Virus corona phơi bày một số nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu
Từ khi dịch virus corona (Covid-19) bùng phát tại Châu Âu, có lẽ Liên Hiệp Châu Âu chỉ vớt vát được một đồng thuận, mang tính biểu tượng, về đoàn kết chống dịch : Đóng cửa biên giới bên ngoài của khối và không gian Schengen từ 12 giờ ngày 17/03/2020 và kéo dài 30 ngày. Xã luận của nhật báo Le Monde (19/03/2020) nhận định : "Virus corona cho thấy rõ nhiều nhược điểm của Liên Hiệp Châu Âu".
Quảng trường Concorde, Paris, Pháp không một bóng người vì lệnh phong tỏa chống dịch virus corona. JOEL SAGET / AFP
Thực vậy, các nước thành viên tự thân vận động, lo cho nước mình trước tiên, bất chấp lời kêu gọi tương ái của Ủy Ban Châu Âu. Những "ích kỷ" này được thể hiện qua việc nhiều nước thành viên đóng cửa đường biên giới với nước láng giềng, một quyết định đi ngược với tinh thần "đoàn kết" của khối. Chỉ trong vòng vài ngày, những đường biên giới bỗng được tái lập giữa các nước, trái với thỏa thuận Schengen ký năm 1985.
Dịch Covid-19 cũng cho thấy khả năng về dịch tễ của mỗi nước vì vấn đề này không thuộc thẩm quyền của Liên Hiệp Châu Âu. Tuy nhiên, điều này không cấm cản các nước thành viên phối hợp trên quy mô Châu Âu để có được một phương án hành động chung. Theo xã luận của Le Monde, thực tế cho thấy mỗi nước đang "mạnh ai nấy làm". Thậm chí, Đức và Pháp cấm xuất khẩu trang thiết bị y tế sang các nước thành viên, bất chấp vi phạm các quy định của thị trường chung.
Trên lĩnh vực kinh tế, quá trình phối hợp cấp Liên Âu bị hạn chế tối đa. Ngân hàng Trung ương Châu Âu không có nhiều phương tiện, đặc biệt là về kế hoạch ngân sách, để đối phó với cuộc khủng hoảng dịch tễ đang khiến kinh tế thế giới lao đao. Điều này không có gì ngạc nhiên vì ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu chỉ chiếm hơn 1% GDP của mỗi nước thành viên. Cho đến nay, mọi ý định lập một chính sách kinh tế trên quy mô của khối đều bị thất bại. Xã luận cho rằng nếu không có một liên minh ngân hàng hay đồng nhất về các thị trường vốn và đóng góp thêm vào ngân sách, thì mỗi nước sẽ lại tiếp tục hành động theo lợi ích riêng mà không bận tâm đến vấn đề của các nước láng giềng.
"Chỉ tinh thần đoàn kết giữa các nước mới giúp thoát khỏi khủng hoảng"
Tại sao Pháp và Đức cấm xuất sang các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trang thiết bị y tế ? Vì thực ra, chính những nước này cũng đang bị thiếu hụt. Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mà Liên Hiệp Châu Âu có thể điều phối, theo nhận định của nhà nghiên cứu kinh tế Hélène Rey trên Les Echos : "Chỉ có tình đoàn kết giữa các nước mới cứu chúng ta thoát khỏi một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng".
Thứ nhất, cần huy động khẩn cấp mọi nguồn lực để tập trung sản xuất trang thiết bị y tế cần thiết (khẩu trang, đồ bảo hộ…), xây dựng bệnh viện dã chiến. Ủy Ban Châu Âu có thể giúp đỡ trong lĩnh vực này và tạo thuận lợi cho việc phân phối những thiết bị cần thiết phù hợp với thời điểm đỉnh dịch ở mỗi nước. Chuyên gia kinh tế không quên nhắc lại rằng việc các nước để chính phủ Ý đơn độc đương đầu với dịch Covid-19 là một sai lầm về đạo đức và chiến lược.
