Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/03/2020

Điểm báo Pháp - Chống Covid-19 : Nước Pháp cương quyết...

RFI tiếng Việt

Chống Covid-19 : Nước Pháp cương quyết, nhưng mềm dẻo

Dịch Covid-19, từ Trung Quốc, đã bùng lên khắp nơi. Ngay tại Châu Âu. Pháp quyết định có biện pháp mạnh hơn. Quyết định mới của Paris là tựa lớn trang nhất của đa số nhật báo Pháp hôm nay 13/03/2020. "Chống Covid-19 với bất cứ giá nào", tựa của Libération. "Virus corona : Tổng thống Macron kêu gọi dân Pháp ‘kháng chiến’", tựa Le Figaro.

covirus1

Tại khu trung tâm tài chính La Défense, ngày 13/03/2020. Trên đường phố có áp phích thông tin về số điện thoại liên lạc, để nhận thông tin liên quan đến dịch Covid-19. Reuters/Gonzalo Fuentes

Với 2.500 trường hợp nhiễm virus, 48 người chết do virus, nước Pháp bước sang một giai đoạn mới. Tối hôm qua, tổng thống Pháp đã có bài nói chuyện long trọng trước toàn thể người Pháp, cuộc nói chuyện đầu tiên kể từ khi dịch bệnh truyền nhiễm Covid-19 xuất hiện. Đối diện với các phản ứng đơn phương, co cụm hiện nay, La Croix có bài xã luận nhấn mạnh đến việc nguyên thủ Pháp kêu gọi toàn thể người dân sáng tạo ra "những hình thức đoàn kết mới" để vượt qua thử thách. 

Cũng như nhiều báo khác, bài xã luận của La Croix, mang tựa đề "Thay đổi thang độ", giới thiệu trước hết các biện pháp chính của chính quyền, đặc biệt là việc đóng cửa tất cả các trường học, nhà trẻ trên cả nước, và bảo vệ "những người dễ tổn thương nhất", người bệnh, người cao tuổi (từ thứ Tư, 11/03, Bộ Y tế ra thông báo cấm đến thăm người gia tại các nhà điều dưỡng cho người cao tuổi "sống phụ thuộc". Hôm qua, tổng thống khuyến cáo người trên 70, người có bệnh mãn tính, viêm đường hô hấp, người tàn tật nên ở tại nhà). 

"Nâng cấp phản ứng dần dần"

Tuy nhiên, La Croix đặc biệt chú ý đến việc tổng thống Emmanuel Macron tiếp tục duy trì một tiếp cận "nâng cấp phản ứng dần dần", tương thích với nguy cơ, hoàn toàn tương phản với các biện pháp mạnh hơn rất nhiều ở nhiều nơi khác, như cô lập các khu dân cư, đóng cửa biên giới. Như vậy, tại Pháp, các biện pháp quyết liệt nhất sẽ chỉ được "áp dụng một cách có trọng điểm, cho từng trường hợp một", với mục tiêu để làm sao "gây ảnh hưởng ít nhất đến đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước".

Để chống dịch, "nghỉ học nhưng không bỏ bầu cử", tựa trang nhất của La Croix. Cuộc bầu cử "cấp xã", thành phố, trong hai vòng - vòng một (15/03) và vòng hai (22/03) - vẫn được duy trì, các phương tiện giao thông công cộng vẫn được bảo đảm. Dựa trên tư vấn của giới chuyên gia về dịch tễ học, tổng thống Macron hiểu rằng hiện vẫn còn có khả năng không để cho dịch bùng phát quá tầm kiểm soát, và chưa cần thiết đưa ra các biện pháp khiến toàn quốc bị tê liệt.

Cần các biện pháp mạnh, "sớm và kéo dài hơn"

Về các biện pháp được coi là cần thiết để đối phó với dịch hiện nay, Le Figaro giới thiệu quan điểm của một chuyên gia về dịch tễ học hàng đầu tại Pháp, Antoine Flahault. Giáo sư Antoine Flahault nhận định : cần có "các biện pháp mạnh ngay lập tức, và duy trì cho đến hè". Theo ông, dịch bệnh trên thế giới (ngoài Trung Quốc) hiện nay mới chỉ ở thời điểm khởi đầu, với 9 quốc gia, mỗi nước có hơn 100 ca mới mỗi ngày. Ông dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài, và cần phải đề phòng việc dịch sẽ trở đi trở lại thành nhiều đợt.

Về phía chính sách của chính quyền, giáo sư Antoine Flahault tóm lược bốn biện pháp mạnh : Đóng cửa trường học, giới hạn đi lại, giới hạn các cuộc tập hợp đông người và có biện pháp phong tỏa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Giáo sư Antoine Flahault tỏ ra không thỏa mãn với các biện pháp chính phủ vừa đưa ra, cho dù ông không trực tiếp chỉ trích.

