Virus corona : Số ca bệnh trên thế giới tiến gần đến ngưỡng 1 triệu (RFI, 02/04/2020)
Ở khắp năm châu, dịch Covid - 19 do virus corona chủng mới gây ra tiếp tục tăng với tốc độ chóng mặt, với hơn 900.000 ca lây nhiễm trên toàn thế giới, trong đó Hoa Kỳ, quốc gia bị nặng nhất, đã chiếm hơn 200.000 ca, tính đến ngày 01/04/2020. Dịch viêm phổi cấp tính đã cướp đi sinh mạng của 46.000 người trên toàn cầu, trong đó có cả một bé sơ sinh mới 6 tuần tuổi ở Mỹ.
Một bệnh nhân Covid-19 đang được cấp cứu tại một Bệnh viện Ý - Reuters - FLAVIO LO SCALZO
Do rất nhiều nước không có đủ khả năng xét nghiệm, các số liệu thống kê nói trên chắc chắn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Cho dù đã có những biện pháp cách ly, phong tỏa, số ca tử vong tại một số nước không ngừng gia tăng nhanh chóng : hơn 13.000 tại Ý, hơn 10.000 tại Tây Ban Nha, hơn 5.000 tại Mỹ và hơn 4.000 tại Pháp.
Cho tới nay, người ta vẫn tưởng là trẻ em không gặp nguy hiểm với virus corona, thế nhưng cái chết của trẻ sơ sinh 6 tuần tuổi tại bang Connecticut, Hoa Kỳ, tiếp theo sau các ca tử vong thiếu niên ở Bỉ, Anh Quốc… đã gây chấn động dư luận thế giới.
WHO kêu gọi thế giới hợp lực
Trước đà lây lan kinh khủng của đại dịch Covid -19, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua kêu gọi toàn thế giới hợp lực chống con virus "bí ẩn và nguy hiểm" này.
Để kềm chế đà lây nhiễm của Covid-19, gần 4,8 tỷ người, tức là gần phân nữa dân số toàn cầu đã được kêu gọi hoặc bị bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Nhưng tại những quốc gia mà người dân nghèo sống chen chúc với nhau trong các khu phố ổ chuột, không dễ gì tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, phong tỏa.
Nguy cơ khan hiếm lương thực
Hôm qua, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng hành tinh của chúng ta đang trải qua "cuộc khủng hoảng thế giới nghiêm trọng nhất" kể từ khi Liên Hiệp Quốc được thành lập cách đây 75 năm. Dịch bệnh đe dọa toàn cầu cộng với tác động kinh tế đang đưa thế giới đến một cuộc suy thoái chưa từng có trong lịch sử gần đây của nhân loại.
Các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng vừa báo động là kể từ nay có nguy cơ "khan hiếm lương thực" trên thị trường thế giới do dịch Covid-19 làm xáo trộn thương mại quốc tế và các dây chuyền cung cấp lương thực.
Thanh Phương
***************
Virus Corona : WHO cảnh báo đại dịch vẫn ở trước mặt Châu Á (RFI, 01/04/2020)
Tại Châu Á mặc dù các ổ dịch lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản dường như đã được kiềm chế dần dần, nhưng Tổ Chức Y Tế Thế Giới hôm qua, 31 /03/2020, cảnh báo : Đại dịch virus corona vẫn còn lâu mới kết thúc trong khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Các nước vẫn phải chuẩn bị tình huống dịch lây lan cục bộ ở từng nước trên quy mô rộng lớn.
Tranh cổ động chống Covid-19 vẽ hình một con khủng long được vẽ trên tường đang ăn những con virus corona. Ảnh chụp tại thành phố Depok, gần Jakarta (Indonesia) ngày 30/03/2020. Reuters - ANTARA FOTO
Tại Indonesia, tổng thống Joko Widodo hôm qua đã ban hành tình trạng khẩn cấp nhưng vẫn chưa ra lệnh phong tỏa toàn bộ dân cư. Lý do của Jakarta là Indonesia đông dân, đặc thù địa lý đất nước trải rộng và phân tán bởi hàng trăm hòn đảo. Nhưng các giới chức y tế Indonesia cảnh báo chiến lược giãn cách xã hội áp dụng ở Indonesia sẽ không hiệu quả trong tình hình dịch lây lan như hiện nay và sẽ phải đối mặt với thảm họa nếu không có biện pháp mạnh ngay từ bấy giờ.
