Chứng khoán lao dốc, nước Ý bị cách ly, Trump tìm cách trấn an về virus (VOA, 10/03/2020)
Toàn bộ nước Ý bị cách ly, thị trường tài chính chao đảo và tù nhân bạo loạn là những gì đã xảy ra hôm thứ Hai 9/3 cho thấy dịch virus corona đang lan rộng trên toàn cầu và tác động trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội như thế nào, theo Reuters.
Ga tàu đi Rome vắng vẻ sau khi chính phủ Ý ra lệnh cách ly khu vực phía bắc Bologna vào ngày 8/3/2020.
Các thị trường chứng khoán lớn ở Châu Âu đã giảm hơn 7%, các chỉ số của Nhật Bản giảm hơn 5% và các thị trường Mỹ giảm hơn 7% sau khi Saudi Arabia bắt đầu cuộc chiến giá dầu với Nga, khiến cho các nhà đầu tư vốn đã lo ngại về dịch virus corona nay phải tìm cách thoát thân.
Tại Ý, nơi có hình hình dịch bùng phát tồi tệ nhất tại Châu Âu với số ca nhiễm và tử vong tăng vọt, chính phủ đã thực hiện các bước quyết liệt nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh, ảnh hưởng đến khoảng 60 triệu người dân tại đây. Nước này đã ra lệnh cho tất cả mọi người trên khắp cả nước không được di chuyển ngoài nơi làm việc và trong trường hợp khẩn cấp, cấm tất cả các cuộc tụ họp công cộng và các sự kiện thể thao bị đình chỉ, bao gồm cả các trận đấu bóng đá.
Số tử vong ở khu vực Lombardy của Milan đã tăng 25% trong một ngày, lên con số 333 người, trong khi số người chết trên toàn quốc tăng thêm 97 người, lên tổng cộng 463 người, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Khu vực Lombardy đã bị cách ly, tất cả các rạp chiếu phim, nhà hát và bảo tàng bị đóng cửa và số giờ hoạt động của các nhà hàng bị hạn chế.
Hơn 9.000 người đã bị nhiễm bệnh ở Ý trong vòng chưa đầy hai tuần, trong tổng số hơn 113.000 trên toàn cầu tại hơn 100 quốc gia. Gần 4.000 người đã chết trên khắp thế giới, đại đa số là ở Trung Quốc đại lục.
Kế hoạch kinh tế của Mỹ
Tại Hoa Kỳ, nơi đã ghi nhận hơn 600 trường hợp nhiễm bệnh và 26 ca tử vong, chính quyền Trump hôm thứ Hai đã lên tiếng đảm bảo với dân chúng về việc đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh, giữa lúc thị trường chứng khoán sụt giảm và các giới chức y tế hàng đầu kêu gọi mọi người tránh đi du thuyền, đi máy bay và tụ tập đông người.
Tổng thống Donald Trump họp báo về kế hoạch đối phó với dịch Covid-19 vào ngày 9/3/2020.
Trong lúc tiếp tục hạ giảm mối đe dọa do chủng virus giống như cúm gây ra, Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ công bố các biện pháp kinh tế vào ngày thứ Ba (10/3) và sẽ thảo luận về việc cắt giảm thuế tiền lương với Quốc hội để thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Trump gần đây đã tiếp xúc với hai thành viên của Quốc hội, bao gồm một người đã đi trên chiếc Air Force One và đang tự cách ly vì những ngại về việc tiếp xúc với virus.
Phó Tổng thống Michael Pence nói ông không biết ông Trump đã được xét nghiệm virus corona hay chưa.
Trên khắp thế giới, các chuyến bay đã bị hủy bỏ, các cộng đồng và du thuyền bị cô lập, các buổi hòa nhạc và hội chợ thương mại bị hoãn lại. Trong khi một số quốc gia, chẳng hạn như Trung Quốc và Ý, đã chuyển sang các biện pháp quyết liệt để cố gắng trì hoãn sự lây lan của virus, thì các quốc gia khác vẫn ở trong giai đoạn "ngăn chặn", trong đó các trường hợp riêng lẻ vẫn có thể được theo dõi.
Vương quốc Anh, với 5 trường hợp tử vong trong số gần 300 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận, cho biết họ sẽ vẫn ở trong giai đoạn này cho đến hiện tại, vẫn cho phép các cuộc tụ họp đông người và các sự kiện thể thao lớn tiếp diễn, trong khi có sự chuẩn bị lớn hơn để chuyển sang giai đoạn "trì hoãn" khi cần thiết.
Tại quốc gia láng giềng Ireland, Thủ tướng Leo Varadkar, cho biết gói ngân sách trị giá 3 tỷ euro (3,4 tỷ USD) để đối phó với virus corona đã được chuẩn thuận.
