Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/03/2020

Điểm báo Pháp - Virus corona : "kẻ thù vô hình"

RFI tiếng Việt

Virus corona : Tổng thống Pháp tuyên chiến với "kẻ thù vô hình"

Trong những ngày này, dịch bệnh Covid-19 vẫn là tâm điểm của báo chí Pháp, nhất là về tình hình trong nước. Trên trang nhất, cả báo Les Echos Le Figaro đều đăng hình tổng thống Macron và chạy tít chính giống nhau : Nous sommes en guerre - Chúng ta đang trong chiến tranh. Đây là câu nói được tổng thống Pháp nhắc lại 6 lần trong bài phát biểu dài hơn 20 phút trên truyền hình tối hôm qua 16/03.

ennemi1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên chiến với virus corona : "Kẻ thủ đang ở đây, một cách vô hình" -AFP/Ludovic Marin

Nước Pháp đã tuyên chiến với virus corona. Libération trích một câu nói khác của tổng thống Macron làm tựa trang nhất : "Kẻ thủ đang ở đây, một cách vô hình".

Còn báo công giáo La Croix đăng tựa ngắn gọn "Thời phong tỏa", trên nền ảnh một người đàn ông đeo khẩu trang, đang kéo vali một mình trên đường phố vắng vẻ không bóng người. Trong khi đó, báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, báo động"Tình trạng y tế xuống cấp nhanh chóng".

Trở lại với Le Figaro, tờ báo thiên hữu gọi các biện pháp mà tổng thống Macron đưa ra tối hôm qua trong bài phát biểu trên truyền hình là "những biện pháp mang tính lịch sử". Các quy định mới hạn chế người dân ra khỏi nhà có hiệu lực từ 12h trưa hôm nay 17/03, nhưng ngay sau bài phát biểu của tổng thống, bộ trưởng Nội Vụ Castaner đã huy động 100.000 cảnh sát và hiến binh trên phạm vi toàn quốc để bảo đảm dân chúng thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa.

Le Figaro dành cả trang nhất, bài xã luận và 18 trang để nói về virus corona. Vòng 2 bầu cử địa phương dự kiến diễn ra vào ngày 22/03 bị hoãn lại. Các cuộc cải cách bảo hiểm thất nghiệp và cải tổ hưu trí cũng sẽ tạm ngưng. Các bệnh viện, nhất là ở vùng Paris, chuẩn bị đối phó khi "cơn sóng thần" Covid-19 ập đến. Châu Âu đóng cửa biên giới để hạn chế đà lây lan của virus.

Trải nghiệm chưa từng có

"Chưa từng có" là tựa bài xã luận của báo công giáo La Croix. Giờ đã đến lúc tập trung vào một mục tiêu duy nhất : đánh bại dịch bệnh do virus corona nhanh nhất có thể. Mọi chuyện khác phải được gạt sang một bên. Bắt đầu từ hai cuộc cải cách, vốn trong những tháng gần đây đã bị phản đối kịch liệt nhất : bảo hiểm thất nghiệp và chế độ hưu bổng. Việc đình chỉ hai cuộc cải tổ này được chính nguyên thủ Pháp Macron công bố trong tối hôm qua. La Croix nhận định với thông báo nói trên, tổng thống Emmanuel Macron cho thấy ông mong muốn đoàn kết các lực lượng trong cả nước trong giai đoạn chưa từng có này.

Đúng là nước Pháp đang có một trải nghiệm chưa từng có. Tất cả các hoạt động không thực sự cần thiết đều phải tạm ngưng. Công dân được yêu cầu ở yên trong nhà. Kỳ bầu cử địa phương bị đình chỉ khi đang ở giữa hai vòng. Quân đội được huy động để tăng cường cho hệ thống bệnh viện. Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới. Một quỹ với ngân sách lớn được thành lâp để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế rủi ro phá sản. Chưa bao giờ nước Pháp có sự triển khai "kho vũ khí" quy mô lớn đến như vậy trong giai đoạn không có xung đột vũ trang.

Trên thực tế, đây đúng là một trận chiến. Tổng thống Emmanuel Macron thậm chí đã sử dụng từ "chiến tranh" nhiều lần để mọi người phải lưu tâm hơn và nhận thức được là tình hình đang rất cấp bách. Nước Pháp đang bước vào "một cuộc đua tốc độ" với virus corona để hạn chế số nạn nhân và cho phép cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất có thể.

Vì thế, La Croix kêu gọi tất cả mọi người phải nỗ lực. Ở yên trong nhà là thể hiện ý thức công dân và tình đoàn kết với những người bắt buộc phải ra ngoài để tham gia cuộc chiến đấu nhằm duy trì các hoạt động sống còn của xã hội.

Cuộc chạy đua với thời gian

Trong bài xã luận có tiêu đề "Cuộc chạy đua với thời gian", Le Figaro chỉ trích tổng thống Macron trong việc chậm trễ đưa ra các biện pháp mạnh tay. Theo Le Figaro, chính vì thiếu các phản ứng mạnh nên bây giờ nước Pháp mới phải "chạy đua với thời gian". Le Figaro lấy làm tiếc là kinh nghiệm của Trung Quốc và Ý lẽ ra đã phải chỉ ra cho nước Pháp con đường nên đi.

