Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/03/2020

Điểm báo Pháp - Virus corona : ai phải biết ơn ai ?

RFI tiếng Việt

Virus corona : Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Trong bối cảnh số người nhiễm virus corona và chết vì dịch bệnh vẫn không ngừng tăng nhanh chóng, virus đã lan rộng ra 117 quốc gia trên toàn thế giới, báo chí Pháp hôm nay đều tập trung vào Covid-19, nhưng dàn trải trên nhiều khía cạnh.

ai1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một bệnh viện ở Vũ Hán, ngày 10/03/2020. Reuters

Cú sốc kinh tế, những thách thức với Liên Hiệp Châu Âu, những biện pháp hà khắc ở Ý, nguy cơ nước Pháp sa vào con đường của Ý, khó khăn của các nước xuất khẩu dầu lửa, cuộc chiến chống tin giả trên các mạng xã hội, ý đồ viết lại lịch sử của chính quyền Bắc Kinh... Tất cả đều xoay quanh con virus mà mắt thường không nhìn thấy được.

Tập Cận Bình : Người giải phóng thành phố Vũ Hán ?

Hướng về Trung Quốc, qua bài viết "Đối với Tập Cận Bình, tình hình ở Trung Quốc đã được kiểm soát", Le Monde giải mã ý đồ của chủ tịch Tập trong chuyến thăm ổ dịch Vũ Hán hôm qua 10/03. Chuyến đi Vũ Hán đầu tiên của Tập Cận Bình từ khi thành phố này biến thành ổ dịch Covid-19 chứng tỏ Bắc Kinh cho rằng đã khống chế được sự lây lan của virus corona. Đây là một chuyến đi mang tính biểu tượng cao.

Ban đầu, Tập Cận Bình rất kín đáo trong công tác chỉ đạo quản lý dịch bệnh, đến giữa tháng Hai, ông Tập lên tuyến đầu, sau khi một tạp chí vốn được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản, Cầu Thị (Qiushi), cho đăng một bài phát biểu của chủ tịch Trung Quốc, theo đó ông Tập khẳng định ngay từ ngày 07/01 đã yêu cầu thực hiện các biện pháp để "phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh". Một nhà ngoại giao Châu Âu tại Bắc Kinh xin ẩn danh giải thích với Le Monde là việc này "cứ như thể bộ máy tuyên truyền muốn nhấn mạnh đến việc Tập Cận Bình đã cảnh báo tất cả mọi người về điều sắp xảy ra nhưng không ai nghe theo".

Ban đầu, Bắc Kinh muốn là một hình mẫu trong việc kết hợp kiểm soát và phòng ngừa dich bệnh đồng thời đảm bảo sự vận hành hết công suất của nền kinh tế. Kể từ khi dịch bệnh có chiều hướng suy giảm vào nửa cuối tháng Hai, giới lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh đến ý chí : cuộc chiến sắp thắng lợi và Trung Quốc từ nay sẽ gánh trách nhiệm của một siêu cường. Chính phủ Trung Quốc chuyển sang hỗ trợ các nước đang phải đối phó với virus, cấp cho các nước láng giềng, các nước đang phát triển các bộ dụng cụ xét nghiệm, khẩu trang, bộ đồ bảo hộ. Hôm 09/03, bài xã luận của nhật báo Hoàn Cầu thời báo, vốn nổi tiếng với lập trường dân tộc, nhận định Trung Quốc phải khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế và cho thấy là một siêu cường kinh tế đáng tin cậy và duy trì sự hấp dẫn đối với phần còn lại của thế giới.

Chính phủ và người dân Trung Quốc, ai phải biết ơn ai ?

Trở lại với Vũ Hán, Le Monde cho rằng tình hình được kiểm soát chặt chẽ khi ông Tập đến thành phố này, để tránh mọi hình thức phản kháng. Ông Tập muốn xuất hiện như một người đến để giải quyết các vấn đề và giải phóng thành phố khỏi những nỗi thống khổ mà người dân phải gánh chịu khi bị cách ly. Hồi tuần trước, nhà chức trách địa phương đã phạm nhiều sai lầm. Khi phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) đến Vũ Hán, bà đã bị người dân một khu phố đón chào bằng câu "Tất cả đều là giả dối". Báo chí Nhà nước đã nhân sự kiện này chỉ trích chính quyền địa phương.

Còn cuối tuần qua, sau khi tân bí thư Vũ Hán tung ra chiến dịch "giáo dục về lòng biết ơn" cho người dân thành phố với phát biểu : "Chúng ta phải biết ơn tổng bí thư (Tập Cận Bình) và Đảng cộng sản", ngay lập tức trên các mạng xã hội, dân chúng bày tỏ nỗi phẫn nộ. Lời đáp trả của nhà văn nữ Phương Phương (Fang Fang) đã được chia sẻ rộng rãi : "Chính phủ phải ngưng thái độ ngạo nghễ và biết khiêm nhường tỏ lòng biết ơn các chủ nhân : hàng triệu cư dân Vũ Hán". Kể từ đó, chính quyền địa phương đã phải lui bước. Những câu nói về chiến dịch giáo dục nói trên đã biến mất trên báo chí Nhà nước nhưng những phát biểu phê phán trên các mạng xã hội đã bị kiểm duyệt ồ ạt.

