Mai Vân, RFI, 06/01/2021
Vụ ông Lại Tiểu Dân, cựu lãnh đạo tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung vừa bị tuyên án tử hình, trong khi tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, nguyên lãnh đạo của tập đoàn Alibaba, đã "mất tích" từ hai tháng nay đã thu hút sự chú ý của báo giới Pháp. Trong bài viết "Vinh quang và ô nhục của các đại gia quá liều lĩnh tại Trung Quốc", báo La Croix ngày 06/01/2020 đã điểm lại một số vụ thanh trừng tiêu biểu thời Tập Cận Bình.
Theo tờ báo Pháp, tại vương quốc của chủ nghĩa tư bản "với đặc thù Trung Quốc", các ông chủ lớn chỉ có một quyền tự do duy nhất : "Đoàn kết chung quanh Đảng cộng sản và nỗ lực phát huy sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế", theo lời lẽ được ông Tập Cận Bình sử dụng vào tháng 9 năm ngoái.
Vì không tôn trọng đường lối chính thức này, nhà tỷ phú lừng danh Jack Ma, từng được chế độ tung lên may xanh như biểu tượng của nền công nghệ cao của Trung Quốc, đã bị thất sủng vào tháng 11 vừa qua. Tương tự như một loạt các ông chủ khác trong những tháng gần đây, những người đã dám chỉ trích hoặc có thái độ coi thường chính quyền.
Vì vậy, khi mọi người đang thắc mắc là ông Mã Vân (Jack Ma) đã mất tích từ cách nay 2 tháng đã đi đâu, thì cựu lãnh đạo của tập đoàn tài chính khổng lồ Trung Quốc Hoa Dung (Huaron), ông Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), đã bị tuyên án tử hình vào hôm 05/01 về tội "tham nhũng và đa thê". Sau khi thực hiện một "lời thú tội trên truyền hình" một năm trước đây - những lời thú tội thường do bị tra tấn hoặc ép buộc - ông bị kết tội nhận hối lộ một khoản tiền hơn 200 triệu euro.
Một giáo sư kinh tế Đại học Phúc Đán (Fudan) ở Thượng Hải giải thích : "Lại Tiểu Dân là hiện thân cho số phận bi thảm của nhiều ông chủ lớn, đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc (Đảng cộng sản Trung Quốc), những người có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn miễn là phục vụ lợi ích của chế độ".
Theo vị giáo sư xin được giấu tên này, sự khác biệt giữa các công ty tư nhân và công ty nhà nước rất nhỏ ở Trung Quốc. Họ không thể làm gì nếu không có sự đồng ý của của Đảng cộng sản Trung Quốc. "Nhưng nếu đường lối chính trị đột ngột thay đổi, hoặc nếu bạn dám đặt vấn đề về chính sách đó, thì lưỡi dao máy chém lập tức rơi xuống, Đảng cộng sản Trung Quốc muốn bạn trở thành một tấm gương để khiến người khác sợ hãi".
Tháng 11 năm ngoái, Tôn Đại Ngọ (Sun Dawu), 72 tuổi, ông chủ của một tập đoàn kinh doanh nông sản hùng mạnh, đã bị bắt cùng gia đình vì công khai chỉ trích chính quyền địa phương đã giảm nhẹ mức nghiêm trọng của dịch tả lợn Châu Phi năm 2019. Tập đoàn của ông sau đó đã bị chính quyền địa phương tiếp quản.
Trong "chiến dịch chấn chỉnh" rộng lớn này nhằm giành quyền kiểm soát khu vực tư nhân, tiếp theo chiến dịch chống tham nhũng được phát động từ năm 2012, Đảng cộng sản Trung Quốc nhắm vào các lĩnh vực cụ thể và sinh lợi như ngân hàng, công nghệ cao và kinh doanh nông nghiệp, hoặc bất động sản.
Ông chủ cũ của tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Trung Quốc Anbang, Ngô Tiểu Huy (Wu Xiaohui) - người đã mua khách sạn Waldorf Astoria danh tiếng ở New York vào năm 2014 - đã mất tích vài tháng vào năm 2017, trước khi bị kết án một năm sau đó mười tám năm tù về tội "tham ô". Có lẽ vì ông đã đầu tư hơi quá tự do. Theo vị giáo sư của Đại Học Phúc Đán, "Có những lằn ranh đỏ không được vượt qua".
"Tỷ phú đỏ" ngành bất động sản Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), 70 tuổi, con trai của một quan chức cao cấp sáng lập ra Đảng cộng sản Trung Quốc, đã bị kết án mười tám năm tù vào tháng 9 năm 2019 vì "vi phạm kỷ luật đảng". Tư cách là "hoàng tử đỏ" đã bảo vệ ông từ lâu, nhưng vô số lời chỉ trích mà ông đưa ra nhắm vào chế độ và lãnh đạo Tập Cận Bình, người mà ông dám gọi là "thằng hề" vào tháng 3 năm ngoái, đã khiến ông hoàn toàn bị thất sủng. Thái độ ngạo mạn của ông đã bị coi là hành vi phản bội Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 7 tới đây.
Thụy My, RFI, 06/01/2020
Hơn 50 nhà hoạt động dân chủ sáng nay 06/01/2021 đã bị bắt giữ tại Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia mới. Đây là đợt trấn áp lớn nhất từ trước đến nay của Bắc Kinh tại đặc khu dựa vào đạo luật khắc nghiệt này.
Cảnh sát xác nhận đã bắt tạm giam 53 người trong đó có một luật sư Mỹ vì "nổi dậy" trong chiến dịch huy động đến 1.000 nhân viên công lực sáng sớm hôm nay.
Bộ trưởng An Ninh Hồng Kông Lý Gia Siêu (John Lee) cho rằng vụ bắt bớ này là "cần thiết", nhắm vào một nhóm người tìm cách "nhấn chìm Hồng Kông xuống vực thẳm". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định "các lực lượng bên ngoài và một số cá nhân ở Hồng Kông kết hợp với nhau để cố làm phương hại đến ổn định và an ninh của Trung Quốc".
Ông Anthony Blinken, người được tổng thống tân cử Joe Biden lựa chọn làm ngoại trưởng nhanh chóng tố cáo "vụ tấn công vào những người can đảm bảo vệ các quyền phổ quát", và hứa hẹn chính quyền Mỹ "sát cánh với nhân dân Hồng Kông chống lại việc Bắc Kinh đàn áp dân chủ".
