Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/06/2020

Điểm báo Pháp - Nước Mỹ bạo động và hỗn loạn

RFI tiếng Việt

Bạo động và hỗn loạn : Nước Mỹ vì sao nên nỗi ?

Làn sóng căm phẫn chống cảnh sát bạo hành, 5 ngày sau vụ một người Mỹ da đen chết trong lúc bị một cảnh sát viên da trắng bắt giữ. Donald Trump chọn chiến tranh lạnh với Bắc Kinh. Mỹ tái chinh phục không gian với sáng kiến tư nhân là những thời sự nổi bật trên báo chí ngày lễ Ngũ Tuần của đạo Thiên Chúa.

baodong1

Tuần hành ở Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ, ngày 30/05/2020, để phản đối bạo lực cảnh sát, sau cái chết của Goerge Floyd ở Minneapolis. Reuters - Jonathan Drake

Le Figaro với hai tựa lớn về nước Mỹ : Phi thuyền SpaceX thành công trong phi vụ đầu tiên có phi hành gia và từ Minneapolis, bạo loạn lan khắp nước Mỹ

Và bài xã luận "Mơ và ác mộng". Ở mũi Canaveral, tổng thống Donald Trump ngẩng mặt lên trời tuyên bố: Hoa Kỳ không thể là số một trên trái đất nếu chỉ là số hai trên không gian. Về lại Nhà Trắng, ông cúi mặt nhìn màn ảnh TV những người biểu tình mang biểu ngữ "tôi không thở được". Hai hình ảnh của nước Mỹ : một khuôn mặt luôn ước mơ lên cao và một khuôn mặt chìm trong bất công xã hội và kỳ thị, phải nổi dậy mà thôi.

Cội nguồn lửa dậy

Le Monde, qua bài xã luận "Cội nguồn lửa dậy" nêu lên bốn lý do làm cho cơn giận của người Mỹ gốc Phi Châu lan ra hàng chục thành phố. Trước hết là bốn cảnh sát da trắng ở Minneapolis uy hiếp một người da đen George Floyd. Lý do thứ hai là sáu năm trước tại New York, cũng xảy ra một vụ tương tự, nạn nhân là Eric Garner, bán thuốc lá trên vỉa hè, cũng nói một câu tương tự trước khi chết "tôi không thở được" cho dù viên cảnh sát trong vụ thứ hai đã bị truy tố. Thứ ba, George Floyd và Eric Garner không phải là những nạn nhân da đen duy nhất khi nhỡ phải "tao ngộ không suôn sẻ " với cảnh sát tại một nước mà đeo súng là chuyện bình thường còn kỳ thị là chuyện khỏi bàn.

Các bà mẹ da đen dậy con từ tuổi thiếu niên phải ăn mặc, cư xử ra sao để không bị cảnh sát để ý. Thanh niên da đen cũng ý thức là lúc chạy bộ, nếu trùm mũ ni bịt tai, đeo dụng cụ nghe nhạc, không nghe tiếng cảnh sát kêu lại là có thể mất mạng như chơi. Tình trạng bất công này đã quá dài, bám rễ trong tiềm thức người Mỹ da đen.

Nhưng bây giờ phương tiện thông tin thời đại, với video và mạng xã hội, giúp mọi người hay biết nhanh chóng. Các biện pháp cải cách cũng được thi hành, xe cảnh sát có máy quay phim ghi lại các vụ xét hỏi.

Cách tuyển dụng nhân viên an ninh cũng được cải thiện cho công bình giữa các cộng đồng. Người dân Mỹ cũng đã hai lần dồn phiếu cho một ứng cử viên tổng thống da đen, Barack Obama. Nhưng bấy nhiêu tiến bộ đó chưa đủ. Bởi còn một nguyên nhân cơ bản làm lòng căm giận không nguôi:  Đó là tỷ lệ nạn nhân người Mỹ da đen trong đại dịch Covid-19 lên đến 70% so với cộng đồng da trắng, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Họ bị các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì...  đồng minh của tử thần mà cốt lõi là "tội nghèo". Hình ảnh bất công xã hội đập vào mắt. Từ nay, tổng thống Donald Trump không thể không biết.

