Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/05/2020

Liên Âu trước nguy cơ bị lũng đoạn bởi Mỹ và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Chủ tịch tập đoàn Sanofi lên tiếng về việc ưu tiên vắc-xin cho Mỹ (RFI, 15/05/2020)

Ngay sau phát ngôn của tổng giám đốc tập đoàn dược phẩm Pháp Sanofi, được hiểu là nếu có vắc-xin ngừa Covid-19 thì sẽ ưu tiên cho Hoa Kỳ, khiến dư luận và chính giới Pháp bất bình, ngày 14/05/2020, chủ tịch hội đồng quản trị của Sanofi đã lên tiếng cam đoan không một nước nào được đặc quyền trong tiếp cận sử dụng vắc-xin.

eu1

Logo tập đoàn dược phẩm Sanofi tại trung tâm nghiên cứu và sản xuất ở Vitry-sur-Seine, ngoại ô Paris (Pháp). Ảnh minh họa, chụp ngày 06/08/2019. Reuters - Charles Platiau

Trong chương trình thời sự tối hôm qua, 14/05/2020, chủ tịch hội đồng quản trị Sanofi, ông Serge Weinberg khẳng định rõ ràng là sẽ không có bất kỳ đặc quyền cho nước nào trong việc cung cấp vắc-xin. Ông nói : "Chúng tôi luôn có lập trường coi các loại vắc-xin là tài sản chung để đại đa số dân có thể được hưởng".

Trước đó một hôm, trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, tổng giám đốc của tập đoàn, ông Paul Hudson đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ có thể là nước đầu tiên được phân phối nếu vắc-xin phòng ngừa virus corona được sản xuất, vì lý do đã đầu tư nhiều cho nghiên cứu này. Ông còn nói rõ ưu tiên tức là sản phẩm vắc-xin sẽ có ở Mỹ vài ngày hay vài tuần sau khi được bào chế.

Ngay lập tức, những phát ngôn trên của lãnh đạo tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới của Pháp đã gây phản ứng bất bình trong dư luận và chính phủ Pháp. Đầu tuần tới, văn phòng của tổng thống sẽ có cuộc họp với các lãnh đạo của Sanofi để làm rõ mối quan hệ giữa chính phủ Pháp và tập đoàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, theo một nguồn tin từ phủ tổng thống.

Ngay từ đầu đại dịch, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhiều lần nhắc lại vắc-xin phòng chống virus corona là tài sản "công và của cả thế giới, phải ở ngoài các quy luật thị trường".

Chủ tịch Sanofi nói rằng, phát ngôn của tổng giám đốc tập đoàn đã bị hiểu sai, ưu tiên được nói đến chỉ liên quan đến các liều vắc-xin bào chế tại các nhà máy đặt tại Mỹ. Theo ông Serge Weinberg, công ty có đủ năng lực sản xuất để các nước đều có thể tiếp cận được, một khi vắc-xin phòng Covid-19 được chính thức đưa vào sản xuất.

Sanofi là tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, do người Pháp sáng lập và hiện vẫn giữ 60% cổ phần. Tập đoàn có các nhà máy sản xuất thuốc và phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, trong đó có Mỹ. 

Anh Vũ

*******************

Bóng đen gián điệp Trung Quốc phía sau đại sứ quán Malta ở Bruxelles (RFI, 15/05/2020)

Nhật báo Le Monde số ra chiều 15/05/2020 đăng bài điều tra, báo động từ nhiều năm qua cơ quan tình báo Bỉ vẫn canh cánh nỗi lo đối với đại sứ quán Malta nằm đối diện với trụ sở Ủy Ban Châu Âu, được Trung Quốc bỏ tiền ra tân trang.

eu2

Cờ Malta và Liên Hiệp Châu Âu tại La Valette. © Wikipedia/Masterdeis - Ảnh minh họa

Đó là một vị trí quan sát trong mơ để theo dõi trung tâm quyền lực Châu Âu ở Bruxelles. Nằm ở số 25 đường Archimède, đại sứ quán Malta, được gọi là "Dar Malta", nhìn sang tòa nhà kiên cố là trụ sở Ủy Ban Châu Âu. Ngay phía sau là đại bản doanh của Hội Đồng Liên Hiệp Châu Âu.

Từ năm 2007, một tòa nhà siêu hiện đại 9 tầng là nơi trú ngụ của đoàn đại biểu Malta và đại diện của nước này tại Liên Hiệp Châu Âu (EU), cùng với một lãnh sự quán. Một địa chỉ có giá trị độc đáo. Nhưng theo tình báo Bỉ, đây còn là địa điểm lý tưởng cho hoạt động gián điệp.

