Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/02/2020

Dịch Covid-19 gây xáo trộn mô hình kinh tế và ngoại giao cổ điển

RFI tiếng Việt

Dịch Covid-19 gây tranh luận về mô hình toàn cầu hóa (RFI, 28/02/2020)

Dich virus corona mới (Covid-19) đang làm xáo trộn chuỗi cung ứng của toàn cầu, gây trở ngại cho cỗ máy sản xuất của thế giới. Chứng khoán từ Âu sang Á tụt giảm, một phần lớn người lao động Trung Quốc được nghỉ phép dài hạn ngoài ý muốn. Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng dịch bệnh lần này là cơ hội để xem xét lại mô hình toàn cầu hóa.

mohinh1

Một công nhân đeo khẩu trang phòng hộ tại một xưởng dệt may ở Hàng Châu (Hangzhou), tỉnh Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 20/02/2020 China Daily via Reuters

Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire, dịch virus corona đang "thay đổi luật chơi" trên bàn cờ thương mại và kinh tế của thế giới. Thậm chí, tổng thống Mỹ Donald Trump còn hy vọng đây là thời điểm để những tập đoàn đã di dời cơ sở sản xuất ở hải ngoại trở về nguyên quán, "tái công nghiệp hóa" lại một số vùng và lãnh thổ ở Hoa Kỳ.

Thực ra, mọi việc không đơn giản. Trong một thế giới đã "toàn cầu hóa" trong gần 25 năm qua, Trung Quốc từng bước trở thành "công xưởng của thế giới". nhân công rẻ, luật lệ lao động không quá khắt khe... và dân số hơn một tỷ người của Trung Quốc là động cơ thúc giục các công ty quốc tế, bất luận lớn hay bé, ồ ạt di dời cơ sở sang Trung Quốc. Làn sóng dời cơ sở sản xuất đó không dừng lại ở Trung Quốc mà đã lan sang tất cả những quốc gia đang phát triển có tiềm năng.

Ngành dệt may chủ yếu hướng tới Ấn Độ, hay Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan hay Tunisia. Cũng Ấn Độ là bãi đáp lý tưởng của các công ty tin học. Một hãng sản xuất giầy nổi tiếng của Pháp cũng đã đóng cửa các nhà máy tại nguyên quán để sản xuất ở Trung Quốc với giá thành rẻ hơn. Thêm vào đó, là trong thế giới mở rộng, kinh tế của các nước đã đan kết chặt chẽ vào với nhau. Đến nỗi để sản xuất ra được một chiếc ô tô, tất cả các phụ tùng và trang thiết bị điện tử... được chế tạo và nhập khẩu từ 35 quốc gia khác nhau. Nhưng chỉ cần một trong số các đối tác đó gặp nạn, như lần này là trường hợp của Trung Quốc, là cũng đủ để cả hệ thống sản xuất của thế giới bị "trật đường rày".

Hơn nữa, cũng chính vì yếu tộ "đan kết chặt chẽ" này mà chính quyền Trump không thể phạt Hoa Vi của Trung Quốc mà không làm tác hại đến ngay các công ty của Mỹ trong ngành điện tử và viễn thông.

Trong bối cảnh như vậy, theo nhiều nhà phân tích, dịch Covid-19 gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhưng không thể dẫn đến việc xem xét lại mô hình "kinh tế toàn cầu hóa" và sự phân công lao động quốc tế đó. Bởi vì giới đầu tư, vì lợi nhuận, lúc nào cũng sẵn sàng đi rất xa để kiếm lời.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng giúp đưa tất cả mọi người cùng trở về với thực tế đó là chỉ số chứng khoán đã liên tục tăng mạnh từ hơn 7 năm qua để rồi mức rủi ro vỡ bong bóng được thẩm định là còn cao hơn cả so với thời kỳ tiền khủng hoảng tài chính 2008. Vì virus chủng mới này, chỉ số tài chính của từ Milano đến Hồng Kông, Thượng Hải hay Tokyo đã liên tục mất giá.

