Thượng Viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc vì đàn áp dân Duy Ngô Nhĩ (RFI, 15/05/2020)
Theo Reuters, hôm 14/05/2020 Thượng Viện Mỹ đã thông qua dự luật yêu cầu chính quyền của tổng thống Donald Trump trừng phạt Trung Quốc vì các cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Động thái này làm gia tăng áp lực của Washington đối với Bắc Kinh giữa lúc quan hệ hai bên đang căng thẳng, đặc biệt xung quanh vấn đề dịch virus corona.
Người Duy Ngô Nhĩ biểu tình trước Nhà Trắng, Washington (Mỹ), ngày 28/07/2009 để phản đối chính sách đàn áp của Trung Quốc tại vùng tự trị Tân Cương. AFP PHOTO/Nicholas KAMM - Ảnh tư liệu
Dự luật chung của hai đảng tại Thượng Viện do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đệ trình, kêu gọi chính quyền Mỹ trừng phạt những quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo tại Trung Quốc.
Văn kiện nêu rõ : Các ủy viên Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc là những người chịu trách nhiệm chính về các vụ "vi phạm nhân quyền trắng trợn" của người Duy Ngô Nhĩ. Dự luật cũng nêu đích danh một số quan chức tỉnh Tân Cương liên quan đến các vụ trấn áp sắc dân thiểu số này.
Dự luật đã được nhất trí thông qua, sau đó sẽ được chuyển qua Hạ Viện, theo thủ tục, trước khi gửi đến Nhà Trắng để tổng thống Trump phê chuẩn hay phủ quyết.
Động thái của Thượng Viện Mỹ diễn ra trong lúc quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày càng căng thẳng trên nhiều phương diện, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến đại dịch Covid-19. Washington những ngày qua đã liên tục quy trách nhiệm cho Bắc Kinh để đại dịch lây lan khắp thế giới vì đã thiếu minh bạch về tình hình dịch.
Trung Quốc một mực phủ nhận cáo buộc theo đó họ đã xử lý kém khủng hoảng virus corona, đồng thời coi vấn đề nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ là chuyện nội bộ.
Theo Liên Hiệp Quốc, có khoảng hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung trong vùng Tân Cương Trung Quốc những năm qua.
Hiện đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa có bình luận gì về dự luật vừa được Thượng Viện Mỹ thông qua.
Anh Vũ
*******************
Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật bảo vệ các quyền của người Uighur (VOA, 15/05/2020)
Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Năm 14/5 phê chuẩn dự luật yêu cầu chính quyền của Tổng thống Trump tăng cường cách ứng phó đối với việc Trung Quốc đàn áp người thiểu số Hồi giáo Uighur, trong nỗ lực mới nhất tại Washington để trừng phạt Bắc Kinh giữa lúc TT Trump đổ lỗi cho Trung Quốc là làm cho đại dịch Covid-19 càng xấu hơn nữa.
Cảnh sát Trung Quốc canh gác con đường dẫn tới trại gọi là 'trại huấn nghiệp' ở vùng Yining thuộc Khu Tự trị Tân Cương. Ảnh chụp ngày 4/9/2018. Ảnh tư liệu
Dự luật được sự ủng hộ của lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio đề xuất, kêu gọi các biện pháp chế tài chống lại những ai chịu trách nhiệm trong vụ đàn áp người Uighur và các nhóm Hồi giáo khác.
Dự luật này đặc biệt nêu tên một thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc, là người chịu trách nhiệm về những vi phạm nhân quyền thô bạo đối với người Uighur.
Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa lãnh đạo nhất trí thông qua dự luật và chuyển sang Hạ viện - do Đảng Dân chủ lãnh đạo - để được phê chuẩn trước khi gửi tới Tòa Bạch ốc để Tổng Thống Trump ký thành luật hoặc phủ quyết.
Thượng viện Mỹ hành động trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa chính quyền Trump và Bắc Kinh về đại dịch Covid-19 toàn cầu, mà Washington đổ lỗi là do sự thiếu minh bạch của Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch bộc phát.
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của phía Mỹ, đồng thời lên án động thái của Mỹ thông qua luật hỗ trợ người Uighur là những cuộc tấn công ác ý và can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến hợp tác song phương.
