Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/07/2020

Điểm báo Pháp – Tranh giành mua bán một loại vác-xin chưa có

RFI tiếng Việt

Covid-19 : Vác-xin chưa có đã tranh mua tranh bán

Các tuần báo chính của Pháp ra tuần này tiếp tục xoay quanh đại dịch Covid-19. Các chủ đề chính tập trung vào những biến đổi sâu rộng trong đời sống xã hội trên khắp hành tinh vì trận dịch kéo dài dai dẳng hơn nửa năm qua.

cov0

Covid-19 : Vác-xin, chưa có hàng đã tranh mua, tranh bán.  Reuters - Dado Ruvic

Với tựa lớn trang nhất "Nên chăng ta thay đổi cuộc sống ?", Courrier International đưa độc giả qua các thành phố lớn từ New York, Bruxelles, Paris cho tới Tokyo, nơi có những người dân đang tính đến việc thay đổi căn bản cuộc sống vì khủng hoảng dịch virus corona.

Đợt phong tỏa gần như toàn cầu để chống dịch Covid-19 vừa qua đã để lại những dấu tích trong cuộc sống con người nhất là ở các đô thị.

Chia tay với thành phố

Courrier International lấy lại một loạt các bài phóng sự của những tờ báo lớn của Châu Âu và Mỹ, ghi nhận thực tế mới là ngày càng đông người dân muốn rời các thành phố lớn về sống ở nông thôn hay ra ngoại ô, để được sống rộng rãi trong không khí thoáng đãng hơn. Phương thức làm việc từ xa lên ngôi càng thúc đẩy mạnh biến đổi xã hội này. Với một số khác, đợt phong tỏa vừa qua đã làm thay đổi nhiều cách sinh hoạt, ăn uống, cách suy nghĩ về cuộc sống…

Theo Courrier International, "khó có thể ước tính được số lượng người muốn thay đổi cuộc sống nhưng đó là hiện tượng toàn cầu". 

Chiếc xe đạp muôn năm ! 

Trong khi đó tuần báo L’Obs tập trung vào một thay đổi lớn được ví như là cuộc cách mạng trong cuộc sống của người dân Pháp. Đó là việc sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển đang trở thành trào lưu, cuốn hút đông đảo dân đô thị từ sau đợt phong tỏa. Tờ báo ghi nhận tại các thành phố từ lớn cho đến nhỏ, giờ đây xe đạp đang chiếm dần chỗ của xe hơi. Điều mà trước khi có trận dịch này, rất khó có thể quảng bá cho loại phương tiện đơn giản, thân thiện với môi trường cũng như sức khỏe này. Xe đạp giờ đang trở thành phương tiện vừa thích ứng được các nhu cầu giải trí luyện tập sức khỏe cũng như di chuyển trong công việc. Theo con số thống kê được tờ báo dẫn thì có 65% dân Pháp di chuyển vì công việc hàng ngày trong khoảng cách 5 km, một quãng đường lý tưởng cho việc xử dụng xe đạp hơn là xe hơi về nhiều mặt.

L’Obs dành loạt bài phóng sự dài, gặp gỡ những người trong các lĩnh vực đời sống khác nhau để giải thích vì sao người dân Pháp đang ngày càng đông phát hiện ra tiện ích lớn của chiếc xe đạp. Với xe đạp, người dân sống trong xã hội hiện đại cảm thấy làm chủ được thời gian của mình, được tiếp xúc với môi trường sống và rất nhiều tiện lợi khác trong sinh hoạt hàng ngày người ta có thể khai thác ở phương tiện di chuyển rẻ tiền này.

Trong khi đó chủ đề chính của L’Express là làm sao cứu được ngành văn hóa, niềm kiêu hãnh của nước Pháp, đã bị đại dịch Covid-19 đánh quỵ chỉ trong vài tháng khi mà các nhà hát, các sân khấu kịch nghệ phải đóng cửa, các liên hoan, lễ hội văn hóa đều đã bị hủy bỏ. Theo con số thống kê chính thức, thu nhập trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực văn hóa Pháp đã bị mất 22,3 tỷ euro. Từ nhà hát, rạp phim, bảo tàng đến ngành công nghiệp biểu diễn, đều trong cảnh hoang tàn ảm đạm, chờ đợi Nhà nước cứu vớt.