Bí quyết của chống dịch : "Giảm tiếp xúc xuống 4 lần"

Le Figaro cũng giới thiệu một quan điểm khác, của chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm Samuel Alizon, nhà nghiên cứu CNRS (ở Montepellier). Nhà truyền nhiễm học nhấn mạnh là, đứng từ quan điểm dịch tễ học, trong giai đoạn hiện nay, không có gì loại trừ một kịch bản lạc quan là dịch bệnh có thể được khống chế, bởi điều cơ bản để hãm lại sự lan truyền của virus là giảm mạnh số lượng các tiếp xúc. Nói một cách hình tượng là "giảm xuống bốn lần" số lượng các tiếp xúc, khi mức độ lây lan của virus corona mới là theo tốc độ một nhân ba, tức là trong điều kiện bình thường, một người có thể truyền virus cho ba người. Một chế độ toàn trị như Trung Quốc đã chọn giải pháp cách ly hàng triệu người, hàng chục triệu người, để cắt đứt đường truyền của virus. Biện pháp này "chắc chắc là không thể có" tại Pháp. Chính vì vậy, sự tham gia chủ động, "với tinh thần trách nhiệm công dân" của mỗi người, là điều quyết định.

Nếu một mặt, các biện pháp và khuyến cáo (giới hạn đi lại, cấm các cuộc tập hợp hơn 1000 người, và hơn 50 người tại các vùng bị dịch nặng nhất, làm việc tại nhà) mà chính quyền đề ra được tuân thủ, và mỗi người cố gắng tối đa giảm đi lại, giảm các tiếp xúc với người khác, với người thân, bè bạn, thì hoàn toàn có khả năng dịch bệnh được khống chế. Theo Le Figaro, đây là một điều rất khó thực hiện trong xã hội, vì đi ngược lại với các thói quen thường nhật của mọi người. Le Figaro cũng đặt câu hỏi : "Làm thế nào để các khuyến cáo nói trên được tuân thủ nghiêm ngặt bởi mọi người Pháp ?" mà không gây ra tình trạng hoang mang ? Không dễ, tuy nhiên không có cách nào khác là phải nỗ lực hành động khẩn cấp.

Trong một bài viết khác ("Emmanuel Macron thông báo đóng cửa các trường học"), Le Figaro dẫn kết quả một điều tra của Ifop, hôm 05/03 : 75% người được hỏi vẫn bắt tay người lạ, 91% vẫn hôn má người quen (phong tục chào hỏi phổ biến tại Pháp). Trong bài phát biểu hôm qua, tổng thống Macron nhấn mạnh là, trong tình hình bệnh dịch hiện nay, thay đổi các cử chỉ quen thuộc này có thể "cứu sống được nhiều nhân mạng". Vẫn theo tổng thống Pháp, việc đóng cửa trường học là cần thiết, cho dù tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 là rất thấp, nhưng "dường như" trẻ em chính là trung gian "truyền virus nhanh nhất". 

2.500 người nhiễm chỉ là "phần nổi của tảng băng"

Le Figaro cũng chia sẻ với quan điểm với nhận định của nhà dịch tễ học Antoine Flahault là quy mô của dịch bệnh hiện tại có thể lớn hơn rất nhiều so với con số 2.500 ca nhiễm virus. Rất có thể đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Bởi virus không hoặc gần như không gây ra triệu chứng gì ở khoảng 80% người bị nhiễm, tuy nhiên chính những người đó lại có thể đưa virus sang người khác. Vì vậy hoàn toàn rất có thể hiện nay, đã có hàng chục ngàn người tại Pháp đã và đang đưa virus đi đến khắp nơi, mà thường là chính họ cũng không tự biết. Không có cách nào khác hơn là phải hành động khẩn cấp, nói một cách hình ảnh là phải chạy đua với thời gian !

Dưới tựa đề "Chống Covid-19 : Với bất cứ giá nào", Libération tập trung mô tả các biện pháp đối phó chính mà chính quyền vừa đưa ra. Từ đóng cửa trường học, duy trì bầu cử "cấp xã", hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với khủng hoảng. Cũng như La Croix, bài xã luận của Libération, mang tựa đề "Ngủ đông", đặc biệt nhấn mạnh đến các phản ứng mang tính mềm dẻo của chính phủ Pháp.

Trước tình hình các quốc gia láng giềng, số lượng nạn nhân của Covid-19 không ngừng gia tăng, có vẻ như trong con mắt công luận, nước Pháp tỏ ra không đánh giá đúng mức nguy cơ. Theo Libération, các biện pháp mà tổng thống Pháp đưa ra hôm qua, về cơ bản là đúng đắn. Libération đặc biệt nhấn mạnh đến việc các biện pháp hỗ trợ cần trước hết hướng đến những người dễ tổn thương nhất, những người cao tuổi.

Khoa hồi sức cấp cứu : "Khoảng khắc im ắng trước cơn bão lớn"

Một trong những điểm tập trung lo ngại nhiều là các bệnh viện, vốn ít nhiều đã trong tình trạng bão hòa. Libération có bài "Các bệnh viện đang chuẩn bị cho tình trạng tồi tệ nhất". Tình hình đặc biệt căng thẳng tại các khoa hồi sức cấp cứu. Về chủ đề này, Le Figaro có bài "Các bệnh viện Pháp tăng cường tổ chức để củng cố các khoa hồi sức cấp cứu".

