Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/05/2020

Điểm báo Pháp - Thay lệnh phong tỏa bằng "tự do có điều kiện"

RFI tiếng Việt

Chính phủ Pháp thay lệnh phong tỏa bằng chế độ "tự do có điều kiện"

Kế hoạch dỡ bỏ chế độ phong tỏa đất nước vì dịch Covid-19 được thủ tướng Pháp công bố hôm qua là một trong những chủ đề quan trọng trên báo Pháp ra ngày hôm nay 08/05/2020, với tựa lớn chiếm lĩnh trang nhất hai tờ Le Figaro và Libération, và được Le Monde gợi lên ở những trang trong. Riêng hai tờ Les Echos và La Croix không ra số mới sau số kép ra ngày hôm qua vì hôm nay là ngày nghỉ lễ.

phongtoa1

Hành khách tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 khi chờ tàu điện tại ga métro La Chapelle, Paris (Pháp) ngày 24/04/2020. AFP - GEOFFROY VAN DER HASSELT

Nhìn chung các báo đều nhấn mạnh vào ý nghĩa không được nói ra công khai của kế hoạch tháo gỡ lệnh phong tỏa mà chính quyền Pháp sẽ áp dụng từ ngày 11/05 tới đây : Đó là thay thế chế độ phong tỏa bằng một chế độ "tự do bị giám sát" như Le Figaro gợi lên, hay "tự do có điều kiện" như từ ngữ được Libération sử dụng.

Trong hàng tựa lớn trên trang nhất, tờ báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận : "Edouard Philippe (tức là thủ tướng Pháp) hé mở cánh cửa", kèm theo bức ảnh thủ tướng Pháp trong cuộc họp báo, đứng trước một tấm bản đồ các vùng nước Pháp chia thành hai màu xanh và đỏ.

Theo Le Figaro, thủ tướng Pháp đã trình bày các điều kiện của một kế hoạch ra khỏi phong tỏa thận trọng và dần dần kể từ thứ Hai 11/05. Sở dĩ tờ báo cho là ông Philippe chỉ hé mở cánh cửa cho người Pháp thoát khỏi tình trạng phong tỏa, đó là vì quyền tự do đi lại và tụ tập của người dân chưa được tái lập hoàn toàn.

Một nước Pháp chia đôi giữa xanh và đỏ

Trong bài viết "Xanh hay đỏ: Một nước Pháp cắt làm đôi", Le Figaro nói rõ là 5 vùng được tô màu đỏ vẫn phải chịu một chế độ phong tỏa khá chặt chẽ.

Đó là các vùng Île-de-France (tức Paris và ngoại ô), Grand Est ở miền đông, Hauts-de-France ở miền bắc, Bourgogne-Franche-Comté phía đông nam và vùng lãnh thổ hải ngoại Mayotte, những nơi mà virus corona vẫn còn lan mạnh, trong lúc hệ thống bệnh viện vẫn còn ở trong tình trạng rất căng thẳng với số giường hồi sức còn trống rất ít.

Ở những vùng lãnh thổ này, các trường cấp ba, công viên tiếp tục bị đóng cửa, trái với trường hợp ở các vùng xanh, nơi tình hình dịch bệnh đỡ căng hơn.

Cái mới thời hậu phong tỏa

Bài viết thứ hai phân tích những thay đổi so với thời còn phong tỏa, áp dụng cho cả các vùng xanh lẫn đỏ.

Một trong số các điểm mới so với thời phong tỏa là kể từ ngày 11/05, quyền đi lại không cần giấy chứng nhận trở thành quy tắc, không như hiện nay, mỗi lần ra đường đều phải mang theo một tờ khai ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, ngày giờ và lý do ra ngoài. Một điểm khác là giới hạn một cây số quanh nhà đã được mở rộng ra thành 100 km.

Bên cạnh đó, các cửa hàng sẽ được phép mở lại, người dân có thể đi cắt tóc hay đi dạo trong các hiệu sách. Thế nhưng nếu muốn đi nhà hàng, đi quán cà phê, đi xem xi-nê thì phải chờ thêm một thời gian nữa.

Một ràng buộc mới thể hiện một thay đổi quan điểm 180° : Đó là người dân bị bắt buộc phải đeo khẩu trang khi dùng xe lửa, xe buýt, xe metro hay tramway. Đã qua rồi thời kỳ mà chính phủ liên tục cho rằng khẩu trang không cần thiết cho người bình thường, không có bệnh !

