Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh về việc xét lại quy chế bảo vệ các mạng xã hội (RFI, 29/05/2020)
Tại Hoa Kỳ, ngày 28/05/2020 tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm xem xét lại quy chế miễn trách nhiệm cho các mạng xã hội về các nội dung mà cư dân mạng đăng. Quyết định được đưa ra 24 tiếng đồng hồ sau khi mạng Twitter ghi chú dưới 2 tin nhắn của tổng thống Mỹ "hãy đọc thông tin xác thực về" nội dung tin nhắn của ông Trump, hàm nghĩa tin này không xác thực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh xem xét lại quy chế về các mạng xã hội, ngày 28/05/2020, tại Nhà Trắng, Washington. Reuters/Jonathan Ernst
Thông tín viên RFI tại New York, Loubna Anaki cho biết thêm chỉ tiết :
"Đối với Donald Trump, vấn đề trước tiên là "bảo vệ quyền tự do ngôn luận trước một trong những mối đe dọa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Tổng thống Mỹ như vậy đã thực hiện lời đe dọa. Ông nhiều lần tố cáo các mạng xã hội lớn là đã dẹp bỏ tiếng nói của phe bảo thủ, đồng thời tố cáo việc đa số nhân viên các mạng này bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ.
Quyết định của tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh mạng Twitter vào tuần này đã cảnh báo rằng hai tin nhắn mà ông Trump đăng về việc bỏ phiếu qua thư, có nội dung sai lạc.
Sắc lệnh của tổng thống nhắm vào đạo luật năm 1996, theo đó các mạng xã hội không chịu trách nhiệm về nội dung được cư dân mạng đăng lên, do đó không thể truy tố các mạng này, cho dù họ có trách nhiệm loại bỏ mọi thông điệp có vấn đề.
Khi ký sắc lệnh vào hôm qua, thứ Năm, ông Donald Trump đã tuyên bố : "Việc các mạng xã hội kiểm duyệt, sửa đổi hay cảnh báo về các thông điệp, là quyết định mang tính chất định hướng, biên tập". Đối với tổng thống Mỹ, luật không còn phù hợp nữa và các mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung và quyết định của mình, tương tự như bất kỳ phương tiện truyền thông truyền thống nào khác.
Ông Donald Trump cũng ngầm cho hiểu là nếu luật pháp cho phép, ông sẽ cho đóng mạng Twitter".
Mai Vân
************************
Mỹ hủy visa của vài nghìn sinh viên Trung Quốc 'có liên hệ với quân đội' ? (BBC, 29/05/2020)
Hoa Kỳ đã lên kế hoạch hủy visa cho một số sinh viên Trung Quốc mà chính quyền Trump tin là "có quan hệ với giới quân sự Trung Quốc", theo Reuters (28/05/2020).
Mỹ sẽ hủy visa của vài nghìn sinh viên Trung Quốc 'có liên hệ với quân đội' ?
Tin này ban đầu do báo The New York Times đăng tải cho rằng lệnh hủy visa có thể đến ngay tuần này, và chừng 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng.
Đây không phải là con số lớn, trên tổng số 300 nghìn sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ, nhưng phản ánh một cách nghĩ của chính quyền Hoa Kỳ hiện nay.
Tin này được loan ra trong tuần Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố vì Luật an ninh Bắc Kinh đưa ra về Hong Kong, đặc khu này không còn "tính tự trị", một quy chế Mỹ trao cho Hong Kong, cho phép nền kinh tế đó hưởng nhiều ưu đãi xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ.
Theo trang The New York Times, quan chức Hoa Kỳ, người cho tờ báo biết về tin liên quan đến việc hủy thị thực của sinh viên Trung Quốc, khẳng định điều này không có nghĩa là "các sinh viên đó làm gì sai trái".
Tuy thế, mối nghi ngờ mà Hoa Kỳ nêu ra là về hoạt động của các viện nghiên cứu, đại học có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), lực lượng phục tùng đảng cộng sản.
Đây không phải là lần đầu tiên chính giới Hoa Kỳ nói công khai về điều họ cho là "mối đe dọa từ Trung Quốc" trong khoa học, công nghệ và giáo dục.
Brendan O'Malley trên trang World University News (02/05/2020) viết rằng nhà chức trách Hoa Kỳ nêu cảnh báo về "mối đe dọa từ hợp tác với các nhà nghiên cứu Trung Quốc", và việc "sinh viên Trung Quốc đánh cắp công nghệ cao".
Bài báo cho hay ông Christopher Wray, Giám đốc Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) hồi cuối tháng 4/2020 đã cảnh báo các đại học ở Mỹ "phải rất thận trọng về mối đe dọa mang tính thế hệ" từ Trung Quốc.
Theo ông, mối đe dọa này gồm cả nỗ lực "đánh cắp công nghệ cao, sáng tạo" của Mỹ bởi sinh viên và giới nghiên cứu Trung Quốc.