Thứ hai, lĩnh vực kinh tế sẽ phải hứng một cú sốc rất mạnh. Dựa trên những phân tích về tình hình tại Trung Quốc trong thời dịch, bà Hélène Rey nhận định tăng trưởng của Pháp sẽ bị giảm mạnh và cấp độ còn tùy vào thời gian của dịch. Hai giả thuyết được nêu lên : Nếu các biện pháp dịch tễ nghiêm ngặt được áp dụng trong vòng ba tháng dẫn đến việc giảm 25% hoạt động và sau đó mọi chuyện trở lại bình thường, thì GDP hàng năm của Pháp sẽ giảm 5% so với mức kỳ vọng ; Nếu cuộc khủng hoảng kéo dài và quy mô tác động trực tiếp lớn hơn, Pháp sẽ có thể sẽ ghi nhận mức suy thoái từ 10% trở lên cho năm 2020 so với dự kiến.
Bà Hélène Rey đánh giá cao các biện pháp của các chính phủ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu, phù hợp với quy mô cú sốc mà cả thế giới đang trải qua, vì những biện pháp đó giúp các doanh nghiệp tránh bị phá sản, cũng như hỗ trợ sức mua của người lao động, nếu không, việc tạm thời ngừng hoạt động hiện nay sẽ biến thành một cuộc khủng hoảng kinh tế lâu dài và đau đớn hơn.
Vấn đề đặt ra là sau khủng hoảng, nợ công của các nước sẽ tăng một cách đáng kể. Vì vậy, theo chuyên gia Pháp, cần phải xử lý tình huống này với các đối tác của khu vực đồng euro một cách thống nhất tối đa có thể. Ví dụ có lẽ đã đến lúc cân nhắc đến một ngân sách Châu Âu đủ mạnh để đối phó với những chi phí cho dịch tễ và chi phí thất nghiệp tạm thời cho các nước thành viên khối đồng tiền chung euro. Nguyên tắc tương ái cần được áp dụng trọn vẹn.
Cùng nhau vượt qua dịch
Đợt dịch Covid-19 này cho thấy "không gì có vẻ là vững chắc. Không gì có vẻ là ổn định, đáng tin cậy", theo đánh giá trong bài xã luận của Libération.
Dịch Covid-19 cho thấy rõ những vấn đề về cấu trúc, xã hội và chính trị. Những bất bình đẳng lại càng lộ rõ. Và chính những người có cuộc sống bấp bênh nhất, những người yếu đuối nhất và những người dễ bị tổn thương nhất lại là những người sẽ phải gánh chịu những ngày tháng nặng nề nhất.
Đợt dịch này cũng cho thấy rõ những nguy hiểm của khuynh hướng dân túy, bằng chứng là nhiều nước cho tuyên truyền cứ như dịch bệnh không dám động đến nước họ, hoặc virus corona là "virus ngoại quốc". Xã luận của Libération cũng đưa ra quan điểm "phải có một hành động chung đối với đại dịch". Phải ưu tiên "chúng ta" hơn là "họ" vì tư tưởng dân túy chẳng giúp được gì trong trường hợp này.
Pháp ban hành "tình trạng khẩn cấp dịch tễ"
Chỉ trong vòng vài ngày, hàng loạt biện pháp nghiêm ngặt liên tục được chính phủ Pháp công bố : đóng cửa trường học, các tụ điểm vui chơi giải trí hàng quán, người dân được yêu cầu ở nhà… Pháp chuẩn bị bước vào giai đoạn "tình trạng khẩn cấp dịch tễ".
Nhật báo La Croix giải thích với việc ban hành tình trạng khẩn cấp dịch tễ, chính phủ có thể được phép đưa ra các biện pháp đặc biệt, thậm chí "hạn chế quyền tự do đi lại, tự do hội họp và cho phép trưng dụng tài sản hoặc dịch vụ cần thiết". Luật về "Tình trạng khẩn cấp", có từ năm 1955, từng được áp dụng sau loạt vụ khủng bố ở Paris và tỉnh Saint-Denis năm 2015. Nếu ban hành tình trạng khẩn cấp, chính phủ có thể sẽ kéo dài thời gian phong tỏa, nhiều hơn 15 ngày như hiện nay.
Hai ngày đầu phong tỏa, nhiều đô thị lớn của Pháp yên lặng bất thường, trái ngược với hình ảnh khẩn trương bên trong các bệnh viện. Nhật báo Le Monde dành hai trang để những bệnh nhân Covid-19 kể lại chuyện của họ, những lo lắng, những tác động đến tâm lý và thể chất. Các bệnh viện chuẩn bị tinh thần để đón hàng loạt bệnh nhân mới, đồng thời cũng phải chuẩn bị tâm lý "bỏ ai, chăm sóc ai" nếu xảy ra tình trạng quá tải, thiếu máy thở.
