Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/04/2020

Điểm báo Pháp - Tổ chức Y tế Thế giới bị mua chuộc ?

RFI tiếng Việt

Tổ chức Y tế Thế giới : Vị nhạc trưởng không có đũa chỉ huy ?

Hai ngày sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo chí Pháp vẫn tập trung phân tích những biện pháp chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 và cả những khó khăn mà người dân sẽ phải đương đầu sau thời kỳ phong tỏa vì dịch Covid-19.

who0

Nghi vấn Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bị mua chuộc. © GenèvePHOTO - AFP

Le Monde chạy tít : "Chấm dứt phong tỏa : Những thách thức của ngày 11/05". Le Figaro đi tìm lời giải đáp cho những điều còn chưa rõ ràng trong những biện pháp mà tổng thống đã nhắc tới trong bài phát biểu tối ngày 13/04 qua hàng tựa "Chấm dứt phong tỏa : 11 câu hỏi cho ngày 11/05". Còn Libération đặc biệt chú ý đến biện pháp mở cửa dần dần các trường học kể từ ngày 11/05. Trên nền bức ảnh một cậu học sinh đeo khẩu trang đứng một mình với vẻ ngần ngại, Libération đặt câu hỏi : "Ngày 11/05 : Mọi nguy cơ đối với các lớp học ?". Việc tổng thống thông báo các trường học sẽ dần được mở cửa trở lại gây nhiều lo ngại trong công luận. Nhiều bác sĩ, các tổ chức công đoàn, giáo viên và phụ huynh đều tỏ vẻ ngạc nhiên và thắc mắc lý do.

Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới "Cuộc suy thoái tồi tệ nhất". Bộ Kinh Tế Pháp dự báo GDP năm nay sẽ giảm sút 8%, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo thế giới sẽ rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất tính từ năm 1930. Báo công giáo La Croix hôm nay thì đặc biệt chú ý đến công cuộc trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris. Cách nay tròn 1 năm, vào đúng ngày 15/04/2019, Notre Dame de Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi một phần. Trang nhất của La Croix là bức hình chụp cận cảnh hai người dân đeo khẩu trang, phía xa là nhà thờ Đức Bà Paris với giàn giáo và cần cẩu. Hai hồ sơ lớn của La Croix hôm nay dành để nói về "Notre Dame de Paris, một năm sau (hỏa hoạn)" và "Chấm dứt phong tỏa như thế nào ?"

WHO : Nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona ?

Về thời sự quốc tế, Le Monde giới thiệu bài viết "Virus corona : Cách quản lý đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới dưới ngọn lửa chỉ trích", khẳng định cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh vì ngả về phía Trung Quốc, bị Bắc Kinh mua chuộc, nhưng định chế này cũng là một nạn nhân của sự yếu kém do bị chính các quốc gia thành viên bỏ mặc. Đối với Le Monde, WHO và tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona.

Trên các mạng xã hội, những hình ảnh một vị bác sĩ tên là Tedros bị bịt mắt bằng quốc kỳ Trung Quốc hay bị chủ tịch Tập Cận Bình thòng dây dắt đi được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi. Một thư kiến nghị được tung lên mạng của công chúng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức tổng giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.

WHO còn "bị bồi thêm một cú đánh" từ tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 07/04, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ đã đả kích kịch liệt định chế này. WHO bị cho là đã góp phần khiến Covid-19 trở thành một đại dịch toàn cầu. Đương nhiên, đối với phe Dân chủ Mỹ, việc ông Trump chỉ trích WHO cũng là nhằm "đổ tội cho Tedros", bởi chính tổng thống Mỹ cũng có phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Về phản ứng của định chế y tế quốc tế, bác sĩ Sylvie Briand, người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nhấn mạnh khi dịch bệnh nổ ra, cơ quan này chỉ có 1 chuyên gia về virus corona, với ngân sách 3,4 tỉ đô la cho năm 2019. Bà cũng cho rằng những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là "rất quen thuộc" và "vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm". Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới đã chần chừ né tránh rất nhiều lần kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019.

Ngoài ra, cũng phải nhìn vào một thực tế khác, WHO là một tổ chức không có quyền cưỡng chế. Đây chính là hạn chế của định chế liên chính phủ này. WHO không có quyền ép buộc các quốc gia thành viên phải hợp tác, nhất là đối với các chế độ chuyên quyền độc đoán. Nhà nghiên cứu virus Marie-Paule Kieny, từng là phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho đến năm 2017, giải thích với Le Monde là các nước thành viên WHO chỉ muốn định chế này yếu kém bởi "y tế, sức khỏe là một vấn đề mang tính chính trị rất cao và là một đặc quyền quốc gia".

Sau cuộc khủng hoảng SARS hồi năm 2003, 194 thành viên WHO đã thành công trong việc thiết lập Quy định y tế quốc tế. Từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới có vai trò điều phối quốc tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp thuận để WHO có quyền ép buộc họ. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, nhận định tình trạng này giống như việc "một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao đũa chỉ huy".

