Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/04/2020

Điểm báo Pháp - Chính quyền Trung Quốc làm gì cũng chẳng ai tin

RFI tiếng Việt

Virus corona : Chính quyền Trung Quốc làm gì cũng chẳng ai tin

Covid-19, Châu Âu rục rịch giải tỏa biện pháp "hạn chế sinh hoạt". Trung Quốc vướng luật nhân quả : vừa đối đầu với "cú sốc" kinh tế và làn sóng thất nghiệp, vừa bị quốc tế nghi ngờ thiếu minh bạch từ phương cách chống dịch đến nguồn gốc siêu vi corona. Đó là hai chủ đề lớn trên báo Pháp ngày đầu tuần 20/04/2020.

tin1

Nhân viên an ninh tại Tử Cấm Thành, ngày 18/03/2020. Sau khi gây họa cho cả thế giới với virus Vũ Hán, Trung Quốc vẫn cho rằng mô hình cai trị của mình là "ưu việt" so với phương Tây. © Reuters/Carlos Garcia Rawlins

Thất nghiệp bùng nổ : Cơn ác mộng của Bắc Kinh, Bước đại nhảy lùi của tổng sản phẩm nội địa GDP, Thống kê về dịch tễ bất bình thường, Trung Quốc bị quốc tế gây sức ép rất mạnh. Qua các tựa trên đây, Les Echos nêu lên thế kẹt của chính quyền Trung Quốc vì không dám nói thật nên làm gì cũng chẳng ai tin.

Gậy ông đập lưng ông

Chính sách ngoại giao tuyên truyền hung hăng "cả vú lấp miệng em" của Bắc Kinh ngày càng gây bất lợi cho chế độ Trung Quốc. Thái độ kẻ cả tự cho mình phản ứng nhanh, quản lý giỏi, không che giấu thông tin, đã làm cho chế độ Trung Quốc đầu tiên là bị chỉ trích sửa đổi thống kê.

Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện nghiên cứu Montaigne, chỉ cần nhìn qua một vài dấu hiệu là có thể thấy rõ thống kê không chính xác : Chính quyền Vũ Hán trì hoãn báo cáo dịch : từ lúc nhìn nhận có ca đầu tiên cho đến lúc ban hành lệnh cách ly phải mất 46 ngày. Thứ hai là quân đội, lên tuyến đầu chống dịch, mà không có một người lính nào bị lây. Thứ ba là theo nhiều nhân chứng, người dân Vũ Hán không tin vào số liệu chính thức.

Nếu so sánh các đường biểu diễn số liệu thống kê nạn nhân tử vong và bệnh nhân bị lây nhiễm tại Trung Quốc với biểu đồ ở các nước Tây phương thì rõ ràng thống kê của Trung Quốc bất bình thường. Dân Vũ Hán là những người đầu tiên không tin vào chính quyền của mình thì nói chi Mỹ, Anh, Pháp. Tất cả đều nghi ngờ Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc đối phó với siêu vi corona, ít nhất là trong những tuần lễ đầu.

Nhà dịch tễ - thống kê học Philippe Ravaud lấy làm tiếc là nếu ngay từ đầu, Bắc Kinh nói thật có 100.000 nạn nhân thay vì nói dối chỉ có 3.000 thì cả thế giới đã cảnh giác đối phó, không để có thảm họa y tế, xã hội và kinh tế như ngày nay.

Còn theo chuyên gia Pháp Antoine Bondaz, cho dù chính quyền Trung Quốc làm gì thì cũng bị nghi là đang tìm cách che giấu chuyện gì đó. Bị Mỹ chỉ trích không báo cáo thật về số nạn nhân, Bắc Kinh lúc đầu phủ nhận, sau đó công bố số liệu mới thêm 1.500 người nữa, tức là cao hơn số liệu chính thức ban đầu 50% và đổ lỗi cho địa phương chậm trễ.

Nhưng đòn công kích nặng nhất, theo Les Echos là liên quan đến phòng thí nghiệm và nguồn gốc siêu vi. Nếu phòng thí nghiệm P4 do Pháp xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn tối đa và ở xa chợ động vật hoang dã, thì trái lại phòng thí nghiệm P2, cũng nghiên cứu về siêu vi corona của loài dơi, lại kém an toàn hơn và tọa lạc không xa khu chợ. P2 có thể là nơi xảy ra vụ siêu vi "thoát" ra ngoài.

Để chứng minh là không có ý gian dối, chính quyền Trung Quốc phải tìm cho ra "bệnh nhân Zero" ; có thể là một nhân viên, do bất cẩn, mang siêu vi ra ngoài. Nếu không có bằng chứng để minh oan, tình trạng bị nghi ngờ này kéo dài sẽ đưa đến nguy cơ tạo thêm căng thẳng trong nội bộ Hoa lục. Dân chúng đã khốn khó vì thất nghiệp và kinh tế suy yếu. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu có một nhân viên của một công ty hỏa táng ớ Vũ Hán tức giận, hoặc một cán bộ bị thất sủng tung lên mạng xã hội những số liệu phủ nhận các thống kê chính thức ?