Xét nghiệm, cách ly và tìm ca nghi nhiễm

Trong một bài viết riêng, Le Figaro ghi nhận là vấn đề theo dõi và cách ly những người bị nhiễm đã được nghiêm túc đặt ra.

Trước hết là xét nghiệm miễn phí cho tất cả những ai có triệu chứng nhiễm virus corona, và nếu bị xét nghiệm dương tính thì lập tức phải cách ly tại nhà. Nếu nhà không đủ điều kiện an toàn thì phải chấp nhận ra cách ly tại một khách sạn được trưng dụng cho công việc này.

Điểm thứ hai, rất khó chịu cho người Pháp là những người bị xét nghiệm dương tính phải báo cho bác sĩ điều trị những người có tiếp xúc với mình, để bác sĩ đưa vào một cơ sở dữ liệu, và căn cứ vào đó, những toán điều tra của cơ quan bảo hiểm y tế sẽ liên lạc với các trường hợp đó để yêu cầu xét nghiệm.

Điều được nhấn mạnh là chỉ có nhân viên của cơ quan bảo hiểm y tế mới có quyền truy tìm các ca nghi nhiễm do tiếp xúc với người bệnh, chứ không phải là cảnh sát.

Nỗi lo về làn sóng thứ hai

Một bài viết khác mang tựa đề "Có nên lo ngại một làn sóng dịch bệnh thứ hai hay không" trên tờ Le Figaro đã giải thích lý do vì sao chính quyền Pháp chưa thể bãi bỏ hoàn toàn chế độ phong tỏa.

Theo tờ báo Pháp, cho dù dịch Covid-19 đã lây lan chậm lại ở Pháp từ nhiều tuần lễ nay, nhưng nguy cơ tái phát hoàn toàn không thể loại trừ, do đó mọi người vẫn cần phải duy trì kỷ luật phòng chống.

Nguy cơ của một làn sóng thứ hai giải thích lý do vì sao chính quyền sẵn sàng chấp nhận việc bị đánh giá là quá thận trọng.

Thế nhưng, Le Figaro vẫn cảm thấy lạc quan vì khả năng chiến thắng dịch bệnh không phải là không có và các biện pháp phong tỏa sẽ cho phép tranh thủ được một khoảng thời gian quý báu để tăng cường sức chống đỡ.

Tự do nhưng chưa hoàn toàn

Trong bài xã luận, Le Figaro không ngần ngại gọi tình cảnh nước Pháp hiện nay là một tình trạng "Tự do bị giám sát".

Tờ báo thiên hữu trước hết đã thở phào nhẹ nhõm, ghi nhận rằng "Rốt cuộc thì cánh cửa cũng hé mở ! Làn không khí vẫn còn ít, chân trời vẫn chưa sáng tỏ, nhưng ánh sáng tự do đang lấp lánh ở phía xa".

Đối với Le Figaro cũng đã đến lúc phải như vậy, vì không thể giới hạn cuộc sống con người ở nhu cầu sinh lý. Bị giam hãm, thân thể và trí tuệ cuối cùng sẽ teo tóp lại. Một cuộc sống bó hẹp giữa một màn hình, một chiếc tủ lạnh, một tờ giấy chứng nhận để đi lại sẽ vàng vọt đi…

Thế nhưng, để được quyền tự do duy trì công việc làm của mình, đi dạo trên các đường phố nhộn nhịp, hứng gió biển hay không khí mát rượi của những khu rừng thì còn phải luồn lách qua nào là giấy chứng nhận, giấy phạt, nào là những lệnh trái ngược nhau, như phải thúc đẩy kinh tế nhưng hãy ở nhà !

Bóng ma của con virus vẫn lảng vảng. Nếu tin vào tất cả những thông tin mà truyền thông đã khuếch tán thì đây không còn là một con virus nữa mà là con quái vật của ngày Tận Thế. Nhưng phải tỉnh táo. Ngông cuồng hay "ma mãnh" sẽ là vô trách nhiệm, nhưng nhút nhát để tránh mọi bất trắc thì cũng vô trách nhiệm không kém.

Le Figaro kết luận : "Được thông tin đầy đủ như chưa từng thấy trong lịch sử, người Pháp dư biết là mình phải cẩn thận như thế nào ở mỗi bước đi của mình. Hãy tin tưởng rằng họ sẽ biết giữ gìn để không phải trở ngược đường đi".

