'Hàng triệu người Mỹ' có thể nhiễm virus Corona, tử vong 'lên tới 200 nghìn' (VOA, 30/03/2020)
Một chuyên gia hàng đầu của chính phủ Mỹ về bệnh truyền nhiễm hôm 29/3 cảnh báo rằng con số tử vong vì virus Corona ở Hoa Kỳ có thể tăng lên tới 200 nghìn người và hàng triệu ca lây nhiễm, theo Reuters.
Lời cảnh báo của bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng, được đưa ra trong bối cảnh New York, New Orleans và các thành phố lớn khác kêu gọi thêm các thiết bị y tế.
Ông Fauci nói với kênh CNN rằng dịch Covid-19 có thể khiến từ 100 tới 200 nghìn người tử vong ở Mỹ và hàng triệu ca nhiễm.
Theo Reuters, kể từ năm 2010, dịch cúm ở Mỹ làm 12 nghìn tới 61 nghìn người tử vong mỗi năm. Đại dịch cúm năm 1918-19 đã làm 675 nghìn người chết.
Tính tới ngày 29/3, con số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ là 2.300 người, tăng hơn gấp đôi so với hai ngày trước đó.
Con số người nhiễm virus ở Hoa Kỳ là hơn 130 nghìn người.
Theo Reuters, thành phố New York sẽ cần thêm hàng trăm máy thở trong những ngày tới, cũng như cần thêm khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế và các vật dụng y tế khác.
Trong khi đó, tới ngày 4/4, New Orleans sẽ thiếu máy thở và các quan chức ở New Orleans hiện chưa biết là họ có nhận được các máy thở từ kho dự trữ quốc gia hay không.
*******************
ố ca Covid-19 ở Mỹ vượt quá 100.000, bác sĩ kêu cứu vì quá tải (VOA, 28/03/2020)
Tổng số ca nhiễm virus corona được biết đến ở Mỹ đã vượt quá 100.000 người, với hơn 1.600 người chết, trong khi các bác sĩ và y tá gồng mình đối phó với tình trạng thiếu thốn vật tư y tế.
Người dân đứng xếp hàng chờ xét nghiệm virus corona (Covid-19) tại Trung tâm Bệnh viện Elmhurst ở Quận Queens của Thành phố New York, ngày 26/3, 2020.
Các nhân viên y tế ở Mỹ trực chiến với đại dịch ngày thứ Sáu khẩn cầu cung cấp thêm thiết bị và đồ bảo hộ để điều trị số lượng bệnh nhân tăng vọt mà đang đẩy các bệnh viện đến chỗ quá tải tại các điểm nóng virus như Thành phố New York, New Orleans và Detroit.
"Chúng tôi đang sợ", Bác sĩ Arabia Mollete của Bệnh viện và Trung tâm Y tế Đại học Brookdale ở Quận Brooklyn của Thành phố New York nói với Reuters. "Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì tính mạng của những người khác, nhưng chúng tôi cũng chiến đấu vì tính mạng của chúng tôi nữa, vì chúng tôi cũng có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất".
Các bác sĩ đặc biệt lo ngại về tình trạng thiếu máy thở, vốn rất cần cho những người mắc bệnh Covid-19., một bệnh đường hô hấp giống như viêm phổi gây ra bởi chủng virus corona mới lây lan mạnh.
Các bệnh viện cũng báo động về tình trạng khan hiếm thuốc, bình oxy và nhân viên được đào tạo.
Số ca nhiễm virus được xác nhận ở Mỹ đã tăng khoảng 18.000 ca vào ngày thứ Sáu, mức tăng cao nhất trong một ngày, lên hơn 103.000 ca. Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm virus corona kể từ khi số ca được biết đến ở Mỹ vượt qua Trung Quốc và Ý vào ngày thứ Năm.
Với ít nhất 1.634 người thiệt mạng kể từ tối ngày thứ Sáu - cũng là mức tăng kỉ lục hàng ngày - Mỹ đứng thứ sáu thế giới về số người chết vì đại dịch, theo những số liệu chính thức mà Reuters kiểm đếm.
Trong khi tình trạng thiếu thốn nguồn vật tư y tế xảy ra trên khắp cả nước, các bác sĩ và y tá tuyệt vọng buộc phải tái sử dụng một số đồ bảo hộ hoặc phải giấu khẩu trang N-95 để không bị lấy cắp.
Bác sĩ Alexander Salerno của Hiệp hội Y khoa Salerno ở phía bắc bang New Jersey nói với Reuters ông phải thông qua một "người môi giới" trực tuyến để trả 17.000 đôla mua khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác có giá khoảng 2.500 đôla và nhận hàng tại một nhà kho bỏ hoang.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày thứ Sáu đã viện dẫn quyền lực khẩn cấp bắt buộc hãng General Motors bắt đầu chế tạo máy thở sau khi ông cáo buộc nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Mỹ lãng phí thời gian trong các cuộc đàm phán.