Ngày 17/03, Tổng cục Y tế Pháp đã gửi đến các y bác sĩ một cuốn hướng dẫn những trường hợp ưu tiên. Đây là "Thế tiến thoái lưỡng nan của nhân viên y tế", theo nhận định trên trang nhất của La Croix. Bệnh nhân nào được ưu tiên ? Dựa theo tiêu chí nào ? Nhật báo công giáo phản ánh "những quy tắc ưu tiên khó khăn trong bệnh viện".
Pháp đang phải đối mặt với tình trạng tương tự ở Ý. Bước sang ngày phong tỏa thứ ba, "nhiều câu hỏi đang làm sứt mẻ đoàn kết dân tộc". Le Figaro cho biết phe đối lập chất vấn về sự trì trệ của chính phủ trong xử lý khủng hoảng, từ vấn đề kiểm tra ở biên giới, thiếu khẩu trang, thiếu bộ xét nghiệm virus corona… Chưa dừng ở đó, theo một bài viết của Le Monde, cựu bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn như châm thêm dầu vào lửa, khi cho biết bà từng khuyến cáo thủ tướng Edouard Philippe ngay từ tháng Hai là không nên tổ chức bầu cử địa phương khi dịch đạt đỉnh.
30 dự án vác-xin chạy đua chống virus corona
Cuộc chiến tìm vác-xin chống virus corona đã diễn ra từ đầu năm, nhưng càng khẩn trương hơn trong thời gian gần đây. Công ty Moderna Therapeutics và NIH đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên tại Mỹ. Và hiện có khoảng "30 dự án vác-xin chạy đua chống virus corona", theo Le Figaro.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu một sản phẩm có hiệu quả cần nhiều thời gian. Nhà nghiên cứu Etienne Declory, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) nhận định với Le Figaro : "Quá trình đưa được một loại vác-xin ra thị trường rất lâu, tổng cộng phải cần ít nhất 2 năm… Sau những đợt thử nghiệm đầu tiên trên động vật, thì cần phải có ba đợt thử nghiệm trên người". Viện Pasteur của Pháp cũng đang phát triển một loại vác-xin chống virus corona mới nhưng để có thể sử dụng rộng rãi, cũng phải chờ đến năm 2021.
Trong khi chờ đợi, các bác sĩ vẫn phải sử dụng những loại thuốc đã có (chống HIV, Ebola…) để điều trị triệu chứng cho người bệnh. Thuốc chloroquine, được một bệnh viện ở Marseille, khẳng định có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Chính phủ Pháp đồng ý cho sử dụng, nhưng theo Le Figaro, dựa trên nhận định của nhiều chuyên gia, thì "phải thận trọng với thuốc Chloroquine".
Sản xuất trong thời phong tỏa vì dịch Covid-19
Trong khi toàn bộ người dân được yêu cầu ở nhà, trừ những trường hợp bất khả kháng, thì chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục "làm việc dù có virus" do lo ngại nhiều lĩnh vực thiết yếu phải ngừng hoạt động do thiếu nhân lực, theo trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire khuyến khích : "Tất cả những ai có thể thì nên đi làm, nhất là trong những lĩnh vực thiết yếu". Tổ chức giới chủ Medef nghiên cứu cách làm tại Ý để điều phối các biện pháp dịch tễ và duy trì hoạt động sản xuất.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi rất nhiều lĩnh vực "không cần thiết" trong thời dịch bệnh (du lịch, nhà hàng…) ngừng hoạt động, nhân viên nghỉ việc, khiến người lao động trong một số lĩnh vực khác (thu ngân, cảnh sát…) bị sốc vì các biện pháp phong tỏa gần như triệt để và có cảm giác phải đối đầu với nguy hiểm khi họ đi làm. Cả nhật báo kinh tế Les Echos và Le Figaro lần lượt giải thích những quyền lợi của "người lao động và người sử dụng lao động trong cơn bão virus corona".
Thu Hằng