Covid-19 : Vác-xin, chưa có hàng đã "mua tranh bán cướp"

L’Express chú ý tới vác-xin phòng ngừa virus, liều thuốc của hy vọng đang được cả thế giới mong đợi. Tờ báo đặt câu hỏi : "Có ai lại mua sản phẩm còn chưa có và chẳng ai dám chắc bao giờ thì có hàng ? Chắc chắn chẳng ai làm như vậy, trừ trường hợp đối với vác-xin phòng Covid-19 hiện vẫn còn ở trong giai đoạn nghiên cứu".

Thực tế là đang có rất nhiều quốc gia ký đơn đặt hàng trước với các nhà công nghiệp dược phẩm. Mục đích của họ là để phòng xa khi các nghiên cứu vác-xin cho ra sản phẩm có hiệu quả thì dân của nước họ sẽ được dùng trước.

Tờ báo đưa ra những con số chóng mặt về tiền đặt trước : "Hoa Kỳ đã chi cho các phòng thí nghiệm tới 3,5 tỷ euro. Công ty Novavax được nhận 1,4 tỷ euro với cam kết cung cấp cho thị trường Mỹ, tất nhiên là nếu có được vác-xin. Châu Âu cũng không phải là ngoại lệ. Pháp, Đức, Ý, Hà Lan cũng đã đặt trước tiền với công ty Astra Zeneca để có 300 triệu liều". Công ty này đã nhận của Mỹ 1 tỷ euro với cam kết cung cấp 300 triệu liều. Những thỏa thuận giao kèo như vậy sẽ còn xuất hiện thêm nhiều trong những tuần, những tháng tới, theo L’Express.

Có hiện tượng đó là vì nước nào cũng tính toán được thiệt hại kinh tế do đại dịch sẽ còn lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền bỏ ra đặt cho các nhà công nghiệp dược phẩm. Nhưng việc làm này cũng đặt ra vấn đề. Liệu các nước có chấp nhận mất hết số tiền đặt nếu vác-xin ra đời không có hiệu quả và giá thành sẽ ra sao, dù nhiều phòng thí nghiệm tuyên bố không lấy lãi trên sản phẩm này "trong thời kỳ đại dịch" ? Còn sau đó thì giá sẽ thế nào ?

Chưa có sản phẩm đã tranh mua mà còn cả tranh bán. Trong một bài viết khác, L’Express cho thấy làm thế nào mà vác-xin phòng Covid-19 của Viện Pasteur Pháp thành của Mỹ. Tuần báo cho hay, đến đầu tháng 8 này vác-xin phòng Covid-19 do Viện Pasteur của Pháp nghiên cứu sẽ lần đầu được thử nhiệm lâm sàng trên người. Chưa biết kết quả ra sao nhưng cách đây vài tuần, một trong những công ty bào chế dược phẩm lớn nhất thế giới của Mỹ, Merck-MSD đã mua bản quyền của vác-xin này. Chỉ có Merck mới có năng lực tài chính để tiến hành hoàn chỉnh các thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng và sản xuất hàng triệu triệu liều. Như vậy có nghĩa là, "vác-xin trong tương lai, thành quả nghiên cứu ban đầu của người Pháp giờ thuộc về người Mỹ nắm quyền sản xuất và thương mại và cả lời lãi nếu có".

Các chuyên gia y học và cả các cấp cao của chính quyền Pháp đã phải can thiệp để một phần sản phẩm ra đời phải được dành một phần cho người Pháp, tờ báo cho biết thêm.

Với L’Express [FN1] thì sự việc này là một thí dụ mới về việc Pháp luôn gặp khó khăn trong việc chuyển những phát hiện của các nhà khoa học của mình thành khiệu quả thương mại.

Châu Âu và bài toán khó Trung Quốc

Chuyển qua chủ đề chính trị quốc tế, vẫn trên tuần báo L’Express có bài : "Vấn đề Trung Quốc" đặt ra cho Châu Âu".