Tại Wall Street, Covid-19 chận đứng nhịp độ tăng đều đặn của chỉ số Dow Jones vốn được xem là hàn thử biểu đo lường sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ. Một số nhà phân tích không loại trừ khả năng virus corona đang làm hạ nhiệt tình hình trên các sàn chứng khoán. Ngược lại cũng có tiếng nói cho rằng, nếu kéo dài, Covid-19 có thể là mầm mống tạo nên một cơn bão tiền tệ và tài chính khác.

Trong cái rủi có cái may.

Dịch bệnh làm cho sản xuất đình đốn nhưng làm rõ sự cấp thiết phải bảo vệ và cải thiện môi trường. Tại Trung Quốc đành rằng hàng chục triệu người đã cách ly từ cả hơn tháng nay, các nhà máy và công sở đã phải đóng cửa, nhờ vậy mà mức thải khí carbon tại các thành phố lớn giảm mạnh. Đường phố vắng người, vắng xe ... chất lượng không khí tại Thượng Hải, Bắc Kinh được cải thiện hơn hẳn.

Với phần còn lại của thế giới cũng vậy, nhờ các hãng hàng không quốc tế ngưng hoạt động ở Hoa Lục, nhờ số du khách đến và xuất phát từ Trung Quốc giảm mạnh, lượng thải khí carbon trong ba tuần qua giảm được 10 % trên toàn thế giới. Giao thông hàng hải giảm mạnh trong ba tuần lễ đầu tháng 2/2020 đã góp phần làm giảm hẳn ô nhiễm cho môi trường.

Dù vậy, một số nhà quan sát còn bi quan cho rằng một khi Covid-19 đã lùi vào quá khứ, thì mọi việc vẫn đâu hoàn đấy.

Thanh Hà

*********************

Dịch Covid-19 cho thấy ngành thời trang Âu-Mỹ lệ thuộc Trung Quốc (RFI, 27/02/2020)

Hoành hành tại Trung Quốc từ tháng Giêng 2020, dịch covid-19 đã bùng lên tại Ý và bắt đầu tạo hoảng loạn phần nào ở Pháp vào hạ tuần tháng Hai. Một nạn nhân không ai nghĩ đến của dịch bệnh lại chính là ngành thời trang hạng sang.

mohinh2

Nhân viên bảo vệ đeo khẩu trang tại một nhà hát nơi diễn ra buổi trình diễn thời trang của Giorgio Armani, Milan, Ý. Ảnh chụp ngày 23/02/2020 Reuters/Alessandro Garofalo

Tuần Lễ Thời Trang Fashion Week ở Milano, miền bắc nước Ý, kết thúc hôm 23/02 trong không khí hỗn loạn, trong lúc Fashion Week ở Paris, thủ đô nước Pháp thì bắt đầu từ thứ Hai 24/02 với sự thiếu vắng của khách hàng Trung Quốc.

Ngoài thiệt hại không nhỏ cho ngành – ước tính sơ sơ cũng đến hàng chục tỷ đô la – dịch virus corona cũng đã vạch trần sự lệ thuộc đáng kể ngày nay của ngành thời trang phương Tây vào thị trường Trung Quốc, từng được cảm nhận gần đây khi hàng loạt các hãng thời trang, may mặc Âu Mỹ lục tục chiều ý Bắc Kinh trên các vấn đề như Đài Loan hay Hồng Kông.

Hệ quả ở Milano và Paris

Nhật báo Pháp Le Monde, ngày 25/02 vừa qua đã nêu bật quan hệ lệ thuộc vào Trung Quốc của ngành thời trang cao cấp phương Tây trong bài phân tích mang tựa đề : "Thời Trang : Nạn nhân bị vạ lây của virus corona".

Phóng viên của Le Monde đã đến Milano, thủ phủ của ngành thời trang Ý, vào hôm 23/02, đúng lúc dịch Covid-19 đang gây hoảng loạn với hơn 200 ca lây nhiễm được ghi nhận đến ngày này và 11 thị xã bị cô lập.

