Trung Quốc : Bác sĩ nhiễm Covid-19 của bệnh viện Vũ Hán qua đời (RFI, 03/06/2020)
Sau bốn tháng chiến đấu với virus corona, bác sĩ Hồ Vệ Phong đã qua đời tại Trung Quốc hôm 02/06/2020. Ông là đồng nghiệp cùng làm việc tại bệnh viện Vũ Hán với bác sĩ Lý Văn Lượng, người báo động dịch. Bác sĩ Hồ Vệ Phong còn được biết đến là bệnh nhân chuyển màu da đen do trong quá trình điều trị Covid-19
Ảnh chụp từ màn hình vidéo cho thấy da mặt bác sĩ Trung Quốc Hồ Vệ Phong (Hu Weifeng) bị đen sạm sau khi bị nhiễm virus corona.
Thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde :
"Bệnh viện Vũ Hán là nơi có hy sinh nhiều trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi Covid-19. Sau bốn tháng chống chọi với bệnh tật, bác sĩ Hồ Vệ Phong (Hu Weifeng) đã qua đời ngày 02/06, ở tuổi 42. Ông là bác sĩ thứ 5 của bệnh viện đã bỏ lại mạng sống của mình ở nơi đây, sau khi cùng với 69 nhân viên chăm sóc y tế của bệnh viện được xét nghiệm dương tính hôm 09/02 vừa qua.
Sau khi bị lây nhiễm từ bệnh nhân của mình hồi giữa tháng Giêng, tình trạng sức khỏe của bác sĩ Hồ đã suy sụp nhanh chóng. Cũng giống như các đồng nghiệp khác, trong đó có bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người đầu tiên bị chết vì nhiễm virus, bác sĩ niệu khoa này đã bị nhiễm virus corona do không được bảo hộ thích hợp.
Nguyên do là vì khi đó việc lây lan virus corona giữa người với người chưa được xác định chính thức. Sau ba tháng điều trị hồi sức tích cực, bác sĩ Hồ Vệ Phong phải qua phẫu thuật hôm 22/04. Ca mổ đã khiến ông bị hôn mê cho đến khi qua đời.
Một video trên mạng Trung Quốc cho thấy mặt ông và một bệnh nhân khác, cũng là bác sĩ, bị chuyển màu sẫm đen do gan bị tổn thương sau hai tháng điều trị.
Hôm thứ Ba, thông báo vị « bác sĩ da đen » qua đời đã làm dấy lên trên mạng xã hội Trung Quốc Vi Bác những lời bày tỏ tôn kính đối với ông. Những người thân muốn mọi người nhớ đến ông theo cách khác, đó là nhớ đến một người cũng đã cố gắng báo động cho các nhân viên của bệnh viện, trong đó có đội trưởng đội bóng đá của viện, đề nghị họ dừng chơi môn thể thao đồng đội vì đang có một dịch bệnh bí ẩn chưa được biết đến".
Anh Vũ
*********************
Động thái mới nhất của WHO cứu vãn quan hệ với Mỹ (Lao Động, 02/06/2020)
WHO ca ngợi sự đóng góp "hào phóng" của Mỹ đối với sức khỏe toàn cầu nhằm cứu vãn quan hệ với nước từng tài trợ lớn nhất này.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh : AFP
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 1.6 ca ngợi sự đóng góp "to lớn" và "hào phóng" của Mỹ đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn cầu, trong nỗ lực cứu vãn quan hệ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ dừng quan hệ với WHO - Reuters đưa tin.
Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố Mỹ cắt đứt quan hệ với WHO hôm 29/5, cáo buộc rằng WHO giúp Trung Quốc che đậy sự bùng phát Covid-19 và WHO không thực hiện những cải cách cần thiết được yêu cầu.
Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến ngày 1/6, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông hy vọng WHO có thể tiếp tục hợp tác lâu dài với Mỹ.
"Sự đóng góp và sự hào phóng của Mỹ đối với sức khỏe toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua là vô cùng to lớn và nó đã tạo ra sự khác biệt lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới" - ông Tedros nói.
Trung Quốc đã phản ứng dữ dội với động thái của Tổng thống Donald Trump, gọi đó là "chính trị ích kỷ và nóng nảy" của một chính quyền Mỹ "nghiện" từ bỏ các thể chế và hiệp ước quốc tế.
Ông Tedros - người gốc Ethiopia - cho hay ông chỉ biết về quyết định của Mỹ từ giới truyền thông chứ chưa có thông tin chính thức nào từ chính phủ của ông Donald Trump. Ông từ chối trả lời các câu hỏi thêm về lập trường của Mỹ.
Hôm 31.5, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ xem xét gia nhập lại WHO nếu tổ chức này chấm dứt tham nhũng và phụ thuộc vào Trung Quốc.
"WHO cần cải cách. Tổng thống nói rằng nếu WHO cải cách, chấm dứt tham nhũng và chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ sẽ nghiêm túc cân nhắc việc quay lại" - Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien nói với ABC News.