Lòng căm hờn và quyền lực đường phố

Cũng với tựa "Cái chết của George Floyd làm nước Mỹ bốc lửa", bài phóng sự dài của  Libération ở Minneapolis cho biết vì sao "lòng căm hờn biến thành hành động" ? Derek Chauvin, viên cảnh sát làm chết George Floyd là người có tiếng hung bạo: 19 năm trong nghề, 17 lần bị kiện nhưng được cấp trên bao che, chỉ bị khiển trách. Lần này, Derek Chauvin có nguy cơ lãnh án 25 năm tù.

Vấn đề là giọt nước đã làm tràn ly như một thanh niên tên Rachael, nhìn cảnh cửa hàng bị tấn công, cướp phá, bốc lửa, bình luận : Chúng tôi đã đi biểu tình từ bao nhiêu năm nay, có thay đổi gì đâu ? Không lẽ im lặng nhìn một cuộc đời tắt lịm ? Nếu không lên tiếng mạnh mẽ, bất công sẽ kéo dài triền miên.

Tại sao khu phố chúng tôi bốc lửa ? Như một lời cảnh báo nhân lễ Ngũ Tuần, một mục sư tên Albert kêu gọi lý trí hai bên da trắng da đen : Anh bị căm thù vì anh trấn áp người ta quá lâu dài mà không có giải pháp hạ nhiệt. Còn các bạn (da đen), hôm nay, các bạn đã nắm được quyền lực. Thế giới đang nhìn các bạn. Giờ đây tất cả tùy thuộc vào cách mà các bạn sử dụng quyền lực này.

Washington, Luân Đôn chọn chiến tranh lạnh với Bắc Kinh

Trang chính trị quốc tế, Le Monde Le Figaro cùng một ý : Donald Trump chọn chiến tranh lạnh với Bắc Kinh.

Le Monde lưu ý hai quyết định : thu hồi các quy chế ưu đãi đối với Hồng Kông và chấm dứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới, bị tố thiên vị Trung Quốc.

Le Figaro nói rõ hơn : Donald Trump thực hiện lời đe dọa, rút quy chế ưu đãi thương mại của Hồng Kông, chấm dứt mối quan hệ đặc biệt vì Bắc Kinh không giữ lời cam kết tôn trọng quy chế "một quốc gia hai chế độ".

Trong chiều hướng này, Anh Quốc cũng có một cử chỉ hỗ trợ dân Hồng Kông, đặc biệt là những người sinh trước  năm 1997, trước khi Luân Đôn trao trả nhượng địa cho Hoa lục. Theo dự kiến sẽ có 2,9 triệu người sẽ được cấp thông hành BNO (British National Overseas-Công dân hải ngoại) : được giấy cư trú một năm tại Anh và quyền xin quốc tịch.

Hoa Vi, cũng nằm trong tầm nhắm của Luân Đôn, có thể sẽ không được thị phần trang bị mạng lưới điện thoại đi động tại Liên Hiệp Anh, theo nhận định của Le Monde.

Nhật báo thiên tả Libération cho là Anh Quốc quyết liệt hơn so với thái độ đã cứng rắn của Mỹ, Canada, Úc và New Zealand.

Covid-19 và các nhà khoa học được thần thánh hóa

Đại dịch Covid-19 là phần thông tin chính của Libération. Với tựa trên trang nhất "các nhà bác học mù mờ" theo nghĩa "cố tình", nhật báo thiên tả công kích thái độ tiền hậu bất nhất của các chuyên gia y tế, dịch tễ, siêu vi... trong những tháng qua : Cứ mời hai ba ông lên một chương trình TV là sẽ nghe ba bốn loại lý thuyết chỏi nhau mà người nào cũng cho mình đúng.

Hydroxychloroquine, khẩu trang... hôm nay được cho là vô ích, ngày mai bảo là rất cần thiết. Hậu quả là công luận ngán tới cổ trước các luận điểm "khoa học" mà họ dự đoán là sẽ được cải chính vài hôm sau đó... bằng thống kê khoa học.

Lỗi tại ai ? Theo Libération, không nên trách các nhà khoa học. Nghe họ tranh luận rất bổ ích vì họ có phương pháp trình bày. Vấn đề cần phải cảnh giác là nhiều nhà khoa học của chúng ta bị chính trị hóa hay được thần thánh hóa.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 553 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)