Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/03/2020

Điểm báo Pháp - Chiến dịch ngoại giao khẩu trang

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang

Con virus corona tiếp tục bám vào báo chí Pháp ra ngày 20/03/2020. Không hẹn mà gặp hai tờ Le Monde và Le Figaro đều dành tựa lớn trang nhất cho tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp, trong lúc Libération và La Croix thì quan tâm đến giới y tá, bác sĩ đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Trong bối cảnh Châu Âu gặp khó khăn vì dịch bệnh, Le Figaro đặc biệt ghi nhận sự kiện "Trung Quốc tung chiến dịch ngoại giao khẩu trang", tựa bài phân tích ở trang quốc tế.

ngoaigiao1

Nhân viên cấp cứu di chuyển bệnh nhân bị nghi nhiểm Covid-19 từ nhà đến bệnh viện tại Paris (Pháp) ngày 20/03/ 2020. Reuters - BENOIT TESSIER

Le Figaro trước hết nêu bật một loạt cử chỉ của Trung Quốc đối với các nước đang bị lún sâu vào cuộc khủng hoảng Covid 19 : Tặng cho nước Pháp 1 triệu chiếc khẩu trang, cử 300 bác sĩ qua Ý cùng với trang thiết bị để giúp chống dịch, cung cấp thiết bị hay trợ giúp y tế cho hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế, từ Nhật Bản, Pakistan cho đến Lào, Thái Lan… Tại Châu Âu, ngoài Pháp và Ý, Bắc Kinh cũng ra tay giúp đỡ nhiều nước vùng Balkan, đặc biệt là Serbia

Cơ hội bằng vàng để tô điểm lại hình ảnh, đào sâu chia rẽ tại Châu Âu và giữa Mỹ với Châu Âu

Đối với Le Figaro, tình trạng rối loạn y tế mà dịch Covid-19 đang tạo ra tại Châu Âu và Hoa Kỳ, là cơ hội bằng vàng cho Bắc Kinh để đánh bóng lại hình ảnh bị hoen ố năng nề sau những sai sót ban đầu trong cách xử lý dịch bệnh vào lúc bùng lên tại Vũ Hán.

Theo Le Figaro, con virus corona đã phơi bày những vết rạn nứt trong nội bộ Châu Âu cũng như giữa Châu Âu và nước Mỹ thời tổng thống Donald Trump, những kẽ nứt mà Trung Quốc đã chen vào để khoét rộng từ nhiều năm nay.

Chuyên gia Natasha Kassam thuộc viện nghiên cứu Lowy tại Úc cho rằng : "Đây là một cái tát mới vào mặt liên minh phương Tây, đặc biệt là liên minh giữa Châu Âu và Hoa Kỳ. Viện trợ mà Trung Quốc dành cho Ý nổi bật lên thành một điểm tốt, đối nghịch với những tin đồn về những nỗ lực thô bạo của Trump để giành lấy một loại vác-xin từ một phòng thí nghiệm của Đức. Điều đó rất tốt cho hình ảnh của Trung Quốc".

Không đủ dùng trong nước nhưng vẫn tung khẩu trang ra thế giới

Đối với Le Figaro, dù là nhà sản xuất khẩu trang số một thế giới, Trung Quốc hiện vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt loại phương tiện bảo vệ này dù nhu cầu cực lớn tại các thành phố Châu Á. Thế nhưng Bắc Kinh đã tăng sản lượng lên gấp 10 lần trong vài tuần bằng cách huy động guồng máy công nghiệp của họ.

Từ mức 10 triệu chiếc mỗi ngày vào đầu tháng 2, trong vài ngày, sản xuất khẩu trang tại Trung Quốc đã tăng vọt, lên đến 54 triệu vào ngày 22/02, trước khi đạt kỷ lục 116 triệu đơn vị mỗi ngày kể từ ngày 29/02. Kỳ tích công nghiệp này đã có thể thực hiện được nhờ việc huy động các đại tập đoàn, sẵn sàng chuyển đổi công việc sản xuất, như tập đoàn dầu hỏa Sinopec, hay thậm chí là Foxconn của Đài Loan, thường sản xuất iPhone.

Trong bối cảnh sự gia tăng sản xuất ngoạn mục này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa khổng lồ của quốc gia đông dân nhất thế giới này, với 530 triệu công nhân viên Trung Quốc cần khẩu trang mỗi ngày, Bắc Kinh vẫn đang thúc đẩy các nhà công nghiệp đáp ứng nhu cầu toàn cầu, vì đã đánh hơi cơ hội kinh tế và ngoại giao.

Trước lúc nổ ra cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc đã là nhà sản xuất một nửa khẩu trang của hành tinh và đang cố tăng thêm thị phần. Thế nhưng, theo Le Figaro, các nước Châu Âu trong đó có Pháp sẽ phải tìm nguồn cung ứng khác, và nhất là dựa vào chính mình để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân của mình trong trường hợp khẩn cấp như hiện nay.

Le Figaro kết luận : Đó sẽ là một bài toán hóc búa khác cho giới lãnh đạo phương Tây, những người đã chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc và hiện đang phải trả giá đắt cho sự lệ thuộc công nghiệp vào Bắc Kinh.

Thiếu khẩu trang, nhân viên y tế có nguy cơ bị phơi nhiễm

Về tình trạng thiếu khẩu trang tại Pháp, Le Monde báo động về hậu quả : "Nhân viên y tế bị phơi nhiễm", ghi nhận nỗi giận dữ đang trào dâng trong các bệnh viện, phòng mạch, hiệu thuốc, các đơn vị cấp cứu SAMU.

Theo tờ báo, mức cung ứng thấp hơn nhu cầu rất nhiều, và ở một vài nơi, những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân không có được khẩu trang để tự bảo vệ.