Nguy cơ từ các cuộc biểu tình ở Mỹ
Khi được hỏi về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn từ các cuộc biểu tình sắc tộc ở Mỹ, một quan chức khác của WHO, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, cho biết tiếp xúc gần gũi có thể làm tăng nguy cơ lây lan Covid-19.
Bất ổn bùng phát ở Mỹ diễn ra từ tuần trước sau cái chết của một người đàn ông da đen, George Floyd - bị cảnh sát ghì đến tắt thở. Hàng nghìn người xuống đường làm trầm trọng thêm khủng hoảng khi Mỹ phải đối mặt với sự bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất thế giới.
Tại cuộc họp, nhà khoa học trưởng Soumya Swaminathan nói rằng WHO nên có đủ thông tin trong 24 giờ để quyết định có nên tiếp tục đình chỉ thử nghiệm thuốc sốt rét hyrdroxychloroquine hay không.
Tổng thống Donald Trump là một trong những người quảng bá thuốc chống sốt rét để giúp chống lại căn bệnh Covid-19, bất chấp các cảnh báo y tế về các rủi ro liên quan.
Trong khi nhiều quốc gia nới lỏng tình trạng phong tỏa khi tỉ lệ các ca mắc Covid-19 mới giảm xuống, giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết, đó là điều "đáng khen ngợi" khi các nền kinh tế đang đi đúng hướng, nhưng vẫn cần một cách tiếp cận thận trọng.
Trung và Nam Mỹ là các điểm nóng Covid-19 hiện tại chưa đạt đến đỉnh điểm - ông Ryan cảnh báo.
Khánh Minh
****************
WHO nỗ lực cứu vãn mối quan hệ với Mỹ (VOA, 02/06/2020)
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 1/6 ca ngợi sự đóng góp "to lớn" và "hào phóng" của Mỹ đối với y tế toàn cầu trong một bước tiến nhằm cứu vãn mối quan hệ với Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ với cơ quan Liên hiệp quốc này.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Cáo buộc WHO là làm đẹp lòng Trung Quốc và để ‘lọt lưới’ những biện pháp đáp ứng Covid-19 bí mật ban đầu, ông Trump hôm 29/5 tuyên bố sẽ chấm dứt quan hệ giữa Mỹ với WHO.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo trên mạng rằng ông hy vọng WHO có thể tiếp tục sự hợp tác lâu dài với Mỹ.
"Sự đóng góp và sự hào phóng của Hoa Kỳ đối với y tế toàn cầu trong nhiều thập niên qua thật là to lớn, đã tạo ra sự khác biệt lớn lao trong y tế công cộng trên toàn thế giới", ông nói.
Trung Quốc phản ứng giận giữ đối với hành động của Mỹ, gọi đây là ích kỷ và chính trị ấu trĩ bởi một chính quyền Mỹ "nghiện" rút chân ra khỏi các tổ chức và hiệp ước quốc tế.
Ông Tedros, gốc Ethiopia, nói ông chỉ biết về quyết định của Mỹ qua truyền thông và chưa có liên lạc chính thức từ chính quyền Trump. Ông từ chối trả lời thêm những câu hỏi về lập trường của Mỹ.
Nguy cơ từ những cuộc biểu tình ở Mỹ
Được hỏi về nguy cơ y tế tiềm ẩn từ các cuộc biểu tình bùng phát tại Mỹ hiện nay, một giới chức WHO khác, nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove, cảnh báo tiếp xúc gần có thể làm tăng cao nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Xáo trộn bùng lên tại Mỹ sau cái chết hồi tuần trước của một người đàn ông da đen tên George Floyd trong lúc ông bị cảnh sát khống chế, khiến hàng ngàn người xuống đường và làm cuộc khủng hoảng thêm gia tăng giữa lúc nước Mỹ đang đối phó với dịch Covid-19 tệ hại nhất thế giới.
Tại cuộc họp báo, khoa học gia trưởng Soumya Swaminathan cũng loan báo WHO phải có được tin tức trong vòng 24 giờ để quyết định có nên tiếp tục ngưng thử nghiệm thuốc hydroxychloroquine trị Covid-19 hay không.
Ông Trump là một trong người quảng bá việc dùng thuốc trị sốt rét để giúp chống lại Covid-19, dù có những cảnh báo y khoa về các nguy cơ liên hệ đến loại thuốc này.
Với nhiều nước nới lỏng lệnh đóng cửa trong lúc tỉ lệ các ca lây nhiễm mới virus corona giảm sút, chuyên gia khẩn cấp của WHO, Mike Ryan, nói thấy được kinh tế trở lại đúng đường là điều "đáng ca ngợi" nhưng ông dè dặt là vẫn cần thực hiện "từng bước một".
Trung và Nam Mỹ hiện là điểm nóng của Covid-19 nhưng chưa đến đỉnh điểm, ông cảnh báo.
Theo Reuters