Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/05/2020

Điểm báo Pháp - "Chiến lang" Trung Quốc giở trò

RFI tiếng Việt

Thừa cơ phương Tây bị dịch Covid, "chiến lang" Trung Quốc giở trò

Trang bìa của hai tuần báo Pháp ra vào cuối tháng Tư và đầu tháng 5/2020 này đã nêu bật mối quan tâm của dư luận Pháp và phương Tây hiện nay về ý đồ của Trung Quốc. Trên nền ảnh chụp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Le Point chạy hàng tựa lớn : "Trung Quốc đang chơi trò gì", một câu hỏi như đã được Courrier International giải đáp cũng ở ngay trang bìa : "Phải chăng thời cơ của Trung Quốc đã đến", bên trên một bức biếm họa vẽ hai nhân vật Donald Trump và Tập Cận Bình tay cầm con virus corona chuẩn bị đánh nhau.

chienlang1

Một "chiến lang" tiêu biểu : Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ảnh minh họa chụp ngày 08/04/2020 tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Reuters - CARLOS GARCIA RAWLINS

Đối với Le Point, thế cục hiện nay rất rõ ràng : "Sau dịch Covid là những thủ đoạn quy mô để giành lợi thế địa chính trị và kinh tế", và tờ báo đã dành nhiều trang bài để phân tích quan điểm của Tập Cận Bình cũng như quyền lực hiện nay của đội ngũ diều hâu Trung Quốc được gọi là "chiến lang". Le Point đồng thời công bố phóng sự điều tra của riêng mình về vai trò của nước Pháp trong việc trang bị cho Trung Quốc Phòng Thí Nghiệm P4, đang bị tình nghi là xuất phát điểm của con virus corona chủng mới gây họa trên thế giới.

Trung Quốc đang chơi trò gì ?

Trong bài phóng sự điều tra mang tựa đề "Trung Quốc đang chơi trò gì ?", thông tín viên Le Point tại Hồng Kông Jérémy André trước hết ghi nhận rằng xuất xứ từ Vũ Hán, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cơn chấn động địa lý chính trị và kinh tế mà Tập Cận Bình đang tìm cách thủ lợi.

Bài viết mở đầu bằng vụ đại sứ Trung Quốc tại Pháp Lô Sa Dã đã bị ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian triệu mời lên Bộ Ngoại giao để phản đối về một bài viết nặc danh – nhưng được cho là của chính viên đại sứ - đăng trên trang web của Sứ Quán Trung Quốc tại Paris, có chứa nội dung nhục mạ chính quyền và chính giới Pháp.

Theo Le Point, vị đại sứ này đã có nhiều "tiền án" trong việc chỉ trích nước Pháp, đã từng một lần bị triệu mời lên để nghe phản đối, nhưng Bộ Ngoại giao Pháp đã giữ bí mật vụ việc để khỏi làm Bắc Kinh mất mặt.

Trước khi nhận nhiệm sở tại Pháp vị đại sứ Trung Quốc này cũng đã từng có những lời lẽ khiếm nhã đối với chính quyền Canada nơi ông làm đại sứ, hay trước đó là tại Châu Phi.

Điều đáng nói là trước hành vi không ngoại giao chút nào của vị đại sứ của mình, chính quyền Bắc Kinh chỉ nói đến "một sự hiểu lầm", trong lúc bài viết nhục mạ nước Pháp không hề bị gỡ bỏ khỏi trang web của sứ quán Trung Quốc tại Paris.

Những "chiến lang" trong ngành ngoại giao Trung Quốc

Theo Le Point một vấn đề đáng nói khác là hành vi khiêu khích của đại sứ Lô Sa Dã không chỉ là "cá biệt" như lời giải thích của Bắc Kinh (mà Paris có vẻ cũng xuôi theo), mà nằm trong cả một chiến dịch đến từ các "chiến lang" trong nền ngoại giao Trung Quốc

Trong thời gian gần đây, từ khi dịch bệnh lan tràn trên thế giới, không một tuần lễ nào mà người ta không thấy một nhà ngoại giao Trung Quốc gây tai tiếng trên mạng hay trên các phương tiện truyền thông.

Nổi tiếng nhất trong số này là Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tháng Ba vừa qua đã thản nhiên phát tán thuyết âm mưu cho rằng virus corona xuất xứ từ Mỹ chứ không phải là từ Trung Quốc.

Ngoài ra còn có Quế Tòng Hữu (Gui Congyou), đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển, đã bị triệu mời lên Bộ Ngoại giao nước Bắc Âu 40 lần trong hai năm mà vẫn tại chức và tiếp tục nhục mạ chính quyền sở tại.

Tạp chí Pháp đã gọi đây là thành phần "Hồng Vệ Binh mới của ngành ngoại giao Trung Quốc", được mệnh danh là bầy sói, tiếng Hoa là "Chiến Lang (zhan lang)", lấy tên từ hai bộ phim hành động rất ăn khách của nước này là Chiến Lang I và Chiến Lang II lần lượt ra mắt năm 2015 và 2017.