Tờ báo nhấn mạnh sức mạnh của một nền dân chủ là bảo đảm quyền tự do bầu cử, nhưng phải biết thích nghi với tình hình, đảm bảo tự do ngôn luận nhưng cũng phải bảo vệ người dân. Vì thế, Le Figaro lấy làm tiếc là chính quyền Pháp đã trì hoãn rất lâu trước khi ra quyết định như tối hôm qua. Phải mất quá nhiều thời gian tổng thống Macron mới nhận ra rằng chúng ta không còn có thể sống như trước. Giải pháp duy nhất để tránh thảm họa y tế là ngồi yên trong nhà. Mọi người phải học cách sống khác đi. Le Figaro trấn an độc giả là trong thời đại siêu kết nối internet, đây không phải là ngày tận thế.

May mắn là cuối cùng Emmanuel Macron đã nhận ra không ai có thể dự đoán được khi nào dịch bệnh chấm dứt. Ý thức kỷ luật sẽ phải như cuốn hộ chiếu thiết yếu cho cả cá nhân và tập thể để có thể đi qua cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có này. Đây là điều chắc chắn duy nhất.

Pháp : Cuộc chiến dài hơi chống virus corona

Bài xã luận của Le Monde ra từ chiều hôm qua, trước khi tổng thống phát biểu trên truyền hình, cũng nói đến "một cuộc chiến dài hơi". Tại Pháp, do chậm nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 nên việc phát huy tinh thần trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến chống virus corona cũng bị chậm trễ.

Mở đầu bài xã luận, Le Monde nhấn mạnh trong những ngày đầy lo lắng như thế này, không nên thêm bồi nỗi tức giận vào nỗi sợ hãi, cũng không nên gây chia rẽ trong bối cảnh mọi người cần cách ly. Không còn thời gian để gây thêm tranh cãi về những tính toán nhỏ nhặt và sự khinh suất khi chính quyền vẫn cho tiến hành tổ chức cuộc bầu cử địa phương vô nghĩa. Le Monde lấy làm tiếc là cuộc bầu cử hôm 15/03 đã làm lãng phí một ngày quý giá trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời nó phát một thông điệp đi ngược với tình trạng nguy cấp theo đó "đừng chần chừ gì nữa, mọi người phải tránh lại gần nhau và ở yên trong nhà".

Nhiều người Ý đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi không nghiêm túc lúc khủng hoảng dịch bệnh mới nổ ra, nay họ đã hiểu điều đó và tỏ ra rất mẫu mực, tôn trọng kỷ luật. Le Monde lo ngại là hiện nay dân Pháp chưa làm được điều tương tự như người láng giềng Ý. Bất chấp các dự đoán đáng báo động, các biện pháp ngày càng cứng rắn, các con số người nhiễm bệnh và chết ngày càng đáng lo ngại, nhưng đối với nhiều người Pháp, mối rủi ro vẫn chỉ liên quan đến những người khác - người già hoặc người ốm yếu, mối nguy dường như vẫn còn ở đâu đó rất xa trong tương lai.

Trong tiến trình vô hình, Covid-19 đã liên minh với hai trong số những tệ nạn lớn của thời đại : tính ích kỷ và những suy nghĩ ngắn hạn. Tính ích kỷ phá hủy khả năng đáp ứng lợi ích của cộng đồng. Tự cách ly, cũng như tiêm phòng, trên thực tế là để bảo vệ những người xung quanh nhiều hơn bảo vệ bản thân chúng ta. Sự ích kỷ này, trong điều kiện các chính sách công ngày càng hạn chế, cuối cùng lại làm suy yếu hai trong số các loại chuyên gia mà chúng ta đang rất cần họ cống hiến cả thể chất và não bộ cho cuộc chiến chống đại dịch : giới y bác sĩ và nghiên cứu khoa học.

Những quan điểm ngắn hạn tạm thời đang cản trở nhận thức về mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này, giống như nhận thức về sự nóng dần lên của Trái đất từ một vài năm nay. Bất chấp các cảnh báo, dữ liệu và hiện tượng ngày càng nhiều, thái độ phủ nhận và hoài nghi vẫn làm trì hoãn những thay đổi cần thiết để giải quyết một mối nguy hiểm cho đến nay vẫn bị coi là rất trừu tượng.

Không còn nghi ngờ gì nữa, khi đối mặt với Covid-19, trong lúc số nạn nhân tăng mỗi ngày, "sự mù quáng tự nguyện này" sẽ chấm dứt rất nhanh. Khi đó, dịch bệnh có thể buộc nhiều nền dân chủ phải đối mặt với những câu hỏi khiến chúng ta chóng mặt. Chúng ta nên chấp thuận để các quyền tự do cơ bản bị hạn chế đến mức nào ? Cần làm tê liệt nền kinh tế đến mức nào để chặn đứng dịch bệnh ?