Còn Le Figaro, trong bài viết "Virus corona : Trung Quốc đang tiến gần đến thắng lợi", nhận xét Trung Quốc "cuối cùng đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm". Giờ là lúc để bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản tung ra những lời ngợi ca đầy thi vị : "Dưới sự chỉ đạo của cá nhân tổng bí thư Tập Cận Bình, chiến thắng chưa từng có chống Covid-19 đang đến gần, cùng với thanh âm của mùa xuân đang về".

Tập Cận Bình muốn "viết lại lịch sử" ?

Còn báo Libération nhận định Đảng cộng sản Trung Quốc có thể tiếp tục viết lại lịch sử, với Tập Cận Bình là người chiến thắng trong cuộc chiến của nhân dân chống lại con virus. Ngay từ hôm 27/02, nhà dịch tễ học tiếng tăm Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) tuyên bố : "Virus corona có thể không phải đến từ Trung Quốc". Quan điểm này sau đó được Bộ Ngoại giao và các đại sứ Trung Quốc ở nước ngoài nhắc lại. Thậm chí đại sứ quán Trung Quốc, trong một lá thư ngỏ gửi Hoa kiều ở Nhật hôm 05/03, còn gọi virus corona là "virus Nhật Bản".

Cơ quan kiểm duyệt của Bắc Kinh nhân dịp này còn cho phát tán các thuyết âm mưu theo đó virus đến từ Mỹ. Một người dẫn chương trình truyền hình còn đòi "phần còn lại của thế giới phải xin lỗi Trung Quốc cho những sự hy sinh" mà họ đang gánh chịu. Theo Libération, mục tiêu của Bắc Kinh là khiến mọi người quên đi rằng chế độ Trung Quốc đã để lãng phí 3 tuần lễ quý báu trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Liên Hiệp Châu Âu và cuộc trắc nghiệm tình đoàn kết

Liên Âu là một ổ dịch lớn, tất cả các nước thành viên đều đã bị ảnh hưởng, nhất là Ý, Pháp, Đức. Le Monde, Le Figaro Les Echos hôm nay tập trung vào những thách thức và biện pháp của Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19. Báo kinh tế Les Echos cho biết "27 nước thành viên Liên Hiệp đang nỗ lực phối hợp hành động để đối phó với virus corona". Cuộc họp của lãnh đạo các quốc gia thành viên tối hôm qua là nhằm đánh giá kho dự trữ, nhu cầu và khả năng sản xuất trang thiết bị bảo hộ.

Trước cuộc họp, phủ tổng thống Pháp cho biết mục tiêu là các nước chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp về vệ sinh y tế và kinh tế. Hiện nay, Châu Âu đang hành động theo kiểu "mạnh ai nấy làm", từ công tác kiểm soát biên giới, đình chỉ các tuyến hàng không, nhất là với Trung Quốc và Iran, đóng cửa trường học, hạn chế tập trung nơi công cộng… Chính sự thiếu thống nhất này khiến công chúng lo ngại.

Les Echos nhấn mạnh đây chính là lúc trắc nghiệm nguyên tắc đoàn kết, vốn là cơ sở để thành lập Liên Hiệp Châu Âu. Cho đến nay, vẫn chưa có thành viên nào có biện pháp hỗ trợ cụ thể dành cho Ý, ổ dịch lớn nhất Châu Âu. Ý đã đề nghị được cung cấp các kit xét nghiệm nhưng chưa có nước nào hồi đáp. Bỉ đề nghị Đức hỗ trợ khẩu trang, nhưng Berlin thì cấm xuất khẩu mặt hàng này, còn Pháp trưng thu toàn bộ khẩu trang trong nước.

Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh

Ra sớm từ chiều hôm qua, Le Monde nhận định "Chống virus corona, Liên Hiệp Châu Âu phải hành động nhanh và mạnh". Tờ báo nhấn mạnh trong những cuộc khủng hoảng trong quá khứ, chính thái độ do dự, lưỡng lự đã khiến Liên Âu phải trả giá đắt. Về kinh tế, giờ không phải lúc để trì hoãn, khất lần. Liên Hiệp Châu Âu phải khẩn trương đối phó với cơn bão lớn có khả năng quét sạch mọi thứ trên đường nó quét qua, trong bối cảnh giá dầu mỏ đã giảm sút mạnh, thị trường chứng khoán bất ngờ suy sụp, thương mại thế giới sụt giảm, nhu cầu hàng hóa trong mọi lĩnh vực trên thế giới đột ngột tiêu biến.