Ông cũng nói các nước khác, chứ không chỉ Trung Quốc "dùng giới nghiên cứu, khoa bảng để đánh cắp công nghệ cao".
Trung Quốc và các đại học quốc tế trong và sau dịch Covid-19
Trong thời gian Châu Âu và Hoa Kỳ bị virus corona gây thiệt hại khủng khiếp, một số đại học Trung Quốc mở chiến dịch quyên góp khẩu trang hoặc tiền giúp cho y tế các trường đối tác.
Một số trường ở Ireland và Anh nhận được quà tặng là hàng nghìn khẩu trang từ các viện, trường đối tác của họ ở Trung Quốc.
Thế nhưng, theo trang World University News thì "ngoại giao khẩu trang" cũng bị cho là cách Trung Quốc dùng "sức mạnh mềm" để xua đi chỉ trích về chuyện Trung Quốc đã không ứng phó kịp thời, khiến dịch Covid-19 lan ra khỏi Vũ Hán, ra nước ngoài.
Vào lúc này, khi Trung Quốc và Châu Á đã bắt đầu trở lại sinh hoạt gần như bình thường sau nhiều tháng chống Covid-19, giới quan sát về giáo dục đại học nêu ra nhiều lo ngại trước dịp hè 2020.
Theo một số đánh giá, ngành đại học toàn cầu sẽ bị sụt giảm 15% tới 25% số sinh viên đăng ký nhập học năm tới (tính từ mùa thu năm nay).
Vẫn trang World University News cho rằng giáo dục đại học toàn cầu sẽ mất hai năm để phục hồi sau virus corona.
Trang báo này ước tính vai trò của Trung Quốc trong dịch vụ giáo dục quốc tế là rất lớn, và việc sinh viên Trung Quốc không du học nữa sẽ tác động mạnh đến thị trường đại học.
"Thị trường du học 64,6 tỷ USD của Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ được như trước", bài báo viết.
Căng thẳng về Hong Kong sẽ còn tác động thêm vào du học đại học của sinh viên Trung Quốc cũng như môi trường đại học ở Phương Tây.
Cuối năm 2019, tại Anh và Úc đã xảy ra va chạm tại một số trường đại học giữa sinh viên từ Trung Quốc và sinh viên Hong Kong.
Nguồn : BBC, 29/05/2020
*********************
Mỹ truy tố hơn 30 người Bắc Triều Tiên và Trung Quốc về tội vi phạm trừng phạt quốc tế (RFI, 29/05/2020)
Chính quyền Mỹ vào hôm 28/05/2020 đã loan báo quyết định truy tố 28 người Bắc Triều Tiên và 5 người Trung Quốc. những người này bị tố cáo là đã vi phạm lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Mỹ trụy tố nhiều người Bắc Triều Tiên và Trung Quốc vì vi phạm lệnh cấm vận Bình Nhưỡng. (Ảnh minh họa) freefoto.com
Theo hãng tin Pháp AFP, những người này đã lập một hệ thống công ty bình phong, chuyển ngân hơn 2,5 tỷ đô la, né tránh những biện pháp trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên. Mạng lưới này gồm khoảng 250 công ty được đặt tại nhiều quốc gia như Thái Lan, Libya, Áo, Nga, Trung Quốc và Koweit, trục lợi những vụ giao dịch, trao đổi hàng hóa chuyển đến Bắc Triều Tiên.
Nhiều nhân vật bị truy tố có liên quan đến những chi nhánh "bí mật" của ngân hàng hối đoái chính của Bắc Triều Tiên, Ngân Hàng Ngoại Thương, nằm trong danh sách đen của bộ Tài Chính Mỹ. Hai cựu chủ tịch của ngân hàng này - Ko Chol Man và Kim Song Ui - nằm trong số bị cáo cùng với hai cựu phó chủ tịch.
Bản luận tội nói rõ là những người này bị tố cáo đã sử dụng những công ty bình phong từ năm 2013 đến nay, để giao dịch bằng đô la, điều cấm trong lệnh trừng phạt gắt gao của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên, và che giấu vai trò của Ngân Hàng Ngoại Thương Bắc Triều Tiên, để "các ngân hàng liên quan chấp nhận các khoản chi trả".
Trong số hơn 2,5 tỷ đô la trung chuyển qua hệ thống tiền tệ quốc tế trong suốt 7 năm, chỉ có 63 triệu đô la là bị chận lại. Theo một viên chức Mỹ, những món hàng trao đổi rất đa dạng, từ sản phẩm xa xỉ đến thiết bị dùng cho chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Với số bị cáo lên đến 28 người, đây là lệnh truy tố quan trọng chưa từng có nhắm vào các lãnh đạo Bắc Triều Tiên, nhưng tư pháp Mỹ ít có hy vọng xét xử được những người này.
Mai Vân