Thịt rừng và Thế Vận Hội 

Cũng trong hồ sơ Covid-19, La Croix, qua hai trang báo, tường thuật về thị trường thịt rừng tại Trung Quốc. Le Monde nhận định vì sao Nhật Bản phản ứng chậm so với Đài Loan và Hàn Quốc.

Theo nhật báo công giáo, với doanh số 100 tỷ đôla hàng năm - nồi cơm của hàng triệu dân Hoa lục, thì khó mà tin vào lời hứa của chính quyền Trung Quốc đóng cửa các chợ động vật hoang dã. Trong lúc kinh tế cả thế giới tê liệt vì siêu vi corona chủng mới, được cho là từ dơi lây cho con tê tê rồi từ tê tê lây sang người, thì đường dây buôn lậu vảy tê tê vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tê tê tuyệt chủng ở Hoa lục thì con buôn đổ qua Phi Châu và Á Châu. Hãy qua Malaysia mà xem : giá 1 kg là 3.300 đôla. Khi các loài thú hoang giảm đi thì ký sinh trùng dồn vào những con vật còn lại tìm "đất sống". Hậu quả tất yếu là sức truyền nhiễm mạnh hơn và lây lan đến những con vật lẽ ra không phải là loài trung chuyển.

Còn nước Nhật của thủ tướng Shinzo Abe, vì sao phải nới rộng tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong khi Đài Loan và Hàn Quốc khống chế dịch ngay từ đầu ? Cách nay 9 năm sau, khi động đất và sóng thần ập vào Fukushima, chính quyền Nhật Bản cũng khăng khăng trấn an là "kiểm soát được tình hình"... cho đến khi nhà máy hạt nhân bị nổ. Giờ đây cũng thế. Theo Le Monde, vì đặt nặng mục tiêu chính trị nên Tokyo hành động chậm trễ. Trong vụ du thuyền Diamond Princess, phản ứng chậm chạp của Nhật là do tệ nạn bàn giấy. Nhưng điều không thể chối cãi được là thủ tướng Shinzo Abe, vì lý do chính trị, đã trì hoãn các biện pháp mạnh ngăn dịch "đổ bộ".

Thứ nhất, muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, ông sợ làm phật lòng Bắc Kinh, nên tiếp tục để hàng chục ngàn du khách Trung Quốc sang Nhật. Lý do thứ hai liên quan đến Thế Vận Hội Tokyo mùa hè 2020. Phải đến ngày 24/03, mất bao thời gian quý báu, thủ tướng Shinzo Abe mới tuyên bố đình hoãn Thế Vận, sau khi tỉnh trưởng Tokyo, bà Yoriko Koika, lên tiếng khuyến cáo. Quyết định dời Thế Vận sang cuối hè 2021 cũng là một dụng ý chính trị. Không tổ chức được trong năm 2020 để đánh bóng uy tín thì dời qua mùa thu năm sau làm bệ phóng tranh cử nhiệm kỳ 4.

Theo chân Áo, Pháp và Đức rục rịch bình thường hóa sinh hoạt

Sau cuộc họp báo của thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 19/04, loan báo "mốc thời gian 11/05", Libération điểm qua một số nước : Pháp từng bước chuẩn bị, Đức bình tĩnh bình thường hóa sinh hoạt, dân chúng tin tưởng vào khả năng điều hành cúa Nhà nước, tin vui cho thủ tướng Angela Merkel.

Le Figaro, trong một bài phân tích dài của một chuyên gia, trình bày vì sao phải khẩn cấp ra khỏi tình trạng hạn chế sinh hoạt, ai ở nhà nấy. Theo tác giả, những lợi ích y tế ban đầu, sau 5 tuần, trở thành bất lợi nhiều hơn là có lợi. Làm càng trễ thì khởi động kinh tế càng khó, khủng hoảng càng nghiêm trọng, nợ công chồng chất. Chỉ có 5 tuần mà Pháp bị thiệt hại 10% GDP, nợ chiếm 120% GDP, không kể những nỗi hoang mang về việc làm, về tương lai của mọi tầng lớp xã hội lẫn doanh nhân.

Nhưng bình thường hóa sinh hoạt cũng phải tuân theo một số điều kiện : địa phương nào ít bị dịch thì chấm dứt phong tỏa trước, người dân đeo khẩu trang khi ra đường, trở lại sở làm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Ngành y tế phải có khả năng theo dõi người bệnh sau khi họ hồi phục.

Trong bối cảnh khắp thế giới lo âu, tập trung tâm trí chống Covid-19 đến từ Trung Quốc, thì tại Hồng Kông, chính quyền thân Bắc Kinh bắt một loạt 14 nhà hoạt động đối lập, trong đó có luật sư Martin Lee, 81 tuổi. La Croix gọi đây là chiến thuật "dương đông kích tây" của Trung Quốc : đóng thêm một cây đinh vào chiếc quan tài "một quốc gia hai chế độ" bằng chính sách khủng bố thường trực.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 520 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)