Bài báo cho hay, buổi lễ Quốc khánh Pháp 14/7 vừa rồi, trên khán đài có hai quan khách Mỹ kín đáo ngồi dự đó là cố vấn An ninh quốc gia của Nhà Trắng Robert O’Brien và người trợ lý Matt Pottinger. Họ có mặt ở Paris không phải với mục đích chính là xem diễu binh mà chủ yếu đề nghị gặp các đồng cấp Pháp, Đức, Anh và Ý để chỉ bàn về một chủ đề : Trung Quốc. 

Tuần báo Pháp cho biết Mattinger từng là thông tín viên của nhật báo Mỹ Wall Street Journal tại Bắc Kinh cho tới sau khi xảy ra sự kiện khủng bố 11/09/2001 mới từ chức, rồi sau đó gia nhập lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ tại Afghanistan. Giờ đây ông là một trong những người kiến tạo chủ chốt trong chiến lược chống Trung Quốc của Washington.

Người Mỹ hiện không khó gì tìm được lập luận chống Bắc Kinh : Từ hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Biển Đông, xử lý đại dịch virus corona cho đến luật an ninh quốc gia với Hồng Kông. L’Express nhận định, "chính quyền Trump đã chọn cách "kiềm chế" và "tách cặp", tức là phong tỏa Trung Quốc trên mọi lĩnh vực, kinh tế, công nghệ, chính trị". Người Mỹ đang thúc đẩy các đồng minh ở Châu Âu, Châu Á -Thái Bình Dương theo họ và nhằm cô lập Trung Quốc.

Theo tác giả bài viết, đúng là Châu Âu cũng ý thức được mối đe doa từ chế độ Bắc Kinh nhưng cũng không muốn mù quáng chạy theo một chính quyền Mỹ coi Liên Âu không còn là bạn, một chính quyền đang phá hỏng các công trình đa phương như rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, thỏa thuận hạt nhân Iran hay Tổ chức Y tế Thế giới… 

Châu Âu đang rơi vào thế khó : Làm sao chọn được đường đi của riêng mình mà vẫn không làm phương Tây bị chia rẽ, điều chỉ có lợi cho Bắc Kinh ? Làm sao bảo vệ lợi ích của mình mà vẫn không thờ ơ với số phận người Duy Ngô Nhĩ hay Hồng Kông ? Và cuối cùng là làm sao xác quyết toàn vẹn chủ quyền Châu Âu một cách hài hòa ? Thế nhưng cuộc họp tại Paris ngày 14/07 nói trên cho thấy "vấn đề Trung Quốc" đã trở thành trọng tâm dù Châu Âu có muốn hay không, bài viết kết luận.

Đổ xô đến Sao Hỏa 

Phần cuối mục điểm báo dành cho thông tin khoa học. L’Obs trong bài "mục tiêu Sao Hỏa" cố gắng giải mã các chương trình đi tới Sao Hỏa đang diễn ra tấp nập chưa từng thấy trong tháng này.

Ba chuyến thám hiểm quốc tế tới hành tinh đỏ đã diễn ra trong ít ngày vừa rồi. Trong đó tham vọng lớn nhất là dự án của Cơ quan Không gian Mỹ Nasa, hứa hẹn năm 2031 sẽ mang về trái đất những mẫu sự sống trên Sao Hỏa, tất nhiên là nếu tìm thấy. Tất cả các chuyến bay vừa khởi hành mới chỉ ở đoạn đầu của một hành trình dài nhiều tháng.

Ngoài dự án của Châu Âu ExoMars đã bị hoãn lại đến năm 2022, trong tháng 7 này có ba chuyến bay không người lái cùng điểm đến là Sao Hỏa. Trước tiên đó là dự án Hope do Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất chi tiền, đã được phóng ngày 20/07. Tiếp đó đến dự án Trung Quốc và ngày 30 tháng 7 tới đến lượt dự án của Nasa mang tên Sao Hỏa 2020. Trong các chương trình nói trên, dự án của Mỹ được coi có tham vọng hơn cả, không chỉ hy vọng tìm ra và mang về các mẫu sự sống trên Sao Hỏa mà còn tình chuyện thương mại hóa các chuyến bay đến hành tinh đỏ.

Anh Vũ


 [FN1]

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)