo, tăng trưởng của Trung Quốc quý đầu năm nay có thể sẽ là 0%.

Anh Vũ

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 504 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)