Tác động của dịch bệnh trên diễn tiến của ngày chót trong tuần lễ trình diễn thời trang may sẵn của phụ nữ mùa thu đông 2020/2021 tại Milano, đã rất tức thời, với nhà thời trang và mỹ phẩm Ý nổi tiếng Giorgio Armani, hay nhà tạo mốt Laura Biagotti, nhà thiết kế áo bông Moncler đã phải tiến hành các buổi trình diễn dự kiến mà không có khán giả, với các hình ảnh được truyền đi qua đường internet.

Qua ngày hôm sau, tại Fashion Week khai mạc ở Paris và dự trù kéo dài đến 03/03, tình hình có vẻ khá hơn vì thủ đô Pháp không nằm trong vùng dịch như Milano. Thế nhưng tác hại của virus corona đối với sự kiện vốn thu hút hàng ngàn người đến Pháp đã được thấy trước.

Sáu nhà thiết kế Trung Quốc (Mã Mã Sa Masha Ma, Trần Hạ Tư Shiatzy Chen (Đài Loan), Vương Hiệp Uma Wang, Jarel Zhang, Calvin Luo và Maison Mai) đã hủy bỏ chương trình giới thiệu mẫu thời trang của mình, chủ yếu là vì không thể đưa sản phẩm của họ từ Trung Quốc sang Pháp.

Còn những tên tuổi lớn của thời trang Paris, như Dior, Chanel và Saint Laurent, thì sẽ phải đối mặt với tình trạng khán giả thưa thớt. Tập đoàn Kering, công ty mẹ của Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen, ước tính "30% khán giả" của sự kiện tập hợp dân trong nghề này sẽ vắng mặt.

Thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận

Theo Le Monde, trong số những người không đến được Paris, quan trọng nhất có lẽ là những người Trung Quốc có "có ảnh hưởng" lớn, những ngôi sao lớn của các mạng xã hội Trung Quốc như Weibo, TikTok và Tiểu Hồng Thư (XiaoHongshu) chẳng hạn.

Một nhân vật được tờ báo Pháp đặc biệt chú ý là Bao Tiên Sinh (Tao Liang), 27 tuổi, còn được gọi là Mr Bags, tức là Ông Túi Xách, một blogger cực kỳ có uy tín tại Trung Quốc. Vì dịch Covid-19, nhân vật này có đến 7 triệu người theo trên mạng Vi Bác đã không đến được các buổi trình diễn thời trang ở New York, Luân Đôn và Milano, làm cho các nhóm có túi xách mà anh thường quảng cáo, rất thất vọng.

Một người Trung Quốc có ảnh hưởng khác vắng mặt tại Paris là Anny Fan, cô người mẫu cũng có 5 triệu người theo trên Vi Bác, một người kiếm được 18,8 triệu đô la (17,37 triệu euro) mỗi năm nhờ các ấn phẩm được tài trợ.

Đối với Le Monde, thiếu vắng các ngôi sao định hướng dư luận nói trên và các chiếc điện thoại thông minh bên cạnh sàn trình diễn của các người mẫu là một vố đau cho ngành thời trang.

Lý do, theo Le Monde, rất dễ hiểu. Đó là vì trong thị trường hàng xa xỉ thế giới được văn phòng tư vấn Bain & Company ước tính trị giá 281 tỷ euro, Trung Quốc rất nặng ký. Các nhãn hiệu lớn thực hiện hơn một phần ba doanh thu với các khách hàng mang quốc tịch Trung Quốc, ở Trung Quốc hoặc ở nước ngoài, trong các chuyến du lịch.

Một cách cụ thể, Châu Á vẫn là động lực tăng trưởng cho các thương hiệu thời trang của LVMH (tăng 17% vào năm 2019, đạt mức 22,2 tỷ euro) và Kering (tăng 20% doanh thu năm 2019 ở Châu Á, so với năm 2018).

Nhờ các video và bài viết của họ, các nhà ảnh hưởng gọi theo tiếng Anh là "KOL" - từ viết tắt của key opinion leader - đóng vai trò rất lớn cho sức khỏe phải nói là ngoạn mục của ngành hàng hiệu cao cấp ở Trung Quốc. Nhà sản xuất túi xách Tod’s của Ý chẳng hạn, đã gây được tiếng vang to lớn vào tháng 7 năm 2019 khi hợp tác với Mr. Bag để ra mắt phiên bản giới hạn của kiểu túi Unicorn D-Styling. Nhờ lượng người theo khổng lồ của Bao Tiên Sinh, 320 bản của kiểu túi này, bán ra với giá hơn 1.800 euro một chiếc, đã được bán hết trong vài phút đồng hồ.