Thử thách này, lần đầu tiên diễn trên quy mô toàn cầu, có thể thay đổi vĩnh viễn tiến trình phát triển của xã hội. Có thể các xã hội sẽ vượt qua và được cải thiện, nếu hội tụ hai điều kiện thiết yếu là sự tự tin và lý trí. Để người dân chấp nhận hy sinh quyền lợi, có thể là trong nhiều tháng, chính quyền, nhất là ở chế độ dân chủ, buộc phải công khai chiến lược, những rủi ro và cả những diễn tiến sau này. Và để làm sáng tỏ những điều trên, chính quyền phải chia sẻ các dữ liệu khoa học và ý kiến của các nhà khoa học tư vấn cho chính quyền trong các quyết sách.

Nhưng theo Le Monde, hiện tại, Pháp chưa đáp ứng được những điều kiện này. Bộ máy hành pháp đã chậm trễ trong việc chia sẻ các quy tắc về cách thức tham vấn hội đồng khoa học của mình, vốn công tác nghiên cứu cũng chưa được công bố. Chiến lược đối phó với Covid-19 cũng chưa được đặt ra rõ ràng và rất ít được tranh luận. Sự thiếu minh bạch trong việc đưa ra các quyết định sẽ chỉ gây hại cho cuộc chiến dài hơi, một cuôc chiến giờ mới chỉ bắt đầu, và làm chậm trễ việc phát huy tinh thần trách nhiệm cần thiết của các cá nhân. Với Le Monde, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân chính là mắt xích để ngăn cản virus corona lây lan.

Chiến lược rủi ro của Anh Quốc chống virus corona

Nhìn sang nước láng giềng Anh, Le Monde chỉ trích "chiến lược đầy rủi ro của Anh Quốc chống virus corona". Trong khi tình hình ở các nước Châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp… đang rất "nóng" với cuộc chiến chống dịch bệnh, thì tại Anh Quốc, cho đến hôm Chủ nhật 15/03 chính phủ mới chỉ đưa ra hai lời khuyên : rửa tay và tự cách ly 7 ngày nếu có triệu chứng nhiễm virus.

Theo các nhà cố vấn của thủ tướng Anh Boris Johnson, cần 60% dân số nhiễm bệnh (40 triệu người) để có thể có được khả năng miễn dịch cộng đồng, tránh dịch bệnh tái phát vào mùa đông tới. Ông Patrick Vallance, cố vấn trưởng khoa học của chính phủ, nhấn mạnh hôm thứ Sáu 13/03 là không thể tránh việc tất cả mọi người bị nhiễm virus. Và đây cũng không phải điều nên mong muốn, bởi vì cộng đồng cần đạt đến một khả năng miễn dịch nào đó.

Các nhà truyền nhiễm học, bác sĩ, chính trị gia, các nhà phê bình đều chỉ trích thủ tướng Boris Johnson, nhất là khi lãnh đạo Anh cảnh báo người dân nên chuẩn bị tinh thần "mất đi nhiều người họ yêu thương hơn nữa". Nếu tính theo tỉ lệ 1% số người nhiễm virus corona sẽ chết thì sẽ có khoảng 400.000 người Anh mất mạng vì Covid-19.

Dân biểu đảng bảo thủ Jeremy Hunt, bộ trưởng Y tế thời thủ tướng Theresa May, là một trong những người đầu tiên gióng hồi chuông báo động hôm thứ Năm 12/03. Đánh giá chính sách của thủ tướng Johnson là "đáng lo ngại", ông Hunt còn ngạc nhiên vì chính phủ Anh vẫn chưa cấm tụ tập đông người. Trong khi đó, Richard Horton, trưởng ban biên tập tạp chí khoa học nổi tiếng về y khoa, The Lancet, cho rằng chính phủ đang phạm sai lầm khi chơi trò may rủi với người dân.

Tối hôm thứ Bảy, trong khi đơn khiến nghị của 250 nhà khoa học được lan truyền trên mạng đòi hỏi Boris Johnson ban hành ngay các biện pháp cứng rắn hạn chế sự tiếp xúc của người dân, phủ thủ tướng Anh hé lộ thông tin là sẵn sàng cho áp dụng các biện pháp mạnh hơn, nhất là tất cả những người trên 70 tuổi phải cách ly tại nhà ít nhất 4 tháng. Sáng Chủ nhật, bộ trưởng Y tế trấn an người dân là sẽ hành động đùng thời điểm, trong những tuần tới, vào lúc cần thiết và quyết định của chính phủ sẽ dựa trên khoa học.

Một nhà nghiên cứu của đại học Harvard chỉ trích chiến lược của chính phủ là "vô trách nhiệm". Nhà khoa học này kêu gọi dân chúng không nên lo lắng nhưng phải tự chuẩn bị, nếu chính phủ không giúp đỡ họ thì họ phải tự hành động. Dường như dân Anh cũng đã tính đến phương án này : hôm thứ Bảy, tại các siêu thị ở Luân Đôn, các kệ hàng mỳ, xà phòng rửa tay và giấy vệ sinh đều trống không và nếu dùng dịch vụ giao hàng đến tận nhà, khách hàng phải chờ ít nhất 8 ngày nữa mới nhận được hàng.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)