Liên Hiệp Quốc ước tính hơn một triệu người Uighur bị giam giữ trong các trại tập trung ở vùng Tân Cương trong vài năm nay. Bắc Kinh phủ nhận đã ngược đãi người Uighur, nói rằng đó là các trại đào tạo huấn nghiệp.
Tháng 11 năm ngoái, Hạ viện Hoa Kỳ phê chuẩn với đa số áp đảo dự luật kêu gọi trừng phạt các quan chức cấp cao Trung Quốc chịu trách nhiệm về vụ đàn áp ở Tân Cương, và nêu đích danh ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tân Cương và là Ủy viên Bộ Chính trị đầy quyền lực của Trung Quốc.
Dự luật Thượng viện cũng nêu tên ông Trần Toàn Quốc và cựu phó bí thư Tân Cương, ông Chu Hải Luân (Zhu Hailun) mà họ coi là kiến trúc sư xây dựng toàn bộ hệ thống trại tập trung ở Tân Cương, phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ đàn áp người Uighur.
Trung Quốc trước đây cảnh báo rằng họ sẽ có biện pháp đáp trả thích ứng nếu ông Trần Toàn Quốc bị nhắm tới.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington không trả lời yêu cầu của Reuters xin bình luận về động thái của Thượng viện Mỹ.
Hồi tháng 3, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đồng tài trợ một dự luật riêng rẽ nhằm chặn hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất ở Tân Cương nhập vào Hoa Kỳ.
Đảng viên Cộng hòa James Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, và thành viên cao cấp của đảng Dân chủ trong ủy ban, Bob Menendez, hôm 14/5 mô tả dự luật này là một bước quan trọng chống lại những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo của chế độ toàn trị ở Trung Quốc.
Hai ông kêu gọi Hạ viện nhanh chóng thông qua dự luật và chuyển tới tổng thống để được ký thành luật.
Theo Reuters
********************
Covid-19 : Donald Trump dọa cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc (RFI, 15/05/2020)
Hôm 14/05/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã dọa sẽ cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc và tuyên bố là không muốn nói chuyện với chủ tịch Tập Cận Bình nữa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tới thăm cơ sở cung cấp thiết bị y tế Owens & Minor, Allentown, Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 14/05/2020. Reuters - CARLOS BARRIA
Từ nhiều ngày qua, chủ nhân Nhà Trắng vẫn nói rằng lẽ ra đã không có nhiều người chết vì virus corona như thế (cho đến nay đã gần 300.000 người trên toàn thế giới), nếu Trung Quốc đã hành động có trách nhiệm ngay từ khi virus xuất hiện ở thành phố Vũ Hán.
Trong bài trả lời phỏng vấn với đài Fox Business, được phát hôm qua, tổng thống Trump cho biết ông "rất thất vọng" về thái độ của Bắc Kinh và loại trừ khả năng nói chuyện trực tiếp với đồng nhiệm Tập Cận Bình để làm giảm căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Trong những ngày qua, ông Donald Trump đã nêu lên khả năng áp các thuế quan mang tính trừng phạt đối với Trung Quốc. Nhưng hôm qua, khi được hỏi về các biện pháp trả đũa Bắc Kinh, tổng thống lại không trả lời trực tiếp, mà chỉ dọa xuông và khẳng định : "Nếu cắt đứt mọi quan hệ, chúng ta sẽ tiết kiệm được 500 tỷ đôla".
Đáp lại lời đe dọa của ông Trump, hôm nay, qua lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Trung Quốc đã kêu gọi tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Về tình hình dịch bệnh tại Mỹ, theo các số liệu do đại học Johns Hopkins công bố hôm qua, trong vòng 24 giờ, đã có thêm gần 1.800 người chết vì Covid-19, nâng tổng số tử vong lên 85.813 người.
Trong khi đó, ra điều trần trước Hạ Viện Mỹ hôm qua, bác sĩ Rick Bright, cựu giám đốc cơ quan của chính phủ Mỹ đặc trách phát triển thuốc điều trị Covid-19, đã cáo buộc chính quyền Trump đã phớt lời những lời báo động của ông. Rick Bright đã bị cách chức hôm 20/04 vừa qua.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
Khuôn khổ hành động của chúng ta đang bị thu hẹp. Nếu chúng ta không củng cố khả năng ứng phó ngay bây giờ, dựa trên cơ sở khoa học, tôi e rằng dịch bệnh sẽ trầm trọng hơn và kéo dài.
