Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/04/2017

Thép : Hoa Kỳ và Việt Nam hai cách nhìn khác biệt

Tổng hợp

Donald Trump ra lệnh mở điều tra về thép nhập khẩu (RFI, 21/04/2017)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/04/2017 loan báo mở điều tra xem thép nhập khẩu có là mối đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ hay không. Động thái này cho thấy khả năng Mỹ sẽ tăng thuế hải quan, khiến cổ phiếu các công ty luyện kim tăng lên ở Wall Street.

thep1

Một xưởng sản xuất thép của China Steel Corporation, thành phố Cao Hùng, phía nam Đài Loan. REUTERS/Tyrone Siu/File Photo

Tổng thống Mỹ tuyên bố : "Đây không chỉ là vấn đề giá cả hay việc làm, mà còn là an ninh quốc gia, vốn chưa bao giờ được nói đến. Thép rất quan trọng cho nền kinh tế và quân đội của chúng ta, đó là một lãnh vực mà ta không được để lệ thuộc vào các nước khác".

Ông Trump đã ký một văn bản yêu cầu bộ Thương Mại nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra trong khuôn khổ điều 232 Luật Thương mại. Đây là một tiến trình hiếm khi được sử dụng đến, nêu ra lý do quốc phòng để hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Điều khoản này từng được vận dụng trong thập niên 70 trong cuộc khủng hoảng dầu lửa, và năm 2001 về mặt hàng thép. Bộ Thương Mại có 270 ngày để xem xét tình hình và đưa ra kết luận, sau khi thông báo cho bộ Quốc Phòng.

Đưa ra ví dụ về nhu cầu các sản phẩm bọc thép, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói rằng đây là sự đáp trả trước thép Trung Quốc, hiện đang chiếm 26% thị trường Mỹ. Số lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng lên "mặc dù Bắc Kinh thường xuyên đảm bảo rằng sẽ giảm sản lượng", theo ông Ross.

Chỉ số S&P 1500 trong ngành luyện kim sau đó đã tăng 5,22% trên thị trường chứng khoán Wall Street. Về phía Hàn Quốc hôm nay cho biết đang nghiên cứu các biện pháp đối phó, kể cả việc kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).

Trump chỉ trích Iran về hồ sơ nguyên tử

Về hồ sơ Iran, ông Donald Trump cho rằng Teheran không tôn trọng tinh thần của hiệp định nguyên tử được ký kết năm 2015, mà nhờ đó quốc tế đã giảm nhẹ cấm vận đối với nước này. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng hiệp định "lẽ ra không nên được thương lượng với cách thức như đã tiến hành".

Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay gặp gỡ các lãnh đạo Israel để thảo luận về Iran và Syria. Israel trước đó đã lên tiếng cảnh báo về sự hiện diện của quân Hezbollah Lebanon tại Syria, với sự yểm trợ của Teheran. Bộ trưởng Tình Báo Israel gần đây tố cáo Iran muốn thiết lập một trục nối liền lãnh thổ nước này với Lebanon, Iraq và Syria, gây phương hại cho an ninh của Israel.

Thụy My

*******************

Việt Nam là cường quốc thép phế liệu : Không thể khác ? (Đất Việt, 21/04/2017)

Hầu hết các nhà máy luyện thép tại Việt Nam đều sử dụng công nghệ này. Vì vậy, nguyên liệu đầu vào chỉ có thể là thép phế liệu.

Giáo sư Tiến sĩ Phạm Phố - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho rằng, các nhà máy buộc phải nhập thép phế liệu để sản xuất vì đây là nguồn nguyên liệu duy nhất cho công nghệ lò điện hồ quang.

thep2

Nhiều cảnh báo ô nhiễm từ nguồn sắt thép phế liệu.

Cá biệt, cũng có một số nhà máy được đầu tư công nghệ lò cao dùng để luyện thép từ phôi nhưng khi đi vào sản xuất lại không thực hiện được. Điển hình là nhà máy Gang thép Thái Nguyên.

Vị Giáo sư Phạm Phố chỉ thẳng Gang thép Thái Nguyên nói là đầu tư công nghệ cao nhưng lại chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, quá cũ kỹ của Trung Quốc. Vì vậy, khi đi vào sản xuất đã không thể thực hiện được.