Thông tín viên Florence de Changy tại Hồng Kông giải thích :
"Tất cả những vụ câu lưu và khám xét nhà sáng nay đều có liên hệ với cuộc bầu cử "sơ bộ" không chính thức, được phe đối lập tổ chức vào ngày 11/07, nhằm chuẩn bị cho bầu cử Nghị Viện vào ngày 06/09 nhưng rốt cuộc đã bị hoãn lại.
Cuộc bầu cử sơ bộ này không bị chính thức cấm đoán, đã diễn ra một cách ôn hòa, đã huy động được 600.000 người tham gia.
Nhưng vào lúc đó, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho rằng sự kiện dân chủ tự phát này "có thể bị coi là hành động nổi dậy", và những người bị câu lưu hôm nay đã bị cáo buộc xúi giục nổi dậy.
Sáng hôm nay Thang Gia Hoa (Ronnie Tong), từng là thành viên của phe đối lập nhưng nay tham gia chính quyền Hồng Kông cho rằng "tổ chức bầu cử sơ bộ không thể bị coi là bất hợp pháp".
Nhưng vấn đề là đạo luật an ninh mới có hiệu lực từ ngày 30/06 mơ hồ đến nỗi tất cả mọi sự đều có thể trở thành bất hợp pháp nếu Bắc Kinh phật lòng".
Những khuôn mặt bị bắt hôm nay rất đa dạng, từ các cựu dân biểu như Đồ Cẩn Thân (James To), Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan), Lâm Trác Đình (Lam Cheuk Ting), Mao Mạnh Tĩnh (Claudia Mo) cho đến những nhà đấu tranh trẻ tuổi hơn như cựu nhà báo Hà Quế Lam (Gwyneth Ho), ủy viên hội đồng Viên Gia Úy (Tiffany Yuen). Nhiều người thân cận với lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hiện đang thụ án tù cho biết nhà của anh đã bị khám xét. Cảnh sát cũng bắt giữ và lục soát văn phòng luật sư Mỹ John Clancey - người Mỹ đầu tiên bị bắt giam nhân danh luật an ninh quốc gia – đồng thời khám xét ba tòa soạn báo của Stand News, Apple Daily và Inmediahk.
Thụy My
*********************
Tú Anh, RFI, 06/01/2021
Một năm từ khi đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát từ Vũ Hán, công cuộc điều tra tìm nguồn cội siêu vi sẽ còn mất thêm nhiều thời gian nữa. Lẽ ra phái đoàn chuyên gia của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO) phải tới Trung Quốc ngày 05/01/2021, nhưng Bắc Kinh chưa cấp thị thực nhập cảnh. Trong cuộc họp báo tại Geneve, Thụy Sĩ, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus bày tỏ "thất vọng" về thông tin này.
Phái đoàn của Tổ chức Y tế Thế gới gồm 10 nhà khoa học của 10 nước (Mỹ, Úc, Nga, Đan Mạch, Anh, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Qatar và Việt Nam). Hai người tiền trạm chưa vào được Trung Quốc, một số chuyên gia khác phải chờ đợi ở một nước thứ ba.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, hôm nay, 06/01, giải thích với báo chí : "Vấn đề không chỉ đơn thuần là thị thực nhập cảnh, Trung Quốc muốn biết chính xác thời gian viếng thăm và mục đích của phái bộ".
Từ ngày đầu đại dịch đến nay, Bắc Kinh không bao giờ sốt sắng với đề nghị để các chuyên gia độc lập đến Vũ Hán điều tra..
Thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường thuật :
"17 năm sau khủng hoảng dịch viêm phổi cấp tính SARS-CoV-1 (năm 2003), tình trạng thiếu minh bạch vẫn tồn tại trong việc đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc.
Nếu giới y tế Trung Quốc có chia sẻ những hiểu biết cốt yếu của họ cho các nhà nghiên cứu trên thế giới về SARS-CoV-2 thì cội nguồn của siêu vi corona chủng mới này vẫn là chuyện nhạy cảm.
Từ nhiều tuần nay, truyền thông Nhà nước loan tải những lập luận của chính quyền và chuyên gia địa phương hoài nghi về nguồn gốc cũng như về giả thuyết siêu vi xuất phát từ nước ngoài trước rồi mới vào Trung Quốc sau. Chính ngoại trưởng Vương Nghị mới đây tuyên bố : Ngày càng có nhiều yếu tố cho phép nghĩ rằng dịch Covid có thể đã xuất hiện ở nhiều nơi trên địa cầu.
Đối với Trung Quốc, việc khống chế cách diễn giải lịch sử diễn tiến đại dịch là một cuộc đấu tranh chính trị. Báo chí Nhà nước không dùng từ siêu vi SARS-CoV-2 để tránh làm công luận nhớ lại là vào năm 2003, đợt dịch viêm phổi cấp tính đầu tiên cũng đã phát sinh từ Trung Quốc.
Nhiều nhà báo công dân đã bị bắt giam, những người báo động dịch bệnh bị bịt miệng.
Chuyến công tác của phái đoàn chuyên gia Tổ Chức Y tế Thế Giới hoàn toàn không được đề cập đến trên báo chí tiếng Hoa. Và chắc chắn, các chuyên gia quốc tế sẽ được "kèm cặp" chặt chẽ tại Vũ Hán ; bằng mọi giá, thành phố đặt dưới sự kiểm soát này không muốn thấy xuất hiện những trường hợp lây nhiễm mới, làm gợi nhớ lại những gì đã xẩy ra vào mùa đông năm ngoái, như hình ảnh chuyến xe lửa từ Bắc Kinh đến Vũ Hán, các nữ tiếp viên đeo găng tay, khẩu trang hai lớp và kính bảo hộ để tiếp hành khách".
Tú Anh
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 1. Ảnh Naohiko Hatta
Đại dịch Covid-19 là một thời điểm xác định cho thế giới đòi hỏi cải cách lớn cho các tổ chức quốc tế. Tốt nhất là bắt đầu từ Tổ chức Y tế Thế giới, WHO đã bị mất uy tín nặng gần đây.