Bác sĩ Bright tuyên bố như trên trước khi nói thêm : Nếu không có sự chuẩn bị tốt hơn, mùa đông tới sẽ là mùa đông u ám nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Nhà khoa học này chỉ trích những sai sót nghiêm trọng của chính quyền Donald Trump trong việc xử lý dịch bệnh. Ông khẳng định : Chúng ta lẽ ra phải làm tốt hơn, chúng ta lẽ ra có thể làm tốt hơn. Bác sĩ Rick Bright cho biết ông đã nhiều lần cố gắng báo động lên cấp trên ngay từ tháng 1 về tình trạng khan hiếm thiết bị y tế.
Ông nói : Đã có hàng chục lời báo động, và tôi đã chuyển tất cả cho các quan chức có liên quan. Lần nào tôi cũng vấp phải thái độ thờ ơ. Họ nói là đang bận quá, rằng chưa có kế hoạch gì, rằng họ không biết ai là người đặc trách việc cung cấp các thiết bị y tế đó. Nhiều lý do để thoái thác, nhưng không hề có hành động nào.
Sau những lời cáo buộc nói trên, bộ Y Tế Mỹ đã phản công, cáo buộc bác sĩ Rick Bright âm mưu đưa thông tin sai lạc. Tổng thống Donald Trump thì gọi vị bác sĩ này là một người cay đắng, bất mãn.
Thanh Phương
********************
Mỹ tăng áp lực quân sự với Trung Quốc giữa căng thẳng về dịch Covid-19 (VOA, 15/05/2020)
Mỹ đang tăng áp lực quân sự với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trên Biển Đông và Bắc Kinh bị tố cáo là lợi dụng đại dịch Covid để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Chiến hạm USS Bunker Hill của Hải quân Hoa Kỳ (trước) và khu trục hạm USS Barry đi ngang qua Biển Đông để hỗ trợ an ninh và ổn định trong khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 18/4/2020. (U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 3rd Class Nicholas V. Huynh
Trong vài tuần qua các tàu chiến của hải quân Mỹ và máy bay ném bom B-1 của Không quân Hoa Kỳ đã thi hành nhiệm vụ để đánh đi một thông điệp rõ rệt rằng quân đội Hoa Kỳ quyết tâm duy trì sự hiện diện trong khu vực, và trấn an các đồng minh, đài CNN đưa tin.
Một ưu tiên hàng đầu của Ngũ Giác Đài là đưa hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay bị nhiễm virus, trở lại hoạt động trên biển trước cuối tháng này.
Các động thái này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực ngoại giao lên Trung Quốc với Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo công khai tố cáo Bắc Kinh là đã không chặn được sự lây lan của virus Covid-19, và thiếu minh bạch trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh.
Trung Quốc còn bị cáo buộc là lợi dụng dịch Covid-19 để đạt lợi thế quân sự và kinh tế bằng cách mở rộng các khu vực hoạt động.
Đại tá Hải quân Hoa Kỳ Michael Kafka, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ nói với CNN trong một tuyên bố hôm thứ Tư : "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang khai thác tình trạng khu vực đang tập trung chống dịch Covid để khẳng định các lợi ích riêng của mình".
Ngoài ra, Ngũ Giác Đài khẳng định vụ bột phát dịch Covid-19 không làm tổn hại tới khả năng ứng phó của Hoa Kỳ trước các hành động của Trung Quốc.
Tướng Timothy Ray, Tư lệnh Bộ Tư lệnh giám sát lực lượng máy bay ném bom trong khu vực của Không quân Hoa Kỳ khuyến cáo :
"Chúng tôi có khả năng và thực lực để cung cấp hỏa lực tầm xa ở mọi nơi, mọi lúc và có thể tung ra hỏa lực áp đảo - ngay cả giữa đại dịch".
Hôm thứ Tư, Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đã có một động thái bất thường khi tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm của họ trong khu vực đang hoạt động trên biển "để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở giữa đại dịch do virus corona gây ra".
Trong khi quân đội Hoa Kỳ gần đây kết thúc "sự hiện diện liên tục của các máy bay ném bom" trên đảo Guam ở Thái Bình Dương, lần đầu tiên kể từ năm 2004, nhưng Không quân Hoa Kỳ tiếp tục phái máy bay ném bom tới khu vực.