Một nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa Bình Thế Giới, chi nhánh tại Bắc Kinh, cho biết thêm là từ "Chiến Lang" còn được dùng để chỉ các nhà báo, các nhà nghiên cứu đại học có lời lẽ cứng rắn và dân tộc chủ nghĩa.

Trung Quốc thời Tập Cận Bình ngày càng bành trướng

Theo Le Point, Trung Quốc thời Tập Cận Bình không còn ẩn mình như trước đây, mà đã trở nên một nước hung hăng, bành trướng.

Năm 2019 chắng hạn, Tập Cận Bình không ngần ngại có giọng điệu đe dọa đối với Đài Loan, trong lúc Hải quân Trung Quốc ngày càng muốn vươn lên ngang tầm Hải quân Mỹ, liên tục rình mò hòn đảo Đài Loan vốn độc lập trên thực tế, cũng như quậy phá ở vùng Biển Đông.

Tương tự như những Chiến Lang trong bộ phim, Trung Quốc tăng cường bảo vệ lợi ích của họ ở nơi xa, dùng các khoản đầu tư lớn để thúc đẩy dự án Con Đường Tơ Lụa Mới nhằm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên tất cả các châu lục.

Ngay cả các hiệp ước cũng không ngăn được tham vọng của Bắc Kinh, như ở Hồng Kông, họ đã bất chấp những cam kết duy trì quyền tự chủ và dân chủ sau khi vùng lãnh thổ này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

Cựu toàn quyền Anh tại Hồng Kông : Phải ngăn chặn Trung Quốc

Trong một loạt những bài viết khác trong hồ sơ Trung Quốc, Le Point đã có những phân tích rất sâu sắc về dã tâm của Trung Quốc hiện nay.

Trả lời phỏng vấn của Le Point, Chris Patten, thống đốc Anh cuối cùng tại Hồng Kông, một người tinh tường về đời sống chính trị tại Bắc Kinh, đã khuyến cáo là "phải kháng cự lại Trung Quốc" và dịch Covid-19 đã làm lộ rõ những điểm yếu kém của chế độ Cộng Sản Trung Quốc, mà quan trọng nhất là thói che giấu sự thật. 

Cũng trả lời phỏng vấn của Le Point, bà Alice Ekman, phụ trách mảng Châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Liên Hiệp Châu Âu, cho rằng vì đại dịch Covid-19, nhóm các "quốc gia bạn bè" của Trung Quốc sẽ teo tóp lại, tuy nhiên Tập Cận Bình và giới thân cận của ông vẫn sẽ theo đường lối ngày càng cứng rắn hơn, và "tâm trạng sợ hãi cũng sẽ rất mạnh trong nội bộ đảng Cộng Sản".

Trong bài xã luận rất độc đáo, cây bút bình luân Luc de Barochez của Le Point đã "phản bác" lập luận của tổng thống Mỹ Donald Trump theo đó con siêu vi corona chủng mới là một con virus Trung Quốc. Đối với nhà bình luận Pháp, đó là một con "virus cộng sản", và chế độ của Tập Cận Bình phải chịu "trách nhiệm trong việc để cho dịch bệnh sinh ra rồi lan rộng, làm hơn 200.000 người chết và đánh quỵ nền kinh tế thế giới".

Thời cơ của Trung Quốc đã đến

Như nói ở trên, Courrier International đã nêu lên ngay trang bìa câu hỏi : "Phải chăng thời cơ của Trung Quốc đã đến ?". Tuần báo Pháp đã trích dịch những bài báo từ Âu sang Á để thử trả lời cho câu hỏi là trật tự thế giới mới có thể xuất hiện sau đại dịch sẽ ra sao trong bối cảnh hiện nay : Trung Quốc, nơi xuất phát của tai họa, đang tự nhận mình là tấm gương cần theo, còn Hoa Kỳ thì lại co cụm hơn bao giờ hết và có nguy cơ mất vai trò lãnh đạo.

Trong bài xã luận, Courrier International ghi nhận là sau khi đã che giấu sự tồn tại, rồi mức nguy hại, của dich bệnh, để cho con virus lan rộng ra khắp hành tinh, Trung Quốc đã thẳng tay cô lập Vũ Hán và ngay sau đó là toàn bộ tỉnh Hồ Bắc, cầm giữ gần 60 triệu dân trong nhà để chống dịch.

Thế giới lúc đó đã cho là chỉ có một chế độ độc đoán mới có thể áp đặt các biện pháp như vậy trong một thời gian ngắn. Thế nhưng ba tháng sau, khi đại dịch lan tràn tại các nước phương Tây - từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha, cho đến Anh Quốc, Hoa Kỳ - các biện pháp hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cũng đã được áp dụng.

Về phần Trung Quốc, sau vài tuần do dự, nước này tự cho là đã thắng được dịch bệnh, và bộ máy tuyên truyền của họ đã bắt đầu tăng tốc áp đặt cách giải thích riêng của họ về đại dịch và tự cho mình là một mô hình mà thế giới phải đi theo.

Trong khi tất cả các quốc gia khác đang vất vả chống dịch, Trung Quốc đã mở chiến dịch phản công nhằm chiếm lĩnh các trận địa đang bị Hoa Kỳ cũng như một Liên Âu bị chia rẽ và suy yếu, bỏ rơi.