WHO là tổ chức duy nhất có thể lãnh đạo y tế toàn cầu. Nhưng, tại thời điểm cần sự lãnh đạo như vậy, WHO đã thất bại thảm hại. Trước khi tuyên bố muộn đại dịch Covid-19 vào ngày 11 tháng 3, WHO đã đưa ra hướng dẫn mâu thuẫn và khó hiểu. Nguy hại hơn, WHO đã giúp Trung Quốc che đậy dấu vết dịch bệnh.
Hiện nay người ta nhận ra rằng văn hóa chính trị bí mật của Trung Quốc đã khiến dịch bệnh địa phương biến thành đại dịch toàn cầu lớn nhất trong thời đại chúng ta. Khác xa với báo động khi virus corona mới được phát hiện ở Vũ Hán, Đảng cộng sản Trung Quốc che giấu dịch bệnh, để dịch lây lan xa và rộng. Mấy tháng sau, Trung Quốc tiếp tục gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc đại dịch và ém giữ dữ liệu có khả năng cứu mạng sống.
WHO đã đồng lõa với sự lừa dối này. Thay vì cố gắng độc lập xác minh các yêu sách của Trung Quốc, WHO chấp nhận - và phổ biến ra thế giới.
Vào giữa tháng 1, WHO đã tweet rằng nhà chức trách Trung Quốc đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về việc truyền virut từ người sang người thông qua điều tra. Cảnh báo ngày 31 tháng 12 của Đài Loan rằng việc truyền nhiễm từ người sang người có khả năng xảy ra ở Vũ Hán đã bị WHO phớt lờ, mặc dù với thông tin này chính quyền Đài Loan đã đưa ra các biện pháp phòng ngừa trong nước sớm nhất và trước cả Trung Quốc.
Việc WHO Liên tục nêu tình hình Trung Quốc đã khiến các quốc gia khác rơi vào tình trạng tự mãn nguy hiểm đó là trì hoãn các phản ứng hàng tuần lễ. Trên thực tế, WHO đã chủ động ngăn chặn hành động. Vào ngày 10 tháng 1, khi Vũ Hán bùng phát dịch bệnh, WHO nói rằng họ "không đề xuất bất kỳ biện pháp y tế cụ thể nào cho khách du lịch đến và rời Vũ Hán", và còn nói thêm rằng thanh lọc nhập cảnh "không lợi lộc gì". Họ cũng khuyên nên phản đối việc áp dụng bất kỳ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào cho Trung Quốc.
Ngay cả sau khi nhà nghiên cứu phổi nổi tiếng nhất Trung Quốc, Zhong Nanshan, xác nhận lây truyền từ người sang người vào ngày 20 tháng 1, WHO vẫn tiếp tục làm suy yếu các phản ứng hiệu quả bằng cách hạ thấp nguy cơ lây truyền không triệu chứng và không khuyến khích xét nghiệm rộng rãi. Trong khi đó, Trung Quốc tiến hành tích trữ thiết bị bảo vệ cá nhân - tăng quy mô xuất khẩu PPE và các thiết bị y tế khác do Trung Quốc sản xuất và nhập khẩu nguồn cung thế giới. Trong tuần cuối cùng của tháng 1, theo dữ liệu chính thức Trung Quốc đã nhập khẩu 56 triệu khẩu trang.
Vào thời điểm WHO cuối cùng coi dịch bệnh này là một trường hợp khẩn cấp sức khỏe cộng đồng vào ngày 30 tháng 1, người Trung Quốc đã mang Covid-19 đi khắp thế giới : Úc, Brazil, Pháp và Đức. Tuy nhiên, khi Úc, Ấn Độ, Indonesia, Ý và Mỹ áp đặt hạn chế đi lại từ Trung Quốc, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng chỉ trích rằng như vậy sẽ "làm tăng sợ hãi và kỳ thị, không có lợi cho sức khỏe cộng đồng".
Đồng thời, Tedros đã ca tụng Tập Cận Bình là "một lãnh đạo hiếm có" cũng như "sự minh bạch" của Trung Quốc. Sự thiên vị đã được tuyên bố rõ ràng đến mức gần đây, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã lưu ý rằng, đối với nhiều người, WHO giống CHO (Chinese Health Organization) - Tổ chức Y tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặc dù WHO đã lặp đi lặp lại sự trì hoãn đối với Trung Quốc, chính quyềnTrung Quốc đã không cho phép một nhóm WHO đến thăm vào giữa tháng Hai. Ba trong số 12 thành viên của nhóm được phép đến thăm Vũ Hán, nhưng không ai được phép vào Viện virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm được cho là có một loại virus corona tự nhiên có nguồn gốc từ dơi đã lọt ra ngoài.
Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc tại Quảng Châu với sự hỗ trợ của Quỹ khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc đã kết luận vào tháng 2 rằng : "sát thủ corona có lẽ bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán", đang nghiên cứu virus corona trên dơi.
Trung Quốc không phải lúc nào cũng được hưởng sự đối xử khác biệt từ WHO. Khi đại dịch SARS diễn ra ở Trung Quốc vào năm 2002, WHO đã công khai khiển trách chính quyền Trung Quốc vì che giấu thông tin quan trọng.
Tại sao WHO thay đổi giọng điệu ? Câu trả lời không phải là tiền : Trung Quốc vẫn là một quốc đóng góp tương đối ít vào ngân sách 6 tỷ đô la của WHO. Vấn đề là sự lãnh đạo của WHO.
Tedros, là tổng giám đốc WHO đầu tiên không phải là bác sĩ vào năm 2017 nhờ sự hỗ trợ của Trung Quốc, Tedros đã bị cáo buộc che đậy ba đợt dịch tả trong khi làm bộ trưởng y tế của Ethiopia. Tuy nhiên, không ai có thể tưởng tượng rằng người đứng đầu WHO, nhà vi trùng học và nhà nghiên cứu bệnh sốt rét lại đồng lõa với sự lừa dối chết người của Trung Quốc.
Phản ứng chậm chạp của WHO đối với dịch Ebola năm 2014 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cải cách trước khi Tedros nắm quyền điều hành cơ quan này. Nhưng, thay vì giám sát những thay đổi cần thiết, Tedros đã để những cân nhắc chính trị vượt qua sức khỏe cộng đồng.
Khi cái giá của việc quản lý sai lầm tiếp tục tăng lên, điều tất yếu đã xảy ra. Một kiến nghị trực tuyến kêu gọi Tedros từ chức đã thu được hơn một triệu chữ ký. Tệ hơn nữa, chính quyền của Tổng thống Donald Trump, đã đình chỉ tài trợ của WHO mức tài trợ chiếm 9,2% ngân sách của WHO.
