Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/03/2020

Điểm báo Pháp - Ý thức công dân, bổn phận nhà nước

RFI tiếng Việt

Chống dịch virus corona : ý thức Công dân, bổn phận Nhà nước

Nước Pháp tuyên chiến với kẻ thù vô hình, toàn quốc bị phong tỏa, Liên Hiệp Châu Âu đóng cửa biên giới trong vòng một tháng, kinh tế Châu Âu đình trệ, mỗi quốc gia một chiến lươc đối phó... siêu vi corona tiếp tục tràn ngập các trang báo Pháp.

chong1

Quang cảnh từ Pont des Arts, trước Viện Hàn Lâm Pháp, không một bóng người do lệnh phong tỏa để đối phó với địch virus corona, Paris, ngày 18/03/2020. Reuters - CHRISTIAN HARTMANN

Tổng động viên chống dịch

Macron ban hành tổng động viên, nước Pháp bị phong tỏa, một kế hoạch 45 tỷ euro giúp doanh nghiệp trong cơn khốn khó, đình hoãn dự luật cải cách hưu trí, dịch lan chậm lại tại Ý...

Từ Le Monde, Libération cho đến Le Figaro, tất cả đều chọn những bức ảnh đường phố Paris hoang vắng đưa lên trang nhất để gây ấn tượng. Cuốn phim De Gaulle vừa ra mắt khán giả trước khi các rạp xi-nê phải tạm đóng cửa cũng được cây bút hí họa của Le Monde đưa vào mục thời sự để minh họa cho sự kiện chiều thứ Hai, tổng thống Pháp loan báo các biện pháp triệt để chống dịch : "Đây, người bị cách ly nói với người bị cách ly" (nguyên văn : Đây, người Pháp nói với người Pháp). Tranh vui thứ nhì vẽ một cậu bé mặc áo siêu nhân (superman) ngạc nhiên hỏi một nhóm người lớn buồn rầu đeo khẩu trang : Bộ không chơi nữa hay sao ?

Với các tựa và hí họa trên đây, Le Monde tóm lược những chuyển biến trong 24 giờ qua trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và hệ quả.

Trong bài xã luận "Kỳ vọng vào ý thức công dân", nhật báo độc lập nhận định là tổng thống Pháp bắt buộc phải ban hành biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại của người dân như Ý và Tây Ban Nha đã làm. Bởi vì đây là cách khả thi nhất theo sự cố vấn của hội đồng các nhà khoa học. Chúng ta đang có chiến tranh ông nhấn mạnh đến sáu lần câu nói bất hủ của Georges Clémenceau, vị thủ tướng Pháp biết kích động tinh thần dân Pháp để thắng cuộc chiến tranh thế giới 1914-1918.

Phong tỏa ra sao ? Tổng thống để cho bộ trưởng Nội Vụ Pháp, chức vụ có biệt danh là "ông cò số một" nói rõ chi tiết "ngăn đường giặc siêu vi" : Huy động 100.000 cảnh sát, hiến binh, kiểm soát các tụ điểm then chốt. Còn công dân ra đường trong giai đoạn 14 ngày này phải có sẵn một tờ cam kết danh dự là đi đâu, có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt trong một hai ngày đầu là 38 euro, mấy ngày sau 135 euro.

Lệnh của chính phủ rất rõ ràng : Mọi người phải ở trong nhà. Ở nhà mới bảo vệ được sức khỏe, mạng sống của mình và cho người khác trong tinh thần "tập thể công dân".

Không chơi nữa sao ?

Thái độ "vô tâm" của dân Pháp cũng bị tổng thống lưu ý. Trong lúc dịch Covid-19 lây lan, hơn 100 nạn nhân qua đời tại Pháp, học sinh ở nhà học qua internet, mà dân chúng vẫn tấp nập mua sắm hay ra công viên, bờ sông tắm nắng. Từ nay, phải dùng biện pháp nghiêm ngặt hơn, bắt ở nhà. Cuộc chay đua tranh thủ thời gian chống bệnh và cái chết đã bắt đầu mà mục đích là làm sao cắt đứt con đường lây qua tiếp xúc để bệnh viện và nhân viên y tế có thời giờ và phương tiện y khoa chăm sóc cho từng bệnh nhân thay vì phải chọn kịch bản bỏ mặc người già như La Croix, trong bài mỗi nước một chiến lược, nói đến.

Virus corona phục hồi vai trò Nhà nước

Cũng Le Monde, bài phân tích "Corona phục hồi vai trò Nhà nước" nhấn mạnh đến bổn phận chính trị của chế độ và nhà lãnh đạo.

Covid-19 không chỉ mà một cuộc khủng hoảng y tế đơn thuần. Nó còn là cơ hội để đánh giá chính xác tinh thần đề kháng, tinh thần đoàn kết tương thân tương trợ. Trong bình diện quốc gia, tinh thần tương thân tương trợ thường khi xung khắc với tâm lý ích kỷ, co cụm. Chưa chi mà không gian tự do đi lại Schengen, một trong những thành tựu quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu, đã bị khoanh lại.