Tuy nhiên, theo Courrier International, trật tự thế giới chưa chắc là sẽ bị Trung Quốc đảo lôn. Tăng trưởng của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay, nền kinh tế đang dần hồi phục nhưng chính báo chí Trung Quốc đã lo ngại về những thách thức trong lãnh vực công ăn việc làm…

Ở ngoài nước, chính sách ngoại giao nhiều lúc hung hăng của Bắc Kinh đang càng lúc càng gây bất bình, và ngày càng có nhiều tiếng nói vang lên, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã nói dối vào lúc dịch bệnh bắt đầu làm cho cả thế giới mang họa.

Một Trung Quốc thiếu minh bạch không đáng tin cậy

Câu hỏi về khả năng Trung Quốc vươn lên lãnh đạo thế giới thời hậu Covid-19 cũng được tuần báo L’Express đặt ra.

Trả lời tạp chí Pháp, nhà biên khảo Nicolas Bavarez công nhận rằng trong tình hình hiện nay, quả là người ta "có thể tự hỏi về khả năng xuất hiện một tiến trình toàn cầu hóa mới với các nước đang vươn lên như Trung Quốc đó vai trò chủ chốt, để hoàn tất việc gây bất ổn định và bao vây các nền dân chủ phương Tây".

Đối với ông Bavarez, đã có một số dấu hiệu cho thấy chiều hướng này như việc Bắc Kinh ngày càng kiểm soát nhiều định chế quốc tế từng được xây dựng để cụ thể hóa trật tự thế giới có từ năm 1945 do Mỹ thống trị. Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình "tư bản-toàn trị" thông qua Con Đường Tơ Lụa Mới, cung cấp tín dụng cho các nước và các ngân hàng trung ương tại các quốc gia đang trỗi dậy, hay tiến hành chiến lược ngoại giao y tế.

Thế nhưng nhà biên khảo này cho rằng "hệ thống chuyên chế, đế quốc, nặng tính con buôn của Trung Quốc không phù hợp với một tiến trình toàn cầu hóa ổn định".

Đối với Nicolas Bavarez, Trung Quốc đã bộc lộ tính chất thiếu minh bạch và không đáng tin khi cố che giấu sự xuất hiện của virus và gây sức ép lên Tổ Chức Y Tế Thế Giới để tổ chức này loại bỏ rồi trì hoãn việc công bố tình trạng đại dịch.

Sau khi tỏ ý tiếc rằng chủ thuyết co cụm của Donald Trump đã đi ngược chiều lịch sử, với hệ quả là để cho Trung Quốc tự do bành trướng trong những định chế quốc tế cũng như tại những quốc gia đang trỗi dậy và cả một số nước phát triển, nhà biên khảo cho rằng Châu Âu phải khẩn cấp tự khẳng định lại mình trong tư thế một cường quốc, sẵn sàng bảo vệ các giá trị của mình.

Làm sao khởi động lại cỗ máy kinh tế

Vào lúc các đồng nghiệp tập trung chú ý đến vai trò Trung Quốc thời hậu Covid-19, tuần báo L’Obs đã dành trang bìa và hồ sơ chính cho các hậu quả kinh tế xã hội mà đại dịch để lại cho nước Pháp.

Dưới tựa lớn "Làm sao khởi động lại kinh tế ?", L’Obs ghi nhận rằng kể từ thời Thế Chiến Thứ Hai chưa bao giờ mà Pháp lại phải đối phó với một tình trạng suy thoái đột ngột và dữ dội như hiện nay.

Với kinh tế thế giới bị đình đốn trong ít ra hai tháng, tỷ lệ "nghèo đi" thường niên của các nước các nước lớn đã tăng vọt, như ở Pháp dự trù năm 2020 sẽ lên đến gần 10%. Nói cách khác, thu nhập của mỗi người dân Pháp sẽ mất đi 1/10, điều chưa bao giờ thấy ở mức nhanh và thô bạo như thế.

Làm thế nào để khởi động trở lại cỗ máy kinh tế ? Đây là một bài toán khó đặt ra cho các kinh tế gia vốn chưa từng dự kiến được một tình hình như hiện nay. Tuần báo Pháp đã liệt kê 10 câu hỏi cụ thể bao quát toàn bộ vấn đề để nêu bật các khó khăn kinh tế, xã hội đang đặt ra cho nước Pháp.

Có những vấn đề thiết thân cho cá nhân từng người Pháp như "Có phải làm việc nhiều hơn hay không ? Thuế có tăng lên hay không ?" bên cạnh những vấn đề xã hội nói chung : "Thất nghiệp có sẽ bùng nổ hay không ? Sẽ có bao nhiêu công ty, xí nghiệp bị phá sản ? Mức tiêu thụ sẽ tăng lên hay không ?"

Đối với L’Obs, ai cũng bị buộc phải tìm ra những hướng đi, những ý kiến mới, nhưng điều chắc chắn là để vươn lên trở lại, mọi người đều phải thay đổi phần nào các thói quen của mình.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 531 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)