Trước đây, ông đã kháng cự những lời kêu gọi ông viện dẫn Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, một đạo luật thời Chiến tranh Triều Tiên cho tổng thống quyền lực mua thiết bị ồ ạt trong các trường hợp khẩn cấp quốc gia.
*******************
Dịch corona : Hơn 80% dân Mỹ sẽ nhận được tiền trợ cấp của chính phủ (VOA, 28/03/2020)
Đại đa số dân Mỹ sắp được chính phủ gửi ngân phiếu hay chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản ngân hàng, với gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành chiều ngày 27/3 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Tổng thống Donald Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la chiều ngày 27/3/2020.
Gói tài trợ sẽ cấp 1.200 đô la cho những người có thu nhập hằng năm dưới 75.000 đô, cộng thêm 500 đô la cho mỗi đứa con. Những người có lợi tức trên 75.000 đô la/năm cũng sẽ nhận được tiền hỗ trợ nếu hội đủ một số điều kiện. Phần đông sẽ nhận được tiền vào tháng Tư qua hình thức chuyển khoản trực tiếp vào ngân hàng. Những người nhận ngân phiếu gửi qua đường bưu điện có thể sẽ chờ lâu hơn.
Người nào đủ điều kiện nhận tiền ?
Các cá nhân có thu nhập dưới 75.000 đô la/năm sẽ đủ điều kiện nhận được ngân phiếu tài trợ 1.200 đô la. Người có thu nhập lên tới 99.000 đô/năm thì nhận được số tiền ít hơn (trên mức thu nhập 75.000 đô, cứ 100 đô thu nhập thì bị giảm đi 5 đô tài trợ).
Vợ chồng khai thuế chung được lãnh 2.400 đô la nếu tổng thu nhập được điều chỉnh theo các khoản chiết khấu cho phép của họ dưới 150.000 đô la một năm. Những cặp vợ chồng thu nhập tới 198.000 đô la một năm thì số tiền tài trợ sẽ giảm bớt theo tỷ lệ. Các cặp vợ chồng cũng nhận được 500 đô la cho những đứa con dưới 17 tuổi.
Những người khai thuế dưới dạng "chủ hộ gia đình" (thường là cha hay mẹ sống một mình với con) đủ điều kiện nhận 1.200 đô la nếu lợi tức dưới 112.500 đô la một năm. Nếu thu nhập lên tới 136.500 đô la một năm thì số tiền tài trợ nhận được sẽ giảm xuống theo tỷ lệ. Diện này cũng được nhận thêm 500 đô la cho mỗi đứa con dưới 17 tuổi.
Làm sao tiền đến được tận tay ?
Những người ở Mỹ đã khai thuế năm 2019 thì Sở thuế Liên bang IRS sẽ dùng những tin tức ngân hàng trực tiếp trên tờ khai thuế năm 2019 để gởi tiền vào tài khoản ngân hàng của họ. Nếu ai không cung cấp cho IRS những chi tiết về tài khoản ngân hàng hoặc đã đóng tài khoản thì IRS sẽ gởi ngân phiếu cho họ.
Những người chưa khai thuế năm 2019, IRS sẽ dựa vào thông tin khai thuế năm 2018 để quyết định và tiến hành việc gửi tiền.
Khi nào tiền sẽ đến ?
Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin đặt mục tiêu gửi ra những tấm ngân phiếu đầu tiên trong tuần lễ đầu tháng Tư. Nhiều chuyên gia nói đây là thời khóa biểu nhiều tham vọng và có thể bị đẩy lùi vào cuối tháng 4. Lần cuối cùng chính phủ Mỹ thực hiện điều tương tự là vào năm 2008, tiền được gởi cho dân hàng loạt và phải mất khoảng 8 tuần để những người cuối cùng nhận được ngân phiếu.
Những người đang nhận tiền an sinh xã hội thì sao ?
Những người đang nhận tiền an sinh xã hội đủ điều kiện nhận trợ cấp virus corona với điều kiện tổng lợi tức của họ không vượt quá giới hạn. Những người Mỹ lợi tức thấp được hưởng tiền an sinh xã hội không cần phải khai thuế. Chừng nào họ còn nhận mẫu đơn SSA-1099 (tuyên bố lợi tức An sinh Xã hội) thì chính phủ Liên bang sẽ có thể gởi tiền cho họ theo cách thức mà họ thường nhận trợ cấp An sinh Xã hội. Những người về hưu và những người khuyết tật đều đủ điều kiện nhận được tiền trợ cấp đặc biệt vì dịch bệnh corona lần này.
Bao nhiêu người Mỹ sẽ nhận được các khoản tiền này ?
Có khoảng 125 triệu người sẽ nhận được ngân phiếu, hay khoảng 83% những người khai thuế, theo Kyle Pomerlo, một chuyên gia về thuế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Ai sẽ không nhận được tiền ?
