Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/05/2020

Điểm báo Pháp - Đối đầu Mỹ -Trung Quốc kịch phát

RFI tiếng Việt

Virus corona làm đối đầu Mỹ -Trung Quốc kịch phát

Thời sự được các báo Pháp ra hôm nay chú ý đặc biệt là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen, hôm qua, thông báo kế hoạch "lịch sử" 750 tỷ euro để phục hồi kinh tế Liên Hiệp Châu Âu sau khủng hoảng dịch Covid-19. Đó là số tiền mà Liên Âu dự trù đi vay trên thị trường tài chính. Kế hoạch còn phải được các nước thành viên nhất trí hoàn toàn mới có thể thực thi được. 

mytrung1

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay nhau sau khi ký "giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ngày 15/01/2020, tại Nhà Trắng. © Reuters - Kevin Lamarque

Le Figaro nhận định với hàng tựa trang nhất : "Châu Âu chuẩn bị cho các cuộc thương lượng khó khăn về kế hoạch phục hồi kinh tế". Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên Liên Âu có khối nợ chung lớn như vậy để chia trợ cấp cho các thành viên (500 tỷ trợ cấp và 250 tỷ cho vay).

Nhưng nhận định của các báo Pháp đều có điểm chung : sẽ khó có được sự nhất trí hoàn toàn giữa các thành viên về dự án này. Ngay từ giờ, nhiều nước như Hà Lan, Áo, Thụy Điển hay Phần Lan đã tỏ ý phản đối. Thương lượng khó khăn, nhưng các thủ tục cũng phức tạp : Kế hoạch phải được Hội Đồng Châu Âu nhất trí tán thành, rồi được Nghị Viện Châu Âu thông qua, cuối cùng là được nghị viện từng nước phê chuẩn.

Nhìn chung các báo không hy vọng kế hoạch được triển khai vào đầu năm 2021. Nhưng dù sao đây cũng là một thông tin tốt lành giữa lo lắng về đại dịch và cũng là bước thử thách về mối liên kết của Liên Hiệp, Libération ghi nhận.

Đối đầu từ thương mại sang chính trị, ngoại giao 

Bên cạnh sự kiện nổi bật của Châu Âu, Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ vẫn là chủ đề quan tâm của nhiều báo. La Croix đặc biệt chú ý tới quan hệ Trung-Mỹ. Tựa trang nhất của tờ báo : "Trung Quốc – Hoa Kỳ, cạnh tranh kịch phát".

Khủng hoảng virus corona làm gia tăng căng thẳng gữa 2 cường quốc. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có thể làm phân cực thế giới. La Croix nhận thấy quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang làm tê liệt các định chế quốc tế như vào thời chiến tranh lạnh. Tiếp sau cuộc chiến thương mại, cuộc tranh đua giữa hai cường quốc đang chuyển sang địa hạt ngoại giao và ý thức hệ, với cái đích là vị trí đứng đầu thế giới. 

Tờ báo ghi nhận, "gần đây tại Bắc Kinh, người ta thóa mạ ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người ta bêu riếu các nền dân chủ phương Tây. Tại Washington, người ta hừng hực tấn công liên tục vào những điều "dối trá" của Trung Quốc. Ở Liên Hiệp Quốc, nhiều nghị quyết bị bế tắc vì đối đầu ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ".

Đúng là từ khi Mỹ và Liên Xô hòa hoãn với nhau, chưa từng có một cuộc đấu dữ dội giữa các cường quốc như thế này, La Croix bình luận.

Từ vài tháng qua, cuộc xung đột thương mại giữa hai đại cường đã chuyển sang địa hạt chính trị và y thức hệ, người Trung Quốc thẳng thừng tán dương tính vượt trội của mô hình của họ trong xử lý dịch virus corona.

Leo thang khẩu chiến che đậy thách thức chính trị trong nước, như ghi nhận của Antoine Bondaz, nhà nghiên cứu Quỹ nghiên cứu chiến lược : "Chính quyền Trung Quốc sử dụng căng thẳng hiện nay để nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc, củng cố mối gắn kết, khẳng định tính chính đáng của đảng cộng sản trong lúc đất nước đang khủng hoảng kinh tế và gặp nhiều căng thẳng".