Thế giới cần WHO. Nhưng nếu cơ quan này đi đầu trong chính sách y tế quốc tế và ứng phó với dịch bệnh một cách hiệu quả, thì WHO phải theo đuổi những cải cách sâu rộng trong việc mở rộng quyền tài phán và quyền hạn. Điều đó sẽ không xảy ra trừ khi và cho đến khi WHO xây dựng lại uy tín của mình bắt đầu bằng lãnh đạo mới.
Brahma Chellaney
Ngân Bình dịch
Nguồn : VNTB, 27/04/2020
Tổ chức Y tế Thế giới : Vị nhạc trưởng không có đũa chỉ huy ?
Hai ngày sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo chí Pháp vẫn tập trung phân tích những biện pháp chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 và cả những khó khăn mà người dân sẽ phải đương đầu sau thời kỳ phong tỏa vì dịch Covid-19.
Nghi vấn Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, bị mua chuộc. © GenèvePHOTO - AFP
Le Monde chạy tít : "Chấm dứt phong tỏa : Những thách thức của ngày 11/05". Le Figaro đi tìm lời giải đáp cho những điều còn chưa rõ ràng trong những biện pháp mà tổng thống đã nhắc tới trong bài phát biểu tối ngày 13/04 qua hàng tựa "Chấm dứt phong tỏa : 11 câu hỏi cho ngày 11/05". Còn Libération đặc biệt chú ý đến biện pháp mở cửa dần dần các trường học kể từ ngày 11/05. Trên nền bức ảnh một cậu học sinh đeo khẩu trang đứng một mình với vẻ ngần ngại, Libération đặt câu hỏi : "Ngày 11/05 : Mọi nguy cơ đối với các lớp học ?". Việc tổng thống thông báo các trường học sẽ dần được mở cửa trở lại gây nhiều lo ngại trong công luận. Nhiều bác sĩ, các tổ chức công đoàn, giáo viên và phụ huynh đều tỏ vẻ ngạc nhiên và thắc mắc lý do.
Trong khi đó, báo kinh tế Les Echos nói tới "Cuộc suy thoái tồi tệ nhất". Bộ Kinh Tế Pháp dự báo GDP năm nay sẽ giảm sút 8%, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo thế giới sẽ rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất tính từ năm 1930. Báo công giáo La Croix hôm nay thì đặc biệt chú ý đến công cuộc trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris. Cách nay tròn 1 năm, vào đúng ngày 15/04/2019, Notre Dame de Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi một phần. Trang nhất của La Croix là bức hình chụp cận cảnh hai người dân đeo khẩu trang, phía xa là nhà thờ Đức Bà Paris với giàn giáo và cần cẩu. Hai hồ sơ lớn của La Croix hôm nay dành để nói về "Notre Dame de Paris, một năm sau (hỏa hoạn)" và "Chấm dứt phong tỏa như thế nào ?"
WHO : Nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona ?
Về thời sự quốc tế, Le Monde giới thiệu bài viết "Virus corona : Cách quản lý đại dịch của Tổ chức Y tế Thế giới dưới ngọn lửa chỉ trích", khẳng định cho dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh vì ngả về phía Trung Quốc, bị Bắc Kinh mua chuộc, nhưng định chế này cũng là một nạn nhân của sự yếu kém do bị chính các quốc gia thành viên bỏ mặc. Đối với Le Monde, WHO và tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona.
Trên các mạng xã hội, những hình ảnh một vị bác sĩ tên là Tedros bị bịt mắt bằng quốc kỳ Trung Quốc hay bị chủ tịch Tập Cận Bình thòng dây dắt đi được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi. Một thư kiến nghị được tung lên mạng của công chúng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức tổng giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.
WHO còn "bị bồi thêm một cú đánh" từ tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 07/04, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ đã đả kích kịch liệt định chế này. WHO bị cho là đã góp phần khiến Covid-19 trở thành một đại dịch toàn cầu. Đương nhiên, đối với phe Dân chủ Mỹ, việc ông Trump chỉ trích WHO cũng là nhằm "đổ tội cho Tedros", bởi chính tổng thống Mỹ cũng có phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Về phản ứng của định chế y tế quốc tế, bác sĩ Sylvie Briand, người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nhấn mạnh khi dịch bệnh nổ ra, cơ quan này chỉ có 1 chuyên gia về virus corona, với ngân sách 3,4 tỉ đô la cho năm 2019. Bà cũng cho rằng những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là "rất quen thuộc" và "vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm". Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, trên thực tế, Tổ chức Y tế Thế giới đã chần chừ né tránh rất nhiều lần kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019.
Ngoài ra, cũng phải nhìn vào một thực tế khác, WHO là một tổ chức không có quyền cưỡng chế. Đây chính là hạn chế của định chế liên chính phủ này. WHO không có quyền ép buộc các quốc gia thành viên phải hợp tác, nhất là đối với các chế độ chuyên quyền độc đoán. Nhà nghiên cứu virus Marie-Paule Kieny, từng là phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho đến năm 2017, giải thích với Le Monde là các nước thành viên WHO chỉ muốn định chế này yếu kém bởi "y tế, sức khỏe là một vấn đề mang tính chính trị rất cao và là một đặc quyền quốc gia".
Sau cuộc khủng hoảng SARS hồi năm 2003, 194 thành viên WHO đã thành công trong việc thiết lập Quy định y tế quốc tế. Từ năm 2005, Tổ chức Y tế Thế giới có vai trò điều phối quốc tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp thuận để WHO có quyền ép buộc họ. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu, nhận định tình trạng này giống như việc "một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao đũa chỉ huy".
Le Monde nhắc đến "một vấn đề muôn thuở" khác trong quản lý dịch bệnh : mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009 hay Ebola năm 2014, Tổ chức Y tế Thế giới đều bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm : hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu. Giám đốc Viện Sức khỏe Toàn cầu lưu ý là các nước có tầm ảnh hưởng nhất đều dựa vào cơ quan y tế của riêng họ, chẳng hạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) có ngân sách cao gấp 10 lần ngân sách của WHO. Ngược lại, đối những quốc gia nghèo nhất, Tổ chức Y tế Thế giới lại giữ vai trò kiểm soát và những chỉ dẫn của định chế rất được chú ý lắng nghe và làm theo.
Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Nhưng Le Monde kết luận bài viết bằng cách trích dẫn một nhà nghiên cứu, theo đó cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO. Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi Tổ chức Y tế Thế giới, nếu bị suy yếu, sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.
Ngoại giao y tế Cuba : các bác sĩ đẩy lùi biên giới
Trong những tuần qua, nhiều "đoàn quân" bác sĩ Cuba đã rời đất nước để trợ giúp 60 quốc gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Không những xuất khẩu bác sĩ sang các nước láng giềng như Nicaragua, Venezuela, La Havana còn điều bác sĩ sang tận Trung Quốc, Ý và cả Pháp.
Libération nhắc lại ngoại giao y tế là một loại vũ khí được Cuba sử dụng từ nhiều năm nay. Với 9 bác sĩ/1.000 dân, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ cao nhất thế giới, cao gấp đôi Thụy Điển, gấp 3 lần Pháp.
Cuba điều bác sĩ ra nước ngoài hoặc dưới hình thức làm việc tình nguyện, chẳng hạn trong các thảm họa động đất ở Haiti, dịch bệnh Ebola ở Châu Phi, hoặc các nước phải trả thù lao. Việc "xuất khẩu chất xám" đã góp phần nuôi sống đất nước từ 2 thập kỷ nay : kỷ lục là vào năm 2011, nhờ xuất khẩu 50.000 bác sĩ và y tá, chủ yếu sang Venezuela và Brazil, Cuba thu về 11,5 tỉ đô la, trong khi doanh thu từ du lịch chỉ đạt 2,6 tỉ đô la. Bác sĩ và y tá Cuba chủ yếu đảm nhiệm công việc chăm sóc y tế cơ bản ở những nơi nhân viên y tế nước sở tại không muốn mạo hiểm đến công tác : vùng nông thôn, khu ổ chuột, nơi có thổ dân…
Tuy nhiên, Cuba lại bị Mỹ chỉ trích vì đã biến các bác sĩ thành nô lệ. Hoa Kỳ thậm chí còn khuyên thế giới không dùng y bác sĩ Cuba. Dựa trên những lời kể của người trong cuộc, công chúng nay có thể hiểu thêm về điều kiện các bác sĩ Cuba. Trên danh nghĩa là hoạt động tình nguyện, họ phải chấp nhận ra nước ngoài 2 năm, thậm chí thời gian bị kéo dài gấp đôi mà không được báo trước. Lương của họ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa chính phủ các nước, khoảng 3000-4000 đô la/tháng, được chuyển thẳng cho Nhà nước Cuba và La Havana chỉ trả cho y bác sĩ 20% số tiền nói trên, và một nửa số tiền đó chỉ được chuyển vào tài khoản các y bác sĩ này, nếu họ trở về nước khi hết hạn làm việc ở nước ngoài. Đây là cách để hạn chế tình trạng y bác sĩ "đào ngũ". Theo một blogger Cuba, những người đào ngũ bị cấm về nước trong vòng 8 năm. Còn những ai hoàn thành công tác trở về sẽ được thăng tiến và được nhận một phần thưởng "trong mơ" : mua một chiếc xe hơi với giá phải chăng !
Libération kết luận là trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện tại, bác sĩ trong nước dư thừa, thì việc xuất khẩu bác sĩ không chỉ là phương tiện để Cuba thể hiện tình đoàn kết quốc tế mà còn giúp cho nền kinh tế Cuba khỏi "chết chìm".
Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ thảm họa hạt nhân
Trong khi cả thế giới đang đối đầu với virus corona, nhìn sang Ukraine, La Croix lưu ý "Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ hãi" về một thảm họa môi trường nơi trước đây là nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. Khu vực cấm ở Tchernobyl, với bán kính 30 km quanh nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử, từ chục ngày nay, đang bị cháy rừng. Hỏa hoạn lan rộng tới mức chính quyền Ukraine đã phải huy động khoảng 500 lính cứu hỏa, 6 phi cơ chở bom nước đã thực hiện hơn 200 chuyến bay cứu hỏa chỉ riêng trong ngày 13/04. Theo bộ Nội vụ Ukraine, các đám cháy rừng đã được khống chế, nồng độ phóng xạ ở Tchernobyl không tăng đáng kể.
Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường, nhất là tổ chức Greenpeace chi nhánh Nga cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy đám cháy rừng bao trùm 12.000 ha, chứ không phải chỉ có vài trăm ha như bộ Tình trạng Khẩn cấp thông báo. Nếu đám cháy lan đến khu lưu trữ rác thải hạt nhân ở Prypiat thì sẽ lại gây ra một thảm họa khôn lường. Có ý kiến chỉ trích chính phủ Ukraine hoặc không nắm được thông tin, hoặc chọn giải pháp im lặng như thời Xô Viết. 30 đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, nhưng cách xử lý khủng hoảng dưới thời Liên Xô vẫn còn khiến dân chúng Ukraine mất niềm tin vào chính quyền.
Thùy Dương
Virus corona : Trung Quốc gây áp lực với Tổ chức Y tế Thế giới
Thanh Phương, RFI, 29/01/2020
Sau hai ngày họp và sau nhiều cuộc tranh cãi gay gắt, ngày 22/01/2020, các thành viên ủy ban khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO ) vẫn bị chia rẽ trong việc ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở cấp độ quốc tế liên quan dịch viêm phổi do virus corona mới.
Kiểm tra thân nhiệt một hành khách Trung Quốc tại sân bay Incheon, Hàn Quốc, ngày 29/01/2020 Yonhap via Reuters
Sau khi họp thêm một ngày, ủy ban này cũng không thống nhất được ý kiến. Theo nhận định của tờ Le Monde, dường như những tính toán về chính trị đã lấn át các lập luận khoa học, bởi vì Trung Quốc dứt khoát không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Sau cuộc họp, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nói rằng hiện giờ dịch viêm phổi cấp tính do virus corona mới chỉ là "vấn đề khẩn cấp y tế ở Trung Quốc", chứ chưa phải là một "vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu". Theo lời ông, sự bùng phát mạnh mẽ của virus corona ở Trung Quốc là một nguy cơ "rất cao" ở Trung Quốc và là một nguy cơ "cao" đối với khu vực và trên thế giới.
