Hoa Kỳ đối mặt với nạn kỳ thị chủng tộc và bạo lực cảnh sát
Hồ sơ được các nhật báo lớn tại Pháp ra ngày hôm nay, 03/06/2020 đề cập đến nhiều nhất là các cuộc biểu tình bạo động tại Mỹ, được Le Monde nêu thành tựa lớn trang nhất.
Chân dung George Floyd được trương lên trong cuộc biểu tình bên ngoài Nhà Trắng (Washington D.C.- Hoa Kỳ) ngày 02/06/2020. Reuters - Jonathan Ernst
Một chủ đề quan trọng khác chiếm lĩnh trang nhất hai tờ Libération và Le Figaro là vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã Pháp, được dự trù vào ngày 28/06 tới đây sau hai tháng bị hoãn vì dịch Covid-19. Riêng nhật báo công giáo La Croix như đã trở về nguồn, với một đề tài tôn giáo, cũng như tờ báo kinh tế Les Echos, nhấn mạnh một vấn đề thương mại.
Ở ngay trang nhất, bên trên một tấm ảnh sốc cho thấy hai nhân viên cảnh sát Mỹ, súng phóng lựu đạn cay trên tay, một người ra hiệu cho một người da đen ra khỏi xe, phía dưới là hai cô gái đang nằm mọp dưới đất, tay giơ lên khỏi đầu, Le Monde chạy hàng tựa lớn : "Trước những cuộc biểu tình phản đối, Trump chọn (biện pháp dùng) võ lực".
Tờ báo giải thích : Vào lúc làn sóng phẫn nộ có quy mô lịch sử đang lay động nước Mỹ, hôm thứ Hai vừa qua, Donald Trump đã đe dọa triển khai quân đội để dẹp tan "những vụ bạo loạn" bị ông đồng hóa với nạn "khủng bố trong nước".
Le Monde ghi nhận là các cuộc biểu tình phản đối các hành vi bạo lực của cảnh sát đã lan rộng ra toàn bộ các thành phố lớn của Mỹ, tập hợp cả người da trắng lẫn da đen, kèm theo nhiều vụ cướp phá hôi của ở một số nơi.
Tờ báo nhận định : "Một tuần lễ sau cái chết của George Floyd, một người Mỹ gốc Châu Phi, ngay trong lúc bị cảnh sát bang Minnesota (Hoa Kỳ) bắt giữ một cách thô bạo, tình trạng rạn nứt giữa các chủng tộc đã nổi cộm lên trong cuộc vận động tranh cử tại Mỹ.
Sử gia Pháp : Dư luận đã nhiều lần phẫn nộ, nhưng vô hiệu
Le Monde cũng giới thiệu trên trang nhất nội dung bài phỏng vấn sử gia Pháp Christian Delage, giám đốc Viện Nghiên cứu Lịch sử Thời hiện tại IHTP, giải thích làn sóng phẫn nộ hiện nay, theo đó, cho đến nay, các đoạn video về các hành vi bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Châu Phi đã nhiều lần khuấy động dư luận, nhưng không làm cho tác giả các hành vi đó bị kết án.
Riêng về các hình ảnh liên quan đến cái chết của George Floyd, sử gia Pháp cho rằng thái độ của thủ phạm là viên cảnh sát Derek Chauvin, lạnh lùng và kiên quyết, bất chấp tiếng kêu của nạn nhân, thể hiện một tâm lý "không xem người khác là con người" không thể chấp nhận được.
Trump "đặt cược" trên võ lực để chống biểu tình
Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng nêu bật tình hình nước Mỹ trên trang nhất, dù không dành tựa chính cho đề tài này.
Trên nền một bức ảnh cho thấy tổng thống Mỹ đi ngang qua một toán cảnh sát chống bạo động được trang bị đầy đủ, Le Figaro chạy hàng tựa : "Donald Trump đặt cược trên võ lực, phong trào phản đối đang cực đoan hóa".
Theo tờ báo Pháp, 8 ngày sau cái chết của George Floyd, một người da đen bị một sĩ quan cảnh sát da trắng sát hại, làn sóng giận dữ chống phân biệt chủng tộc và các hành vi bạo lực của cảnh sát tiếp tục gia tăng bất chấp giọng điệu đanh thép của tổng thống Donald Trump.
Le Figaro đã dành hai trang báo để phân tích sự kiện này, đặc biệt ghi nhận việc tổng thống Mỹ bị tố cáo là cố tình khiêu khích, kích động phong trào phản đối thay vì tìm cách xoa dịu tình hình.
Khủng hoảng niềm tin tại Mỹ
Tình hình bạo động ở Mỹ đã được nhật báo Les Echos phân tích dưới góc độ kinh tế, gợi lên một cuộc "khủng hoảng niềm tin" trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất.
Theo tờ báo kinh tế Pháp, vốn đã bị dịch Covid-19 làm tê liệt, hai ngành thương mại và du lịch Mỹ giờ đây lại lo ngại về hậu quả kinh tế của các vụ biểu tình, bạo động đang bùng lên sau cái chết của George Floyd tại Minneapolis.
Những thương hiệu lớn như Target, Adidas, Nike, Walmart, Starbucks thậm chí McDonald đã cho các cửa hiệu của mình tại nhiều thành phố đóng cửa vì "an toàn cho các nhân viên".
Trong địa hạt Chính trị, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden vào hôm Thứ Ba, đã cố gắng kêu gọi đoàn kết, nhưng theo Les Echos, cuộc tranh luận về kỳ thị chủng tộc và bạo lực của cảnh sát vẫn tiếp tục bùng lên gay gắt.