Còn ở Mỹ, lá bài mối đe dọa Trung Quốc giúp Donald Trump làm dư luận quên đi cách xử lý lộn xộn trong cuộc khủng hoảng y tế. Nhất là chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ bầu cử tổng thống, lá bài đó còn giúp Trump huy động hàng ngũ cử tri của ông, vốn rất nhạy cảm với những phát ngôn hùng hồn mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa của chủ nhân Nhà Trắng.

Một hình thái chiến tranh lạnh mới 

La Croix nhận thấy : Khi Donald Trump lên nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ 2017 thì cũng là lúc Tập Cận Bình công khai tỏ ý muốn tái lập trật tự thế giới đã hình thành từ sau Thế chiến thứ hai.

"Chính quyền Trung Quốc củng cố ảnh hưởng trong các định chế đã tồn tại, nhất là trong hệ thống Liên Hiệp Quốc, hoặc tạo ra các định chế mới như Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Châu Á, tự cho mình vai trò đề xuất những thay đổi luật lệ trong định chế đã có, mà Bắc Kinh vẫn cho là bị các cường quốc phương Tây thống trị một cách bất công", Alice Ekman, chuyên gia về Châu Á thuộc Viện nghiên cứu an ninh của Liên Hiệp Châu Âu nhận định.

Khác với thời chiến tranh lạnh giữa Đông và Tây trước kia, Trung Quốc không tìm cách ký các hiệp ước đồng minh quân sự để tranh đua với Mỹ, mà tìm cách liên kết các nước "bạn bè", để có được ủng hộ trong các tổ chức quốc tế.

Họ làm việc này bằng cách dựa vào mạng lưới ngoại giao, nguồn dự trữ tài chính không ai bằng. Đến khi Châu Âu, Bắc Mỹ rơi vào khủng hoảng, tham vọng của Trung Quốc càng lớn. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đã cho thấy sơ bộ kịch bản đó qua các chiến dịch thôn tính doanh nghiệp Châu Âu và dự án con đường tơ lụa mới. Giờ đây đến khủng hoảng Covid-19, cuộc cạnh tranh chiến lược lại tiếp tục diễn ra dữ dội. 

Căng thẳng Mỹ- Trung còn gây hậu quả gián tiếp đến cộng đồng người Hoa và Châu Á ở Mỹ. Các phát biểu chống Trung Quốc gay gắt của tổng thống Doanald Trump đang khiến cộng đồng Châu Á của Mỹ lo sợ. Từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng virus corona, họ nhận thấy những hành vi kỳ thị gia tăng mạnh. Đó là ghi nhận trong phóng sự do thông tín viên của La Croix thực hiện trong khu Châu Á ở Manhattan, New York, với tựa đề : Tại Chinatown, virus kỳ thị chủng tộc gây sợ hãi

Tương lai Hồng Kông khiến doanh nghiệp lo lắng

Những rối ren chính trị hồi năm ngoái ở Hồng Kông vì luật dẫn độ của Trung Quốc tưởng đã chìm xuống. Tình hình tại đặc khu hành chính này lại bùng lên căng thẳng những ngày qua vì một đạo luật khác.

Nhật báo kinh tế Les Echos trong bài "Tương lai Hồng Kông khiến cộng đồng doanh nghiệp lo lắng" nhận định, các điều kiện Bắc Kinh mới áp đặt ở Hồng Kông qua dự luật an ninh quốc gia đang khiến các nhà đầu tư đa quốc gia hiện diện ở vùng đất này lo ngại thực sự, nhất là vào lúc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 kéo theo đang làm suy yếu môi trường làm ăn ở vùng lãnh thổ tự trị này.

Hôm qua, Washington, qua lời ngoại trưởng Mike Pompeo, khẳng định thành phố này đã mất quyền tự trị với Bắc Kinh. Luật an ninh quốc gia chỉ là một động thái mới nhất "phá hoại cơ bản quyền tự trị và tự do của Hồng Kông cùng những hứa hẹn của chính Trung Quốc với người dân Hồng Kông".