Le Monde nhắc đến "một vấn đề muôn thuở" khác trong quản lý dịch bệnh : mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009 hay Ebola năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đều bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm : hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu. Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu lưu ý là các nước có tầm ảnh hưởng nhất đều dựa vào cơ quan y tế của riêng họ, chẳng hạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) có ngân sách cao gấp 10 lần ngân sách của WHO. Ngược lại, đối những quốc gia nghèo nhất, Tổ chức Y tế Thế giới lại giữ vai trò kiểm soát và những chỉ dẫn của định chế rất được chú ý lắng nghe và làm theo.

Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Nhưng Le Monde kết luận bài viết bằng cách trích dẫn một nhà nghiên cứu, theo đó cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO. Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi Tổ chức Y tế Thế giới, nếu bị suy yếu, sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.

Ngoại giao y tế Cuba : các bác sĩ đẩy lùi biên giới

Trong những tuần qua, nhiều "đoàn quân" bác sĩ Cuba đã rời đất nước để trợ giúp 60 quốc gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Không những xuất khẩu bác sĩ sang các nước láng giềng như Nicaragua, Venezuela, La Havana còn điều bác sĩ sang tận Trung Quốc, Ý và cả Pháp.

Libération nhắc lại ngoại giao y tế là một loại vũ khí được Cuba sử dụng từ nhiều năm nay. Với 9 bác sĩ/1.000 dân, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ cao nhất thế giới, cao gấp đôi Thụy Điển, gấp 3 lần Pháp.

Cuba điều bác sĩ ra nước ngoài hoặc dưới hình thức làm việc tình nguyện, chẳng hạn trong các thảm họa động đất ở Haiti, dịch bệnh Ebola ở Châu Phi, hoặc các nước phải trả thù lao. Việc "xuất khẩu chất xám" đã góp phần nuôi sống đất nước từ 2 thập kỷ nay : kỷ lục là vào năm 2011, nhờ xuất khẩu 50.000 bác sĩ và y tá, chủ yếu sang Venezuela và Brazil, Cuba thu về 11,5 tỉ đô la, trong khi doanh thu từ du lịch chỉ đạt 2,6 tỉ đô la. Bác sĩ và y tá Cuba chủ yếu đảm nhiệm công việc chăm sóc y tế cơ bản ở những nơi nhân viên y tế nước sở tại không muốn mạo hiểm đến công tác : vùng nông thôn, khu ổ chuột, nơi có thổ dân…

Tuy nhiên, Cuba lại bị Mỹ chỉ trích vì đã biến các bác sĩ thành nô lệ. Hoa Kỳ thậm chí còn khuyên thế giới không dùng y bác sĩ Cuba. Dựa trên những lời kể của người trong cuộc, công chúng nay có thể hiểu thêm về điều kiện các bác sĩ Cuba. Trên danh nghĩa là hoạt động tình nguyện, họ phải chấp nhận ra nước ngoài 2 năm, thậm chí thời gian bị kéo dài gấp đôi mà không được báo trước. Lương của họ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa chính phủ các nước, khoảng 3000-4000 đô la/tháng, được chuyển thẳng cho Nhà nước Cuba và La Havana chỉ trả cho y bác sĩ 20% số tiền nói trên, và một nửa số tiền đó chỉ được chuyển vào tài khoản các y bác sĩ này, nếu họ trở về nước khi hết hạn làm việc ở nước ngoài. Đây là cách để hạn chế tình trạng y bác sĩ "đào ngũ". Theo một blogger Cuba, những người đào ngũ bị cấm về nước trong vòng 8 năm. Còn những ai hoàn thành công tác trở về sẽ được thăng tiến và được nhận một phần thưởng "trong mơ" : mua một chiếc xe hơi với giá phải chăng !

Libération kết luận là trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện tại, bác sĩ trong nước dư thừa, thì việc xuất khẩu bác sĩ không chỉ là phương tiện để Cuba thể hiện tình đoàn kết quốc tế mà còn giúp cho nền kinh tế Cuba khỏi "chết chìm".

Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ thảm họa hạt nhân

Trong khi cả thế giới đang đối đầu với virus corona, nhìn sang Ukraine, La Croix lưu ý "Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ hãi" về một thảm họa môi trường nơi trước đây là nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. Khu vực cấm ở Tchernobyl, với bán kính 30 km quanh nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử, từ chục ngày nay, đang bị cháy rừng. Hỏa hoạn lan rộng tới mức chính quyền Ukraine đã phải huy động khoảng 500 lính cứu hỏa, 6 phi cơ chở bom nước đã thực hiện hơn 200 chuyến bay cứu hỏa chỉ riêng trong ngày 13/04. Theo bộ Nội vụ Ukraine, các đám cháy rừng đã được khống chế, nồng độ phóng xạ ở Tchernobyl không tăng đáng kể.

Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường, nhất là tổ chức Greenpeace chi nhánh Nga cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy đám cháy rừng bao trùm 12.000 ha, chứ không phải chỉ có vài trăm ha như bộ Tình trạng Khẩn cấp thông báo. Nếu đám cháy lan đến khu lưu trữ rác thải hạt nhân ở Prypiat thì sẽ lại gây ra một thảm họa khôn lường. Có ý kiến chỉ trích chính phủ Ukraine hoặc không nắm được thông tin, hoặc chọn giải pháp im lặng như thời Xô Viết. 30 đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, nhưng cách xử lý khủng hoảng dưới thời Liên Xô vẫn còn khiến dân chúng Ukraine mất niềm tin vào chính quyền.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)