Ngoài những tuyên bố của tổng giám đốc, trong Tổ chức Y tế Thế giới, cũng như trong ủy ban khẩn cấp, trong những ngày qua, không một ai phát biểu điều gì về vấn đề này. Nhưng theo các thông tin mà tờ Le Monde thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau, sở dĩ WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó chính là do sự chống đối quyết liệt của Trung Quốc và các nước đồng minh. Những nước này đã gây áp lực đối với các thành viên ủy ban khẩn cấp và ban lãnh đạo Tổ chức Y tế Thế giới.
Le Monde nhắc lại WHO có một công cụ pháp lý, Quy định Y Tế Quốc Tế. Bản quy định này đã được sửa đổi vào năm 2005, do Trung Quốc trong nhiều tháng đã che giấu các thông tin về dịch viêm phổi cấp tính nặng SARS 2002-2003. Bản mới có những quy định gắt gao hơn với các nước thành viên WHO, nhằm giúp cộng đồng quốc tế ngăn ngừa và đối phó với những nguy cơ nghiêm trọng về y tế, có thể từ một quốc gia lan ra nhiều nước khác và đe dọa cả thế giới.
Theo các quy định đó, WHO đã lập ra một ủy ban khẩn cấp về dịch viêm phổi do virus corona mới, với 15 thành viên và 6 cố vấn, chủ yếu là các chuyên gia dịch tễ học, đến từ những quốc gia đại diện cả năm Châu. Trong cuộc họp hai ngày 22 và 23/01, tổng giám đốc của WHO đã mời đại sứ của bốn quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhiều nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, đến dự với tư cách quan sát viên. Chính tại cuộc họp này mà đại sứ Trung Quốc đã gây áp lực với ủy ban và qua đó gây áp lực đối với tổng giám đốc WHO.
Theo một người nắm rành về hồ sơ này, được Le Monde trích dẫn, không phải là chính quyền Bắc Kinh xem nhẹ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, bằng chứng là họ đã thi hành những biện pháp rất nghiêm ngặt theo lệnh của chủ tịch Tập Cận Bình. Nhưng Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc không còn là một nước thế giới thứ ba nữa, mà nước này hoàn toàn có đủ khả năng để tự mình đối phó với khủng hoảng y tế, khác với lúc xảy ra dịch SARS. Một trong những điểm khác so với thời dịch SARS : lần này Trung Quốc đã công bố rộng rãi cho thế giới những dữ liệu mà họ nắm được từ con virus corona mới.
Một lý do khác khiến Bắc Kinh không muốn WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, đó là vì họ sợ làm như vậy sẽ gây tác hại cho trao đổi mậu dịch và cho giao thông, điều mà Trung Quốc và các đồng minh của họ muốn tránh.
Trước thái độ cương quyết này, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cố tìm ra một thỏa hiệp với Bắc Kinh. Trong chuyến đi Trung Quốc của hai ngày qua, ông đã thuyết phục được Bắc Kinh chấp nhận cho WHO gởi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để phối hợp các nỗ lực đối phó ở cấp độ toàn cầu với dịch viêm phổi do virus corona mới.
Thanh Phương
*******************Tại sao WHO rụt rè với Coronavirus ?
Mặc Lâm, VOA, 29/01/2020
Trong cuộc họp báo chiều 26/1 (mùng 2 Tết), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc thứ ba trong vòng 4 ngày qua với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch viêm hô hấp cấp do virus Corona mới (nCoV).
Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ Thành phố Vũ Hán hoặc đã từng đến đây.
Bà Satoko, chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết hiện các bằng chứng cho thấy việc lây nhiễm nCoV chỉ diễn ra ở các chùm ca bệnh là những người trong gia đình và những người tiếp xúc rất gần. Tất cả các trường hợp ca bệnh xâm nhập đến các quốc gia hiện nay đều có tiền sử đi từ Thành phố Vũ Hán hoặc đã từng đến đây. Tỷ lệ tử vong khi nhiễm nCoV tại Trung Quốc khoảng 3-4%, số ca bệnh nặng 20-25%. Với cách trình bày này bà Satoko chắc chắn đồng tình với WHO chưa nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho Coronavirus tại Trung Quốc cũng như các nước khác.
Trước đó ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc của WHO đã có những tuyên bố rõ ràng về quan điểm của WHO : chưa cần thiết tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Theo ông Tedros mặc dù đây là trường hợp khẩn cấp ở Trung Quốc nhưng nó vẫn chưa trở thành một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Do số lượng các trường hợp hạn chế đã lan ra bên ngoài Trung Quốc cho đến nay và Trung Quốc nỗ lực kiểm soát ổ dịch, WHO xác định vẫn còn quá sớm để sử dụng chỉ định. Vào thời điểm này, không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Có phải WHO chần chừ không đưa ra quyết định tuyên bồ tình trạng khẩn cấp là do chưa đủ yếu tố nguy hiểm đối với con virus chết người Corona hay còn một nguyên nhân gì khác ngoài những yếu tố y tế như ông Tedros đưa ra ?
Khác với những gì mà thế giới trông đợi, ý kiến của Tiến sĩ Kelley Lee trong vai trò cố vấn cho WHO làm người ta băn khoăn không hiểu WHO đang hướng dẫn thế giới tránh dịch bệnh hay nó đang lãnh trọng trách bảo vệ nền kinh tế cho các quốc gia nhiễm bệnh, ở đây là Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của Michel Martin, người đang làm việc cho đài phát thanh NPR của Mỹ, Tiến sĩ Kelley Lee cho rằng "khi một trường hợp khẩn cấp được tuyên bố, người ta có thể tưởng tượng rằng hệ thống kinh tế của đất nước đó sẽ vùi dập vì mọi người không muốn đi du lịch đến đất nước này. Giao dịch chậm lại. Cộng đồng doanh nghiệp trở nên rất, rất lo lắng, như chúng ta đã thấy. Có rất nhiều gợn sóng kinh tế xảy ra. Vì vậy, tôi nghĩ rằng WHO đang cố gắng cân bằng mức độ nghiêm trọng của vụ dịch, nơi nó đang xảy ra, mô hình lây nhiễm, tất cả những điều này cũng chống lại những tác động lớn hơn đối với đất nước, đối với nền kinh tế thế giới".