Quảng cáo ở Châu Á

Do đó, để khắc phục sự vắng mặt của những người có ảnh hưởng này trong các buổi trình diễn thời trang ở Paris, các thương hiệu hàng xa xỉ đã tăng cường biện pháp phát video trực tiếp trên mạng xã hội. Sau đó đến lượt các KOL nhập cuộc, chia sẻ video và hình ảnh trên tài khoản của họ với những người đăng ký theo dõi.

Louis Vuitton, Dior, Celine, Kenzo thuộc tập đoàn LVMH chẳng hạn, sẽ phát trên Vi Bác và WeChat, hai mạng xã hội chính được hoạt động tại Trung Quốc. Các mác thuộc tập đoàn Kering là Saint Laurent, Balenciaga và Alexander McQueen hay Hermes cũng dùng đến internet để truyền qua Trung Quốc hình ảnh các bộ sưu tập mới.

Về phần mình, Liên Đoàn Thời Trang và May Mặc Cao Cấp sẽ phát đi tất cả các chương trình thời trang ở Paris từ các tài khoản xã hội của tổ chức này, đặc biệt là trên Vi Bác và TikTok rất được người Trung Quốc ưa thích.

Mọi người hy vọng sẽ tái lập thành công đã gặt hái được ở Milano. Theo báo chí Ý, đã có khoảng một ngàn người Trung Quốc trong ngành không thể tham dự tuần lễ thời trang Milano. Để chữa cháy, ban tổ chức đã cho truyền trực tiếp 56 buổi trình diễn thời trang trên Internet và mạng xã hội. Ngày 19/02 chẳng hạn, buổi trình diễn thời trang của Gucci, một thương hiệu mà người Châu Á yêu thích, đã thu hút được hơn 1,5 triệu kết nối từ các địa chỉ IP tại Trung Quốc.

Dịch Covid-19 cũng đã phá hoại các kế hoạch trình diễn của nhiều thương hiệu thời trang cao cấp tại Châu Á. Prada đã hủy chương trình tại Nhật Bản vào tháng Năm, và Chanel cũng đã bỏ một sự kiện diễn ra cùng tháng tại Bắc Kinh.

Ngành thời trang cao cấp có thể bị thất thu đến 40 tỷ euro

Đối với hầu hết các thương hiệu Âu-Mỹ, tăng cường quảng cáo ở Châu Á đang trở thành sống còn vào lúc các mặt hàng xa xỉ của họ đang phải đối mặt với 3 hệ quả của dịch Covid-19 : Các điểm bán hàng ở Trung Quốc bị đóng cửa, doanh số bán hàng bị sụp đổ kể cả trên mạng do thiếu người giao hàng, và trong các cửa hàng miễn thuế duty-free ở sân bay vì thiếu khách du lịch quá cảnh.

Theo Ủy Ban Altagamma phụ trách lãnh vực hàng xa xỉ tại Ý, ngành thời trang cao cấp sẽ không thể khôi phục hoạt động bình thường trước năm 2021. Từ nay đến đó, thất thu của ngành được ước tính lên tới mức từ 30 đến 40 tỷ euro.

Trong khi chờ đợi các số liệu cụ thể hơn về các tổn thất kể từ khi con vius xuất hiện vào cuối tháng 12 năm 2019, một số thương hiệu đã lên tiếng báo động. Lãnh đạo nhà thiết kế áo bông cao cấp Moncler, vào đầu tháng Hai này, đã cho biết là một phần ba cửa hàng Moncler đã bị đóng cửa tại Trung Quốc, nhãn hiệu Burberry của Anh thì cảnh báo về những "tác động tiêu cực đáng kể", các nhóm Mỹ như Coach hay Ralph Lauren cũng thừa nhận bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 569 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)