Trong những tuần gần đây, Hoa Kỳ đã ba lần điều máy bay ném bom B-1 từ các căn cứ ở Hoa Kỳ đến khu vực, gồm một chiến dịch trên Biển Đông và việc triển khai bốn máy bay ném bom B-1 cùng 200 quân nhân từ Căn cứ Không quân Dyess ở Texas đến đảo Guam.
Cuối tháng trước, Hải quân Hoa Kỳ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng tại đây để chứa vũ khí và làm các cơ sở quân sự.
Bắc Kinh phản ứng gay gắt trước những thách thức của Hoa Kỳ, nói rằng Washington nên tập trung đối phó với dịch Covid-19.
"Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ hãy tập trung vào các việc nội bộ như phòng chống và kiểm soát đại dịch, đóng góp nhiều hơn cho cuộc chiến toàn cầu chống Covid-19 và ngừng ngay lập tức các hoạt động quân sự gây bất lợi cho an ninh, hòa bình và ổn định khu vực", ông Li Huamin, người phát ngôn của Bộ tư lệnh Chiến khu Miền Nam của Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố.
Không ai cho rằng Hoa Kỳ đang hướng tới một cuộc xung đột với Trung Quốc, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper coi việc cản trở tham vọng bành trướng của Bắc Kinh là một ưu tiên hàng đầu.
"Chúng tôi lo ngại về các hành động vô nguyên tắc ngày càng gia tăng của Trung Quốc để ép buộc các nước láng giềng và đẩy mạnh yêu sách chủ quyền trái với pháp luật của họ ở biển Đông, giữa lúc khu vực và thế giới tập trung xử lý đại dịch Covid-19", phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung tá Dave Eastburn, nói với CNN.
Trung Quốc từ lâu vẫn đả kích các hoạt động quân sự của Mỹ mà họ cho là có tính cách ‘khiêu khích’ trong Biển Đông, trong khi Mỹ khởi sự các hoạt động đó từ nhiều năm trước khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Lên tiếng mới đây sau khi Mỹ đưa chiến hạm tới khu vực trong chiến dịch "duy trì sự hiện diện ở Biển Đông" vìTrung Quốc điều tàu Hải Dương 8 vào vùng biển này để hăm dọa các hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Malaysia, Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nói :
"Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chấm dứt thói bắt nạt các nước Đông Nam Á, cấm cản các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi, và đẩy họ ra khỏi các ngư trường truyền thống. Hàng triệu người lệ thuộc và các nguồn tài nguyên đó để sinh sống".
******************
Mỹ, Trung Quốc ngấp nghé Chiến tranh Lạnh mới có thể tàn phá kinh tế toàn cầu (VOA, 14/05/2020)
Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vốn đã tiến sát mép vực trước khi có đại dịch Covid-19, nhưng rồi đại dịch đã đẩy mối quan hệ đó rơi xuống.
Trung Quốc bồi đắp Đá Subi thành đảo nhân tạo, gây căng thẳng ở Biển Đông
Những chuyển động giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng trong đợt dịch virus corona đến nỗi các chuyên gia về Trung Quốc giờ đây cho rằng hai cường quốc vừa bước vào những ngày đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, có thể làm kéo dài đại dịch, làm trầm trọng thêm sự tàn phá về kinh tế có liên quan đến virus, và làm suy yếu khả năng của thế giới trong việc ngăn chặn các nguy cơ thông thường.
"Về cơ bản, chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của Chiến tranh Lạnh", ông Orville Schell, giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội Châu Á, nói. "Chúng ta đang trượt dốc tới một tình trạng ngày càng đối nghịch với Trung Quốc", vẫn theo ông Schell.
Ông nói thêm : "Hậu quả của mối quan hệ Mỹ-Trung bị đổ vỡ sẽ rất nghiêm trọng đối với thế giới và nền kinh tế toàn cầu, bởi vì khả năng của Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau chính là yếu tố then chốt duy trì kiến trúc toàn cầu hóa và thương mại toàn cầu. Khi mất đi yếu tố đó, sẽ có sự xáo trộn rất lớn".
Trong Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, hai quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh mâu thuẫn về ý thức hệ, đó là điểm chính của cuộc đối đầu kéo dài 4 thập kỷ giữa hai siêu cường.
Nhiều người lo ngại rằng tình trạng thù địch ngày nay giữa Washington và Bắc Kinh có thể dẫn đến một sự chia rẽ toàn cầu tương tự.