Hoa Kỳ dọa sẽ xóa bỏ quy chế ưu đãi thương mại với Hồng Kông. Thế nhưng, theo Les Echos, ở Hồng Kông cũng có hơn 1300 công ty Mỹ đang hoạt động và các công ty này lại có mối liên hệ làm ăn chặt chẽ với hàng loạt các công ty đa quốc gia khác. Như vậy không chỉ có chế độ "chuyên chế của Bắc Kinh", mà cuộc đối đầu Mỹ-Trung đang làm các nhà đầu tư ở Hồng Kông thêm lo lắng.

 Để cung cấp thêm thông tin xung quanh sự kiện Hồng Kông, Les Echos có bài phỏng vấn chuyên gia Jean - Pierre Cabestan, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Baptiste Hồng Kông. Theo chuyên gia Cabestan, thì từ năm 2003, chính quyền Hồng Kông đã muốn thông qua dự luật an ninh quốc gia, nhưng không thành, vì vấp phải làn sóng chống đối quá lớn. Sau thất bại trong vụ dự luật dẫn độ năm ngoái, giờ đây Bắc Kinh thấy có cơ hội, phải trực tiếp nhúng tay làm, bỏ qua Nghị Viện Hồng Kông.

Chuyên gia về Hồng Kông này phân tích thêm, dự luật an ninh quốc gia không xóa sổ quy chế "một quốc gia hai chế độ" ở Hồng Kông. Vùng đất này vẫn còn ít nhiều tự do, tư pháp vẫn độc lập hơn nhiều so với Hoa Lục. Trung Quốc chỉ nhằm loại bỏ phong trào dân chủ, cai trị một Hồng Kông ổn định để làm vai trò "con gà đẻ trứng vàng" của Hoa lục. Tuy nhiên đây là mục tiêu không dễ gì mà Bắc Kinh đạt được.

Mỹ gây sức ép để đồng minh rời xa Trung Quốc

Vẫn liên quan đến căng thẳng Trung–Mỹ, trang kinh tế của Le Figaro có bài : "Dưới sức ép của Mỹ, Israel loại Trung Quốc khỏi hợp đồng 2 tỷ đô la".

Tờ báo cho biết, cuối cùng thì Trung Quốc sẽ không xây dựng nhà máy khử muối nước biển lớn nhất thế giới đặt tại phía nam Tel Aviv, bên bờ Địa Trung Hải. Công ty Trung Quốc Hutchison được cho là có khả năng thắng thầu dự án xây nhà máy Sorek 2 đó, nhưng cuối cùng hôm thứ Ba vừa qua, hợp đồng trị giá 2 tỷ đô la đã được giao cho một tập đoàn của Israel.

Le Figaro cho rằng sự lựa chọn này của chính phủ Israel có tác động của Hoa Kỳ. Cách đây 2 tuần giữa lúc đại dịch Covid-19 đang căng thẳng ở Mỹ, ngoại trưởng Mike Pompeo vẫn công du Israel. Về mặt chính thức chuyến đi này là để giàn xếp vấn đề tranh chấp vùng đất Cisjordanie, mà Israel đang chiếm giữ. Nhưng bên cạnh đó, ông Pompeo cũng muốn nhắc nhở đồng minh trung thành của Mỹ về "mối đe dọa" của Trung Quốc.

Trên đài truyền hình Israel, ngoại tưởng Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi không muốn Đảng cộng sản Trung Quốc được tiếp cận các cơ sở hạ tầng Israel, hệ thống thông tin và tất cả những gì gây nguy hiểm cho các công dân Israel, mà thực tế đó là gây nguy hiểm đến năng lực của Hoa Kỳ".

Theo báo chí Israel, trong những tuần gần đây, qua nhiều kênh khác nhau, Washington đã gây áp lực để Tel Aviv cắt đứt hoặc rời xa Trung Quốc, hiện đang là đối tác làm ăn lớn thứ 3 của Israel. Trong những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào đất nước nhỏ bé này 25 tỷ đô la và cũng đã giành được nhiều hợp đồng quản lý cảng biển chiến lược ở Israel, theo Le Figaro.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)