Ý tưởng của Tiến sĩ Kelley Lee có vẻ trùng hợp với ý tưởng của các nhà làm chính sách Trung Quốc, luôn muốn đem vấn đề "đại cục" ra để biện hộ những bất cập mà chính phủ chưa thể đối phó. Trung Quốc không hề che giấu ý định ngăn cản mọi thông tin bất lợi cho nền kinh tế mà nó khao khát muốn đạt tới bất kể sinh mạng của người dân. Tư tưởng Mao Trạch Đông cùng hệ lụy của các cuộc cách mạng mà ông ta phát động tuy làm cho nhân dân Trung Quốc chìm đắm trong bần cùng, chết chóc nhưng xem ra những lãnh đạo sau Mao Trạch Đông không hề lấy đó làm bài học : sinh mạng nhân dân luôn đứng đầu trong mọi kế sách của chính quyền.
Trong lần dịch này, Trung Quốc nhận thức được vấn đề ở một chiều kích khác, nếu tiếp tục ngăn cản thông tin họ vẫn có thể làm được trong một thời gian nào đó nhưng về lâu về dài khi Coronavirus tiến tới tầm không thể kiểm soát nỗi thì đó là lúc mọi chính quyền sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác xác chết của vài triệu người dân Trung Quốc. Sự tức giận không cần phải bàn tới mà hệ lụy lớn nhất là cả đất nước này sẽ trờ thành hoang phế, không ai dám ra đường, xác chết nhiều hơn người sống… hình ảnh ấy đã làm cho lãnh đạo cao cấp nhất của Bắc Kinh phải lạnh gáy, và đó là lý do tại sao họ không thề tiếp tục che đây thông tin, kề cả thuyết phục cơ quan quyền lực y tế lớn nhất thế giới trì hoãn đưa ra tình trạng khẩn cấp.
Theo CNA, có lẽ nhận thức được sự nguy hiểm đang đè nặng trên vai WHO khiến cơ quan này đã đủ "can đảm" đề tuyên bố vào Chủ nhật 26/1 rằng Coronavirus gây rủi ro "rất cao ở Trung Quốc, cao ở cấp khu vực và cao ở cấp toàn cầu". Trong một chú thích, WHO cho biết đã nói "không đúng" trong các thông tin trước đó được công bố vào thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy, khi nói rằng rủi ro toàn cầu là "vừa phải".
Qua đính chính đó, người ta có thể nhận ra không một định chế nào, ngay cả Liên Hiệp Quốc, có thể hoàn hảo, bởi vì người điều hành luôn luôn đối mặt với mọi loại áp lực công việc.
Những người chờ đợi quyết định của WHO có thể thất vọng, nhưng ngược lại, những ai không chờ đợi một ngón tay chỉ đường mà tự hành xử theo lương tâm cùng kiến thức, kỹ năng chuyên môn mình có được sẽ có câu trả lời thỏa đáng : Cứ làm hết sức mình trước khi chờ người khác góp lời chỉ bảo.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 29/01/2020
********************
Ai tiếp tay cho Corona ?
Mặc Lâm, VOA, 27/01/2020
Mùng Hai Tết năm con chuột có lẽ là ngày đáng nhớ trong những cái tết của Việt Nam. Đáng nhớ vì dịch bệnh Corona đã ám ảnh cả nước khi nguồn tin từ các phương tiện truyền thông quốc tế cho biết virus Corona có thể lây sang đường hô hấp và nó có thể gây chết người hàng loạt.
Vì virus Corona không có thuốc đặc trị nên Trung Quốc rất lo bị phát tán trên diện rộng nếu tình trạng lây lan không thể kiểm soát thì số người chết không ai tưởng tượng nổi là bao nhiêu. Hình minh họa
Ủy ban Sức khỏe Trung Quốc và WHO đã xác nhận vi rút mới gây ra bệnh viêm phổi Vũ Hán thuộc chủng Corona, vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Dịch bệnh SARS đã cướp đi sinh mạng của gần 650 người khắp Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong năm 2002 - 2003.
Chứng bệnh này phát tán nhanh và rộng khắp khiến cho cả hệ thống y tế của một nước có thể sụp đổ dễ dàng và vì vậy nó đang tấn công Trung Quốc, đặc biệt là tại thành phố Vũ Hán, nơi căn bệnh lạ này được tìm ra. Mặc dù nổi tiếng là đất nước có thông lệ che giấu thông tin nhưng lần này Bắc Kinh không thể tiếp tục lấy vải bọc lửa như những năm trước bởi người dân Trung Quốc ngày càng thông hiểu cách truyền tải thông tin dù đang bị bao vây một cách chặt chẽ nhất. Vì vậy mặc dù cả thành phố Vũ Hán với 11 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt nhưng những video clip vẫn thoát ra ngoài chỉ rõ thảm trạng bên trong với những hình ảnh kinh hoàng gây cho người xem có cảm giác đang xem một cuốn phim ma của Holywood.
Một bài báo của VTC cho biết dân Vũ Hán nhiễm virus Corona đổ bệnh ‘như zombie’, thi thể bị bỏ trên hành lang bệnh viện "người dân ở Vũ Hán được yêu cầu tránh các đám đông và các cuộc tụ họp công cộng sau khi tất cả các liên kết giao thông trong thành phố 11 triệu người bị đóng cửa. Bên trong thành phố, người dân hoảng loạn về tình trạng thiếu lương thực.
Các cảnh quay xuất hiện cho thấy xe tăng và sĩ quan của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã di chuyển vào thành phố, nơi được mệnh danh là "zombieland". Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm bốn thành phố vào lệnh cấm di chuyển, khiến 41 triệu người bị cách ly".
Với thông tin rất đơn giản về dịch bệnh quái ác này người dân có thể tìm thấy qua công cụ tìm kiếm Google như : Tránh ở chung phòng với một hệ thống máy lạnh, tránh đi máy bay dân dụng hay xe bus công cộng, tránh đám đông, không đụng chạm thân thể với người khác, dùng khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay bằng xà phòng nhiều lần, tránh người bị tình nghi là nhiễm bệnh, khi có triệu chứng sốt cao, đau cổ họng và ho liên tục phải khai báo ngay với cơ quan y tế… Vì virus Corona không có thuốc đặc trị nên Trung Quốc rất lo bị phát tán trên diện rộng nếu tình trạng lây lan không thể kiểm soát thì số người chết không ai tưởng tượng nổi là bao nhiêu.