Tại Tây Ban Nha, các trường học đã bị đóng cửa trên khắp khu vực Madrid và thủ phủ Vitoria của xứ Basque trong hai tuần khi các trường hợp nhiễm bệnh lên đến 1.200 người trên toàn quốc.
Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết kế hoạch kinh tế khẩn cấp đã được chuẩn bị.
Saudi Arabia sẽ phạt nặng
Ở vùng Vịnh, nơi hầu hết các ca nhiễm đều xuất phát từ Iran, thì công việc trọng tâm là kiểm soát biên giới.
Thánh địa Mecca được tẩy trùng. Saudi Arabia quy định phạt nặng du khách không tiết lộ thông tin về sức khoẻ và chi tiết hành trình của mình.
Saudi Arabia cho biết những người không tiết lộ thông tin về sức khỏe và chi tiết du lịch khi nhập cảnh sẽ bị phạt lên tới mức 133.000 USD.
Iran, với 7.161 trường hợp nhiễm bệnh và 237 người chết, cho biết đang tạm thời thả khoảng 70.000 tù nhân ra vì virus corona.
Trung Quốc và Hàn Quốc đều báo cáo có sự chậm lại trong số ca nhiễm bệnh mới.
Tại Trung Quốc đại lục, ở khu vực bên ngoài tâm dịch là tỉnh Hồ Bắc, không ghi nhận ca nhiễm virus corona mới nào trong ngày thứ Hai.
Hàn Quốc báo cáo 165 trường hợp mới, đưa tổng số ca bệnh tại quốc gia lên tới 7.478, trong khi số người chết tăng thêm 1 người, lên đến 51 người.
Với tốc độ gia tăng các ca nhiễm mới ở mức thấp nhất trong 11 ngày, Tổng thống Moon Jae-in nói Hàn Quốc có thể sớm bước vào giai đoạn "ổn định".
Người thân của các tù nhân đụng độ với cảnh sát Ý bên ngoài nhà tù Rebibbia vào ngày 9/3/2020, sau khi nước này đưa ra quy định tạm thời không cho thăm thân nhân vì sợ dịch bệnh lây lan.
Ở Ý, giai đoạn đó dường như vẫn còn xa. Nhà chức trách cho biết 7 tù nhân đã chết khi các cuộc bạo loạn lan rộng trên hơn 25 nhà tù trên khắp đất nước về các biện pháp áp đặt nhằm kiềm chế virus corona.
Cảnh sát và xe cứu hỏa đã tập trung bên ngoài nhà tù chính ở thị trấn Modena phía bắc, nơi xảy ra vụ bạo lực tồi tệ nhất.
Các nhân viên gác cửa ở Rome và Milan cho biết cảnh sát đã đến cảnh báo rằng họ có nguy cơ phải đóng cửa nếu họ để khách hàng túm tụm với nhau.
"Chúng tôi cùng nhau đi vào quán cà phê nhưng được bảo là phải đứng cách xa nhau. Điều đó thực sự kỳ quặc bởi vì chúng tôi là bạn bè", Reuters dẫn lời Ilaria Frezza, một sinh viên 21 tuổi, nói.
Nhưng quán bar mà sinh viên này đến, trên thực tế, gần như bị bỏ hoang, Reuters tường thuật.
****************
Chỉ số Dow Jones giảm mức lịch sử sau cú sốc giá dầu (VOA, 09/03/2020)
Các chỉ số chính ở Phố Wall đã giảm 7% và Dow Jones giảm 2.000 điểm, mức giảm lớn nhất trong ngày từ trước đến nay, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (9/3) sau khi giá dầu giảm 22%.
Màn hình hiển thị chỉ số Dow Jones trên Sàn chứng khoán New York vào ngày 24/2/2020.
Theo Reuters, giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đã bị ngừng lại ngay sau khi mở ra vào thứ Hai, khi chỉ số S&P 500 giảm 7%, gây ra việc tự động ngừng giao dịch trong 15 phút, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
Động thái tăng sản lượng dầu đáng kể của Saudi Arabia sau khi thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC với Nga bị sụp đổ đã tạo ra những làn sóng mới trên thị trường tài chính toàn cầu, vốn đang xáo trộn vì tác động của sự bùng phát dịch virus corona.
Dầu thô ghi nhận một ngày tồi tệ nhất trong gần ba thập niên, khiến các công ty dầu mỏ Chevron và ExxonMobil giảm hơn 9%. Chỉ số năng lượng SPNY giảm 20,1%.
Vào lúc 9g54 sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ, chỉ số Dow Jones đã giảm 1.791,85 điểm, tương đương 6,93%, ở mức 24.072,93 ; và chỉ số S&P 500 giảm 195,93 điểm, tương đương 6,59%, ở mức 2,776,44. Chỉ số Nasdaq giảm 530,62 điểm, tương đương 6,19%, ở mức 8.045,00.