Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

29/04/2020

Điểm báo Pháp - Chấm dứt phong tỏa : "Gáo nước lạnh"

RFI tiếng Việt

Chấm dứt phong tỏa : "Gáo nước lạnh" từ chính phủ Pháp

Báo chí Pháp hôm nay đa phần dành trang nhất và các hồ sơ lớn cho kế hoạch chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 mà thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước Hạ Viện chiều hôm qua 28/04/2020. Một nhận định chung là chính phủ Pháp "rất thận trọng" vì sợ dịch bệnh tái phát.

phongtoa1

Chiều ngày 28/04/2020, thủ tướng Pháp Edouard Philippe trình bày trước Quốc hội về kế hoạch hậu phong tỏa 11/05. Reuters - POOL

Báo La Croix chạy tựa trang nhất : "Nỗi ám ảnh về việc tái phong tỏa". Báo kinh tế Les Echos để lửng câu viết "Ngưng phong tỏa nếu như …", ý nói đến việc các biện pháp dỡ bỏ phong tỏa đều kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt. Báo Libération vốn thường sử dụng hình ảnh đầy ẩn ý với lối chơi chữ trên trang nhất thì đăng hình hai ô đèn hiệu giao thông xanh và đỏ đặt cạnh nhau. Hình người đứng yên màu đỏ được chú thích bằng từ "Tiu nghỉu" và hình người đang bước đi màu xanh lá cây là dấu hiệu "Đã thoát khỏi lệnh phong tỏa". Theo tờ báo thiên tả, biện pháp chấm dứt phong tỏa chỉ mang tính bán phần và có nguy cơ gây chia rẽ nước Pháp.

Khi thông báo 11/05/2020 là ngày chấm dứt phong tỏa, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tạo ra niềm hy vọng cho người dân. Thế nhưng, bài phát biểu của thủ tướng Edouard Philippe trước Hạ Viện cho thấy một thực tế là trong giai đoạn ngưng phong tỏa, các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì. Le Figaro nói một cách hình ảnh là thủ tướng đã dội "một gáo nước lạnh" vào dân Pháp.

Tờ báo thiên hữu ví chiến lược của chính phủ như "trò chơi ghép hình puzzle", theo đó nền kinh tế vắng bóng, đời sống giáo dục, thương mại và xã hội chỉ được khởi động lại từng chút một như từng miếng hình puzzle được ghép lại dần, với những điều kiện nghiêm ngặt. Tùy theo mức độ lây nhiễm, các tỉnh được phân loại theo các màu từ đỏ đến xanh lá cây, trên cơ sở đó chính quyền điều chỉnh quyền tự do, nhất là quyền di chuyển của người dân các nơi. Theo Le Figaro, mọi chuyện sẽ không đơn giản chút nào. Rõ ràng virus corona đã khiến nguyên tắc bình đẳng, vốn rất gắn bó với người Pháp, bị đảo lộn.

Không ai có thể phủ nhận việc điều hành đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Mọi chuyện thay đổi từng ngày. Vì thế, thủ tướng Edouard Philippe buộc phải "chơi trò thăng bằng" : "Hơi vô lo quá thì dịch bệnh sẽ bùng phát trở lại. Còn thận trọng hơi quá một chút là cả nước sẽ bị nhấn chìm". Tuy nhiên, tờ báo thiên hữu vẫn nhấn mạnh nước Pháp đang phải trả giá vì sự chậm trễ, thiếu thống nhất và bất cẩn khi virus mới xuất hiện. Những sai lầm của ngày hôm qua báo hiệu ngày mai sẽ xảy ra thảm họa kinh tế.

Tinh thần phòng ngừa

Đối với báo công giáo La Croix, nét chính khái quát kế hoạch hậu 11/05 của thủ tướng Pháp Edouard Philippe là "Tinh thần phòng ngừa". Những biện pháp mà thủ tướng giới thiệu trước Hạ Viện chiều hôm qua mang tính hạn chế chặt chẽ hơn rất nhiều so với những gì công chúng có thể hình dung, nhất là việc cấm các hoạt động tụ tập trên 10 người.

La Croix nhấn mạnh cho dù một số biện pháp giảm phong tỏa được triển khai, nhưng chỉ là nhằm tránh để "đất nước bị nhấn chìm". Trên thực tế, các trường học và lĩnh vực kinh tế vẫn còn bị phong tỏa : các trường học chỉ được mở cửa trở lại một cách thận trọng, các doanh nghiệp được đề nghị tiếp tục để nhân viên làm việc từ xa và bố trí để những người đến công sở làm việc lệch giờ nhau, tránh tình trạng có quá đông người trong các phương tiện giao thông công cộng. Các cửa hàng phải tôn trọng các quy định chặt chẽ khi đón tiếp khách hàng. Các trung tâm thương mại vẫn phải đóng cửa.