Trong khi đó tại Việt Nam, chính phủ rất chậm chạp trong việc phòng tránh và có những biện pháp mạnh mẽ nhằm không chế dịch bệnh. Hàng đoàn khách du lịch từ Vũ Hán vẫn tiếp tục vào Đà Nẵng rồi đi Nha Trang mà không bị bất cứ biện pháp ngăn ngừa nào. Cửa khẩu các tỉnh phía Bắc mở toang bất kể sự lo âu của người dân. Chính phủ không tin rằng dịch bệnh sẽ nguy hiểm như Bắc Kinh đang lo sợ và vì vậy những hành vi tiếp tay lây nhiễm đang xảy ra mọi nơi nhất là tại các cơ quan du lịch.
Tình đến ngày mùng hai tết đã có 6.700 du khách Trung Quốc đã đến Quảng Ninh du xuân 3 ngày Tết
Thông tin do Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thuỷ cho biết khi trao đổi với VietNamNet. Theo ông Phạm Ngọc Thủy, ngày 30 Tết Nguyên đán có 3.000 khách Trung Quốc nhập cảnh theo đường bộ, hàng không và đường biển. Ngày mùng 1 Tết có khoảng 1.900 khách và hôm mùng 2 Tết có 1.800 khách từ Trung Quốc nhập cảnh vào Quảng Ninh.
Lạ một điều là Tổng cục Du lịch không yêu cầu dừng các đoàn khách tới Việt Nam từ các vùng có nguy cơ viêm phổi Vũ Hán cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp đưa khách ra nước ngoài đã nhận được yêu cầu "không tổ chức tour du lịch cho khách đến các khu vực có nguy cơ lây nhiễm vi rút nCoV cao theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế".
Cách đối phó này của Tổng cục du lịch đã là tiền đề cho một hành động khác xảy ra tại Đà Nẵng. Chủ khách sạn Danang Riverside vừa lên Facebook cá nhân cho biết khuya giao thừa 24/1, bà Trương Thị Hồng Hạnh - giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng - đã đến khách sạn này yêu cầu gỡ tờ giấy không tiếp khách Trung Quốc mà khách sạn đã công khai đặt trước quầy tiếp tân vì sợ bị lây nhiễm virus Corona.
Chủ khách sạn cho biết ông đã hủy đặt phòng trước đó, trả tiền lại và không tiếp khách Trung Quốc mới - những người đến từ vùng dịch Corona. Thế nhưng bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc sở du lịch thành phố Đà Nẵng đã đến gây áp lực gỡ tấm biển đó.
Việc làm của bà Hạnh vừa vi phạm quyền kinh doanh của doanh nghiệp vừa tiếp tay cho virus Corona tràn lan nếu có một người khách nào từ Vũ Hán đến lưu trú trong khách sạn mà không được kiểm tra xem có bị lây nhiễm hay không. Hành vi này không thể được xem là vì lý do kinh tế.
Chưa hết.
Một vụ "Tu tập Hồi hướng hóa giải nạn dịch Virus Corona" được Chùa Ba Vàng phát động có lẽ hậu quả sẽ rất kinh hoàng nếu hàng ngàn Phật tử nghe và tin theo những lời lẽ phản khoa học từ một sư thầy mang tai tiếng trước đây là ông Thích Trúc Thái Minh. Sư thầy viết :
"Kính thưa đại chúng
Hiện nay tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp tính do chủng virus Corona mới tại Trung quốc đang diễn biến phức tạp và lan nhanh đến nhiều nước trên thế giới. Đây là dịch bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus Corona biến chủng gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắn xin phòng bệnh
Đức Phật dạy mọi sự vật, hiện tượng trên thế gian đều có nguyên nhân của nó. Mọi thiên tai dịch bệnh gốc là do ác nghiệp của chúng sinh, đặc biệt là từ việc phá diệt Tam bảo, hủy hoại Phật pháp. Nạn dịch virus Corona cũng không ngoài nguyên nhân trên.
Theo lời Đức Phật dạy muốn nạn dịch hóa giải được phải bằng công đức phát nguyện Bồ Đề, tu tập chân thật của tăng ni, Phật Tử và tất cả chúng ta.
Được sự chỉ dạy trên Sư trụ trì chùa Ba Vàng tổ chức chương trình tu tập tại chùa và phát động nhân dân, Phật tử tinh tấn tu tập 49 ngày để hồi hướng cho nạn dịch sớm được tiêu trừ".
Có thật là giáo lý nhà Phật có Tu tập hồi hướng để tiêu diệt dịch bệnh hay thiên tai dịch họa như lời của sư thầy Thái Minh hay không ?
Theo web site của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết thì "Hồi hướng (Paridanayati) là hành động chuyển về, trao đến, nhận về và trao đến. Hồi hướng công đức (Pridana) nghĩa là bố thí (Dana) khắp cả (Pari), tức bố thí công đức của mình cho hết thảy chúng sanh. Sách Đại thừa nghĩa chương phân biệt ba ý nghĩa của hồi hướng công đức : a/mong cầu trí tuệ ; b/đem thiện pháp do mình tu được ban cho chúng sanh và c/đưa thiện căn của mình đến pháp tánh bình đẳng như thật. Có thể hiểu hồi hướng công đức là công hạnh tu hành vừa là lởi lạc, là sự thể hiện của từ bi (cũng là một công hạnh tu tập), thiện nguyện của người hồi hướng ; và theo lý bình đẳng thì mọi chúng sanh đều được hưởng công đức hồi hướng. Cũng trong ý nghĩa bình đẳng, vô chấp, vô phân biệt, kinh Tiểu phẩm Bát-nhã ghi : "Hồi hướng mà không có một pháp nào được gọi là hồi hướng mới gọi là hồi hướng A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề (…), vì chư Phật dạy rằng hồi hướng thì không được chấp tướng".
Rõ ràng ông thầy trụ trì chùa Ba Vàng một lần nữa phỉ báng đạo Phật bằng cách biến những lời Phật dạy thành bùa chú chữa bệnh lấy tiền của dân chúng. Nếu người dân tin vào lời của ông ta kéo đến ngồi chung với nhau và bị virus tấn công thì ai là người chịu trách nhiệm cho hậu quả thấy trước này ?
Họ bắt tay nhau lợi dụng con virus Corona để làm tiền thiên hạ. Chính quyền nếu thấy mà làm ngơ trước những hành vi bẩn thỉu này thì khác gì quay mặt lại với dân đen vì những đồng tiền bất chính ?
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 27/01/2020