Virus corona : Mỹ bị hơn 1.000 ca nhiễm, New York huy động Vệ binh Quốc gia chống dịch (RFI, 11/03/2020)
Tính đến hôm 10/03/2020, tổng số ca nhiễm trên đất Mỹ đã vượt ngưỡng 1.000 người. Trong bối cảnh bang New York đã trở thành một ổ dịch quan trọng, với 173 ca nhiễm, thống đốc bang này đã quyết định áp dụng kể từ ngày 12/03 một biện pháp chống dịch chưa từng thấy : huy động lực lượng Vệ binh Quốc gia để hỗ trợ lệnh cách ly đối với một vùng ngoại ô thành phố New York.
Hành khách đeo khẩu trang tại nhà ga Penn Station, New York, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 09/03/2020 Reuters/Eduardo Munoz
Đó là vùng New Rochelle, thuộc hạt Westchester nằm ở phía bắc New York. Tại vùng ngoại ô khá giả này, sau khi xét nghiệm được 108 ca nhiễm virus corona, chính quyền đã lập tức ban hành lệnh cách ly trên một khu vực có bán kính khoảng 1,6 km quanh một nhà thờ Do Thái Giáo ở New Rochelle, bị coi là nơi phát tán dịch bệnh. Ba trường học và nhiều cơ sở tôn giáo bị đóng cửa, và thống đốc bang New York đã cho triển khai lực lượng Vệ binh Quốc gia đến nơi để tham gia chống dịch.
Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten phân tích :
Tình huống đặc biệt đòi hỏi cách đối phó quyết liệt. Đây chính là thông điệp mà ông Cuomo, thống đốc bang New York muốn đưa ra vào hôm qua cho thấy thái độ quan ngại trước sự kiện New Rochelle, một thị trấn chỉ 80.000 cư dân, lại có số ca nhiễm virus corona cao hơn gấp đôi so với thành phố New York cực kỳ đông dân.
Ông đã cho triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia đến nơi để phân phát thực phẩm cho những người bị bệnh, cũng như khử trùng các trường học. Việc điều động Vệ binh Quốc gia đã gây ấn tượng mạnh trong trí tưởng tượng của mọi người, nhưng theo anh Tanguy Hubert, đang sống cùng vợ và ba đứa con ở New Rochelle, thì trong thực tế, người ta vẫn có thể tự do di chuyển và các biện pháp giới hạn đi lại rất kín đáo.
Đối với anh Hubert, khi gắn liền hai khái niệm Vệ binh Quốc gia với Vùng cách ly, người ta thường có cảm tưởng rằng ngày tận thế đã đến nơi, với xe tăng, trực thăng, với việc cấm rời khỏi nhà. Thế nhưng lúc này, mọi người vẫn có thể ra ngoài, cho dù đôi khi cũng gặp vài người đeo khẩu trang. Người ta vẫn vào các cửa hàng, và không nhất thiết là ai cũng có xe đẩy đầy gạo.
Đối với dân sống trong vùng bị cách ly, vấn đề nan giải nhất là làm sao giữ con cái khi trường học bị đóng cửa, và khi toàn bộ các gia đình trong thành phố đều lâm vào hoàn cảnh này.
Trên phạm vi toàn nước Mỹ, tính đến hết ngày hôm qua, 10/03, đã có 1001 người nhiễm bệnh Covid-19, một con số đã tăng gấp đôi so với 550 ca nhiễm một hôm trước. Những bang có số ca nhiễm cao nhất là Washington (271 trường hợp), kế đến là New York (173 ca), California (159 ca ) và Massachusetts (92 ca). Số trường hợp tử vong cũng tiếp tục gia tăng, đã lên đến 30 người chết.
Theo giới chuyên gia y tế, số ca nhiễm sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trước khi chính phủ Mỹ có thể khống chế được dịch bệnh. Nhiều chuyên gia đã phê phán chính quyền Liên bang là đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, cũng như là đã chậm trễ trong việc hoàn thiện các xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh.
Trọng Nghĩa
*******************
Chế độ bảo hiểm y tế và xã hội Mỹ có giúp kháng được virus corona không ? (RFI, 11/03/2020)
Sau cuộc khủng hoảng máy bay Boeing 737 MAX, dịch virus corona có nguy cơ tác động đến thành tích nhiệm kỳ đầu tiên của tổng thống Donald Trump. Hơn 1.000 người bị nhiễm virus corona và dịch tiếp tục lan rộng trên khắp nước Mỹ.
Một bệnh nhân được xe cấp cứu đưa đến trung tâm y tế ở Seattle, hiện đang là tâm dịch tại tiểu bang Washington, Hoa Kỳ ngày10/03/2020. Reuters/Jason Redmond
Cuộc khủng hoảng dịch tễ bắt đầu cho thấy một số bất cập trong hệ thống an sinh xã hội Mỹ, có thể khiến một bộ phận cử tri của tổng thống Trump lung lay, nếu các vấn đề này không được giải quyết hợp lý.