Còn các lĩnh vực khác của đời sống xã hội vẫn bị giới hạn. Người dân không được di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Người cao tuổi được khuyến cáo hạn chế chuyện đi ra ngoài và các chuyến thăm nom. Các quán cà phê, nhà hàng, rạp phim, nhà hát chưa được mở cửa trở lại. Các hoạt động thể thao tập thể vẫn bị cấm. Trong bối cảnh đó, theo báo công giáo La Croix, việc chính phủ chưa muốn các buổi cầu nguyện tôn giáo được khôi phục lại ngay cũng không phải một điều đáng ngạc nhiên.

Một cách khách quan, La Croix kết luận, ưu tiên hàng đầu của chính phủ vẫn là tránh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát để rồi lại phải phong tỏa đất nước một lần nữa. Nếu điều này xảy ra, thiệt hại từ cuộc khủng hoảng sẽ càng thêm nghiêm trọng và người dân sẽ còn phải chờ đợi lâu hơn nữa để có thể quay trở lại cuộc sống tự do.

Covid-19 : Hy Lạp - Tấm gương cho các nước Châu Âu

Suốt một thời gian dài bị chỉ trích không quản lý tốt ngân sách, Hy Lạp không còn khiến Liên Âu đau đầu. Trái lại, Hy Lạp còn được coi là tấm gương điển hình cho các nước Liên Âu trong cuộc chiến chống Covid-19, cho dù ở Hy Lạp có nhiều yếu tố có nguy cơ đẩy đất nước vào thảm kịch : Dân số già tương tự như nước Ý và 10 năm khủng hoảng kinh tế 2008-2018 đã khiến nước này mất tới 25% GDP. Việc cắt giảm chi tiêu mà các chủ nợ công như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu áp đặt cho Athens đã đẩy các bệnh viện công vào tình trạng bấp bênh, thiếu cả trang thiết bị và nhân viên chăm sóc y tế, 2.000 giường bệnh bị cắt giảm và 11 bệnh viện phải đóng cửa.

Thế nhưng, Hy Lạp đã tạo nên một điều bất ngờ : Với dân số 10,5 triệu người, cho đến nay Hy Lạp chỉ có dưới 140 ca tử vong. Le Figaro đặt câu hỏi : Làm thế nào mà Hy Lạp, đất nước vốn bị coi là "cừu đen" (bị Liên Hiệp Châu Âu ghét bỏ) lại trở thành một "học sinh giỏi" trong khối ? Câu trả lời : Tính kỷ luật và ý thức công dân đã được phát huy. Người Hy Lạp, nhận thức được tình trạng y tế, đã tuân thủ các quy định phong tỏa từ rất sớm. Biên giới, trường học, cửa hàng, tất cả đều nhanh chóng đóng cửa.

Theo các cuộc khảo sát gần đây, lần đầu tiên người ta thấy những người được hỏi không tỏ ra lo lắng về tương lai và họ đánh giá là đất nước đã có được hình ảnh đẹp trong mắt quốc tế. Tuy nhiên, chính phủ Hy Lạp vẫn cảnh giác và tin rằng những khó khăn chỉ mới bắt đầu và tất cả những nỗ lực nhằm khống chế dịch bệnh đều có một cái giá. Bộ Tài Chính Hy Lạp dự báo cuộc chiến chống Covid-19 sẽ tiêu tốn 10-15% GDP. Bóng ma của cuộc khủng hoảng vẫn còn lảng vảng đâu đó.

''Những mối liên kết nguy hiểm'' giữa Tổ chức Y Tế Thế Giới và Trung Quốc 

Báo Le Monde phát hành từ đầu giờ chiều hôm qua, trước khi thủ tướng Pháp công bố kế hoạch hậu phong tỏa 11/05, nên nội dung của báo Le Monde dàn trải trên nhiều vấn đề dù vẫn xoay quanh đại dịch Covid-19.

Về thời sự nước Pháp, Le Monde quan tâm đến mức tăng kỷ lục của tỉ lệ thất nghiệp, trong khi ứng dụng định vị tracking StopCovid vẫn đang gây nhiều tranh cãi vì liên quan đến các quyền tự do cá nhân, còn hiệu trưởng các trường học đang chịu nhiều áp lực để chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và bảo đảm an toàn cho cả học sinh, giáo viên và đội ngũ nhân viên.