Từ đầu những năm 2010, cơ quan an ninh Bỉ tố cáo đại sứ quán này chứa đầy những phương tiện kỹ thuật do tình báo Trung Quốc lắp đặt để dọ thám các định chế Châu Âu. Một hoạt động mà theo tình báo Bỉ có thể kéo dài đến ngày nay. Thông tin được Alain Winants - lãnh đạo tình báo vương quốc cho đến năm 2014 - chuyển cho Bộ Ngoại giao Bỉ.

Được Le Monde chất vấn, phát ngôn viên bộ này chỉ tuyên bố chừng mực là "phải hết sức giữ bí mật về nội dung những báo cáo này và các hành động liên quan", nhưng không phủ nhận thông tin. Còn ông Winants, nay là thẩm phán Tòa Phá án, từ chối trả lời, và người kế nhiệm của ông là Jaak Raes cũng thế.

Về phần phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Malta, Daniel Attard, nói với Le Monde : "Malta duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc cũng như với các nước khác, nhất là về mặt hợp tác". Chính trong khuôn khổ hợp tác mà "năm 2006-2007 bộ Tài Chính Malta và chính quyền Trung Quốc đã ký một thỏa thuận về việc tôn tạo toàn bộ đại sứ quán Malta ở Bruxelles".

Ngược lại, phát ngôn viên này tránh bình luận về lời tố cáo của tình báo Bỉ, cũng như việc Trung Quốc sử dụng tòa nhà này để dọ thám các định chế Châu Âu, kể cả khi Malta không hay biết.

Trung Quốc bỏ tiền mua và tân trang đại sứ quán Malta

Với những tin tức được tình báo chuyển giao, chính quyền Bỉ không chọn cách công khai can thiệp, hoặc điều lực lượng cảnh sát đến đại sứ quán – mà cũng như tất cả các cơ quan ngoại giao đoàn, được quyền miễn trừ. Theo thông tin của Le Monde, tuy vậy đã có các tiếp xúc không chính thức giữa các cơ quan chính quyền.

Bộ Ngoại Giao Bỉ nói rằng "các báo cáo của tình báo luôn được các cơ quan hữu quan theo dõi, có các kênh phù hợp để chuyển giao những thông tin hữu ích cho các đối tác liên quan trong báo cáo, kể cả những nước đồng minh hay các định chế quốc tế".

Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác nhận với Le Monde là đại sứ quán Mỹ ở Bruxelles đã được thông báo về các phát hiện của tình báo Bỉ trong vụ này. Những người thân cận của ông John Demers, thứ trưởng Tư Pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia đã từng đến Bruxelles tháng 11/2019 để tố cáo hoạt động gián điệp của Trung Quốc, tỏ ý tiếc rằng Châu Âu đã ít phản ứng về kiểu "tấn công" này. Chính phủ Pháp và Ủy Ban Châu Âu không nhớ gì về những cáo buộc của tình báo Bỉ liên quan đến tòa đại sứ Malta ở Bruxelles.

Năm 2007, khi Malta gia nhập EU đã được ba năm, Trung Quốc đồng ý tài trợ cho tòa đại sứ mới của Malta : trả tiền mua tòa nhà và các chi phí để nâng cấp toàn bộ, tổng cộng 21 triệu euro. Phát ngôn viên công ty CIT Blaton phụ trách việc xây dựng cho biết cụ thể : "Chúng tôi bắt đầu từ bộ khung sườn bê-tông của tòa nhà và làm lại tất cả, từ sàn, trần, vách ngăn…Công trình hoàn thành khá hiện đại, vật liệu cách âm và an toàn tương đương với những gì đã thực hiện cho NATO".

Kính chống đạn và camera khắp nơi

Thực tế đây là một công trình cao cấp. Liên kết với văn phòng kiến trúc Dethier, CIT Blaton giám sát việc lắp đặt các khung nhôm giữ nhiệt, kính hai lớp và những tấm chống nắng cho các bề mặt bên ngoài. Toàn bộ đại sứ quán được bảo vệ bằng những camera giám sát, đầu đọc thẻ từ. Các thiết bị phát hiện sự hiện diện của con người được lắp đặt khắp nơi, kể cả trong các thang máy và bãi đậu xe. Mỗi khu vực có một mức độ an ninh riêng, và khu trung tâm trang bị kính chống đạn. Một lớp kính chống đạn thật dày khác được dựng lên ở bức tường ngăn với tòa nhà bên cạnh.

Giới ngoại giao ở Bruxelles ngạc nhiên khi quốc gia nhỏ bé này lại đi mua một tòa nhà thay vì thuê, đặc biệt là nhất định mua ở một địa điểm có thể dòm ngó các định chế Châu Âu. Đại sứ quán các quốc gia thành viên khác cũng như các đại cường ở gần đó không cần bỏ ra một chi phí lớn như thế cho một tòa nhà đồ sộ. Hơn nữa, Malta còn tìm cách cho thuê những tầng còn trống. 