Vấn đề, theo Le Monde, là trái với những lời hứa của chính phủ, hàng cung cấp rất thất thường, ngay cả các cơ quan y tế cấp vùng có vẻ như cũng mù tịt về số lượng khẩu trang hiện có.

Đối với Le Monde, tình trạng cung cấp nhỏ giọt đã làm gia tăng rủi ro lây nhiễm cho những nhân viên y tế, vốn đã phải làm việc căng thẳng. Chính vì vậy mà ngày càng có thêm nhiều người cảm thấy mình bị chính quyền bỏ rơi, không có phương tiện để chống dịch.

"Những câu hỏi về một sự khan hiếm"

Tương tự như đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nêu bật "Những câu hỏi về một sự khan hiếm", với ghi nhận là từ nhiều tuần lễ nay, các bác sĩ và nhân viên y tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu khẩu trang nghiêm trọng.

Theo Le Figaro, trong bối cảnh dịch coronavirus đang lây lan mạnh, nước Pháp đang tìm mọi cách để trang bị khẩu trang cho mình, trước tiên hết là cho những người làm việc trong lãnh vực y tế, cho các bệnh viện, cho các bác sĩ tư nhân đang rất cần đến phương tiện tự bảo vệ này.

Chính phủ Pháp hiện cần phải gia tăng khối lượng khẩu trang, do đó đã tăng cường sức ép trên các nhà sản xuất Pháp, cũng như gia tăng nhập khẩu. Quân đội, cũng như các ngành công nghiệp khác cũng được yêu cầu đóng góp.

Vấn đề được Le Figaro nêu bật là người dân bình thường cũng muốn được trang bị khẩu trang, nhưng giới chức y tế Pháp đã cho rằng khẩu trang không cần thiết đối với những ai không bị bệnh.

Dẫu sao, theo Le Figaro, tại Quốc hội Pháp vào hôm qua, chính phủ đã bị các dân biểu chất vấn trên cách quản lý dịch Covid-19, trong đó có vấn đề để xẩy ra tình trạng khan hiếm khẩu trang.

Cảm Ơn giới y tá bác sĩ

Cũng chọn chủ đề dịch Covid-19, nhật báo Libération đã hô vang lời cảm ơn các nhân viên y tế Pháp đang ở trên tuyến đầu chống dịch. Hàng tựa đậm lớn viết bằng chữ in hoa "MERCI" trên trang nhất tờ báo, bên cạnh cận ảnh một nữ bác sĩ đeo khẩu trang, vẻ mặt đăm chiêu, đã nói lên lòng cảm ơn vô hạn của người Pháp trong mùa dịch bệnh khủng khiếp này.

Đối với Libération, cho dù tình hình đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, bất kể các điều kiện làm việc khắc nghiệt, toàn bộ guồng máy y tế đang chiến đấu, với ý thức trách nhiệm mẫu mực, để đối mặt với dịch bệnh do con virus corona gây ra.

Tờ báo đã dành 14 trang báo để ghi nhận những lời chứng, đặc biệt liên quan đến các khó khăn, nguy hiểm mà các nhân viên y tế đang gặp phải, cũng như những lời cám ơn, động viên của mọi giới đối với sự tận tâm của các bác sĩ, y tá.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Lòng biết ơn - Gratitude", Libération đã nhắc lại một câu danh ngôn của thủ tướng Anh Churchill để cho rằng "Chưa bao giờ trong lịch sử y tế của đất nước, một số lượng người to lớn như thế lại mang nhiều ơn như thế đối với một nhóm nhỏ người như thế.

Câu nói của Churchill "Never so many owed so much to so few" - đưa ra trong thời Đệ nhị Thế chiến, để nói về công ơn của những phi công Hoàng Gia Anh - theo Libération, rất thích hợp trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà mọi người đang lâm chiến với một con virus độc hại.

Lời chứng từ những người "trên tuyến đầu" chống dịch

Cũng vinh danh giới nhân viên y tế Pháp, nhật báo La Croix nêu bật sự kiện đây là những người đang đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ngay trang bìa, La Croix, chỉ chạy tít đơn giản "Trên tuyến đầu" bên trên ảnh chân dung một khuôn mặt phụ nữ đeo khẩu trang, đầu trùm một cái mũ y tế mầu xanh, hai bàn tay đeo găng xanh đang đưa lên chỉnh một cặp kính bảo hộ màu trắng.

Nhật báo công giáo Pháp đã dành diễn đàn của mình cho những người trong ngành y tế Pháp, hiện đang huy động toàn lực để đối phó với dịch Covid-19.

La Croix cũng không quên nhắc lại rằng tình trạng khan hiếm khẩu trang tại Pháp đang làm cho giới bác sĩ và y tá lo ngại.

Nguy cơ kinh tế bị tê liệt vì Covid-19

Tờ báo kinh tế Pháp ghi nhận là tổng thống Pháp Macron đã hô hào động viên cả nước nỗ lực duy trì các hoạt động. Les Echos đặc biệt chú ý đến những mối lo ngại của bộ Kinh tế Pháp trước ba dấu hiệu : Khó khăn và căng thẳng nẩy sinh trong ngành xây dựng và đóng gói, sự tụt giảm của mức tiêu thụ điện và sự sụp đổ của lãnh vực việc làm theo thời vụ.

Les Echos cũng ghi nhận một trong những cách đối phó : Đó là sẽ quy định một khoản tiền thưởng cho những ai chịu đi làm trong mùa dịch.

Nguy cơ kinh tế Pháp bị tê liệt còn gia tăng trong bối cảnh lệnh hạn chế đi lại và tụ tập để ngăn dịch sẽ được kéo dài.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 587 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)