Trước nguy cơ dân chúng tử vong vì virus ngày càng nhiều cũng như kinh tế đình trệ, vai trò của Nhà nước, hiện đang thất thế trước xu hướng toàn cầu hóa và thế lực áp đảo của các tập đoàn đa quốc gia, sẽ được hồi phục, tăng cường.

Đại dịch virus corona là cơ hội ngàn năm có một để chứng minh được tính vững chắc của giới lãnh đạo chính trị Châu Âu và xa hơn nữa là thế bền vững của các chế độ chính trị dân chủ, minh bạch và quyết tâm hy sinh quyền lợi cá nhân để cứu sinh mạng đồng bào.

Theo tác giả, còn quá sớm để có thể kết luận chế độ dân chủ có chuẩn bị tốt hơn chế độ độc tài hay không bởi vì chúng ta chưa qua đỉnh khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, có thể đưa ra một số nhận xét như sau :

- Che giấu sự thật đã làm mất nhiều thời giờ qúy báu ;

- Chế độ Trung Quốc với tập quán quan liêu từ gốc, sau khi phủ nhận sự thật đã quay sang phản ứng cực đoan thái quá ;

- Tại Iran, cách thức ứng phó tùy tiện và thiếu chuyên nghiệp đã làm cho bộ máy quyền lực tiêu hao nhân sự.

Tuyên truyền quy kết, gọi hiểm họa dịch Covid-19 là âm mưu khuynh đảo của ngoại bang, thay vì kêu cứu chống dịch, đã làm hàng loạt quan chức chết oan mạng ; - Chính quyền Donald Trump cũng phủ nhận thảm họa virus corona chủng mới cho nên giờ đây Mỹ phải đối phó với một thử thách nghiêm trọng và bất trắc.

Tại Mỹ cũng như tại Châu Âu, dịch virus corona đặt vấn đề về vai trò của bệnh viện công và nhân phẩm con người cho dù là nghèo hay giàu. Giáo dục, y tế, an toàn cho dân là ba chức năng cơ bản của một Nhà nước cần phải được định nghĩa lại sau con biến động này.

Cứu nguy kinh tế

Libération chê trách tổng thống Mỹ Donald Trump vì muốn tái đắc cử nên chỉ lo cho sức khỏe của thị trường hơn là sức khỏe của dân chúng.

Tham vọng chính trị của chủ nhân Nhà Trắng khiến ông phủ nhận sự thật trong nhiều tuần lễ, cuối cùng sàn chứng khoán cũng rơi tự do và còn tiếp tục. Bây giờ, chính phủ Mỹ mới thông báo chi ra 1.000 tỷ đôla chống dịch khẩn cấp.

Trên góc nhìn y tế, cũng như Le Monde, nhật báo Les Echos lo ngại cho Ấn Độ, một nước đông dân nhất địa cầu mà chỉ có hơn 100 ca bệnh. Một trong những lý do biện giải là Ấn Độ không có phương tiện xét nghiệm đại trà như Hàn Quốc. Chính nhờ biện pháp này và chính sách tận lực cứu chữa thật sớm cho từng công dân mà Hàn Quốc đã làm giảm đà lây lan cũng như giới hạn số người chết.

Cứu nhà bị cháy không hà tiện nước

Trên góc nhìn kinh tế, Les Echos chào mừng quyết định của Pháp chi ra 45 tỷ euro, một kế hoạch vô tiền khoáng hậu hỗ trợ cho các hãng xưởng lớn nhỏ bị khó khăn. Tuyên bố của bộ trưởng Tài chính được lấy làm tựa lớn : Khi nhà bị cháy thì ai lại đếm số lít nước ? Phương án quốc hữu hóa các hãng thu lỗ nhiều cũng được dự kiến.

Tuy nhiên, điều mà Les Echos cảm thấy cần kíp phải thay đổi qua bài học Covid-19 là phải tránh tình trạng lệ thuộc vào sản xuất giá rẻ của Trung Quốc mà tổng thống Macron lưu ý. Les Echos hy vọng tuyên bố của tổng thống Macron sẽ sớm được thực hiện.

La Croix cũng góp tiếng vào kinh tế với tựa báo động : Chiến tranh kinh tế khai màn. Về dịch tễ, nhật báo công giáo trình bày ba liệu pháp chống dịch : Để siêu vi lây lan khắp nước để toàn dân sau đó được miễn dịch như chủ trương, nay đã bỏ, của Anh Quốc và cũng là dự án của Hà Lan. Chiến lược thứ hai là "cách ly" triệt để như Ý hay tương đối nhẹ hơn như ở Pháp. Và thứ ba là "thông tin để dân chúng ý thức tích cực tham gia" như trường hợp Hàn Quốc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 578 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)