Tại Nhật Bản, ngày hôm qua, chính quyền ghi nhận có thêm 78 ca nhiễm mới. Mặc dù Tokyo vẫn chưa ban hành tình trạng khẩn cấp, nhưng chính phủ đang bị áp lực lớn trước thực tế virus corona vẫn tiếp tục lây lan trong nước.
Tại Ấn Độ, sau lệnh phong tỏa hơn một tỷ dân cả nước, chính quyền đang tích cực truy tìm và khoanh vùng ổ dịch lớn trong nước. Có một điểm tích cực có thể thấy ngay sau một tuần chính phủ Ấn Độ ra lệnh phong tỏa cả nước : Tình trạng ô nhiễm không khí giảm mạnh chưa từng có. Điều này có thể nhận thấy rõ ở thủ đô New Delhi.
Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi ghi nhận :
Trong thủ đô New Delhi, tiếng chim hót và những chú sóc đã thay thế cho tiếng động cơ ô tô, xe máy. Màn sương mù màu xám đã biến khỏi bầu trời. Bà Jyoti Pande Lavakare, sáng lập viên tổ chức phi chính phủ chống ô nhiễm ở Ấn Độ Care for Air, phấn khởi nói : Tôi chưa bao giờ thấy bầu trời New Delhi xanh như thế này. Hôm nay tôi tập Yoga trong vườn nhà, có cả các bài tập thở nữa. Từ 10 năm nay tôi chưa bao giờ dám làm như thế.
Từ một tuần nay, thành phố ngừng trệ, mức độ tích tụ các phần tử bụi mịn giảm một nửa. Chính quyền đã thay thế âm thanh báo tin của các máy điện thoại di động bằng các thông tin về Covid-19.
Bà Jyoti Pande Lavakare nhấn mạnh : Đây là một sáng kiến rất hay vì như vậy thông tin đến được cả với những người nghèo. Điều đó cho thấy chính phủ đã có cách để thông tin đến dân chúng, chính phủ sẽ còn phải làm điều đó khi chúng tôi ở đỉnh ô nhiễm. Hôm nay bà giúp việc gia đình tôi biết phải đeo khẩu trang để bảo vệ trước virus corona nhưng lại không hiểu khẩu trang này có thể bảo vệ bà trước ô nhiễm. Trong khi mà ô nhiễm hàng năm làm hơn một triệu người Ấn Độ chết, còn nhiều hơn cả vì virus corona.
Ô nhiễm năng còn làm tổn thương đến phổi của người Ấn Độ, khiến giờ đây họ thành nhóm dân cư dễ bị tổn thương hơn trước dịch virus corona.
Anh Vũ
*****************
Virus corona : Mỹ vượt ngưỡng 5.000 ca tử vong (RFI, 02/04/2020)
Theo thẩm định của đại học Johns Hopkins, tại Hoa Kỳ, tính đến tối 01/04/2020, đã có 5.116 người chết vì dịch Covid-19, hơn 215.000 người dương tính với virus corona. Trong 24 giờ qua đã có thêm 884 người tử vong. Con số này không ngừng gia tăng. Nạn nhân trẻ tuổi nhất là một trẻ sơ sinh 6 tuần lễ tuổi qua đời tại bang Connecticut.
Nhân viên y tế tiến hành khử trùng ở bên ngoài bệnh viện Brooklyn, New York, Hoa Kỳ, ngày 31/03/2020 Reuters - BRENDAN MCDERMID
Bang New York vẫn là ổ dịch lớn nhất trên toàn quốc với 100.000 ca lây nhiễm. Vào lúc dịch bệnh hoành hành tại tất cả các bang trên lãnh thổ Hoa Kỳ, tổng thống Trump ngày 01/04/2020 cho biết đang "tính tới giải pháp ngưng các chuyến bay nội địa đến những thành phố có nhiều ca bệnh nhất". Tuy nhiên trước mắt, chính quyền liên bang vẫn từ chối ban hành lệnh phong tỏa trên toàn quốc, như giải thích sau đây của thông tín viên Anne Corpet từ thủ đô Washington :
"Nhiều lần trong ngày, dân cư tại thủ đô Washington nhận được tin nhắn qua điện thoại di động. Chính quyền thành phố kêu gọi người dân ở trong nhà. Tương tự như đa số các tiểu bang khác, District of Colombia đã ban hành lệnh phong tỏa toàn bộ. Thống đốc Florida, một trong 5 bang bị nặng nhất và đây cũng là nơi có đông người cao tuổi đã về hưu sinh sống, mới chỉ bắt đầu ban hành lệnh phong tỏa từ hôm qua thứ Tư. Chín tiểu bang ban hành lệnh phong tỏa bán phần, tức là việc áp dụng biện pháp đó tùy thuộc vào chính quyền của từng thành phố, từng quận.