Khoa hồi sức cấp cứu chính là lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 (đảm nhiệm tuyến cuối). Theo Cục phụ trách điều trị (DGOS), nước Pháp có tổng cộng 5.065 giường hồi sức cấp cứu, và 7.364 giường thuộc đơn vị điều trị tăng cường (so với nước Ý, có tổng cộng 5.090 giường, và hiện đã phải đối mặt với tình trạng không có đủ phương tiện điều trị cho các bệnh nhân cần cấp cứu khẩn). 

Theo thông tin tối thứ Tư 11/03 của Bộ Y tế, Pháp có 105 bệnh nhân đang phải điều trị tích cực, nhưng số lượng người cần điều trị tích cực chắc chắn sẽ tăng mạnh trong những ngày tới. Trong hiện tại, nước Pháp đang trong một "khoảng khắc im ắng trước cơn bão lớn". Theo Le Monde (trong bài "Chúng ta đã ở vào giai đoạn 3". Giai đoạn 3 là giai đoạn chống dịch ở mức cao nhất), phủ tổng thống cho biết sẽ cố gắng tăng cường thêm 40% số giường cấp cứu, để đối phó với đỉnh dịch. 

Kinh tế : Tập trung bảo vệ người đi làm và doanh nghiệp

Trên lĩnh vực kinh tế, đối phó với dịch Covid-19 đang chuyển sang một giai đoạn mới, tổng thống Pháp ban hành một loạt biện pháp kinh tế mạnh, để trấn an giới doanh nhân, giới làm công, cũng như các thị trường. Le Figaro chú ý đến việc, trong phát biểu hôm qua, tổng thống đã khẳng định chính quyền sẽ có các biện pháp rất rộng rãi, không tính toán để mang đến sự hỗ trợ cho tất cả những bên bị thiệt hại trong dịch bệnh chưa từng có kể từ một thế kỷ nay.

Nhà nước sẽ bồi hoàn cho tất cả những ai bị buộc phải ở nhà không đi làm, dù với giá nào. Các doanh nghiệp sẽ được hoãn nộp thuế, của tháng 3, không cần bất cứ điều kiện nào. Bảo vệ các doanh nghiệp, bảo vệ người lao động, dù là doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn là hứa hẹn của tổng thống. Việc tuân thủ chi tiêu theo quy định về tài chính công hay về nợ sẽ tạm được gạt sang một bên. Cùng với chương trình hỗ trợ trực tiếp người làm công ăn lương bị thiệt hại do Covid-19, tổng thống Macron cũng hứa hẹn, cùng với các đối tác Châu Âu xây dựng một kế hoạch chấn hưng kinh tế sau dịch.

"Con virus ích kỷ"

Đối diện với dịch Covid-19 hiện nay, điều cần chú ý là phải tránh rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, với quan điểm mỗi người vì mình. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Con virus ích kỷ", nhận định là cho đến nay, thiệt hại cho virus corona mới gây ra với tiến trình toàn cầu hóa còn tồi tệ hơn những gì mà các thế lực dân tộc chủ nghĩa đã cố sức mà không làm được trong hàng thập niên qua. Trong những ngày qua, những tuần qua, tại nhiều nơi, với danh nghĩa là để bảo vệ người dân, chính quyền đã liên tục có các biện pháp đơn phương thô bạo, như đóng cửa biên giới. Các biện pháp cực đoan, mà kết quả không được chứng minh về mặt khoa học. Quyết định mới đây nhất cách nay hai hôm của tổng thống Mỹ đơn phương đình chỉ giao thông hàng không với Châu Âu là một ví dụ.

Covid-19 : Thử thách cho hai mô hình độc tài và dân chủ

Le Monde có bài phân tích đáng chú ý về "Dịch bệnh Covid và các chế độ chính trị". Nhà phân tích của Le Monde đặt rõ vấn đề : cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 là một cuộc cạnh tranh về tính hiệu quả. "Ai hiệu quả hơn ai, chế độ độc tài hay nền dân chủ tự do ?". Đối với nước Pháp, những biện pháp mới của tổng thống vừa đưa ra liệu có đủ hay không ? Hiện tại khó có thể đưa ra nhận định. Tuy nhiên, đối với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này, hơn bao giờ hết, nước Pháp cùng các đối tác Châu Âu phải tăng cường đoàn kết, một lý tưởng mà chính Châu Âu đã chủ trương. Đây chính là điều đã làm nên sức mạnh của Liên Âu. Hai thử thách trước hết của Liên Âu, theo Le Monde, là không được bỏ rơi nước Ý, quốc gia thiệt hại nặng nề nhất trong dịch này, trong cơn hoạn nạn, và thứ hai là không được để nền kinh tế rơi vào tình trạng ngưng trệ, trước hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 567 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)