Những người không nhận được tiền là những người giàu, những người không phải thường trú nhân (tức là người nước ngoài không có thẻ xanh) và những ai được khai là người phụ thuộc trong hồ sơ khai thuế của người khác.
Sẽ có khoản hỗ trợ nào khác ?
Có thể có. Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng cho một đợt chi trả mới, nhưng chỉ khi nào nền kinh tế vẫn còn yếu sau mùa xuân và phải cần một lần thúc đẩy kinh tế nữa.
Tiền này có bị đóng thuế hay không ?
Không, không bị đóng thuế. Tuy nhiên có một điều cần để ý là về phương diện kỹ thuật, lợi tức năm 2020 của một cá nhân là điều để biết họ có đủ điều kiện để nhận tiền hay không. Nhưng vì chưa ai biết được lợi tức năm 2020 của mình ra sao nên chính phủ sử dụng tờ khai thuế năm 2019 và 2018 để biết được ai đủ điều kiện. Có thể có người phải trả lại toàn phần hoặc một phần tiền hỗ trợ nhận được nếu lợi tức trong tờ khai thuế năm 2020 lớn hơn nhiều so với năm 2019 hay 2018. Khả năng này không lớn, và số tiền phải hoàn lại trước ngày 15/4/2021.
Điều gì xảy ra cho những người kiếm được nhiều tiền trong năm 2018 và 2019 nhưng hiện thất nghiệp ?
Đó là tình huống khó khăn. Tiếc thay những người này không đủ điều kiện nhận ngay 1.200 đô la. Họ sẽ nhận được tiền khi khai thuế 2020 vào năm tới. Bộ Tài chánh có thể lập một chương trình để những người này có thể nhận được tiền hỗ trợ sớm hơn, nhưng chưa có chi tiết cụ thể được loan báo.
(Nguồn : The Washington Post)
*****************
Tổng thống Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trên 2 ngàn tỷ đô (VOA, 28/03/2020)
Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều ngày 27/3 ký ban hành gói cứu nguy kinh tế trị giá 2,2 ngàn tỷ đô la, số lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ từ trước tới nay, sau khi lưỡng viện Quốc hội nhanh chóng chấp thuận biện pháp này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở y tế, và giúp dân chúng vượt qua khó khăn tài chính trong đại dịch Covid-19.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành gói cứu nguy kinh tế 2,2 ngàn tỷ đô la, chiều ngày 27/3/20.
Tổng thống Trump, khi ký phê duyệt tại Phòng Bầu Dục, đã ngỏ lời cảm ơn cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đã đặt nước Mỹ lên trên hết.
Trước đó vài giờ, gói hỗ trợ kinh tế này đã được thông qua tại Hạ viện sau khi Thượng viện biểu quyết tán đồng tối 25/3.
Luật chi tiêu 2,2 ngàn tỷ đô la sẽ giúp chính phủ xúc tiến việc gửi cho dân ngân phiếu 1.200 đô la, tăng cường phúc lợi thất nghiệp cho hàng triệu người bị mất việc làm vì dịch virus corona. Các doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ nhận được các khoản vay, hỗ trợ, miễn giảm thuế. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ gửi hàng tỷ đô la chưa từng có trước nay tới các tiểu bang, các chính quyền địa phương cũng như hệ thống y tế trên toàn quốc.
"Luật này không chỉ là một gói cứu nguy kinh tế, đó là một sự cam kết rằng chính phủ của quý vị và những người quý vị chọn để phục vụ sẽ làm mọi cách có thể để hạn chế những thiệt hại và khó khăn mà quý vị đang đương đầu, cả bây giờ và trong tương lai", lãnh đạo phe thiểu số Cộng hoà ở Hạ viện, dân biểu Kevin McCarthy, nói.
Luật cũng lập ra một chương trình trị giá 454 tỷ đô la dành cho các khoản vay trợ cấp bảo đảm cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề vì virus corona.
Gói hỗ trợ kinh tế này cũng dành 150 tỷ đô la cho các bệnh viện và hệ thống y tế liên hệ cùng 290 tỷ đô la cấp phát cho hàng triệu gia đình.
Luật chi tiêu vừa thông qua còn cung cấp 350 tỷ đô la các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ đô la mở rộng hỗ trợ thất nghiệp.
Sự hậu thuẫn đồng lòng hiếm có giữa cả hai đảng ở Quốc hội đối với gói cứu nguy kinh tế này cho thấy các nghị sĩ Mỹ xem đại dịch Covid-19 nghiêm trọng tới mức nào trong lúc dân Mỹ đang chống chọi với những khó khăn và hệ thống y tế đang chật vật đối phó với những thách thức do dịch bệnh gây ra.
Hôm 26/3, Mỹ trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus corona nhất, vượt qua Trung Quốc và Ý.
Số người bị nhiễm virus corona tại Mỹ đã quá 87 ngàn, số tử vong vượt trên 1.300 ca.
Bộ Lao động báo cáo số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hiện là 3,28 triệu, số cao kỷ lục từ trước tới nay.