"Đối với toàn bộ hệ thống quốc tế, một cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ có tác động tàn phá. Ví dụ, nó sẽ đặt tất cả các vấn đề toàn cầu - từ biến đổi khí hậu cho đến đại dịch hay khủng bố - vào tính toán của mỗi bên là họ sẽ tăng hay giảm sức mạnh tương đối của họ, làm cho việc hợp tác của các bên thậm chí còn khó khăn hơn", bà Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
Theo bà, Chiến tranh Lạnh "cũng sẽ buộc các quốc gia phải chọn đứng về một bên nào đó, và khi làm như vậy, họ phải đánh đổi rất khó khăn và có nguy cơ tiết lộ một số điều chẳng hay ho về chính họ : như là cách họ ưu tiên các giá trị chính trị, an ninh quân sự và sinh kế kinh tế của họ".
Trung Quốc bồi đắp Đá Subi thành đảo nhân tạo, gây căng thẳng ở Biển Đông
Các tác nhân
Cuộc Chiến tranh Lạnh mới tiềm tàng có gốc rễ từ nhiều năm qua, trước cả khi ông Trump trở thành tổng thống Mỹ. Thật khó để xác định chính xác lúc nào quan hệ Mỹ-Trung bắt đầu chuyển từ "thân mật nhưng cảnh giác" sang thù địch ngày càng gia tăng ở cả hai bên, nhưng có một dấu mốc là khi Bắc Kinh khởi động những nỗ lực nhằm bảo đảm việc họ kiểm soát Biển Đông, một tuyến hàng hải có tầm quan trọng chiến lược toàn cầu.
Từ khoảng năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khẳng định mạnh mẽ những tuyên bố chủ quyền bằng cách biến các rạn san hô và bãi cạn trên biển thành những đảo nhân tạo. Việc Trung Quốc quân sự hóa ở đó đã gây ra những phản ứng giận dữ từ Việt Nam, Philippines và một số nước láng giềng khác cũng tuyên bố chủ quyền về một vài phần của Biển Đông. Chính phủ Hoa Kỳ cũng nhiều lần lên tiếng phản ứng.
Một tác nhân khác là vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền về Đài Loan là một điểm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ trong hơn 70 năm qua. Nhưng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, ông ta đã cố ép các đồng minh ngoại giao của Đài Loan cắt đứt quan hệ. Mặt khác, ông Tập cũng đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Những động thái này làm cho vấn đề trở thành một mối lo ngại mới.
Một trong những điểm gây căng thẳng nhất giữa Washington và Bắc Kinh là chính sách có tính dấu ấn của chính quyền Tổng thống Trump - cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Từ lâu trước khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Trump đã nói ông tin rằng Trung Quốc trục lợi kinh tế từ nước Mỹ, gây ra tình trạng thâm hụt thương mại lớn giữa hai nước.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Trump bắt đầu áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ đô la vào giữa năm 2018 để gây áp lực lên Bắc Kinh, buộc họ thay đổi cách thức kinh doanh với Mỹ.
Ngoài ra, còn có một yếu tố khác dẫn đến Chiến tranh Lạnh, đó là Hoa Kỳ chống lại việc Trung Quốc phổ biến công nghệ 5G của họ trên khắp thế giới.
Trung Quốc và đặc biệt là công ty viễn thông khổng lồ Huawei đã đi đầu trong công nghệ 5G. Nhưng trong năm qua, Mỹ công khai lên tiếng bày tỏ hết sức lo ngại về việc sử dụng công nghệ Huawei trong các mạng viễn thông của các nước đồng minh. Hồi tháng 2, chính phủ Hoa Kỳ buộc tội Huawei "kiếm tiền bất hợp pháp", làm gia tăng căng thẳng với hãng này và chính phủ Trung Quốc.
Ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội Châu Á, cho rằng ngay cả khi đại dịch và cuộc bầu cử năm 2020 kết thúc, không thấy có kế hoạch rõ ràng nào về cách thức làm giảm căng thẳng hoặc đưa quan hệ Mỹ-Trung trở về trạng thái ổn định.
"Đó là điều đáng lo ngại - người ta không thể thấy tình trạng này sẽ được kiểm soát như thế nào, ít nhất là không có nhiều bằng chứng cho thấy có những người có ý muốn hay vạch ra lộ trình để cố gắng làm chậm quá trình này", ông Schell nói.
"Chúng ta dường như chỉ có đang rơi tự do thôi", ông nói.
(Busin