Mỹ có hệ thống y tế vững chắc, với mạng lưới trung tâm y tế rộng khắp, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhân viên đông đảo, gần 15.000 người. Mạng lưới theo dõi nguy cơ dịch bệnh phối hợp chặt chẽ với nhau, cũng như với chính quyền liên bang. Khi có dịch bệnh, toàn bộ hệ thống sẵn sàng ứng chiến.
Tuy nhiên, một hệ thống hoàn hảo như vậy liệu có đủ để ngăn được đà lây lan của virus corona hay không, trong khi quyền lợi của bệnh nhân và người lao động tại Mỹ vẫn còn nhiều thiếu sót, theo phân tích của Sarah Rozenblum, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và khoa học chính trị tại đại học Michigan, được Le Monde trích đăng ngày 06/03/2020.
Chế độ nghỉ ốm không phổ biến
Chế độ nghỉ ốm không được quy định trong luật liên bang Mỹ. Tuy nhiên, tại một số bang (New York, Washington), người lao động vẫn có quyền nghỉ ốm hưởng lương trong vòng 9 ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ rất chênh lệch giữa người lao động phổ thông (chỉ khoảng 63%) và viên chức quản lý – cán bộ (90%), theo Phòng Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics).
Người lao động có thu nhập thấp tại Mỹ thường được trả lương theo giờ hoặc theo ngày, trong đó có vài triệu người không được hưởng bảo hiểm y tế. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona và được yêu cầu cách ly 14 ngày, họ buộc phải nghỉ làm và như vậy sẽ không có thu nhập. Vì không có nguồn tài chính dồi dào để "cầm cự", và vẫn phải thanh toán các khoản chi cố định hàng tháng như tiền thuê nhà, điện, nước… nhiều người sẽ vi phạm quy định cách ly, giấu bệnh để tiếp tục đi làm. Như vậy, nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, nghỉ việc dài ngày cũng có thể là một lý do để giới chủ sa thải.
Người nhập cư "ngại" đi xét nghiệm virus corona
Đối tượng thứ hai được nhà nghiên cứu Mỹ nêu lên là người nhập cư bất hợp pháp, thậm chí kể cả hợp pháp (thẻ xanh). Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Trump đã siết chặt chính sách nhập cư. Từ tháng 02/2020, Tòa Án Tối Cao Mỹ đã ra lệnh cho chính phủ liên bang từ chối cấp thẻ di trú và đơn xin nhập quốc tịch cho người nước ngoài hưởng trợ cấp xã hội, vì cho rằng họ trở thành "gánh nặng" của cộng đồng. Trong trường hợp bị nhiễm virus corona, có rất nhiều người sẽ "ngại" đến các trung tâm y tế vì sợ ảnh hưởng tới hồ sơ di dân. Riêng đối với người nhập cư bất hợp pháp, họ sẽ không đi xét nghiệm, dù chắc chắn có triệu chứng nhiễm virus corona.
Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Sarah Rozenblum, việc xử lý khủng hoảng dịch virus corona bước đầu vẫn thiếu tình liên đới. Ví dụ, các công dân Mỹ được hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã phải thanh toán toàn bộ viện phí lên đến 3.000 đô la, một số tiền rất lớn đối với người có thu nhập thấp.
Mỹ khẩn cấp tháo khoán 8,3 tỷ đô la để chống dịch
Để đối phó với dịch Covid-19 đang lan rộng trên khắp lãnh thổ, Quốc Hội Mỹ đã khẩn cấp thông qua khoản ngân sách 8,3 tỷ đô la để "phòng ngừa, chuẩn bị và đối phó với dịch bệnh".
Người lao động không có thu nhập cao là một bộ phận cử tri được tổng thống Donald Trump luôn tìm cách thuyết phục và được nhắc đến trong các cuộc vận động tranh cử của ông. Ngày 09/03, phó tổng thống Mike Pence trấn an "những người lao động được trả theo giờ, những công nhân Mỹ làm việc nặng nhọc và những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ" rằng chính phủ "sẽ tìm ra được những nguồn tài chính để họ có thể nghỉ phép mà vẫn được hưởng lương, để không một ai bị bắt đi làm khi họ bị nhiễm hoặc có nguy cơ nhiễm virus corona".
Hiện người dân Mỹ vẫn chờ những biện pháp được tổng thống Trump ca ngợi là "quan trọng" và có "quy mô lớn" để giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ gia đình. Một số hãng bảo hiểm đã chấp nhận hoàn trả chi phí xét nghiệm và điều trị virus corona.
Hãng tin AFP nhận định thời gian không còn nhiều để chính quyền liên bang tái lập niềm tin với người dân. Ngoài ra, hai đảng đối lập cũng nên gác bất đồng để thông qua những biện pháp của Nhà Trắng trong thời điểm khủng hoảng này.
Thu Hằng