Nhật báo La Croix cũng đề cập đến làn sóng phẫn nộ tại Hoa Kỳ với một nhận định bi quan được nêu lên trong một hàng tựa nhỏ ở trang nhất : "Công cuộc cải cách bất khả thi của ngành cảnh sát Mỹ".
Cánh tả Pháp đoàn kết tại vòng 2 cuộc bầu cử địa phương
Như nói ở trên, Libération đã dành tựa lớn trang nhất cho vòng 2 cuộc bầu cử hội đồng thành phố và thị xã sắp mở ra tại Pháp.
Libération quan tâm trước tiên hết đến sự kiện các đảng cánh tả Pháp đã thành công được trong việc liên minh với nhau nhằm giành thắng lợi nhân vòng hai cuộc bầu cử sắp tới đây. Tờ báo thiên tả Pháp tương đối lạc quan khi ghi nhận : "Tại nhiều thành phố lớn, cánh tả hy vọng giành được chiến thắng vào ngày 28 tháng Sáu tới đây, một thắng lợi đánh dấu một bước khởi đầu mới".
Dựa trên danh sách các liên danh tranh cử đã được đăng ký vào hôm qua, 02/06, tờ báo nhận thấy là tại đại đa số các thành phố lớn, trung bình và nhỏ, các đảng xanh (Sinh thái) hồng (Xã hội) và đỏ (Cộng sản) đã đồng ý "tiến bước tay trong tay để giành thắng lợi, trước hết làm giữ lại cứ địa của mình (Paris, Nantes, Rennes, Clermont-Ferrand…), và tiếp đến là thực hiện được mơ ước giành được đất của cánh hữu".
Tuy nhiên Libération cũng nhìn thấy là mặt trời không chiếu sáng ở mọi nơi đối với cánh tả. Việc hòa chung danh sách ứng cử viên đã thất bại ở Strasbourg, thủ phủ miền Đông Pháp sau nhiều tiếng đồng hồ thương lượng, hay tại Lille, thủ phủ miền Bắc. Tại hai nơi này, những tranh chấp trong quá khứ cũng như tham vọng cá nhân đã khiến cho đàm phán liên minh thất bại, và hai đảng sinh thái và Xã Hội đã đổ lỗi cho nhau.
Trong bài xã luận mang tựa đề "Bài học", Libération nhận thấy là người ta dự đoán trước, với một xác suất cao, là sẽ có một người thắng và một người thua trong vòng 2 này.
Bên thắng là đảng cánh hữu Những người Cộng hòa (LR), đã nắm được nhiều thành phố và thị xã, và lần này sẽ chiếm thêm được nhiều đơn vị khác, và bên thua là đảng Cộng hòa Tiến bước LREM, không có được cơ sở ở địa phương, lại mất đi thiện cảm của dân chúng do việc dư luận chung đang bất bình với tổng thống Macron của đảng Cộng hòa Tiến bước.
Còn cánh tả thì sao, Libération đã tự hỏi để trả lời ngay rằng : "Những ai nghĩ rằng cánh tả đang hấp hối lần này sẽ thất vọng. Đội ngũ đại biểu mãn nhiệm cũng có thể khoe thành tích như ở Rennes, Nantes, hay Grenoble. Xu hướng sinh thái cũng đang vươn lên như đã thấy trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu gần đây, và thành tích của đảng Xanh có lẽ sẽ được lập lại nhân kỳ bầu cử này.
Bầu cử địa phương tại Pháp : Đảng cầm quyền bất lợi
Không hẹn mà gặp, Le Figaro cũng dành tựa chính trang nhất cuộc bầu cử sắp tới tại Pháp : "Tại từng thành phố, các chìa khóa (để hiểu) các trận đấu nhân vòng 2".
Tờ báo cho biết là để dự đoán ai là người có triển vọng đắc cử sáp tới đây, họ đã nghiên cứu tương quan lực lượng tại 240 thành phố Pháp có trên 20.000 dân, phân tích các yếu tố thuận lợi hay bất lợi cho các đảng phái chính.
Cũng như Libération, tờ báo thiên hữu Pháp cho rằng đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron đã nhìn thấy trước thất bại nặng nề, trong lúc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa hy vọng vươn lên trở lại, làm bệ phóng cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2022.
Riêng về cảnh tả, Le Figaro cho rằng phe sinh thái, môi trường có thể sẽ thấy hy vọng không thành.
Trong bài xã luận, Le Figaro tập trung phân tích về tình thế của tổng thống Pháp Macron đang nhìn thấy trước thất bại của đảng do ông thành lập.
Theo phân tích của tờ báo trong cuộc bầu cử này, cục diện chính trị Pháp sẽ trở lại như thời trước khi phong trào Cộng hòa Tiến bước vươn lên, với đảng cầm quyền bị kẹt giữa gọng kềm tả hữu, và phải tự bằng lòng với mức trung bình thường lệ của cánh trung tại Pháp : khoảng 15%, tùy theo ứng viên và tình huống tại các đơn vị bầu cử.
Amazon đại thắng nhờ Covid-19
Tựa trang nhất của nhật báo Les Echos hôm nay nêu bật tình hình tập đoàn bán hàng trên mạng Mỹ Amazon, được tờ báo cho là "Kẻ đại thắng trong cuộc khủng hoảng (Covid-19)".
Theo Les Echos, giá trị của tập đoàn của nhà tỷ phú Jeff Bezos đã tăng khoảng 30% kể từ tháng Giêng, và đã vượt quá 1.200 tỷ đô la. Một trong những hệ quả là Amazon đã được vay tiền với tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Vấn đề là đại dịch vừa qua đồng thời làm trầm trọng thêm các mối căng thẳng xã hội giữa nhân viên và giới lãnh đạo.
Trọng Nghĩa