Năm bang khác thì chỉ ban hành lệnh giới hạn sinh hoạt một cách tối thiểu : thí dự như cấm các cuộc tập hợp và đóng cửa trường học. Chính quyền liên bang chưa đưa ra bất kỳ một lệnh phong tỏa nào. Ngay cả trong tình trạng khẩn cấp, thẩm quyền ban hành hay không lệnh giới hạn đi lại thuộc về chính quyền của mỗi bang.
Do đây là trường hợp chưa bao giờ xảy ra, chính quyền liên bang có thể bị kiện nếu ban hành lệnh phong tỏa. Tuy nhiên tổng thống Mỹ có thể khuyến khích các giới chức địa phương có những biện pháp nghiêm ngặt. Tới nay, Donald Trump vẫn khước từ trọng trách này và ông tuyên bố tin tưởng vào quyết định của thống đốc các bang".
Nga tiếp tế cho Mỹ chống Covid-19
Một chiếc máy bay của không quân Nga chở trang thiết bị y tế và khẩu trang đã đáp xuống phi trường New York chiều ngày 01/04/2020. Đây là hình ảnh đã được phái bộ Nga bên cạnh Liên Hiệp Quốc loan tải rộng rãi. Trên Twitter, ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo cho biết "Chúng ta phải cùng nhau đẩy lui dịch Covid-19. Đây là lý do vì sao Mỹ chấp nhận mua trang thiết bị bảo hộ của Nga, những mặt hàng mà Hoa Kỳ đang cần có một cách khẩn cấp". Trong khi đó, chính quyền Nga hôm nay (02/4) chính thức cho biết đã có 3.548 ca nhiễm virus corona. Thủ tướng Nga Mikhaïl Michoustine thông báo chi 1.400 tỷ rúp (tương đương với khoảng 16,2 tỷ euro) để chống dịch và hỗ trợ kinh tế đất nước. Về phần mình, Tổng thống Putin cho biết phải làm việc từ xa.
Thanh Hà
**************
Xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ vượt mốc 6 triệu trong 1 tuần (VOA, 03/04/2020)
Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức kỷ lục mới, với hơn 6 triệu vào tuần trước, khi ngày càng có thêm nhiều tiểu bang, quận thành ra chỉ thị cho công chúng phải ở trong nhà để chặn dịch Covid-19, mà các nhà kinh tế nhận định là đã đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Người dân xếp hàng chờ nhận trợ cấp thất nghiệp tại một trung tâm hỗ trợ nghề nghiệp ở Las Vegas. Số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đạt mức kỷ lục mới với hơn 6 triệu đơn trong 1 tuần qua.
Báo cáo về đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Bộ Lao động ra hôm 2/4, dữ liệu mới nhất về sức khoẻ của nền kinh tế, đã củng cố thêm nhận định của các kinh tế gia cho rằng chuỗi tăng trưởng việc làm kéo dài nhất trong lịch sử Mỹ có thể đã kết thúc vào tháng Ba vừa qua.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp đầu tiên đã tăng từ mức hơn 3,3 triệu lên mức hơn 6,8 triệu trong tuần cuối của tháng 3 tính đến ngày 28/3, theo dữ liệu của chính phủ. Dữ liệu của tuần trước đó cho thấy mức tăng thêm 24.000 đơn so với 1 tuần trước đó, nâng tổng số lên hơn 3,3 triệu.
Các kinh tế gia tham gia khảo sát của Reuters trước đó dự báo rằng số lượng đơn xin thất nghiệp sẽ tăng vọt lên 3,5 triệu trong tuần trước, mặc dù các ước tính nói sẽ lên tới 5,25 triệu.
"Tương tự như con số công bố thất nghiệp của tuần trước, báo cáo ngày hôm nay phản ánh sự hy sinh của người lao động Mỹ cho gia đình, hàng xóm và đất nước họ nhằm làm chậm sự lây lan (của virus corona)", Bộ trưởng Lao động Mỹ, Eugene Scalia, nói trong một tuyên bố.
Mỹ có số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus mới Covid-19 gây ra, được xác nhận cao nhất, với hơn 214.000 người dương tính. Theo một thống kê của Reuters, gần 5.000 người ở tử vong vì căn bệnh này ở Mỹ.
Theo Reuters