Quan hệ giữa CIT Blation và Trung Quốc không dừng lại ở đây. Năm 2019, công ty này và hai đối tác khác kết thúc công trình xây dựng China-Belgium Technological Center ởLouvain-la-Neuve. Đây là một phức hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm hội nghị, bãi đậu xe trị giá trên 100 triệu euro. Được hỏi về việc bố trí các vật liệu khả nghi tại đại sứ quán Malta, ban giám đốc CIT Blaton nói rằng họ chỉ phụ trách việc xây dựng, còn Dethier Architecture không muốn trả lời Le Monde.

Lợi dụng cái vỏ hợp tác để xâm nhập

Cơ quan tình báo Bỉ không phải là nơi duy nhất xới lên vụ này. Tình báo Anh đã báo động trước đó về sự hiện diện của tình báo Trung Quốc phía sau công trình tòa đại sứ. Trong quá trình điều tra, trước khi chuyển kết luận cho chính quyền, tình báo Bỉ vẫn tiếp tục dựa vào chuyên môn và phương tiện của các đồng nghiệp Anh. Tình báo quân đội Bỉ và cơ quan an ninh cũng góp sức để tố cáo gián điệp Trung Quốc.

Hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Bỉ trở nên dồn dập cho đến nỗi tình báo Bỉ rốt cuộc phải lên tiếng vào năm 2019. "Các định chế Châu Âu nằm trong số các ưu tiên của tình báo Trung Quốc (…), họ muốn có thông tin về những quyết định, kế hoạch chiến lược, những tuyên bố chính trị có thể ảnh hưởng đến Trung Quốc".

Theo phía Bỉ, tình báo Trung Quốc (gồm bộ Công An và tình báo quân đội) chủ yếu tìm cách lợi dụng sự chia rẽ của các quốc gia Liên Hiệp Châu Âu, và tìm hiểu các dự án của EU. Họ muốn biết các quyết định về thương mại có thể nguy hiểm cho đầu tư của họ. "Tình báo Trung Quốc làm mọi cách để gây ảnh hưởng lên các nhà lãnh đạo Châu Âu, vì quyền lợi Trung Quốc". Hoạt động gây ảnh hưởng này chủ yếu thông qua các quan hệ gầy dựng với một số nước thành viên EU.

Một quan chức cao cấp Châu Âu giấu tên xác nhận : "Trong nội bộ liên hiệp, sự yếu kém của một số nước thành viên gây nguy hiểm cho tất cả, việc các nước này dễ dàng cho bên ngoài xâm nhập là vấn đề chính. Trung Quốc rất quyết tâm đối với các nước nhỏ như Malta, đó là điều chắc chắn, nhưng Bắc Kinh còn dùng chiến lược này ở Trung Âu dưới cái vỏ hợp tác kinh tế và thương mại".

Malta-Trung Quốc "vận mệnh tương quan" ?

Reno Calleja, chủ tịch hội hữu nghị Trung Quốc-Malta ở La Valette, thủ đô Malta có cách giải thích khác. Ông này nói với Le Monde : "Không như những nước khác, Malta biết cách gắn liền định mệnh với Trung Quốc vốn không muốn phụ thuộc vào ai. Chúng tôi là một ngoại lệ".

Sau khi đảng Lao Động lên nắm quyền năm 2013, chính phủ Malta còn siết chặt hơn các quan hệ trong lãnh vực năng lượng, viễn thông, vận tải, du lịch và cả thể thao. Malta là nước đầu tiên nhập cảng công nghệ 5G của Trung Quốc. Một hợp đồng khung ký năm 2015 cho phép tập đoàn Hoa Vi (Huawei) thử nghiệm mạng 5G và lắp đặt mạng kỹ thuật số trên toàn bộ lãnh thổ Malta.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Bruxelles tỏ ra lạnh nhạt trước cáo buộc của tình báo Bỉ. Tòa đại sứ khẳng định : "Chúng tôi chẳng biết gì về vụ trùng tu đại sứ quán Malta. Gián điệp Trung Quốc tại Bỉ ? Chỉ là tưởng tượng. Bất chấp thực tế và các khác biệt về hệ thống chính trị, Trung Quốc và Châu Âu có quan hệ song phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Làm hại cho sự hợp tác này đi ngược lại với tiến triển của thế giới hiện nay. Châu Âu là một sức mạnh quan trọng trên trường quốc tế. Trung Quốc luôn coi EU là đối tác chính, và là một trong những ưu tiên về đối ngoại".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)