Tự do có điều kiện

Không hẹn mà gặp, tờ báo thiên tả Libération cũng ghi nhận trong một tựa đề rất châm biếm : "Ngày 11 tháng Năm, tất cả đều được tự do có điều kiện".

Theo tờ báo Pháp, cánh cửa như thế là đã được hé mở. Sau 8 tuần lễ phong tỏa chưa từng thấy trong lịch sử, thủ tướng đã thông báo : "Việc dỡ bỏ dần phong tỏa có thể bắt đầu từ ngày 11 tháng 5 này" trên toàn bộ lãnh thổ. "Tin vui" là cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường, nhưng thủ tướng đã nhấn mạnh trên tính giới hạn, dần dần, khác biệt tùy từng vùng và… khả năng tái lập phong tỏa.

Trên toàn lãnh thổ Pháp, ngoại trừ Mayotte ở hải ngoại, giai đoạn mới trong cuộc chiến chống virus corona đồng nghĩa với việc mở lại một số cơ sở văn hóa và thương mại nhỏ, ngoại trừ các nhà hàng, các quán rượu bia, tất cả các trung tâm thương mại ở vùng Ile-de-France, và những trung tâm lớn nhất ở những nơi khác.

Và ở những nơi mà tình hình cho phép, có thể dự kiến vào đầu tháng Sáu việc mở lại các trường cấp ba, quán cà phê và nhà hàng. Và như vậy là sau ngày 11/05, người Pháp sẽ nhìn về một chân trời mới khác : ngày 02/06.

Covid-19 khiến vùng ngoại ô nghèo Paris thêm khó

Dù có đề cập đến kế hoạch giảm phong tỏa của chính phủ Pháp trên trang nhất với một tựa nhỏ nhấn mạnh trên chi tiết "Paris và miền Đông Bắc thấy màu đỏ", Libération đã dành tựa lớn và hồ sơ đặc biệt cho tỉnh Seine-Saint-Denis, thực ra là vùng ngoại ô phía đông-bắc Paris, nêu bật "Khủng hoảng làm hoàn cảnh (tỉnh này) thêm khó khăn".

Trong một hồ sơ dài tám trang, với các phóng sự, phân tích, phỏng vấn, tờ báo Pháp đã điểm qua mọi khía cạnh của khu vực thường được gọi là vùng "ngoại ô đỏ" của Paris, đỏ đây là hiểu theo nghĩa cứ địa của Đảng cộng sản Pháp.

Theo Libération, từ vấn đề y tế, nhà ở cho đến giáo dục hay tình trạng nghèo khó…, tỉnh thuộc vùng Ile de France này vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại bị thêm dịch họa, và là một trong những tỉnh bị Covid-19 tác hại dữ dội nhất nước, cùng với tỉnh Haut-Rhin ở miền đông.

Là một tỉnh nghèo, Seine-Saint-Denis đã phải trả giá đắt cho dịch Covid-19, với số cư dân phải xuống làm việc ở Paris trong những công việc gian khổ như công nhân vệ sinh, bảo vệ, thu ngân tại các siêu thị, hoặc các công việc cần yếu nhưng chẳng được ai đoái hoài, những công việc làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus.

Phải chăng họ bị Nhà nước bỏ bê ? Không, ngành y tế đã nỗ lực rất lớn để giúp tỉnh này đối phó với làn sóng bệnh nhân ; trợ cấp xã hội đã được tăng lên đáng kể, các sáng kiến ​​địa phương đã được nhân lên để giúp người dân vượt qua thử thách.

Vấn đề là dù Nhà nước có chi viện bao nhiêu thì vẫn không bù vào được sự chênh lệch quá lớn sẵn có giữa vùng ngoại ô này với thủ đô : số bác sĩ ở Seine-Saint-Denis chẳng hạn ít hơn ba lần so với Paris, số dịch vụ công cộng cũng ít hơn, tương tự như nguồn tài nguyên được phân bổ cho chính quyền địa phương.

Đối với Libération, bệnh do virus corona rất khó chống đỡ và đòi hỏi đòi hỏi các phương tiện đặc biệt. Bất bình đẳng xã hội cũng khó giải quyết như vậy.