Vị Giáo sư cho biết, Việt Nam cần phải định hướng lại đường đi cho ngành thép trong nước. Hiện các nước trên thế giới không luyện thép xây dựng bằng lò điện quang. Đây là phương pháp sản xuất thép chỉ để phục vụ cho ngành cơ khí, chế tạo. Tuy nhiên, Việt Nam đã lạm dụng phương pháp trên để phục vụ sản xuất thép xây dựng. Ban đầu nhiều nhà máy nghĩ rằng sản xuất bằng phương pháp này có thể giúp nhà máy tiết kiệm được chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

Nhưng đây là tư duy ngược. Trên thực tế, thép phế liệu có chất lượng tốt thường có giá cao, doanh nghiệp Việt cũng khó tiếp cận được. Ngược lại, nếu sử dụng thép phế liệu chất lượng thấp, có giá thành rẻ hơn việc xử lý cũng phức tạp hơn, hàm lượng thép tinh luyện cũng thấp hơn. Nếu tính toán khoa học, cách thức trên chưa chắc đã giúp doanh nghiệp có lợi.

Hiện nay, ngoài một số doanh nghiệp tư nhân vẫn có những doanh nghiệp nhà nước dù được đầu tư công nghệ lò cao nhưng vẫn lựa chọn phương pháp trên. Vị chuyên gia nói thẳng là vì lợi ích nhóm.

"Các doanh nghiệp đã lợi dụng cách thức sản xuất trên để móc nối với các nhà cung cấp nước ngoài để nhập rác thải công nghiệp của các nước về Việt Nam.

Tôi lấy ví dụ như chiếc ụ nổi, nếu ở nước ngoài giá rẻ bằng cho hay nhiều loại rác thải công nghệ độc hại, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao họ còn phải trả thêm tiền để được mang đi.

Trong khi đó, Việt Nam lại mua về với giá cao ngất ngưởng. Ở đây chính là lợi ích nhóm. Doanh nghiệp muốn lợi dụng cơ hội này để kiếm lợi bất chấp độc hại môi trường".

Giáo sư Phạm Phố cảnh báo, Điều này rất tai hại vì chôn xuống đất thì cũng gây ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm. Thực sự việc nhập sắt thép phế liệu chỉ mang lại lợi nhuận cho một nhóm người khi kinh doanh lại sắt thép, thiết bị cũ, tuy nhiên hậu quả mà xã hội phải gánh là rất nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp khi được phép họ chỉ vì mục tiêu lấy sắt, máy móc cũ còn không quan tâm đến điều gì.

"Vì lợi ích cá nhân mà họ sẵn sàng cấu kết với nhau, gây lên những mối nguy hại về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người thì nhà nước và người dân vẫn đang phải gánh chịu", vị Giáo sư bức xúc.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Quang Bình - ĐH kinh tế Đà Nẵng cũng cho rằng, nếu nhìn nhận trên phương diện kinh tế việc nhập thép phế liệu về sản xuất là vì doanh nghiệp ham giá rẻ, chi phí thấp, dễ luyện.

Tuy nhiên, ẩn sâu đằng sau nguyên nhân vì sao doanh nghiệp thích nhập sắt thép phế liệu để luyện thì lại là câu chuyện khác.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Quang Bình cho hay, những vấn đề phát sinh ô nhiễm môi trường, nhỏ nhất là gỉ sắt và lớn hơn là sơn, hóa chất độc hại. Do vậy để xử lý được các chất độc hại để không gây ô nhiễm môi trường phải tốn kém rất nhiều chi phí. 

"Các nước trên thế giới không hề thiết tha với cách sản xuất thép từ thép phế liệu do lo ngại chi phí xử lý môi trường còn lớn hơn lợi nhuận thu về.

Tuy nhiên, tại Việt Nam vấn đề quản lý môi trường còn nhiều lỗ hổng, do đó, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng lỗ hổng trên sẵn sàng bán môi trường để kiếm lợi", ông Bình nói. 

Vị chuyên gia cũng lưu ý, con số thống kê về lượng sắt thép tăng đột biến cần phải được nhìn nhận và phân tích kỹ. Quan trọng hơn cả là phân loại cho được sắt thép đang nhập về Việt Nam là loại sắt thép phế liệu gì từ đó tìm ra giải pháp cho môi trường cũng như đảm bảo an toan cho đời sống người dân.

Hoài An

Quay lại trang chủ
Read 810 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)