Nhìn ra Châu Âu, Le Monde nói tới nhịp độ mở cửa trường học dàn trải ở các nước. Còn về Châu Á, Le Monde cho biết tại Nhật Bản, người dân thủ đô Tokyo và các thành phố lớn từng bước tự nguyện phong tỏa. Liên quan đến lĩnh vực tài chính tiền tệ, Le Monde có bài nói về "Các ngân hàng trung ương, thành trì cuối cùng của nền kinh tế thế giới" và đặc biệt lưu ý đến vấn đề nợ công : Đối phó với cú sốc dịch bệnh Covid-19, chính quyền các nước buộc phải chi rất nhiều tiền và những khoản chi này sẽ để lại hệ quả đối với chính sách về lâu dài của các quốc gia.

Tuy nhiên, hồ sơ lớn của Le Monde liên quan đến "Tổ chức Y Tế Thế Giới - Trung Quốc : những mối liên kết nguy hiểm". Về các điểm yếu, vết nạn nứt trong nội bộ các định chế quốc tế lớn do đại dịch Covid-19, Le Monde dành số đầu, với hai trang báo, của chuỗi bài điều tra (3 số báo) cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Các phóng viên của Le Monde tập trung vào diễn biến giai đoạn từ ngày 31/12/2019, mốc thời gian Trung Quốc báo tin cho Tổ Chức Y Tế Thế Giới là có một nhóm người mắc chứng viêm phổi lạ tại thành phố Vũ Hán, khi đó WHO vẫn chưa biết họ sắp phải đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi được thành lập vào năm 1948. Đây là cuộc khủng hoảng không chỉ về y tế, mà cả về kinh tế, địa chiến lược và vượt quá khả năng quản lý của định chế y tế của Liên Hiệp Quốc.

Nhưng liệu có đúng Trung Quốc là nước đầu tiên báo động WHO về dịch bệnh hay không ? Le Monde không tin vào khả năng này, bởi vì vào tối 30/12, phó giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Đài Loan đã biết tình hình ở Vũ Hán và đến trưa thì Đài Loan yêu cầu Trung Quốc giải thích, cùng lúc thông báo tin tức cho WHO. Cho đến nay, Tổ Chức Y Tế thế Giới vẫn không công bố thời điểm nhận được 2 email thông báo, từ cơ quan y tế Đài Loan và Trung Quốc trong cùng ngày 31/12, nên theo Le Monde, nhiều khả năng chính Đài Bắc đã báo động.

Le Monde lần ngược lại dòng thời gian, tường thuật cặn kẽ từng sự kiện, từng quyết định, hành động của WHO có liên quan đến Trung Quốc và tổng kết hàng loạt chứng cớ cho thấy WHO ngả về Bắc Kinh, làm theo những gì Trung Quốc muốn, tuyên truyền cho Trung Quốc, chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định khiến thế giới mất quá nhiều thời gian quý báu để chống dịch lây lan. Chẳng hạn, theo nhiều nguồn tin ngoại giao của Le Monde, Bắc Kinh đã gây nhiều sức ép để Ủy ban khẩn cấp của WHO không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh trên toàn cầu vào hồi cuối tháng Giêng.

Về việc đặt tên cho dịch bệnh, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng lấy tên "Covid-19", theo tổng giám đốc WHO, tên gọi này không liên quan đến một địa danh, loài vật hay nhóm dân đặc biệt nào, cho dù Ủy ban quốc tế về phân loại virus, cơ quan chịu trách nhiệm đặt tên các loại virus, đã chọn tên "SARS-CoV-2" để gọi chủng virus corona mới lần này. Tuy nhiên, Trung Quốc không thích tên gọi này vì nó gợi nhớ đến dịch bệnh SARS xuất phát từ Trung Quốc hồi năm 2003.

Tất cả những điều Le Monde nêu lên đều củng cố giả thuyết WHO chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh. Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso thậm chí còn gợi ý gọi định chế y tế của Liên Hiệp Quốc là "tổ chức Y Tế của Trung Quốc". Le Monde còn nhận định "WHO đang ở tâm điểm các trò chơi ảnh hưởng". Chính Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tạo cơ hội cho Trung Quốc chơi trò "cứu thế giới". Tuy nhiên, một cách khách quan, Le Monde cũng nhấn mạnh Trung Quốc không phải nước duy nhất gây chơi trò ảnh hưởng với WHO khi xảy ra khủng hoảng y tế. Mỹ cũng từng làm chuyện tương tự với Tổ Chức Y Tế Thế Giới, chẳng hạn khi xảy ra khủng hoảng do cơn bão Katrina.

Thùy Dương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 523 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)