Le Monde nhấn mạnh Liên Âu không được phép lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và khủng hoảng nợ 2011, khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã phải trả giá đắt khi do dự trong việc can thiệp ồ ạt và khẩn cấp để "dập tắt đám cháy". Lần này, Liên Âu bắt buộc phải suy ngẫm về câu nói của tướng MacArthur : "Những trận thua đều có thể được tóm tắt bằng hai từ : quá muộn".

"Cơn bão đang nổi lên" không có liên hệ gì với cuộc khủng hoảng hồi năm 2008, vốn đã tấn công vào tâm hệ thống tài chính. Lần này, điều quan trọng là chúng ta tự tìm ra phương tiện để vượt qua một thử khách khó khăn nhưng không phải là không thể vượt qua, với điều kiện là các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu phối hợp và đoàn kết với nhau. Các biện pháp hỗ trợ mà các nước quyết định cho đến nay là khác nhau và được xem như là một liệu pháp vi lượng đồng căn, trong khi Châu Âu cần được điều trị bằng liệu pháp sốc.

Liệu pháp nói trên bao gồm việc nới lỏng các quy tắc quản lý viện trợ Nhà nước, loại trừ các biện pháp về coronavirus khỏi những phép tính mức thâm hụt quốc gia, các biện pháp mạnh mẽ để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ECB và Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu áp dụng (EIB). Điều thiết yếu là nhằm duy trì sự liên tục trong hoạt động của các doanh nghiệp và việc làm trong khi chờ đợi tình trạng an toàn vệ sinh được cải thiện.

Le Monde kết luận trong bối cảnh sự hoảng loạn đang xâm chiếm thị trường tài chính, các phản ứng chính trị ở giai đoạn này dường như chưa đạt tầm mức cần thiết. Nếu Châu Âu không thể cho thấy sự quyết đoán và phối hợp nhiều hơn, hậu quả của dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ rất nặng nề và gây nhiều đau đớn.

Trong khi đó, báo Libération cho biết trong cuộc họp hôm qua, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hứa thành lập một quỹ với 25 tỉ euro để chống dịch Covid-19, trong đó 7,5 tỉ euro sẽ được trích từ ngân sách Liên Hiệp ngay từ tuần này. Số tiền này chủ yếu dành để cải thiện các hệ thống chăm sóc y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thị trường lao động, và đặc biệt là các nước kinh tế kém phát triển nhất trong khối.

Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần !

"Hãy phát huy tính kỷ luật, cho dù chỉ một lần !" là lời kêu gọi trong bài xã luận của báo Le Figaro. Trong khi chủ tịch Tập Cận Bình đang muốn nhắn gửi "thông điệp chiến thắng virus", thì Châu Âu lại đang đối đầu với sự lây lân mạnh của virus. Nước Ý đang tiến bước theo con đường của Trung Quốc, nhưng Le Figaro nói một cách hình ảnh, vấn đề nằm ở chỗ Roma không được trang bị "những loại vũ khí" giống như Trung Quốc.

Biện pháp cách ly được chính quyền Roma ban hành cho toàn quốc, nhưng việc áp dụng trên thực tế lại chỉ ở mức tương đối : các phương tiện giao thông công cộng vẫn hoạt động, dòng người xếp hàng dài ở quầy thu ngân trong các siêu thị, người dân vẫn có thể đi làm. Và rất khó để Châu Âu có thể triển khai các biện pháp vệ sinh y tế như chính quyền Trung Quốc đã cho áp dụng với hàng trăm triệu người dân. Covid-19 cho phép tiết lộ tính cách của cả một dân tộc và chính phủ một nước. Nếu Trung Quốc độc đoán, chuyên quyền, người Ý nổi tiếng với niềm đam mê, thì theo Le Figaro, đặc trưng của người Nhật Bản và Hàn Quốc là tính kỷ luật …

Sự lây lan dịch bệnh ở Pháp cũng sẽ tương tự ở Ý, chỉ là chậm hơn một vài ngày. Le Figaro nhận định các biện pháp nghiêm khắc hơn sẽ sớm trở nên cần thiết. Thế nhưng, do ý thức được về tác động của những biện pháp này đối với nhân dân Pháp, vốn luôn muốn tự do, chính phủ luôn nhấn mạnh chỉ đưa ra các quyết định tùy theo mức độ tình hình. Thế nhưng, chính điều này lại có thể khiến công chúng lo sợ về khả năng dịch bệnh lây lan là không thể tránh khỏi.

Cách duy nhất là dân chúng thể hiện ý thức kỷ luật ngay từ bây giờ : giữ gìn vệ sinh (rửa tay), hạn chế di chuyển và tập hợp đông người… Le Figaro để ngỏ câu hỏi : Liệu virus corona có thể cho thấy nét mới về lý tính và ý thức kỷ luật trong tính cách của người Pháp hay không ? Hay là người Pháp muốn đợi đến khi quá muộn mới "nổi dậy" chống lại virus ?

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 579 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)