Vì sao kho dự trữ khẩu trang cạn kiệt vào đầu dịch

Tựa chính trang nhất Le Monde cũng được dành cho chủ đề đại dịch Covid-19, nhưng giới thiệu phần cuối của loạt phóng sự điều tra quy mô mà tờ báo đã thực hiện về "Căn nguyên cuộc khủng hoảng y tế tại Pháp".

Dưới tựa chính "Khẩu trang : nước Pháp đã phá hủy kho dự trữ của mình như thế nào", Le Monde đã tập trung trên giai đoạn 2017-2020 tức là thời chính quyền của tổng thống Macron, và nêu bật các quyết định đã dẫn đến việc nước Pháp tự để cho kho dự trữ khẩu trang của mình cạn kiệt.

Theo ghi nhận của Le Monde, từ một con số khá lớn là 1,4 tỷ chiếc vào năm 2011, kho dự trữ khẩu trang của nhà nước đến năm 2020 chỉ còn vỏn vẹn 117 triệu chiếc, với việc phá hủy các khẩu trang bị cho là không dùng được tăng tốc trong ba năm gần đây.

Đốt hàng trăm triệu khẩu trang lúc cả nước bị khan hiếm !

Phóng sự điều tra của Le Monde đã có một phát hiện sốc : cuối tháng Ba vừa qua, vào lúc dịch bệnh hoành hành dữ dội trên đất Pháp, với lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc và khẩu trang rõ ràng là đang bị khan hiếm nghiêm trọng, hàng triệu chiếc khẩu trang thuộc kho dự trữ Nhà nước đã bị đốt đi.

Lý do thiêu hủy là số khẩu trang này đã bị mốc meo hay đã quá thời hạn sử dụng, nhưng một số người biết chuyện đã cho rằng một phần không ít trong số bị đốt vẫn có thể sử dụng được. Khi biết chuyện, phủ thủ tướng Pháp đã lập tức ra lệnh đình chỉ việc phá hủy, nhưng đã muộn : trên tổng số khoảng 616 triệu chiếc khẩu trang phẫu thuật còn lại vào năm 2017, chỉ có khoảng 19 triệu chiếc thoát được nạn bị thiêu hủy.

Hai nhà báo Le Monde phụ trách cuộc điều tra đã phỏng vấn nhiều quan chức lãnh đạo chính trị và hành chánh có liên can đến vấn đề quản lý kho khẩu trang đó, với người này đổ trách nhiệm cho người kia về những lựa chọn hệ trọng đã gây nên những hậu quả ghê gớm mà nước Pháp đang phải gánh chịu, trong đó có việc phải cấp tốc nhập khẩu từ Trung Quốc, với giá cao hơn gấp ba lần giá bình thường, với nguy cơ hàng không giao kịp.

Theo Le Monde, việc Nhà nước Pháp lơ là trong việc duy trì một kho dự trữ khẩu trang đủ dùng cho dân chúng khi cần thiết xuất phát từ một quan điểm – mà ngày nay đã bị gác qua một bên – theo đó khẩu trang chỉ cần cho giới chuyên môn mà thôi, còn đối với công chúng thì không cần thiết.

Đối với một số chuyên viên được Le Monde phỏng vấn, trong vấn đề kho dư trữ khẩu trang bị cạn kiệt, Nhà nước Pháp đã phạm phải ba lỗi lớn: Phá hủy khẩu trang còn dùng được, không thay thế những thứ đã tiêu hủy và không tăng lượng khẩu trang dự trữ.

Hồng Kông nêu gương chống dịch

Cũng về dịch Covid-19, và cũng trên trang nhất, Le Monde đã giới thiệu bài viết về kinh nghiệm chống dịch của Hồng Kông.

Theo thông tín viên Florence de Changy của tờ báo, Hồng Kông cho đến nay chỉ ghi nhận vỏn vẹn hơn 1.000 ca nhiễm, và 4 ca tử vong, một thành tích rất đáng nêu gương cho một vùng lãnh thổ chật hẹp, mà lại có đến 7,4 triệu dân, với mật độ thuộc hàng đầu thế giới, và nhất là ở sát cạnh nơi đại họa bùng lên là Trung Quốc.

Theo Le Monde, có hai nguyên nhân chủ yếu giải thích thành công của Hồng Kông : Dân chúng đeo khẩu trang, trong lúc chính quyền chủ trương chữa trị bệnh nhân ngay từ đầu khi vừa mới phát hiện triệu chứng.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 535 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)